Đời sống văn nghệ
Trước thềm đại hội VHNT Thừa Thiên Huế lần thứ X
08:55 | 17/03/2009
L.T.S: Đại hội VHNT Thừa Thiên Huế lần thứ X sẽ được tổ chức vào cuối tháng 8 năm nay. Để đại hội có tiếng nói dân chủ rộng rãi, TCSH xin “dành đất” cho các anh chị hội viên, các bạn đọc quan tâm tham gia ý kiến trao đổi về nghề nghiệp, về hoạt động của Hội, về tổ chức hội v.v...Ngoài các ý kiến đã đăng tải trên số này, chúng tôi sẽ tiếp tục in thêm các ý kiến khác trong số tới
Trước thềm đại hội VHNT Thừa Thiên Huế lần thứ X


* HOẠ SĨ ĐẶNG MẬU TỰU

PV: Thưa anh, đời sống hội hoạ ở Huế xem ra cóá vẻ rất sôi nổi nhưng sự sôi nổi ấy hầu như tự phát vì bàn tay đỡ đầu của Hội chuyên ngành còn khiêm tốn? Vậy công tác Hội phải làm gì trước thực trạng này để tạo nên sức mạnh giữa hội viên và những người đang còn ngoài cuộc?
Hoạ sĩ ĐẶNG MẬU TỰU (HS.Đ.M.T): Phải nói rằng cùng với sự đổi mới mọi mặt ở tỉnh ta, đời sống mỹ thuật Huế có những thay đổi nếu không nói khởi sắc, về cả chất và lượng. Từ lực lượng sáng tác đến trình độ người thưởng ngoạn cũng như mỹ thuật hoá đời sống. Nói như vậy không có nghĩa mỹ thuật Huế đã bắt nhịp đi đều với cả nước, mà đôi khi vẫn còn tụt hậu, có nhiều lý do mà Hội Mỹ thuật vẫn còn tìm cách để thoát ra khỏi tình trạng trên. Nói về hình thức thì lực lượng hoạ sĩ ở Huế khá đông, nói riêng về đội ngũ hoạ sĩ sáng tác mang tính thường xuyên thì hội viên của Hội Mỹ thuật Việt Nam và hội viên Hội Mỹ thuật Thừa Thiên Huế trên 80 hoạ sĩ. Số hoạ sĩ khác chưa có điều kiện vào Hội hoặc mang tính tài tử với số lượng gấp đôi như vậy. Chưa nói đến chất lượng, cái vui là tất cả đều cầm bút, và ít nhiều có tác phẩm, các hoạt động mỹ thuật khá rộn ràng, nhiều phòng triển lãm mỹ thuật từ chung đến cá nhân mở ra, có năm bình quân có 2 cuộc triển lãm/tháng, nhiều Gallery đã giúp kích thích anh chị em vẽ và đáp ứng thị trường để đầu tư cho cả lâu dài. Tuy nhiên cũng có người cho rằng Hội chưa quan tâm nhiều đến sự phát triển mỹ thuật quần chúng. Điều này với góc độ Hội, khẳng định lại phong trào mỹ thuật không phải của riêng Hội, Hội không phải là tất cả, là làm thay cho các cơ quan chức năng, cho các tổ chức khác để nắm lấy và xoay chuyển được cả nền mỹ thuật. Hội là một tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp, tổ chức tập hợp những người có nghề, không những thế mà còn đòi hỏi nghề thật tinh nó mang tính chuyên nghiệp để góp phần vào sự khẳng định nền mỹ thuật. Hội đã có đầu tư cho các công trình trọng điểm và khuyến khích mọi sáng tạo, chuyên nghiệp hoá các hội viên, đòi hỏi tác phẩm có chất lượng. Do vậy phần còn lại là các tổ chức khác, trong đó ngành VHTT, các nhà văn hoá, Trung tâm văn hoá phải gánh vác.

PV: Nhiệm kỳ Đại hội V vừa qua, cán bộ lãnh đạo và BCH Hội hầu như thiếu vắng các gương mặt trẻ tuổi. Với tư cách là Phó Chủ tịch Hội liên hiệp VHNT và Tổng thư ký Hội Mỹ thuật, xin anh cho biết trong Đại hội VI sắp tới vấn đề này có được cải thiện?
HS.Đ.M.T: Vấn đề trẻ hoá các thành viên của BCH Hội Mỹ thuật thì nhiệm kỳ nào cũng đặt ra, nhìn lại 5 năm trước thì đội ngũ đương nhiệm là trẻ tuổi, bình quân 41,5 thì đến nay là 46,5. Vậy thì vấn đề trẻ hoá là mong muốn của toàn hội viên và do Đại hội chứ không phải chỉ có BCH đương nhiệm, BCH bao giờ cũng cần trẻ, trẻ năng động có sức bật, dám nghĩ dám làm, phải ủng hộ và tin vào họ. BCH mới phải có kinh nghiệm và sức lực, uy tín về nghề, trong đó lực trẻ phải chiếm tỷ lệ cao, tất cả ai cũng đều thấy rõ Hội phải luôn luôn đổi mới, năng động, hiệu quả, phải tin vào anh chị em hội viên, sự lựa chọn của họ bao giờ cũng có mục đích tốt là làm cho phong trào mỹ thuật Huế phát triển, có bản sắc riêng và đoàn kết với nhau để có tiếng nói chung góp phần cho nền mỹ thuật nói riêng và các loại hình nghệ thuật nói chung ở Huế ngày càng mạnh và tốt hơn


* NHẠC SỸ TRẦN HỮU PHÁP

PV:Thưa nhạc sỹ, hoạt động của Hội trong nhiệm kỳ qua có ảnh hưởng thế nào trong việc sáng tác của nhạc sỹ?.
Nhạc sỹ TRẦN HỮU PHÁP (NS.T.H.P): Trong thời gian nhiệm kỳ qua, những hoạt động của Hội có nhiều tác động tốt cho việc sáng tác của tôi, nhất là trong việc kết nghĩa giữa 3 Hội âm nhạc của 3 thành phố Hà Nội - Huế và Tp.Hồ Chí Minh đã gợi lên cho tôi viết về 3 thành phố yêu thương. Tuy thế, về mặt tổ chức sáng tác của Hội cũng chưa có kế hoạch để tạo nhiều cơ hội cho hội viên sáng tác.

PV: Diện mạo đời sống âm nhạc ở Huế so với nhiều thành phố khác trong cả nước phải nói rằng còn quá khiêm tốn! Theo nhạc sỹ, nguyên nhân của vấn đề này là gì và phải cải thiện nó như thế nào?
NS.T.H.P: Đời sống âm nhạc của thành phố Huế trong mấy năm gần đây so với các thành phố khác thực sự thiếu sôi động. Một phần là do Hội không nghiên cứu để tổ chức những hoạt động cho các hội viên ngành sáng tác và biểu diễn. Hơn nữa, có lẽ vì bản chất trầm lặng của thành phố Huế, người Huế không phù hợp với phong cách biểu diễn của tuổi trẻ đang có xu hướng lai nhạc nước ngoài. Đây là khoảng thời gian giới âm nhạc phải tìm tòi sáng tạo để tác phẩm của mình bắt nhịp từ ngôn ngữ dân gian hoà với tiết tấu sôi động của tuổi trẻ. Ví như trong hát văn của ta mang tiết tấu sôi động biết bao, sự sôi động ấy nếu được hoà quyện với sự dịu dàng của Huế có thể sẽ làm nên sản phẩm mà công chúng đang đón đợi chăng?


* NSƯT NGỌC BÌNH

P.V: Hiện nay, nhu cầu hưởng thụ nghệ thuật nói chung và nghệ thuật sân khấu nói riêng từ phía công chúng đã được nâng cao. Tuy nhiên, nghệ thuật sân khấu Huế xem ra đang còn manh mún vì vậy chưa thoả mãn được nhu cầu đó. Theo anh, chúng ta cần phải làm gì trước thực trạng này?
NSƯT NGỌC BÌNH (NSƯT.N.B): Không những manh mún về tổ chức và lực lượng, mà còn chồng chéo về mặt chức năng nghệ thuật. Nơi nơi ca Huế, nơi nơi múa hát cung đình và nơi nơi nhã nhạc... Nó làm mất đi tính chuyên sâu, giảm sút đi hiệu quả nghệ thuật; nó biến thành một thứ hàng hoá nghệ thuật thương mại, chứ không phải là một sản phẩm nghệ thuật đích thức.
Việc cần thiết hiện nay là phải tập trung lực lượng và xác định chức năng hoạt động của từng bộ môn cho từng đơn vị. Xác lập và định hướng nghệ thuật; bảo tồn và phát triển theo phương pháp nghiên cứu mang tính học thuật; Hình thành các Nhà hát nghệ thuật để thực hiện các chức năng nghệ thuật truyền thống chuyên sâu. Làm như vậy sẽ vừa nâng cao được vị thế của loại hình nghệ thuật đặc thù trên một vùng đất là Trung tâm văn hoá và du lịch của cả nước; vừa có điều kiện phát huy được tính năng nghệ thuật độc đáo của Huế. Đồng thời định hướng được sự phát triển, tạo cơ sở để nghiên cứu bảo tồn và phát huy nghệ thuật truyền thống Huế. Đây là một việc làm cần thiết, cấp bách và đầy tính khả thi.

P.V: Với tư cách là uỷ viên BCH Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt , Hội LHVHNT, Tổng thư ký Hội Nghệ sĩ sân khấu TT.Huế. Anh đánh giá vai trò lãnh đạo của Hội có ảnh hưởng như thế nào trong quá trình sáng tạo nghệ thuật sân khấu của nhiệm kỳ qua?
NSƯT.N.B: Hội là một tổ chức nghề nghiệp - xã hội và chính trị. Trong thời gian qua, công tác Hội nói chung đã thực sự là cầu nối giữa nghệ sĩ và tác phẩm nghệ thuật - giữa tác phẩm nghệ thuật và công chúng. Hội đã thực sự là nguồn động viên và chỗ dựa tinh thần của anh chị em nghệ sĩ.
Tuy nhiên, Hội cần có sự liên kết hơn nữa để tạo nên sự quan hệ chặt chẽ và khăng khít đối với các cơ quan, tổ chức chính quyền, tổ chức đoàn thể. Đặc biệt là các cơ quan, tổ chức có chức năng liên quan đến văn hoá - nghệ thuật, để cùng phối hợp và hỗ trợ cho công tác hoạt động của Hội; có như vậy mới tạo điều kiện thuận lợi cho công tác nghề nghiệp của nghệ sĩ trong việc sáng tạo nghệ thuật phục vụ công chúng.

* NGHỆ SỸ CAO CHÍ HẢI

P.V: Do tính đặc thù, Hội múa ít có dịp xuất hiện trong đời sống văn nghệ ở TT.Huế và vì thế mà Hội này hầu như ít được quan tâm từ phía công chúng cũng như quá trình đầu tư sáng tác. Anh có nhận xét gì về dư luận này?
Nghệ sỹ CAO CHÍ HẢI (NS.C.C.H): Nếu nói múa ít xuất hiện trong đời sống văn nghệ thì có lẽ chưa đúng lắm, bởi Huế là mảnh đất giàu bản sắc văn hoá nên múa cũng đồng thời phát triển theo. Đó là múa cung đình, múa dân gian, tuồng mà lâu nay khán giả vẫn được xem qua các chương trình biểu diễn của loại hình nghệ thuật này trên sân khấu Huế. Tuy nhiên, hiện nay Huế chỉ có 5 hội viên là nghệ sỹ múa Việt Nam, và gần 20 hội viên của Hội địa phương, điều đó cho thấy Huế kém phát triển về múa cổ điển và hiện đại. Trong khi muốn phát triển về loại hình nghệ thuật này phải cần đến một sân chơi ca nhạc, mà Huế thì không có đã hơn chục năm nay.

Còn việc đầu tư sáng tác quả thật thiếu hẳn! Bởi rằng sáng tác cho ai biểu diễn và biểu diễn ở đâu? Có chăng cũng chỉ dừng lại ở mức độ phong trào phục vụ cho các mùa hội diễn văn nghệ quần chúng hoặc các chương trình giảng dạy ở nhà trường. Tôi nói vậy bởi trong những năm vừa qua, Trường Trung học Văn hoá Nghệ thuật Tỉnh đã có những đóng góp tích cực ở lĩnh vực này. Ngoài việc đào tạo các khoá học múa hát cung đình, tuồng Huế, kịch Huế và đặc biệt là phối hợp với Trường múa Việt Nam đào tạo các khoá diễn viên múa chính quy chuyên nghiệp. Chính đội ngũ này của Trường đã tham gia tích cực vào các hoạt động biểu diễn phục vụ các nhiệm vụ chính trị của Tỉnh qua các lễ hội Festival, chương trình kỷ niệm 75 năm ngày thành lập Đảng CSVN, 30 năm giải phóng Huế, 50 chiến thắng Điện Biên Phủ.v..v...

P.V: Để Hội múa có dịp phát triển đáp ứng nhu cầu đời sống văn nghệ tại địa phương. Theo anh, nhiệm kỳ Đại hội VI sắp tới nên định hướng bộ môn nghệ thuật này như thế nào để không bị lép vế như mấy năm qua.
NS.C.C.H: Trước hết Hội cần có những tác động tích
cực cùng các cơ quan chức năng tại địa phương thành lập một Đoàn ca múa nhạc để có điều kiện phát triển múa cổ điển và hiện đại. Song song với nhiệm vụ này, Hội nên tổ chức tập trung nghiên cứu, sáng tác, sưu tầm... đặc biệt là hệ thống các nghiên cứu múa của cung đình, tuồng, dân gian, các dân tộc TT.Huế như: Pa Cô, Tà Ôi, Ca Tu... Vì hiện nay vẫn chưa có giáo trình, giáo án giảng dạy trong nhà trường về vấn đề này. Sự kết hợp của những vấn đề trên cùng với những nỗ lực từ các nghệ sỹ sáng tác và biểu diễn hiện đang công tác tại các Đoàn nghệ thuật, các trường VHNT... Chắc chắn sẽ tạo nên một diện mạo mới mẻ của nghệ thuật múa trong vài năm tới

* NGHỆ SỸ NHIẾP ẢNH PHẠM VĂN TÝ

PV: Có thể nói rằng, Nhiếp ảnh là bộ môn có nhiều thành tích từ việc giành nhiều giải thưởng trong và ngoài nước đến công tác triễn lãm phục vụ nhiệm vụ chính trị tại địa phương. Theo anh, nguyên nhân nào để dẫn đến thành công đó?
Nghệ sỹ nhiếp ảnh PHẠM VĂN TÝ (NS.P.V.T):Trong nhiệm kỳ qua, Hội nhiếp ảnh đã gặt hái được nhiều thành tích trong sáng tác, triển lãm; Giành được nhiều giải cao ở các cuộc thi trong nước và quốc tế. Nhiều nghệ sĩ được phong các tước hiệu danh dự của Liên đoàn nhiếp ảnh nghệ thuật Quốc tế (FIAP) và của Hội nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam (VAPA). Để có được những thành tích đáng trân trọng này, theo tôi có một số nguyên nhân sau: Đây là một tập thể thực sự đoàn kết, sinh hoạt định kỳ đều đặn, các hội viên Hội NSNA VN thực sự  phát huy vai trò đầu tàu, nhiệt tình giúp đỡ, bồi dưỡng các hội viên mới. Các hoạt động sáng tác, triển lãm thường xuyên được tổ chức, giúp hội viên rút được nhiều kinh nghiệm góp phần nâng cao chất lượng tác phẩm. Nhiều cuộc thi được tổ chức rải dần trong năm ở trên toàn thế giới, giúp hội viên có nhiều cơ hội tham gia. Đây cũng là một điều kiện thuận lợi giúp hội viên thẩm định được tác phẩm của mình.

PV: Tài trợ sáng tác là yếu tố được xem hết sức quan trọng trong vấn đề nâng cao chất lượng tác phẩm của hội viên. Năm 2004, lần đầu tiên một số hội viên nhiếp ảnh được tài trợ sáng tác, anh đánh giá thế nào về chất lượng tác phẩm lần này? Và việc tài trợ như vậy đã đúng hướng chưa?
NS.P.V.T: Hai cuộc triển lãm báo cáo tại Huế và Đông - 10 đề tài được thẩm định và hàng chục giải thưởng. Đó là kết quả mà Hội Nhiếp ảnh đạt được qua chương trình hỗ trợ đầu tư sáng tác của UBTQ CLH HV NHT-VN trong năm 2004. Điều đó cho thấy việc đầu tư sáng tác của Nhà nước dành cho giới văn nghệ sĩ là thích đáng và hiệu quả. Hy vọng rằng, lần sau với kinh nghiệm sẵn có, chúng tôi sẽ phát huy tốt hơn.
            THANH TÚ thực hiện
(197/07-05)

Các bài mới
Các bài đã đăng