Đời sống văn nghệ
Những mùa thơ đã xa
16:33 | 20/01/2009
PHAN TRUNG THÀNHTháng giêng năm 2003, Hội Nhà văn thành phố Hồ Chí Minh tổ chức đêm thơ Nguyên Tiêu lần thứ I, theo sáng kiến thành lập “Ngày thơ Việt Nam” của Hội Nhà văn Việt Nam.
Những mùa thơ đã xa
Huy Cận và Trần Hoàn tại đêm thơ đầu tiên

Đó là một đêm thơ, một sự kiện văn hóa đặc biệt đối với người cầm bút, thông tin về đêm thơ còn nóng hổi, cả nội dung lẫn địa điểm tổ chức, các nhà thơ có dịp í ới gọi nhau. Đêm thơ thiếu thông tin là thế, mà hội trường Cung văn hóa Lao động vẫn chật kín dự khán, đủ biết thơ vẫn còn sức sống biết bao!
Hội thành phố trước đó vài ngày đã tất bật “gom” thơ để in tập Nguyên tiêu và những bài thơ khác gồm bài thơ Nguyên Tiêu của Hồ Chí Minh với đầy đủ bản chữ Hán và bản dịch của Xuân Thủy cùng với 18 tác giả đang sinh sống và làm việc tại thành phố. Nhìn 18 gương mặt xuất hiện trong đêm thơ Nguyên tiêu lần I, nay đã vắng đi 2 nhà thơ, đó là nhà thơ Viễn Phương và nhà thơ Thảo Phương mất cách đây vài tháng.

Thật tình cờ thú vị trong đêm thơ Nguyên Tiêu đầu tiên này, Thành phố đã đón thi sĩ Huy Cận, nhạc sĩ Trần Hoàn, thi sĩ Thu Bồn và sự có mặt của “chủ nhà” thi sĩ Viễn Phương làm cho không khí đêm thơ ấm cúng. Nhà thơ Huy Cận đã say sưa đọc bài thơ Áo trắng làm hội trường im lặng xúc động. Sau đó không lâu tin buồn lần lượt đến, các thi sĩ, nhạc sĩ đi xa…
Sau đó, hằng năm Hội thành phố đều tổ chức “ngày Thơ”, vì là ngày thơ nên cần không gian rộng lớn hơn, thời gian nhiều hơn mới đáp ứng được nhu cầu thể hiện của giới cầm bút nhiều thế hệ của thành phố.


(Từ phải qua: Viễn Phương, Anh Đức, Thu Bồn và Lý Bạch Huệ)

Một điều gây bất ổn nhất tồn tại từ trước đến nay vẫn là địa điểm tổ chức, thành phố tuy rộng lớn nhưng tìm được chỗ cho thơ vừa ấm cúng vừa trang trọng mà lại sức “dung chứa” lớn là rất khó. Vào thảo cầm viên thì dị nghị là “thơ và thú” vào công viên thì “thơ và cỏ”, tổ chức kín trong hội trường thì chỉ thấy mặt nhà thơ với nhà thơ…

Làm sao thơ đến được với công chúng?
Mục đích của việc tổ chức Ngày thơ Việt là nhằm tôn vinh thành tựu của nền thơ ca Việt trong nhiều năm qua. Ngoài ra, cũng có mục đích là để các nhà thơ gắn bó với công chúng, gắn bó với đời sống hôm nay. Sau nữa là tạo ra một mỹ tục mới, một sinh hoạt văn hoá lành mạnh, đề cao các giá trị tinh thần của dân tộc và đất nước. Đây cũng là dịp để nâng cao chất lượng sáng tác thơ và phê bình thơ - Đó là phát biểu của nhà thơ Hữu Thỉnh, chủ tịch Hội Nhà văn Việt .

Vài năm gần đây, Hội Nhà văn thành phố chủ trương tạo sân chơi cho các cây bút trẻ. Đó là dịp thuận lợi để họ đưa tác phẩm đến với bạn đọc, có dịp để giao lưu. Người có duyên sinh hoạt với các cây bút trẻ là nhà thơ Lê Thị Kim, chị năm nào cũng tất bật, đốc thúc cùng cánh trẻ tạo ra những sân chơi sinh động. Có thể nói, không khí thơ Sài Gòn ấm áp mà không ồn ào, đa dạng nhưng không phù điêu sặc sỡ… Tên tuổi của các cây bút trẻ cũng đang định hình theo ngày tháng, theo những nguyên tiêu có và không có ngày thơ.
Nhớ lại những ngày thơ Nguyên Tiêu đã qua như chợt nhớ về một sự chia ly của vô thường…
P.T.T

(nguồn: TCSH số 240 - 02 - 2009)

 

Các bài mới
Các bài đã đăng