TẠ QUANG SUM
Lần lửa hơn 30 năm tôi mới về lại thăm Thầy. Ngôi nhà số 51 Hồng Bàng vẫn “ Trầm mặc cây rừng ” như ngày xưa lũ học trò chúng tôi có dịp ngang qua. Cầu thang dẫn lên căn gác nhỏ yếu ớt rung lên dưới chân mình, hay….mình run! Tôi chẳng thể nào phân định được, trong phút giây bồi hồi xao xuyến ấy.
- Thưa Thầy, con xin vào thăm Thầy!
- Ai vậy ? Vào đi em, ngồi chờ qua một chút, dán mãi mấy trang giấy mà chưa vừa ý …
Trước mặt tôi: Thầy giáo cũ – Nhà văn – Cụ Võ Hồng…Vẫn nguyên vẹn, sừng sững như cội mai già, vẫn vươn cành phát lộc trong nắng ấm cuối xuân. Tóc bạc như cước, vẫn dáng người cao cao nhanh nhẹn và giọng nói sôi nổi, đưa tôi về với bao kỷ niệm êm đềm của năm tháng xa xưa được làm học trò của Thầy.
- Nào ! ta nói chuyện. Em ở đâu? Học với qua bao giờ? Ngồi xuống đi em!
- Thưa Thầy ngày trước con học Võ Tánh, khoảng cuối hững năm sáu mươi con có theo học lớp tiếng Nhật của Thầy dạy trên chùa Hải Đức.
- À ! lâu quá rồi, nhớ không hết, nhưng mà thấy quen. Bây giờ em làm gì? Trước đây có dính lính tráng gì không?
- Thưa Thầy con đậu Tú tài toàn phần năm bảy mốt, ra Huế học mãi tới bảy sáu mới ra trường, bảy bảy được bổ nhiệm đi dạy học từ đó tới nay.
- Ồ hay quá, bắt tay một cái, qua mừng cho em. Học trò cũ tới thăm, đứa nào qua cũng băn khoăn chuyện đó, sợ nó dở dang thân phận, nó buồn tội nghiệp. Qua như người để những ai đau khổ cùng cực thì tới đây đặt bàn tay lên cánh tay qua mà mến thương, mà an ủi…Còn vợ con em ra sao rồi?
- Thưa Thầy vợ con cũng đi dạy học. Các cháu trai và gái đã lớn đều đã có gia đình.
- Ồ ! quý quá, bắt tay cái nữa. Vợ là giáo viên à? Hạnh phúc quá. Trai có – gái có, “ Moi” mừng cho “Toi”.
Thầy bỗng đứng dậy đi vào phòng, cầm theo ra bìa lịch cũ có dán tờ giấy trắng, lục trong rỗ nhỏ tìm cây bút bi.
- Em qúy danh chi? Qua ghi vô đây cho nhớ, già rồi lúc nhớ lúc quên. À ! mà em ngồi đây, qua đi lấy cái gì uống chớ!
Phòng ở của Thầy bộn bề sách vở, tập giấy và nhiều trang báo cắt ra. Cái bàn vuông và hai chiếc ghế mây ngòai thềm, có lẽ là nơi sang trọng nhất để Thầy thù tiếp mặc khách – tao nhân!
- Thưa Thầy, hiện thời Thầy sinh hoạt thế nào? Có ai giúp đỡ Thầy không?
Lúc còn học với Thầy, chúng tôi thường nghe kể với nhau về Cô: Một cô giáo trẻ đẹp dạy Anh văn người Đà Lạt, đã sinh cho Thầy ba người con, rồi vĩnh biệt cõi đời khi Thầy chưa qua tuổi bốn mươi. “ Trung niên táng thê, thậm chi bất hạnh”. Thầy đã ở vậy nuôi con khôn lớn thành người.
Một số tác phẩm nổi tiếng của Nhà văn Võ Hồng |
Dõi mắt nhìn về xa xăm, chốn ấy có nỗi cô đơn tận cùng của một nhà văn cô đơn, Thầy chợt quay lại mĩm cười đôn hậu:
- À, có đứa cháu, gọi hai vợ chồng nó về đây ở chung. Cũng nhờ được bữa cơm bữa cháo, cái áo cái quần. Mà qua có ăn uống bao nhiêu đâu! Lâu lâu có bạn bè, học trò, khách xa tới thăm thì mua bánh mì với chả lụa về ăn quấy quá xong bữa để còn nói chuyện chớ!
- Việc viết văn của Thầy thì sao ạ!
- Vẫn vậy thôi em, cái nghiệp của qua mà. Viết là cách thế làm đẹp cuộc đời, làm đẹp xã hội. Qua gắng viết những trang hồi ức coi như trả hiếu cho tổ tiên, cho quê hương đã nuôi lớn đùm bọc mình. Qua cũng thích viết cho trẻ em, thế giới trường học…Em đọc “Thương mái trường xưa” của qua chưa? Nhà xuất bản Kim Đồng in 30.750 quyển đó.
- Dạ thưa con đọc rồi, con tưởng như mình có lần là nhân vật trong truyện.
Thật vậy, Thầy viết để quên đi nỗi cô đơn. Hơn thế giọng văn của Thầy luôn đọng lại trong người đọc một nỗi buồn thật dịu một vị mặn mà thấm ngọt dần, trao truyền sự chịu đựng thật khiêm cung nhẫn nại, một lòng thương mến quê hương và những con người nghèo khổ thật thà chất phác, vẫn cong ngón ta mình để giữ lấy quê hương…
Ngân Sơn, An thạch, Tuy An trong Phú Yên văn chương của Thầy Võ Hồng cũng nhỏ bé, cực nghèo và bình dị lắm. Sao gợi lên nỗi nhớ cồn cào mỗi làng quê của mỗi riêng người đọc ! Sao mà bàng bạc tận cùng trong tôi ký ức những lần về thăm quê ngoại thơ bé ngày xưa !!!
Chuyện hiếu thảo cũng vậy, Võ Hồng không viết điều gì to lớn quá thể. “Một bông hồng cho cha” nhẹ như nụ hôn phớt cha âu yếm đặt lên trán con đang ngủ say. Nhưng làm ta ray rức nhớ người cha đã khuất xa bên kia cõi đời, nỗi ân hận có lần làm cha buồn, có lần vì việc riêng không kịp hầu hạ cha…Càng làm đau thương đến ngọt ngào hơn thân phận mồ côi của mình. “ Lời sám hối của cha: Sẵn cái nịt trên tay cha vụt con một cái. Rồi cha vội vàng dừng lại, nhìn con mở to mắt, mặt nhăn đau đớn…Con ơi, hình ảnh đó cứ theo cha mãi, ám ảnh cha suốt hơn ba mươi năm nay. Có thể là con đã quên, chắc chắn là con không giận, nhưng mà cha thì cứ nhớ…”.
Mỗi lần khép tập sách lại, tôi không khỏi rưng rưng nhớ đứa con đầu lòng đi xa nay đã mười hai năm !!! Xin cảm ơn Thầy, đã viết hộ con: Nỗi đau của người con mất cha, nỗi đau của người bố mất con. Nỗi đau cùng cực ấy, trước đây con chỉ thể tỏ bày bằng nước mắt, cảm nhận nó từ uất nghẹn thân phận con người…
- Em biết Thông Thắng không?
- Dạ!
- Trụ trì chùa sư nữ Linh Sơn – Cầu Đá đó
- Dạ!
- Mấy năm cuối 80, qua có đề nghị với ni cô cho cha xía vô một chút. Mẹ đã là hoa thì cho cha được làm cái dãi nơ thắt. Cha còn thì nơ xanh – cha mất thì dãi nơ trắng.
- Dạ!
- Biết sao không ! Sau đó qua nghe Thông Thắng kể lại : “ Chùa em đã thực hiện lời Thầy, hôm lễ Vu Lan em mời phật tử đứng thành bốn dãy ở lễ đường. Dãy còn đủ cha mẹ song toàn thì hoa hồng nơ xanh – Dãy mẹ còn cha mất thì hoa hồng nơ trắng – dãy mẹ mất cha còn thì hoa trắng nơ xanh – dãy cha mẹ đều mất thì hoa trắng nơ trắng. Hôm đó có một em bé cỡ chín tuổi cài hoa trắng nơ trắng, nhìn dãy hoa hồng nơ xanh đứng đông còn có người lớn tuổi, em tủi thân òa khóc, cả lễ đường cũng sụt sùi khóc theo.
Dạ, thưa Thầy bây giờ con mới hiểu: Những nghi thức của thế gian mang đậm dấu ấn nhân văn, dù có tô thêm nỗi đau – bất hạnh của con người. Thì chính nó lại là một lớp vaseline mỏng, góp phần làm dịu vết thương mà mỗi con người trên thế gian với tấm thân “ Tứ đại – Ngũ uẩn” này, ai mà sẽ không mang đầy vế thương trên thân thể mình?
- Em dạy môn gì?
- Thưa Thầy con dạy Vật lý.
- Tốt, “moi” thích những con người “Tự nhiên” đi lạc vào văn chương. Ở họ không có cái ngớ ngẩn của kẻ ngoại đạo. Lại không tự mãn của người trong cuộc đôi khi sáo rổng quy luật. Trái lại, họ thật thà đam mê không cuồng si.
- Em có khi nào dừng lại một chút trong tiết dạy để cho học trò thư giản tập làm thơ không? Dễ lắm em a! Qua tập cho mấy đứa nhỏ làm được hết. Có hai cô gái một Pháp – một Ý ở Paris qua Việt Nam làm luận án tiến sĩ văn chương tới đây tìm qua, qua bày cho làm được.
Này, thể tứ tuyệt luật bằng vần bằng nhé!
b B t T T b B
t T b B t T B
t T b B b T T
b B t T T b B
Ghép vô nè : Cam Chanh Khế Mướp Bí Dưa Bầu
Bưỡi Nhản Dừa Xoài Lựu Mãng Cầu
Ớt Táo Bòn Bon Sim Táo Thị
Thanh Long Ổi Mận Chuối Lê Dâu
Này, thể tứ tuyệt luật bằng vần bằng nhé !
b B t T b B
b B t T t B t B
b b t T b B
b B t T b B t B
Ghép vô nè : Dê Chồn Rận Rệp Ruồi Trâu
Thằn lằn Bọ Hóng Hải Âu Chó Gà
Chào Mào Rắn Chuột Kỳ Đà
Công Cò Thỏ Vịt Thiên Nga Cáo Cào
Em thấy dễ chưa?
- Dạ, nảy giờ con mới học được cách làm thơ theo Thầy.
Ôi ! Những điều sơ đẳng mộc mạc mà rất sư phạm ấy, sao ít người nghĩ được ra nhỉ ! cái dễ dạy vẫn dễ học đấy chứ ! Cứ gì phải rất cao xa!
- Thưa Thầy, bạn văn có thường đến thăm Thầy?
- Thường xuyên, vui lắm thân tình lắm: Các ông hoàng Như Mai – Huỳnh Việt Phương – Trần Hữu Tá – Trần Việt Phương – Cao Duy Thảo – Nguyễn Thụy Kha…mấy cô cậu học trò mới làm luận văn Thạc sĩ – Tiến sĩ, mấy học trò cũ…vui lắm, dễ thương lắm.
- Thưa Thầy, lâu nay các anh chị có về thăm?
- Có đó, mới về đó.
- Thưa Thầy các anh chị có mời thầy qua du lịch thăm chơi?
- Mời hoài, mà đi sao được em ! Có trường ở Pháp mời cũng không sao đi được. Qua già rồi, năm nay Nhâm Tuất – tám mươi ba,, sống rày – chết mai. Còn biết bao nợ nần với quê hương – với bao người – với các em. Có kịp viết để mà trả không đây ! Sao mà đi được em!
Thưa Thầy, con xin lỗi Thầy, con vụng về cứ quen với nếp nghĩ thường tình. Một phút xôn xao trí tuệ đời thường làm con chợt vắng Thầy, xa đi vóc dáng cao lớn và tâm hồn bao dung nhân hậu của Thầy trong : HOÀI CỐ NHÂN – HOA BƯƠM BƯỚM – NHƯ CÁNH CHIM BAY – ÁO EM CÀI HOA TRẮNG – MÁI CHÙA XƯA – THIÊN ĐƯỜNG Ở TRÊN CAO…. Mong Thầy hiểu cho con. Con vẫn nhỏ bé như ngày xưa ngồi dưới bàn khoanh tay nghe Thầy giảng bài.
- Thưa Thầy con về thăm Thầy, thấy Thầy còn khỏe con mừng. Cầu ơn trên gia hộ Thầy còn sống với chúng con mươi năm nữa !!!
- Cảm ơn em, qua cũng mong vậy. Chỉ sợ trời không chìu lòng, kêu đi bất thình lình thì tiếc lắm chớ em! Còn quá nhiều chuyện chưa làm hết, chưa viết xong mà.
- À ! mà em về đâu?
- Thưa Thầy con về Cam Ranh.
- Ủa ! Cam Ranh hả? Năm bảy bai có người bạn đưa qua vô thăm chơi chỗ cái hồ gì gần cái nhà làm cho ông Tổng Thống Mỹ hồi đó ghé một chút đó! Trở về qua viết Thiên Đường ở trên cao đó em. Năm bảy tư kiểm duyệt rồi, chưa kịp in thì bảy lăm giải phóng, thời cuộc chuyển biến phải gác lại. Long đong mãi tới tám lăm, sở TTVH Nghĩa Bình mới in 20.000 bản, qua cũng thỏa lòng.
- Thôi em về, khi nào không bận bịu ghé qua chơi.
- Dạ con sẽ thường xuyên về thăm Thầy.
Thầy đưa tôi xuống cầu thang gác, nắm tay người học trò năm xưa bây giờ tóc cũng đã muối tiêu. Thầy cao hơn tôi – Thầy lớn hơn tôi, tôi vẫn nhỏ bé đi bên Thầy.
- Xin Thầy vô nhà kẻo nắng, con về.
- Ừ, em về, qua đứng nắng một chút tiễn em, qua gửi lời thăm vợ con em, có dịp đưa má nó và sắp nhỏ ra chơi cho Thầy biết nghen.
- Dạ
- Ủa ! Ai đây nữa, sao nãy giờ không vô?
- Thưa Thầy em này năm tám mốt là học trò của con, bây giờ làm nhân viên trường con.
- Vậy hả ! thầy trò làm việc với nhau hay quá, bắt tay cái đi.
Thầy giới thiệu với em, đây là Thầy giáo cũ của thầy – Nhà văn VÕ HỒNG
- Úy, trời đất!.....
Kính viếng hương hồn Thầy
T.Q.S
Tp Cam Ranh
4/2013