Đời sống văn nghệ
Vui buồn đại hội nhà văn VII
09:34 | 10/03/2009
NGÔ MINHSau hai cuộc hành trình vất vả hơn 2600 cây số đi về Đại hội Nhà văn khu vực miền Trung ở Nha Trang giữa tháng 3, rồi Đại hội Nhà Văn Việt Nam VII, bắt đầu từ 22/4 đến 10 giờ rưỡi đêm 27/4 tôi mới về tới nhà mình ở Huế, ngồi trước máy vi tính viết những dòng  buồn vui lẫn lộn.
Vui buồn đại hội nhà văn VII

Vui vì đội ngũ nhà văn tăng với tốc độ chóng mặt. Theo hồ sơ Đại hội VII, thì 5 năm (2000- 2004) số hội viên tăng thêm 233 người, chiếm 28% tổng số hội viên từ 1945 đến nay! Với tốc độ kết nạp này, thì đến năm 2050, số hội viên Hội Nhà văn sẽ gần gấp 3 hiện nay! Đại hội VI có 423 nhà văn (trên 597) thì Đại hội này đã là 567 người (trên 832). Nghĩa là đại hội đại biểu lần này đông bằng toàn thể hội viên lần trước. Thế mà lần trước, lý do được đưa ra là “phải đại hội đại biểu vì không có chỗ ngồi”! Dù hai đại hội nào cũng đều ngồi trong Hội trường Ba Đình ấy cả! Vui vì Đại hội nhà văn luôn được sự quan tâm săn sóc của Đảng và Nhà nước. Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đã đến dự, phát biểu và vui vẻ chụp ảnh kỷ niệm cùng các nhà nhà văn. Đồng chí Tổng bí thư đã khẳng định đóng góp lớn lao của các thế hệ nhà văn Việt đối với sự nghiệp cách mạng. Đồng chí cũng nhấn mạnh tại Đại hội Nhà văn VII rằng: “... Đảng khuyến khích mọi tìm tòi, sáng tạo, mọi phong cách và bút pháp, tôn trọng tự do sáng tạo nghệ thuật đi đôi với trách nhiệm công dân, trách nhiệm xã hội của nhà văn”. Đó là điều mà tất cả các nhà văn chân chính đều ao ước, mong mỏi được thực thi từng ngày.

Vui vì được biết trong 5 năm (2000- 2004), Chính phủ cũng đã đầu tư gần 19 tỷ đồng cho Hội Nhà văn VN để hoạt động nghiệp vụ, tài trợ sáng tác. Và nhiệm kỳ tới đây mức tài trợ chắc sẽ lớn hơn. Các địa phương cũng đã tài trợ cho các nhà văn đi dự Đại hội VII rất lớn. Thành phố Hồ Chí Minh có số lượng nhà văn đi dự Đại hội đông đảo nhất 92 người, đã tài trợ vé máy bay đi về và tiền tiêu vặt cho mỗi đại biểu 4,5 triệu đồng; các tỉnh nghèo như Gia Lai, Phú Yên và nhiều tỉnh khác cũng tài trợ các nhà văn của mình không kém. Đây  không phải là chuyện tiền bạc, mà đây là sự đánh giá, sự trân trọng của lãnh đạo địa phương đối với các nhà văn của mình! Trong lúc đó lãnh đạo một số tỉnh thì chẳng hề hay biết tỉnh mình có mấy nhà văn đi Đại hội, chưa nói đến việc tài trợ! Ở Kon Tum, cả tỉnh duy nhất một nhà văn là anh xe thồ - nhà thơ Tạ Văn Sỹ, khi anh đưa công văn “xin tài trợ đi Đại hội” của Hội Nhà văn, tỉnh “quyết” cho 430 ngàn đồng, chỉ bằng một phần mười của tỉnh lân cận! Cầm tiền, anh không đi xe đò, mà ra Hà Nội đại hội bằng chiếc xe máy thồ của mình. Oái oăm thay, khi ra đến Hà Tĩnh, vì gấp thời gian, thấy đường vắng, anh phóng xe tốc độ cao. Liền bị “bắn tốc độ”, bị phạt 300 ngàn đồng. Thế là đi toi gần hết khoản tiền còm tỉnh “tài trợ” đi đại hội!

Trong Đại hội, có đơn tố cáo nhà văn Phạm Quang Trung ở Lâm Đồng, đã bị Hội văn nghệ Lâm Đồng khai trừ ra khỏi hội vì đã có hành vi tham ô, nhưng vẫn được Đại hội nhà văn khu vực Miền Đông Nam Bộ bầu đi dự đại hội nhà văn (nghe nói anh Trung chỉ biển thủ gần 1,2 triệu đồng). Thế là đại hội phải ngồi 30 phút để nghe tường trình về chuyện hi hữu này. Ban  kiểm tra tư cách đại biểu Đại hội cho biết các cơ quan tuyên giáo tỉnh ủy, Trường Đại học Đà Lạt, nơi anh Trung công tác, đều có văn bản gửi đến Đại hội “nhận xét tốt”, nên Đại hội biểu quyết đủ tư cách. Thế thì cái quyết định khai trừ của Hội VHNT Lâm Đồng đối với anh Phạm Quang Trung đúng hay sai? Qua chuyện này, mới thấy, các nhà văn rất quyết liệt với tệ tham nhũng thật. Mới trên triệu đã kiểm tra “tư cách”. Trong lúc đó nhiều quan chức ngoài đời xây nhà năm bảy tỷ bạc bằng tiền phong bì, chẳng những không việc gì, mà còn  lên lớp dạy đạo đức thiên hạ!!

Một sự dân chủ hiếm thấy ở Đại hội nhà văn VII là nhà văn Bùi Minh Quốc tuy không trúng đại biểu đi dự đại hội, nhưng vẫn được đề cử vào danh sách bầu cử vào Ban chấp hành. Bỏ phiếu lần thứ nhất anh được 77 phiếu, một trong 27 người cao phiếu nhất. Đến bầu cử vòng 2 (khi danh sách đã “cắt đuôi” còn 33 người) anh được 104 phiếu, vào hàng “top ten”. Bùi Minh Quốc không trúng cử, nhưng số phiếu cao của anh chứng tỏ anh là một nhà văn được đa số đồng nghiệp tin cậy và yêu mến!

Tại diễn đàn đại hội tôi thấy vui hơn, ấm lòng hơn vì đã nghe được những tiếng nói đầy tâm huyết và bản lĩnh của các nhà văn về những vấn về cốt lõi của nghề nghiệp. Trong tham luận “Nỗi niềm tác phẩm đỉnh cao” rất được hoan nghênh, tán thưởng, nhà văn Hoàng Quốc Hải (Hà Nội)  cho rằng, “muốn có tác phẩm đỉnh cao, ngoài yếu tố tài năng của nhà văn, còn đòi hỏi xã hội phải chuẩn bị cho nó... 10 năm (1932- 1942) các nhà văn Nhất Linh, Khái Hưng, Thạch Lam, Thế Lữ, Ngô Tất Tố, Nam Cao, Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Xuân Sanh... đều có những tác phẩm đỉnh cao”. Vì trong 10 năm đó, “các trường phái văn chương đua nhau nảy nở, đã là chất xúc tác cho các nhà văn sáng tạo...”. Còn hiện nay, “... điểm yếu chung của văn chương Việt   là đơn điệu quá. Vì tất cả chỉ nói theo một giọng điệu, viết theo một thi pháp...”. Nhà văn cho rằng, ngoài khó khăn do quản lý, con “Nó còn là sự tự kỷ ám thị, lâu năm trở thành nỗi sợ hãi, tới mức không dám viết về những điều mình nghĩ. Bởi chế tài những sai sót của nhà văn không được minh bạch...”.

Để chấm dứt tình trạng đó cần phải xây dựng một xã hội đối thoại, mọi thứ phải được minh bạch trên tinh thần thượng tôn pháp luật. Còn nhà thơ, nhà phê bình văn học Trần Mạnh Hảo tham luận tại Đại hội bằng bài viết “bốc lửa” và cách đọc cũng rất “bốc lửa và ngậm ngùi nước mắt”. Đó là bài tham luận: “Về mối quan hệ giữa Tự Đức và Nguyễn Du, hay là vấn đề muôn thuở của tự do sáng tác” được tác giả mở ngoặc là “Viết theo yêu cầu của nhà thơ Hữu Thỉnh” , không biết có thật không?. Anh kể rằng, vua Tự Đức xưa rất thích Truyện Kiều của Nguyễn Du, nhưng khi đọc đến câu thơ Nguyễn viết về Từ Hải: “Dọc ngang nào biết trên đầu có ai”, vua đập bàn quát: “Bắt ngay Nguyễn Tiên Điền vào đây cho ta, quất cho 20 roi để gã biết trên đầu còn có ai hay không?”. Quan hầu thưa: “Khải tấu, Nguyễn Tiên Điền tịch đã khí lâu rồi, thưa Hoàng thượng!”. Nhà vua không thể rút lệnh đánh roi Nguyễn Du về được, bèn phán: “Treo cái án 20 roi ta ban cho Nguyễn Du lên trời, để bọn văn nhân thi sĩ đời sau nhìn thấy cái gương tày liếp này mà liệu liệu cái thân phận bút nghiên thấp cổ bé họng ..!”... “Cũng may vô cùng cho hậu thế là vua đã không vì một câu thơ “khi quân” của Truyện Kiều mà không đốt hết sách Nguyễn Tiên Điền hay bỏ “Đoạn trường tân thanh”  vào cối giã”.... Vâng, các nhà văn đã gợi lên được vấn đề bức xúc nhất, cốt lõi nhất của việc nghiệp viết lách. Đó là những tiếng nói tâm huyết cần được chia sẻ và tôn trọng. Tiếc là vấn đề chưa được Đại hội mổ xẻ, thảo luận để đi đến nghị quyết mà chỉ chăm chăm vào bầu cử!

Đáng buồn hơn, trong số gần 20 tham luận tại Đại hội Nhà văn VII, ngoài 2 tham luận trên là “có tầm“, còn lại đa số là dưới tầm, thậm chí tầm thường, dung tục, gây ngạc nhiên và thất vọng đối với đa số nhà văn!. Có nhà văn trong bài tham luận chỉ tán dương BCH khóa 6 là “vất vả trên từng cây số”, như là vận động bầu cử! Lại có tham luận của một nhà văn địa phương bảy tám trang viết, chỉ tán dương thành tích của hội địa phương tỉnh mình, bị Đại hội la ó, vỗ tay đuổi về! Điều buồn nữa là độ tuổi trung bình của nhà văn Việt đại hội này đến 55 tuổi, cao quá. Nhà văn cao tuổi nhất là bác Vũ Khiêu sinh năm 1916, tức 99 tuổi; nhà văn ít tuổi nhất là Nguyễn Ngọc Tư cũng đã 29 tuổi! Tức là nhà văn Việt ta đang già đi qua từng kỳ đại hội!

Nhưng có lẽ buồn nhất là chuyện bầu cử. Tôi đã đi dự 4 đại hội nhà văn IV, V, VI, VII, tôi thấy Đại hội nào danh sách đề cử cũng dài tới vài trăm người. Đại hội IV, danh sách đề cử là 221/ 369 đại biểu (60%). Đến đại hội VII này, danh sách bầu đề cử lần đầu là 321/ 565 đại biểu (56,8%). Bốn lần vận động “rút”, phiếu bầu vẫn 3 trang đánh máy với danh sách 67 người! Danh sách dài như thế trách gì bầu không bao giờ đủ số thành viên BCH  đã được nghị quyết. Đại hội IV quyết nghị bầu  25 người. Qua 2 lần bỏ phiếu chỉ có 9 nhà văn quá bán (bằng 36%). Đại hội V biểu quyết bầu 21, chỉ bầu được 5 người (23,8%); đại hội VI nghị quyết bầu 15, nhưng bầu 2 vòng chỉ được 9 nhà văn. Đại hội VII này, nghị quyết bầu 15 nhà văn vào BCH. Sau 2 vòng bầu cử chỉ được 6 người, đạt 40%! Dải đất dằng dặc miền Trung -Tây Nguyên, các người dân tộc cũng không có ai trúng cử! Điều oái oăm là không biết các nhà văn trêu đùa hay tín nhiệm, mà trong danh sách đề cử có cả những nhà văn U 80-85, đang bị trọng bệnh như Tế Hanh, Kim Lân, Tô Hoài, Ngô Quân Miện, Sơn Nam, Hoàng Phủ Ngọc Tường...! Nên mỗi lần xướng tên cả đại hội đều cười ồ! Cũng có người không phải là nhà văn Việt cũng được đề cử. Nhà văn là những người trí tuệ và mẫn cảm, thế mà ở đại hội lần này, bầu cử lần thứ nhất có 55 phiếu bất hợp lệ (9,8%); bầu lần 2 có 28 phiếu! Vui thật...  Trước bầu cử thì xuất hiện “phe“này, “phe” kia vận động “loại” nhau bằng ca dao hò vè, tờ rơi quyết liệt lắm, nhưng khi bầu cử, xem ra các nhà văn không mấy nghiêm túc, nên mới có số phiếu bất hợp lệ nhiều đến vậy! 

Như vậy, sau 3 ngày làm việc Đại hội Nhà Văn VII đã “thành công” mà chưa “tốt đẹp”. Thành công là đã bầu được 6 vị BCH ưng ý. Còn “chưa tốt đẹp” là chăm chăm bầu cử mà không thiếu sự thảo luận thẳng thắn những bức xúc của giới cầm bút, những bức xúc của công việc Hội, “chưa tốt đẹp” còn ở chỗ chỉ bầu được hơn 1/3 Uy viên chấp hành như quyết nghị... Ôi,  chuyện vui buồn Đại hội nhà văn kể cả ngày không hết...!

     N.M
(196/06-05)

Các bài mới
Các bài đã đăng