Sông Hương đã có cuộc trò chuyện với nhà thơ trẻ Nguyễn Phước Hải Trung - người đảm nhận tuyển chọn phần thơ ca Hán Nôm giai đoạn từ 1354 đến đầu Thế kỷ 20. Trung nói: Cuốn sách này được dự định thực hiện cách đây 5 năm. Lần đầu, Hội có đề ra một ban rất lớn, nhiều người tham gia. Ai có thế mạnh nào thì phụ trách mảng ấy. Nhưng rồi, kinh phí thực hiện không có, do vậy, rất khó có thể mời nhiều người cùng tham gia. Những người thực hiện ban đầu (sau này gọi là Ban biên soạn) xác định rằng, dùng sự say mê, sự tâm huyết để “bù đắp” cho sự khó khăn về kinh phí vậy. Ý đồ ban đầu của chúng tôi là làm theo kiểu phân đoạn, phân kỳ lịch sử, kể cả trong văn học cổ. Nhưng sau thấy khó quá bởi vì thực tế không diễn ra như thế và chúng ta không thể đem những nhát cắt có tính phân kỳ áp vào một diễn trình văn học bởi lẽ có những tác giả không nằm trong phân kỳ (có tác giả cổ văn xuất hiện từ thời các chúa rồi trải qua các triều vua Nguyễn; có tác giả hiện đại xuất hiện từ thời 1930-1954, rồi tiếp tục đến 1954-1975, vắt sang đến giai đoạn hiện nay)...Thực tế này chỉ cho phép “phân kỳ” tác phẩm chứ không thể “phân kỳ” tác giả. Ở đây sách được thực hiện trên cơ sở lấy tác giả làm mục (mỗi tác giả được xem là một #mục từ# theo phương pháp của ngành từ điển, xếp theo thứ tự ABC)... Do vậy, chúng tôi nhận thấy chỉ cần kết cấu sách theo hai nhóm. Đó là thơ Hán Nôm và thơ Quốc ngữ. Nhưng 1, 2 năm đã trôi qua và quá trình ấy đã không trở thành hiện thực. Mãi đến đầu năm 2005, khi Hội liên hiệp các hội VHNT VN cấp kinh phí để đầu tư sáng tác thì Hội ở đây mới có chủ trương phân bổ một ít (tôi nhấn mạnh) để thực hiện và tuyển tập mới có cơ hội khởi động. Từ cơ sở ấy, chúng tôi mới quyết tâm để làm một cái gì đấy và sự quyết tâm ấy sẽ có những giới hạn nhất định về kết quả.
700 năm (xác định của thơ Huế), mốc thời gian này liên quan gì đến mốc kỷ niệm 700 Thuận Hóa- Phú Xuân- Thừa Thiên Huế? Về tên gọi của thi tuyển: chúng tôi xác định dấu mốc 700 năm ở đây chỉ có tính ước lệ, gắn với một sự kiện lịch sử rất quan trọng, sự kiện có tính tiền đề cho chiều dày văn hóa Huế. Cách đây 700 năm, vào năm 1306, vua Trần Nhân Tông gả công chúa Huyền Trân cho vua Champa, bờ cõi Đại Việt được mở rộng. Hai châu Ô, Lý được vua Chế Mân cắt để làm sính lễ dâng vua Đại Việt. Sau đó, hai châu này được đổi thành châu Thuận và châu Hóa. Thuận Hóa được hình thành từ cơ sở đó. Trong lịch sử, những bài thơ chữ Hán viết về vùng đất này sớm nhất có thể kể đến như Hóa Châu tác (Làm ở Hóa Châu) vào khoảng năm 1354 của Trương Hán Siêu (?-1354); Hóa Thành thần chung (Chuông sớm ở Hóa Thành) của Nguyễn Phi Khanh (1355-1428); Tư Dung hải môn lữ thứ (Nghỉ chân ở cửa biển Tư Dung) của Lê Tư Thành (vua Lê Thánh Tông 1442 - 1497)... Cơ sở về biên độ thời gian trên đã cho phép nhóm thực hiện nghĩ đến mốc 700 năm cho công trình thơ này.
Phần việc của Trung trong tuyển tập này? Công việc suôn sẻ chứ? Đó là phần thơ ca Hán Nôm từ 1354 đến đầu thế kỷ XX và tôi cũng chưa hài lòng một cách tối đa với những gì mình làm. Ví dụ như tôi biết chắc chắn rằng, có khoảng gần 20 tác giả hoàng tộc có tác phẩm mà tôi không làm được vì không có điều kiện. Ví dụ như các tác giả hoang tộc... là rất khó để liên hệ với gia đình (hoặc Viện Hán Nôm Hà Nội) để xin tác phẩm là khó vì tác phẩm của họ chưa được biên dịch và chúng ta phải tiếp xúc với nó ở dạng bản gốc và phải có một số kinh phí nào đó để photocopy ra, trên cơ sở đó ngồi dịch và viết lại toàn bộ tiểu sử của họ, vì họ chưa trở thành nhân vật lịch sử, chưa trở thành những tác giả gắn kết trong một diễn trình trong lịch sử văn học hay có tên trong các từ điển, hay hợp tuyển văn học. Họ có tên tuổi nhưng họ chưa được đánh giá một cách công bằng trong lịch sử văn học Việt
.
Trung đã có bao nhiêu thời gian để thực hiện việc tuyển chọn này? Đây là điều rất có xác định bởi vì từ khi bắt đầu được giao công việc đến khi kết thúc, tôi có trên 1 năm. Nhưng thực ra không phải trên 1 năm vì tôi phải tận dụng tất cả những khoảng thời gian rảnh rỗi mình có để thực hiện. Đối với Hội, đây là việc chung nhưng đối với cá nhân tôi - là cán bộ của một đơn vị khác lại là việc riêng. Nhiều người trong nhóm biên soạn cũng ở tình trạng tương tự.
Ở đây có điều gì bất ổn. Với một biên độ thời gian được xác định cho tập thơ là 700 năm nhưng với cơ chế việc riêng, việc chung như bạn vừa nói và kinh phí cũng hết sức eo hẹp mà tôi được biết thì có thể mong đợi gì ở tập thơ này? Mong đợi lớn nhất là sự công tâm của mỗi người thực hiện trong những điều kiện như thế, kinh phí như thế.
Trong cả tập thơ, liệu có tính ngẫu hứng trong tuyển chọn không nhỉ? Tôi là không, nhưng không phải là “cái không” tuyệt đối và nếu có, chỉ là những cá biệt nhỏ. Tiêu chí ban đầu như chúng tôi đề ra là thì đây là một quyển sách tuyển chọn có tính hàn lâm. Sau một thời gian, chúng tôi đã trao đổi lại và chấp nhận giải pháp mở có tính “mặt trận”. Một số người là hội viên và thơ họ không đạt đến trình độ hàn lâm theo kiểu lý luận của văn học nhưng chúng tôi cũng phải chấp nhận ở một giới hạn nào đó để có tính tổng thể, có một bộ mặt tổng quan về nền văn học TT-Huế trong diễn trình 700 năm. Và vì thế, có tác giả, chúng tôi vẫn châm chước để đưa vào một bài. Dù sao đi nữa, thi quan niệm về thơ ca là một quan niệm “khá mở”, rất khó để gượng ép vào một tiêu chí của “một sự hay” nào đấy, dù tiêu chí ấy là hàn lâm đi nữa...
Hàn lâm và tính mặt trận là hai tính chất hoàn toàn khác nhau. Vậy tập thơ này sẽ được giới thiệu là 700 năm thơ Huế hay chỉ là một diễn trình thơ Huế? Nếu không xác định rõ là phải đạt đến tính hàn lâm, tập thơ sẽ kém chất lượng. Và nếu không thuận theo diễn trình, tập thơ không đầy đủ. Nếu chúng ta chấp nhận giải pháp chỉ là hàn lâm thôi sẽ không thấy được sự đa dạng của một nền thơ ca. Những tác giả được châm chước chỉ là thiểu số. Nhìn vào tổng thể của tập thơ, người ta sẽ thấy có sự đánh giá khách quan và công bằng.
Trong phần thơ mà Trung đảm nhận, sẽ có những tác giả lần đầu xuất hiện và đã được chú giải khá kỹ. Khi làm những điều này, Trung đã căn cứ vào những cứ liệu lịch sử nào? Có những tác giả đúng là lần đầu tiên xuất hiện. Đây là những tác giả mà ngày nay người ta ít nhắc đến, nhưng trong sử sách ngày xưa người ta đề cập như một điển hình. Ví như Lê Viết Trinh, Nguyễn Đăng Thịnh chẳng hạn. Hầu như không có một tác phẩm văn học sử nào của giai đoạn sau viết đến các tác giả này nhưng nhà bác học Lê Quý Đôn trong Phủ biên tạp lục đã xếp họ vào mục nhân tài thơ văn của vùng Thuận Hoá ngày xưa. Điều ấy hẳn phải có những lý do khách quan của nó, người như Lê Quý Đôn chả lẽ nhầm lẫn? Để thực hiện tập thơ này, chúng tôi đã phải thống kê một list danh mục các tác giả, nhân vật lịch sử ở TT-Huế. Sau đó, lục tất cả các tuyển tập của các thời kỳ văn học cổ để xem xem những tác giả nào không liên quan đến văn học gắn với Huế nhưng có viết về TTHuế và trên cơ sở ấy, chúng tôi đưa ra được một list về tác giả...Về tiêu chí lựa chọn tác giả: những tác giả có mặt trong thi tuyển này được lựa chọn ở 3 tiêu chí: thứ nhất, tác giả là người Thừa Thiên Huế; thứ hai, tác giả là người sinh sống, làm việc ở Thừa Thiên Huế, có sự gắn bó sâu đậm với mảnh đất này; thứ ba, tác giả là người có làm thơ về Huế. Tất nhiên, đối với cả ba tiêu chí này, thì chất lượng tác phẩm phải là hàng đầu. Có cảm giác là, trong quá trình làm việc của mình ở TTBTDTCD Huế, Trung đã “gặp” các tác giả đó, đã nhận ra họ và đây có thể là một cơ hội để Trung giới thiệu họ với công chúng đương đại...? Tác giả thì không chỉ tôi nhận ra mà nhiều người nhận ra. Nhưng quan điểm của tôi là cố gắng đưa một bài hay hơn, lạ hơn so với trước đây...
Ví dụ? Ví dụ như vua Tự Đức, tôi không đưa một bài nào trong Việt sử tổng vịnh mặc dù đây là một tác phẩm lớn của ông mà tôi đưa bài Mạn ca - một bài thơ của ông nhưng rất ít người biết đến. Hoặc một số bài vẫn đang được nhiều người tranh luận, như bài Khóc Bằng Phi mà nhà nghiên cứu Phan Thuận An và nhiều người khác cho rằng không phải của vua Tự Đức nhưng tôi vẫn bảo lưu quan điểm vì theo tôi, dân gian có một đời sống thẩm mỹ riêng của nó. Tại sao người ta lại không gán cho ai khác mà lại gán cho vua Tự Đức? Phải có lý do của nó, nhất là lý do vua Tự Đức là một trường hợp đặc biệt, chỉ có Tự Đức mới “dũng cảm” khi viết Khiêm Cung Ký để “kể tội”, kể ra những khuyết điểm của mình trước lịch sử. Một quan chức nhỏ xưa và nay, thử hỏi mấy ai “tự kiểm điểm” mình một cách công khai, không một động lực nào ép buộc như thế, huống gì đây là vua, người đứng đầu đất nước? Trong tuyển tập, tôi không viết thẳng ra một bài tranh luận mà chỉ có một chú thích “Khóc Bằng Phi - có nhiều người cho rằng, đây không phải là thơ của vua Tự Đức nhưng chỉ là phán đoán, chưa nêu được cứ liệu lịch sử nên chúng tôi xin bảo lưu để giới thiệu một tác phẩm độc đáo trong nền văn học Huế...” Trong những trường hợp như vậy, Trung có nhận được sự phản hồi nào không? Và Trung vẫn sẽ bảo lưu ý kiến của mình? Tôi không có điều kiện để trao đổi và làm việc hoàn toàn độc lập. Nếu hay, nếu hợp lý, và còn nhiều cái nếu tích cực khác# thì được nhờ. Ngược lại những điều trên, tôi là người chịu trách nhiệm trực tiếp trước hội đồng biên tập, trước dư luận. Chuyện này cũng bình thường thôi và tôi nghĩ có làm thì có sai và sót và tôi cố gắng tránh và hạn chế tối đa những sai sót đó...
Huế là vùng đất có chiều dài và chiều dày văn hoá. lại có rất nhiều nhà nghiên cứu và các lớp đàn anh đi trước am hiểu về lĩnh vực này. Vậy khi thực hiện, Trung có nghĩ là mình có áp lực Đúng là tôi có áp lực. Thứ nhất mình là người sinh sau đẻ muộn, chưa am hiểu gì nhiều nhưng tôi đã tạm quên áp lực ấy và nghĩ rằng, ai cũng cần có đóng góp. Đóng góp này cũng không có gì là ghê gớm. Nó cũng ở mức độ vừa phải và tôi đã quyết tâm làm. Tôi cũng thấy mình có thế mạnh hơn đối với những người lớn tuổi. Tôi có hệ thống trang thiết bị hỗ trợ và qua trình thao tác kỹ thuật vi tính chữ Hán của tôi là một qua trình biên tập. Chuyện sai mo-rat sẽ có điều kiện kiểm soát. Khi tác phẩm này ra đời, chuyện có người khen kẻ chê là bình thường ở đây, chúng tôi chỉ mong rằng, với điều kiện như vậy, 700 năm thơ Huế sẽ không bị ví như một vài công trình dài hơi trước đây mà chúng ta đã làm...
Liệu 700 năm thơ Huế có được phát hành như dự kiến là trong dịp Festival Huế 2006 này? Đúng là dự kiến và quyết tâm đặt ra từ đầu của Ban biên soạn là sẽ phát hành 700 năm thơ Huế vào dịp Festival Huế 2006. Nhưng nhiều vấn đề về tác giả, đặc biệt là phần văn học Hán Nôm vẫn còn tồn đọng. Nhiều tác giả rất quan trọng đến thời điểm này chúng tôi mới tìm được tư liệu. Do vậy, công việc bị chậm lại để bổ sung. Công trình có độ dày hơn 1000 trang, mỗi lần in là mỗi lẫn khó, nên sau khi đã cân nhắc, Ban biên soạn quyết định sẽ dời thời điểm phát hành vào tháng 9 đến. Xin cám ơn bạn về cuộc chuyện trò này. HỒNG HẠNH thực hiện
(nguồn: TCSH số 208 - 06 - 2006)
|