Đời sống văn nghệ
Chào xuân sớm, ăn Tết muộn
17:12 | 22/04/2008
Trong “làng văn nghệ”, lo Tết sớm nhất là những người gánh thêm vai “cộng tác viên” các tờ báo.

Năm nay càng phải lo sớm vì Hội Báo Xuân do Hội Nhà báo Việt Nam mở từ 15 tháng 1 dương lịch, muốn dự thi thì phải có báo từ 10/1. Thế là các tòa soạn “bấn xúc xích” lên! Báo Tết dương lịch mừng thiên niên kỷ mới chưa xong đã phải lo báo Tết Tân Tị. Nhật báo, tuần báo còn có chỗ “thở”, chứ tạp chí văn nghệ nhiều nơi đã phải “gộp” hai Tết làm một. Cũng có ý kiến đề nghị tạp chí “Sông Hương” làm như thế, nhưng bài vở đã nhận của bạn viết rồi, quảng cáo cũng đã “hợp đồng” rồi, đành phải tăng tốc lên thôi! Ấy là chưa kể, ngoài các tờ báo “chính hiệu” có giấy phép của Bộ Văn hóa Thông tin, nhiều ngành cũng ra đặc san chào thiên niên kỷ mới khiến văn nghệ sĩ nào có “nghề phụ” là viết báo càng bận rộn.
Trong mấy năm qua, nhà thơ Ngô Minh có lẽ là người lo đón Xuân sớm nhất! (Không phải, mới đầu đông, làm chi đã có Xuân mà “đón”; gọi là “chào Xuân” đúng hơn - chào hàng những bài báo Xuân với các tòa soạn.) Anh cũng là người có nhiều bài đăng báo Tết nhất trong “làng văn nghệ”. Cũng phải thôi, vì tuy mang danh “nhà thơ”, nhưng Ngô Minh lại ăn lương “nhà báo” chính hiệu - anh là Trưởng Đại diện Báo Thương Mại ở miền Trung. Hồi tháng 10 gặp tôi, anh đã hỏi: “Viết được bài báo Tết nào chưa?” Sang tháng 11, anh đã “khăn gói” mang bài của các cây bút ở Huế ra Hà Nội góp tay làm báo Tết Thương Mại, trước khi đi không quên nộp bài cho số Xuân Báo Thừa Thiên-Huế, Tạp chí Sông Hương và cả đặc san “Đại học Huế”. Nhờ biết lo chào Xuân sớm, đầu tháng 12 Ngô Minh đã “rảnh tay” giúp Hội Nhà báo Tỉnh ra đặc san Tết và “khoe” đã có thơ cho “Sông Hương” số Tết. Anh cười hề hề và tự khen rất... vô tư: “...Mà thơ hay hẳn hoi!” Nói cho công bằng thì không phải bài thơ nào của anh cũng hay, nhưng viết báo vào loại đạt “kỷ lục” như Ngô Minh mà vẫn thường có thơ hay thì giỏi thật! Anh còn vui vẻ “khoe” rằng đang có hai tập bản thảo - một tập thơ và một tập bình luận thơ - nhưng chưa có tiền in. Tôi bảo:
-Thì người ta vẫn nói “lấy báo nuôi văn”. Tiền triệu nhuận bút báo Tết không đem in thơ thì để làm gì?
- Chà! Còn phải lo tiền học cho hai thằng con.
Tôi chợt nhớ Ngô Minh cả hai quý tử đều học kiến trúc - cái nghề tương lai có thể “hốt bạc”, nhưng lại là ngành học tốn tiền nhất.
Mấy năm trước, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường cũng là người lo “chào Xuân sớm”. Có lần tôi đến, cũng chỉ mới khoảng tháng 9, tháng 10 gì đó, đã thấy anh gò lưng trước những trang giấy dày đặc chữ với những dấu “móc” bổ sung ý tứ chợt đến hoặc thay thế từ ngữ khác cho “đắt” hơn. Anh thường viết dài, lại viết rất cẩn thận, không lo sớm, sao kịp cho các tòa soạn lên kế hoạch báo Tết. Nhìn những dòng chữ “loằng ngoằng” như móc liền với nhau của anh, có cảm giác đó không phải là các ký tự xếp theo quy ước thông thường mà gợi nghĩ đến những sợi thần kinh, những vi ti huyết quản chằng chịt trong cơ thể con người. Hay như người ta thường nói, đó là những dòng chữ “tâm huyết”, tác giả đã “rút ruột” ra mà viết nên. Nhờ đó mà Hoàng Phủ Ngọc Tường thường có những bài viết “nặng ký” - nghĩa là bài viết hay, có “trọng lượng”, nói giọng nghề nghiệp là “bài đinh” của các số báo Tết - cũng có thể hiểu theo nghĩa đen của từ ngữ là bài “ký” có sức “nặng” cả về chất lượng và độ dài. Quả là nhiều bài bút ký đăng báo Tết của anh chiếm hết trang này sang trang khác, đồng thời cũng chiếm được cảm tình của cả những độc giả khó tính; nó không bị lãng quên khi những cành mai chưa khoe hết sắc vàng mà “đọng” lại thành những tập sách hay; như các bài “Tuyệt tình cốc”, “Hành lang của người và gió”, “Không gian”... đã làm nên tập bút ký “Ngọn núi ảo ảnh” (NXB Thanh Niên - 2000) vừa được Ủy ban toàn quốc các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam trao giải thưởng. Cũng có người gọi các bài báo Tết của Hoàng Phủ Ngọc Tường “nặng đô”; hiểu theo nghĩa đen là bài viết của anh được trả nhuận bút rất cao, thường là tiền triệu trở lên! Không ai biết đích xác, kể cả vợ con và người có trách nhiệm kiểm tra thư chuyển tiền ở bưu điện, vì anh có “cách” lấy nhận bút khác người: thường sau khi “cày” xong những bài báo Tết “nặng ký”, anh lên tàu “hành phương Nam” giải lao, chờ báo Tết ra là “ẵm” luôn nhuận bút rồi lang thang “cụng ly” chia vui với các bạn bè cũ, đương nhiên là không thiếu người bạn nhạc sĩ tài hoa Trịnh Công Sơn, nhân vật từng là nguồn cảm hứng cho các bài Tết của anh. Khi anh trở về Huế thì “túi” đã xẹp, chỉ còn đủ tiền ăn Tết. Năm nay, tuy sức khỏe chưa bình phục, nghe nói anh vẫn có bài Tết cho báo “Thừa Thiên-Huế” và “Thanh Niên”. Vậy là mừng lắm rồi! Chỉ có điều anh không còn được vào chia vui với bạn bè ở phương .
Ngoài hai cây bút viết báo Tết nổi tiếng ở trên, “làng văn” ở Thừa Thiên-Huế còn nhiều người tham gia cuộc “du Xuân” sớm này, tùy theo sở trường, sở đoản. Trần Thùy Mai thường “chiếm”  trang truyện ngắn trên tờ “Thanh niên”, loại bài Tết “nặng đô” nhất, tuy nội dung chỉ là những câu chuyện tình nhẹ nhàng thơ mộng đầy gió và hoa. Theo tiết lộ của Thái Ngọc San thì năm nay, trên “Thanh niên” không có truyện của Trần Thùy Mai. Chưa tính những cây bút trẻ, cả nước có hàng trăm, hàng ngàn nhà văn, không lẽ Tết nào cũng dành vị trí ưu tiên sang trọng trên một tờ báo lớn cho nữ sĩ xứ Huế. Có thể vậy mà cũng có thể vì lẽ khác. Định tìm gặp Thùy Mai để hỏi, nhưng quán cà phê “Dã Quỳ” trên đường Phan Bội Châu đã thay biển hiệu, đến Nhà Xuất bản Thuận Hóa cũng không gặp nàng; chẳng lẽ nàng du Xuân sớm thế? Còn Hồng Nhu, Võ Quê, Lâm Mỹ Dạ, Nguyễn Khắc Thạch, Vĩnh Nguyên, Mai Văn Hoan, Hải Trung... hầu như năm nào cũng có thơ đăng báo Tết; riêng Tết Canh Thìn vừa qua, “lão tướng” Hồng Nhu bất ngờ tung ra những mẩu chuyện lạ ở rừng với nào hổ, gấu, bò tót... trên tờ “Kiến thức ngày nay” ý chừng làm quà Tết cho thiếu nhi và dành tặng riêng cho đứa cháu đích tôn, tuy vậy người lớn đọc cũng thích. Nguyễn Đắc Xuân, Phan Thuận An, Dương Phước Thu thì đưa bạn đọc đến với những di sản văn hóa dân tộc, kể chuyện “Huế xưa” - đề tài đang “ăn khách” này còn nhiều người chế biến và “tái bản”, kể cả những cây bút không ở Huế; riêng Nguyễn Đắc Xuân sau khi được “giải thoát” khỏi trọng trách Trưởng Văn phòng Đại diện Báo “Lao Động” ở miền Trung, có thì giờ sục tìm các “kho báu” ở Cố đô, nên chuyện cổ của anh đối với nhiều người lại là sản phẩm mới. Nguyễn Quang Hà sau khi bàn giao “ghế” Tổng biên tập “Sông Hương”, chu du nửa tháng ở Trung Quốc trở về Huế ngồi chưa ấm chỗ, đã lên tàu về phương Nam dự Trại Sáng tác dành cho những nhà văn viết về đề tài chiến tranh, tưởng là anh quên cả “Xuân” và “Tết”, nhưng đầu tháng 12, ghé tòa soạn báo “Thừa Thiên-Huế” đã nghe Chiến Hữu báo tin là Quang Hà vừa gửi bài Tết từ Trại Sáng tác về. Tôi quên là ở phương hình như Xuân đến sớm hơn!
 Trong khi các nghệ sĩ nhiếp ảnh “chào Xuân sớm” bằng những hình ảnh đẹp của Huế thì Nguyễn Văn Vinh và nhất là Thanh Tú, sau khi nhận “vai” đại diện tạp chí “Thế giới Điện ảnh”, xem chừng say nghề báo hơn nghề cầm máy. Cũng như Ngô Minh, Thanh Tú cười nheo nheo mắt, hồn nhiên “khoe” với tôi có lần ra bưu điện gửi cả xấp phong bì bài Tết dày đến nửa gang tay!...

Hẳn sẽ có bạn hỏi rằng: Xuân chưa tới, Tết còn xa, lấy chuyện gì mà họ viết báo Tết được nhiều thế? Bạn không để ý, chứ cũng như mâm cỗ ngày Tết, năm nào cũng bánh chưng, bánh tét, dưa hành, thịt bò dầm, thịt lợn nấu đông... thì báo Tết cũng có những “món” dù năm Tỵ hay năm Thìn cũng không thể thiếu; ví như “Mừng Đảng mừng Xuân”, “Mùa Xuân nhớ Bác”, “Sự kiện nổi bật năm qua”, “Dự báo tình hình năm tới”, “Táo quân chầu trời”, “Phong tục ngày Tết” vân vân... Năm mở đầu thế kỷ mới, thiên niên kỷ mới càng có nhiều chuyện để bàn luận. Đó là chưa nói đến đề tài văn hóa Huế, từ sau ngày quần thể di tích Cố đô Huế được UNESCO công nhận là “Di sản văn hóa thế giới”, báo Tết trong Nam ngoài Bắc đều cần. Hơn nữa, cả nước có đến mấy trăm tờ báo và tạp chí, chỉ mươi lăm tờ phát hành rộng, còn thì của ai biết nấy. Vậy nên một bài có thể gửi cho 2-3 nơi, bài viết về “Hội vật làng Sình” năm ngoái gửi đăng báo A. thì năm nay gửi cho tạp chí B. ...; tóm lại là xử dụng công nghệ “phô-tô-cóp-pi” để tái bản và tất nhiên là có thêm tiền tiêu Tết!
Thật ra thì tiền tiêu Tết nếu chỉ chờ nhuận bút báo Tết thì có khi phải ...treo niêu! Vì gửi bài “chào Xuân” sớm nhưng chắc gì đã được đăng; và nếu được đăng chắc gì họ đã chịu gửi nhuận bút trước Tết. Các tờ báo trong tỉnh thường lo sớm cho cộng tác viên, nhưng với số nhuận bút “nhà nghèo” một vài trăm thì “ăn” gì! Còn nữa, xin “hãy đợi đấy!” Ra Tết, thậm chí có báo đến tháng 3, tháng 4, các vị lo việc “trị sự” mới “nhớ” ra bưu điện gửi tiền báo Tết cho người ở xa. Thôi, “cơm chưa ăn, gạo còn đó!” Ăn Tết muộn càng ngon!


TRUNG SƠN
(nguồn: TCSH số 144 - 02 - 2001)

Các bài mới
Các bài đã đăng
Khi (19/03/2008)