Đời sống văn nghệ
Mời anh về lại Huế thơ
10:49 | 09/02/2009
NGUYỄN KHẮC PHÊ(Tưởng nhớ nhà thơ Lương An)Năm 1984, sau khi cùng anh chị em văn nghệ đón di hài nhà thơ Vĩnh Mai về Huế, nhà thơ Lương An - người đồng hương, người bạn thơ gần gũi với Vĩnh Mai đã viết bài "Đón anh về lại Huế thơ": Anh về lại Huế hôm nay / Huế đang mưa bỗng tạnh ngày nắng xuân...
Mời anh về lại Huế thơ

Đến nay, tròn hai chục năm sau - ngày 27/12/2004, nhà thơ Lương An mới "gặp lại" người bạn thơ Vĩnh Mai của mình, tuy ông an nghỉ tại nghĩa trang Thành phố Hồ Chí Minh. Thời buổi "tốc độ" này, khoảng cách Huế-Sài Gòn có đáng chi; mà các "cụ" đã "chia tay" với thân xác nặng nề, hồn thơ nhẹ tựa lông hồng, chỉ cưỡi gió "đằng vân" chớp mắt là gặp nhau. Hơn nữa, tuy ông quê ở Quảng Trị, nhưng bao năm gắn bó với Huế, tình cũ nghĩa xưa tạo nên sức hấp dẫn chẳng núi sông nào ngăn được. Thời trẻ, ông là học sinh Trường Quốc học, Huế; khi kinh tế khó khăn phải xin một chân thư ký trong Bộ Lại - nhờ công việc này mà ông đã cung cấp cho đồng chí Hồng Chương những tin tức có lợi cho cách mạng và ngay sau ngày Huế khởi nghĩa, ông được chuyển sang công tác tại Ủy ban Nhân dân Trung Bộ. Trong kháng chiến chống Pháp, ông hoạt động văn hóa-văn nghệ trong các cơ quan Tỉnh ủy Quảng Trị, Liên Khu ủy 4 sát cánh cùng với các anh Thanh Hải, Trần Hoàn, Dương Tường...xây dựng phong trào văn nghệ Bình Trị Thiên trong những năm tháng gian khổ nhất. Sau Hiệp nghị Giơ- ne-vơ, ông chuyển ra làm báo "Thống Nhất", năm 1973 trở về quê hương làm Phó Trưởng Ty Văn hóa Quảng Trị. Cho đến ngày đất nước thống nhất, ông mới có dịp trở lại Huế trong cương vị phụ trách phong trào văn nghệ (thuộc Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy Bình Trị Thiên), rồi Ủy viên Thường trực Hội Văn nghệ Bình Trị Thiên. Ngoài tập thơ "Nắng Hiền Lương" (NXB Văn học 1962), nhiều tác phẩm, công trình nghiên cứu có giá trị của ông đều viết về Huế như "Vè chống Pháp", "Thơ Tùng Thiện Vương Miên Thẩm", "Thơ Mai Am - Huệ Phố"...

Nhắc đến nhà thơ Lương An, độc giả thường chỉ nhớ bài thơ "Cô lái đò" nổi tiếng: "Đò em lên xuống Ba Lòng / Chở người cán bộ qua vùng chiến khu..." Thực ra, từ trước cách mạng 1945, ông đã là tác giả nhiều bài thơ tình lãng mạn đăng trên báo "Tràng An" (Huế).
Xin mời nương nương / Cùng nâng cao chén / Trời đã lên sương / Vắng người trên bến... Sao nhạt mây mờ / Thuyền già ân ái... (Bên dòng Hương, 1940)
Từ con đò trên sông Hương ngày ấy đến "Cô lái đò" trên sông Thạch Hãn biết mấy xa cách về thời gian, không gian và đề tài nhưng ngẫm ra vẫn có mối liên hệ mật thiết, vẫn chung một nguồn: đó là tình nhân ái của nhà thơ.

Trong cuộc đời 85 năm của mình, do được tổ chức và quần chúng tin cậy, nhiều năm ông phải ngồi "ghế" lãnh đạo, quản lý phong trào văn hóa-văn nghệ, nhưng ở đâu, trong bất cứ trường hợp nào, với bản tính thận trọng, hiền lành, vui vẻ, với tình nhân ái của một nhà thơ, ông luôn thấu hiểu và thông cảm với mọi nỗi khó khăn trăn trở của văn nghệ sĩ, không bao giờ dùng "đao to búa lớn" gây ra những vết thương khó hàn gắn và làm nhụt chí sáng tạo. Có được điều đó cũng do bản thân ông từng trải qua những cuộc "đấu tranh" khó khăn trong cuộc đời mình. Có thể thấy rõ điều đó trong hồi ức "Không trong cũng nước Nguồn Hàn" của ông viết về những hoạt động văn nghệ ở Bình Trị Thiên thời chống Pháp:

"...Tôi giới thiệu bài thơ "Thăm lúa" của Trần Hữu Thung, một bạn thơ cùng công tác ở Tiểu ban văn hóa và giáo dục của Khu ủy trước khi tôi trở vào. Bài này lúc đó chưa in, nhưng vì đề cập đến vấn đề tình yêu trong chiến đấu, một điểm mà thơ ca Bình Trị Thiên đang còn tránh né, nên tôi nghĩ giới thiệu lên cũng là góp phần cùng anh em mở rộng đề tài. Dự cảm của tôi về một sự phản ứng bộ phận có thể xảy ra như đối với bài hát "Lời người ra đi" của anh Trần Hoàn không ngờ lại trở thành sự thật. Tôi vừa phân tích xong đoạn: "Xòe bàn tay bấm đốt / Tính đã bốn năm ròng.../...Em nhớ ruộng nhớ vườn / Không nhớ anh răng được ?" thì từ phía anh chị em đã có một số ý kiến phê phán bài thơ viết trên lập trường tiểu tư sản, đi vào chuyện yêu đương, nhớ nhung, không lợi cho kháng chiến..."
Mấy năm sau, tại hội nghị văn nghệ ba tỉnh Bình-Trị-Thiên ở Cùa, với sự giúp đỡ của nhà thơ Chế Lan Viên do Chi hội Khu 4 cử vào, tinh thần "đấu tranh" theo "chỉ thị của Trung ương...nâng cao lập trường giai cấp, xác định rõ bạn thù, tăng cường tính chiến đấu trong sáng tác" còn được nâng cao hơn...

Bây giờ thì tác giả "Cô lái đò" chẳng phải bận tâm gì tới những cuộc đấu tranh như thế nữa. Cuộc "ra đi" của ông có thể nói là vui vẻ hơn nhiều bạn đồng nghiệp vì mấy ai sống thọ được như ông, được thấy tuyển tập các tác phẩm của mình xuất bản trọn vẹn. Bây giờ, như ông đã viết gửi hương hồn người bạn thơ Vĩnh Mai hai chục năm trước: "Hôm nào mở hội văn thi / Thương Sơn(*), Thanh Hải nhớ kỳ lại sang...", anh chị em văn nghệ sĩ Huế xin "Mời anh về lại Huế thơ" trong ngày Hội Thơ rằm tháng Giêng sắp tới để cùng "nâng cao chén" với các "nương nương"...
  Trường An-Huế, ngày đầu Xuân 2005
  N.K.P

(nguồn: TCSH số 192 - 02 - 2005)

 



----------------------------
(*) Thương Sơn, tức nhà thơ Tùng Thiện Vương Miên Thẩm. Phần mộ của ông cũng như của nhà thơ Thanh Hải đều ở gần mộ nhà thơ Vĩnh Mai.

Các bài mới
Các bài đã đăng