Tình cờ gặp nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường trên những con chữ bài viết: “Huế, Festival và tôi” Ông Hoàng Phủ bày tỏ hiểu biết và tình cảm náo nhiệt dành cho lễ hội Festival và ông còn mách cho mấy cái mẹo làm Festival. Cuối bài, ông hạ một câu “Huế là nơi tôi đã rong chơi và còn muốn trở lại”. Trước hết, tôi muốn giải thích vì sao gọi là ông Hoàng Phủ. Có gì đâu. Đã lâu rồi, một lần cầm tờ tạp chí in mấy bài thơ của mình, ông đã buột miệng than thở: cái tên Hoàng Phủ Ngọc Tường dài quá. Bỏ Ngọc Tường chỉ lấy bút danh Hoàng Phủ dễ nghe hơn.
Hoàng Phủ nổi tiếng trong văn đàn mấy chục năm nay là cây bút ký có hạng. Có người cao hứng xếp ông chỉ đứng sau cụ Nguyễn Tuân về thể ký. So kè như thế là khập khiễng. Mấy ông viết văn không giống mấy ông vận động viên chạy nước rút 100 mét ở thế vận hội thể thao xếp hạng nhất, nhì, ba huy chương vàng, bạc, đồng rõ rành. Ký của cụ Nguyễn Tuân là sự đùa rỡn và nâng niu sang trọng tỉ mẩn từng con chữ. Cụ bày mê hồn trận con chữ như bày trận đồ bát quái. Người đọc lạc vào trận đồ của cụ chóng mặt chỉ còn thấy những thành vách, những cửa tử, cửa triệt, những trò chơi ú tim, trốn tìm. Đầu óc mê man nghĩ rằng trên đời này chỉ có quần áo hình hài là quan trọng hơn cả. Có thể vì thế mà mấy người ác khẩu nói rằng văn của cụ chỉ có chữ, không có tư tưởng. Ký của ông Hoàng Phủ khác. Ta thấy lối hành văn của Hoàng Phủ đẹp và minh triết chịu nhiều ảnh hưởng của trật tự suy tư Pháp. Đặc biệt, văn Hoàng Phủ thích làm dáng. Cái lối làm dáng triết học của người có sức đọc rộng. Hoàng Phủ ưa dãi bày tư tưởng, cảm xúc theo cái cách giảng bài của mấy ông nhà giáo. Cái lối này thường gây phản cảm khiến cho người đọc kính phục mà ngại gần gũi, thân mến với ông.
Tôi ghi lại mấy nhận xét trên về ký cụ Nguyễn và ký Hoàng Phủ. Không phải của tôi. Của một thạc sĩ văn chương 26 tuổi, mặt non choẹt, đang tu nghiệp tại Hà Lan. Ghi cho vui thôi chứ không có mưu hèn gì. Cách đây 8 năm. Vào đúng World cup 1998. Ông Hoàng Phủ ngồi máy lạnh phòng kín xem đá bóng. Rồi ông mở cửa đột ngột chạy ù qua cái sân rộng nóng hừng hực. Thay đổi nhiệt độ quá xốc. Ông bị tai biến mạch máu não liệt giường. Rồi những năm tháng dằng dặc tiếp nối. Bạn bè đồng nghiệp văn nhân tận mắt cảnh vợ chồng ông túi xách, xe lăn rong ruổi lặn lội khắp ba miền
Trung,
, Bắc. Hễ nghe ở đâu có thuốc quí, thuốc gia truyền là tìm đến tận nơi. Cái ham sống lãng mạn mơ màng của người nghệ sĩ cộng với cái phải sống trần trụi, quyết liệt của con bệnh hiểm nghèo đã giúp Hoàng Phủ không chầm chậm rơi vào bóng đêm đời sống thực vật. Ông chầm chậm nói được, chầm chậm nghe được, chầm chậm nghĩ được. Và bút danh Hoàng Phủ lại xuất hiện trên những trang báo, những tập sách.
Người vợ vất vả của ông là nhà thơ Mỹ Dạ gọi phôn mời anh em chúng tôi tới nhà dùng bữa cơm ngày giết sâu bọ. Giọng Huế của chị dịu dàng vậy mà cũng không dễ nghe với người Bắc. Nhầm địa chỉ ở phố Phan Bội Châu ra phố Phan Châu Trinh nên lại thêm một chuyến Taxi cắm cờ Festival. Trưa Huế oi ả kinh khủng. Ngôi nhà nhỏ của vợ chồng ông mát mẻ, duyên dáng, sạch sẽ và đầy nữ tính. Ông Hoàng Phủ nằm trên giường lầu hai. Nhìn thấy khách, ông nhổm lên nở nụ cười sung sướng. Ông cám ơn. Và ngay lập tức bíu tay vào mấy dóng sắt ở đầu giường tự bò dậy ngồi vào xe lăn.
Bữa cơm Huế giết sâu bọ đậm đặc chất Huế. Tôm luộc. Thịt ba chỉ xắt mỏng tang. Mắm tôm chua. Mắm nhút. Cà muối. Canh chua. Cá hấp và cơm gạo trắng. Cũng có dăm chai bia Festival. Ông Hoàng Phủ ngồi xe lăn. Ông uống bia. Ông ăn tôm, ăn cá. Nhà thơ Mỹ Dạ ngồi cạnh ân cần làm cô Ô sin chăm nom. Trò chuyện linh tinh. Toàn chuyện văn nghệ. Ông Hoàng Phủ nói nhiều. Rất nhiều. Vẫn thói quen của người đọc nhiều, đọc rộng. Khách ngồi gật gù, chống đũa, vểnh tai nghe lõm bõm câu được câu chăng lắm lúc như ngôn ngữ bất đồng ông chẳng bà chuộc. Chị Mỹ Dạ ngồi bên mỉm cười hiền lành làm chân phiên dịch. Bữa cơm giết sâu bọ tàn theo ánh nắng quá ngọ xiên chéo. Ông Hoàng Phủ mệt. Cáo lỗi. Lên giường nằm nghỉ. Ông nằm nghiêng. Quay mặt vào tường. Im lặng. Ông thức hay ngủ. Không biết. Hình như ông muốn chúng tôi hãy quên ông đi. Ngồi uống nước lặng lẽ nghe chị Mỹ Dạ hát nhớ nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Bài hát chị phổ nhạc thơ của chị. Rồi câu chuyện xoay quanh tập thơ của bé Hoàng Dạ Thi. Nhắc lại lời thán phục của Trần Đăng Khoa. Bé Hoàng Dạ Thi năm 2006 đã là một thiếu phụ 30 tuổi. Thời gian trôi quá nhanh. Đời người cuống quít. Cái gì tàn rữa. Cái gì còn lại mãi mãi tươi xanh. Câu hỏi đó để lại dấu vết khắp nơi, trên từng mặt người. Câu trả lời thì lẩn chốn ở đâu, ở khắp nơi, trên từng mặt người? Bí ẩn và thách đố! Anh nhạc sĩ trẻ tuổi đầu húi trọc ngồi cạnh cửa lẩn mẩn chấm từng con kiến đen bỏ vào mồm ăn ngon lành. Ngón tay dịu dàng của người nghệ sĩ bỗng chốc hóa thành lưỡi hái ghê rợn thần chết của bày kiến đen vô tội thất thần hoảng chạy tán loạn. Câu trả lời lẩn trốn nơi đâu, ở đâu, ở thân phận con kiến yếu ớt, bé nhỏ, mỏng tanh đang cuống cuồng trên cái nền gạch thênh thang, bóng loáng chói lòa ánh nắng.
Năm 1975 bọn tôi tràn qua đây - qua Huế. Không phải rong chơi một kiếp văn nhân mà lính trận. Xích xe tăng gằn trên cầu Trường Tiền và khói súng khét lẹt, tanh tưởi quần đảo bao bọc xác người. Năm đó ông Hoàng Phủ đã nổi danh nhân sĩ trí thức theo Cách mạng làm văn nghệ Cách mạng. Lính Bắc ngưỡng mộ những bài thơ, những trang viết của ông. Tìm một Huế không phải qua màn lửa chiến tranh mà qua những người như ông Hoàng Phủ. Huế là đất hiền nuôi dưỡng biết bao văn nhân nghệ sĩ danh tiếng lẫy lừng. “Qua nhiều thế kỷ, người Huế đã tạo nên một truyền thống văn học riêng, một hệ thống ngữ âm và ngữ sắc riêng, một triết lý nhân văn biểu hiện qua những phong tục ứng xử và thờ phượng, cách nấu ăn và may mặc, lễ hội và giải trí riêng. Tất cả tài sản văn hóa phi vật chất đó đều được diễn đạt bằng giọng Huế và trong cả cái hay lẫn cái dở của nó đã tạo nên một bản sắc riêng gọi là tính cách Huế”. Ông Hoàng Phủ đã viết như vậy. Huế ngắn gọn và khúc triết.
Năm 2000 Huế tổ chức Festival đầu tiên. Rồi được chọn là địa chỉ duy nhất Thành phố Festival. Cứ hai năm một lần tổ chức lễ hội. Rủ nhau vào Huế, nơi đầu tiên bọn tôi đến thăm không phải Tử Cấm Thành cũng không là làng Dục Đức. Đến thăm ông Hoàng Phủ. Không phải vì ông đang bạo bệnh liệt giường mà vì mến tài văn chương của ông. Cô nghệ nhân hát Cọi người Tày Hà Giang nói là xưa kia hình như ở Huế có ba văn nhân nổi tiếng Hoàng Phủ Ngọc Tường, Trịnh Công Sơn, Đinh Cường. Nổi tiếng vì mê làm văn nghệ. Nổi tiếng vì họ chơi với nhau gần gụi như ba anh lính trận trong cùng một tổ tam tam (tổ 3 người). Cái đơn vị bé nhất. Cái hạt nhân nguyên tử của trùng điệp các tiểu đội, trung đội, tiểu đoàn, sư đoàn hàng triệu người lính. Chiều đã từ lúc nào. Tạm biệt ngôi nhà nhỏ của ông Hoàng Phủ, Chị Mỹ Dạ ân cần đưa chúng tôi ra đầu kiệt (ngõ). Có vài ly bia và chơi chơi ăn vã mấy con kiến đen mà đầu óc choáng váng men say. Ngồi trong Ta xi cắm cờ Festival cứ ong ong một câu hỏi. Cái gì tàn rữa. Cái gì còn lại mãi mãi tươi xanh. Ở nơi đâu. Ở chốn nào. Trên gương mặt người. “Huế là nơi tôi đã rong chơi và tôi còn muốn trở lại”.
Ông Hoàng Phủ đang nằm nghiêng, quay mặt vào tường. Ông ngủ hay thức hay ông đang rong chơi. Hai chân liệt vô cảm. Hoàng Phủ rong chơi không phải bằng đôi chân. Ông rong chơi bằng cái đầu thích rong chơi. Một nửa bước ngoài phố kia thôi là Huế của những ngày đầu tháng 6 nóng điên đầu đang cuộn lên với hàng vạn du khách hòa lẫn với hàng chục vạn người xứ Huế - Dòng người ồn ào đó đang hớn hở, thích thú và say mê rong chơi trong lễ hội Festival 2006 tưng bừng. Có ai nhìn thấy một Hoàng Phủ Ngọc Tường thi sĩ, một Hoàng Phủ Ngọc Tường nhà báo của xứ Huế đang háo hức hòa trộn trong biển người náo nức đó?. Festival Huế 6/6/2006 N.Đ.C
(nguồn: TCSH số 209 - 07 - 2006)
|