Đời sống văn nghệ
Làm sao để có nhiều tác phẩm chất lượng cao?
14:23 | 27/03/2009
NGÔ MINHTác phẩm văn học nghệ thuật là sáng tạo của mỗi tác giả hội viên; đồng thời là thước đo hiệu quả hoạt động của Hội trong một nhiệm kỳ. Nói cách khác, tất cả mọi hoạt động của Hội đều hướng về hội viên, hướng về việc làm sao để có những tác phẩm văn học nghệ thuật chất lượng ngày càng cao. Nếu không thì sinh ra Hội để làm gì?
Làm sao để có nhiều tác phẩm chất lượng cao?

Có ý kiến cho rằng ngày xưa các cụ Nguyễn Du, Nguyễn Khuyến, Hồ Xuân Hương.v.v.. làm gì có Hội, họ vẫn trở thành những đại văn hào của dân tộc. Đúng là như thế, ngay thời tiền chiến chính quyền không lập Hội Văn nghệ. Thời đó các nhà văn nhà thơ cùng xu hướng sáng tác cùng nhau tự lập các Hội Tao Đàn, xuất bản báo. Tất cả khoản tài chính đều tự lo hết. Thế mà họ để lại một kho tàng văn học đồ sộ, lay động tâm hồn bao thế hệ độc giả. Hiện nay có ý kiến bàn luận xung quanh dư luận Bộ Nội vụ định nhập các Hội chuyên ngành VHNT vào thành một vụ trong Bộ Văn hóa. Các Hội liên hiệp VHNT địa phương thì thành một phòng trong Sở Văn hóa - thông tin tỉnh. Phòng này làm nhiệm vụ quản lý nhà nước về VHNT, chứ không quản lý Hội viên. Làm như thế có cái lợi là các nhà văn, họa sĩ... sống dựa hẳn vào tài năng của mình. Ai có tài, tác phẩm được công chúng chấp nhận thì người đó tồn tại. Nhưng đó chỉ mới là ý tưởng. Bây giờ Hội đang tồn tại, thì ta hãy nghĩ cách làm cho hoạt động của Hội đi vào thực chất hơn, mang lại hiệu quả thiết thực cho xã hội hơn.

Theo thiển ý chúng tôi thì muốn có nhiều tác phẩm VHNT có chất lượng, có hai yếu tố quan trọng: Chất luợng hội viên và môi trường sáng tác, xuất bản tác phẩm. Tôi xin nói riêng về Hội Nhà văn của tỉnh, nơi mà tôi quen thuộc hơn cả. Về chất lượng Hội viên điều cốt yếu nhất là tài năng và nội lực từng người. Tài năng là cái trời cho. Còn nội lực là bản lĩnh và vốn liếng văn hóa do mình tạo ra. Văn nghệ sĩ ngày xưa xếp vào hàng “kẻ sĩ”, tức là những người biết suy nghĩ độc lập, có chính kiến mạnh, có thể “khuyên vua”, “ngăn vua” không làm những điều gây hại cho đất nước, gây sự oán hờn trong dân. Trong xã hội ngày xưa, có hai lực lượng là vua quan và kẻ sĩ. Kẻ sĩ là những người có học, cả nghĩ, thông thạo văn hóa văn chương đông tây kim cổ, nên luôn là chỗ dựa của người dân thấp cổ bé họng, chống lại sự áp bức bất công, làm “đối trọng” vạch mặt bọn quan lại tham nhũng thối nát. Văn nghệ sĩ có bản lĩnh, chính kiến mạnh mới dám nói lên sự thật, mới dám đào sâu đến tận cùng bản chất của cuộc sống, nếu không sẽ trở thành “kẻ ăn theo nói dọi”.

Nhà thơ Hồng Nhu có câu thơ thật sâu sắc: “Mắt là mắt của người ta/Tôi đem nhắm mở như là mắt tôi”. Câu thơ đó diễn tả tâm trạng của văn nghệ sĩ một thời: Không có nhân sinh quan riêng mà chỉ biết nhìn theo cách nhìn của người khác, chỉ nói theo cách nói của người khác! Muốn có bản lĩnh phải tu luyện nếp nghĩ, đọc nhiều, học nhiều, đi nhiều, luôn hướng suy nghĩ của mình đến đạo lý làm người, luôn trăn trở và bảo vệ nhân dân trong từng công việc của họ. Đáng tiếc là do cuộc sống lo toan cơm áo đủ điều, nên nhiều hội viên chúng ta chưa có thời gian để đọc để chiêm nghiệm, để luyện đan thành những kẻ sĩ thứ thiệt, mang tầm quốc gia, quốc tế như ta hay nói.

Từ mấy khóa đại hội đến nay, chỉ tính trong Hội Nhà văn Thừa Thiên Huế, bạn bè, độc giả cả nước chỉ biết đến những cái tên quen thuộc như Hoàng Phủ Ngọc Tường, Hồng Nhu, Nguyễn Khắc Phê, Tô Nhuận Vĩ, Lâm Thị Mỹ Dạ, Ngô Minh, Hà Khánh Linh, Trần Thùy Mai, Nguyễn Quang Hà, Nguyễn Khắc Thạch, Võ Quê., Nguyễn Đắc Xuân, Hồ Thế Hà.v.v... Nghĩa là họ vẫn là những cây bút chủ lực của Hội dù tất cả họ đều đã U50 đến U70 cả rồi! Đó là sự nghịch lý của tiến triển. Sự xuất hiện các tác giả trẻ tầm quốc gia ở ta dường như rất kham hiếm.

Từ nhiều năm nay tôi thấy có thêm một số cây bút có triển vọng như Văn Cầm Hải, Hải Trung, Phạm Tấn Hầu, Thiền Nghi, Phạm Nguyên Tường, Đỗ Văn Khoái, Trần Hoàng Phố...Trong đó nhà văn trẻ Văn Cầm Hải là tuổi U30 là người nổi bật hơn cả, còn lại đều viết lách cầm chừng. Văn Cầm Hải đã in 2 tập bút ký và 2 tập thơ. Với hai tập bút ký “Những cánh chim di thê” và “Tây Tạng-Giọt sương trong nắng”, anh đã ghi tên mình vào danh sách những người viết bút ký hay của cả nước, nhờ đó anh đã được đứng trong hàng ngũ nhà văn Việt Nam năm 2004 vừa qua. Anh được rất nhiều tờ báo trong nước mời viết bút ký trong các số đặc biệt như Tết, Lễ...Trong năm 2005 này, Văn Cầm Hải được Tạp chí Tia sáng Bộ Khoa học Công nghệ mời đi khảo sát “con đường tơ lụa” Tây Á. Vừa về đến Huế anh đã được phía Mỹ mời đi dự trại sáng tác văn học tại Mỹ. Để có được uy tín đó, nhà văn đã tự mình tu luyện bản lĩnh, đọc sách, học ngoại ngữ, đi nhiều, và cần mẫn trên từng trang viết. Phải sống bằng tài năng và bản lĩnh của mình mới thành tác giả đích thực!

Rất tiếc là nhiều hội viên chúng ta vừa thiếu chính kiến mạnh, thiếu vốn văn hóa tri thức cổ kim cần thiết, lại không chịu khó đi, đọc, nên sáng tác được chăng hay chớ, nôm na vần vè. Thơ phú thì na ná nhau. Làm ra cái gọi là tác phẩm nhưng không biết “mục đích gửi gắm” là cái gì, “tâm tư cần giải bày” là cái gì? Những hội viên này không những tự bằng lòng với mình, mà còn thường xuyên ca cẩm về việc tạp chí của Hội không in bài cho họ. Mà nếu in toàn những bài của các hội viên này, thì tạp chí Sông Hương sẽ trở thành tờ báo văn nghệ tỉnh lẻ, không còn được bạn đọc cả nước đón đọc nữa! Những hội viên này, tôi đọc sáng tác của họ thấy rất nhạt, nên rất băn khoăn lo lắng. Nên chăng Hội cần có kế hoạch “mời thầy” mở lớp bồi dưỡng thường xuyên cho hội viên trong nhiệm kỳ tới này.

Về Hội, mấy năm qua việc tạo môi trường sáng tác cho hội viên đã được quan tâm như mở trại viết ở các huyện, xin đi trại viết Trung ương, tổ chức các chuyến đi thực tế sáng tác, trợ cấp sáng tác.v.v... Nhưng dường như chúng ta chỉ thiên về bề nổi “làm phong trào” mà quên chú ý đến bồi dưỡng nâng cao chất lượng sáng tác cho từng hội viên thông qua từng tác phẩm. Công tác lý luận phê bình chưa được đẩy mạnh. Các bài viết giới thiệu tác phẩm hội viên trên báo chí vừa ít lại vừa thiên về tâng bốc nhau, không đi sâu phân tích cái yếu về nội dung và nghệ thuật để hội viên rút kinh nghiệm. Phải thường xuyên tổ chức hội thảo về một tác giả với những bài việc chất lượng, để làm cho tác giả đó biết mình “đang đứng ở đâu” trong đội ngũ sáng tác văn học của tỉnh và của cả nước. Điều băn khoăn nhất là trợ cấp cho sáng tác còn quá ít ỏi. Một số tỉnh nghèo hơn chúng ta như Phú Yên, Quảng Bình..., mỗi năm tỉnh dành tới 160- 200 triệu đồng để trợ cấp sáng tác, mỗi cuốn sách được trợ cấp 1,5 đến 3 triệu, có cuốn sách của tác giả Nguyễn Tú được tỉnh Quảng Bình tài trợ toàn bộ tiền in ấn tới 15 triệu đồng. Trong lúc đó hội viên Hội Nhà văn chúng ta in một cuốn sách chỉ được 300 đến 500 ngàn đồng do Hội liên hiệp “giật gấu vá vai” trợ cấp, không đủ trả tiền giấy phép xuất bản.

Một dự án tuyển “700 năm thơ Huế” từ mấy năm nay vẫn không có kinh phí để triển khai. Nhà văn Hồng Nhu 72 tuổi, muốn in tuyển tập nhưng xin tiền tài trợ không ai cho! Về việc này Hội đã có văn bản đề nghị tỉnh 3 năm nay, nhưng đến nay vẫn chưa thấy động tĩnh gì. Trong lúc một đội bóng xuống hạng, trầy trật mấy mùa bóng chưa lên hạng chuyên nghiệp được lại được đầu tư hàng chục tỷ đồng một năm, còn văn nghệ sĩ là “đội quân ngoại hạng”, các tỉnh khác phải thèm thuồng thì không được tỉnh chú ý đầu tư phát triển. Sự thiên lệch này xuất phát điểm là tầm nhìn văn hóa bị hạn chế. Người ta chỉ chú ý đầu tư cái trước mắt, còn cái lâu dài về tâm linh, giáo dục tình yêu quê hương xứ sở thì không cần biết đến! Nên nhớ rằng cái đắt giá nhất cần phải trả là mục tiêu nhân văn mà mỗi xã hội cần hướng tới. Từ năm 2004 đến nay, may mắn được Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội VNTN Việt nam đầu tư cho 300 triệu đồng để hỗ trợ sáng tác, một số hội viên mới nhận được khoản trợ cấp từ 1,5 đến 3 triệu cho một tác phẩm. Nhưng tôi thấy việc trợ cấp mang tính bình quân, “mặt trận” quá. Hình như ai có đơn đều được đầu tư, nhưng chất lượng các tác phẩm thì dưới trung bình. Đó là điều cần suy nghĩ. Hơn nữa trợ cấp thì 1,5 triệu mà in cuốn sách thơ hết hơn 5 triệu đồng, nên nhiều người phải in lụa vài trăm bản tặng nhau!

Trong hoạt động của Hội Liên hiệp mấy năm qua, vai trò của các Hội chuyên ngành mờ nhạt. Hội chuyên ngành không có kinh phí để tổ chức các hoạt động chuyên môn lớn, như tổ chức các chuyến đi thực tế trong nước, tổ chức đầu sách.v.v.. Nên nhiệm kỳ này phải suy nghĩ một cơ chế tạo quyền chủ động cho các Hội chuyên môn, nhất là Hội Nhà văn, Hội đông đảo nhất, cũng là Hội khó kiếm ra tiền nhất, có kinh phí khá hơn để tổ chức các hoạt động nâng cao chất lượng hội viên nhằm tạo tác phẩm có chất lượng.

N.M
(198/08-05)

Các bài mới
Các bài đã đăng