Cách đây đã 60 năm, nhà thơ Vĩnh Mai không những là thủ trưởng của tôi mà còn là người dẫn dắt tôi vào con đường cách mạng, giới thiệu tôi vào Đảng Cộng sản Đông Dương, lại cử tôi theo học lớp huấn luyện văn hoá kháng chiến khu 4 ở Quần Tín huyện Thọ Xuân tỉnh Thanh Hoá. Và sau đó còn cho tôi ở lại vùng tự do khu 4 cũ để học thêm văn hoá năm 1948, tại trường Trung học chuyên khoa Huỳnh Thúc Kháng ở Hà Tĩnh và Nghệ An.
Trong thời gian kháng chiến 9 năm chống Pháp, tôi ở chiến khu Ba Lòng (Quảng Trị) được hai năm, trong đó một năm ở ty thông tin tuyên truyền Quảng Trị. Làm việc trực tiếp dưới sự lãnh đạo của nhà thơ Vĩnh Mai. Hồi ấy Vĩnh Mai là uỷ viên thường vụ tỉnh uỷ, Ty trưởng ty thông tin tuyên truyền và cũng là trưởng ban tuyên huấn của tỉnh.
Lâu nay khi nói về đồng chí Vĩnh Mai, người ta thường nói về một nhà thơ. Trong khi đó đồng chí Vĩnh Mai còn là một nhà báo, và là một nhà báo có tài. Một tỉnh nhỏ như Quảng Trị mà hồi ấy riêng lĩnh vực Thông tin tuyên truyền có 2 tờ báo. Một tờ báo Tiếng Việt có tên là TIẾNG VANG, một tờ tiếng Pháp để làm địch vận mang tên ECHO (dịch ra tiếng Việt cũng có nghĩa là vang). Cả hai tờ báo ấy, đồng chí Vĩnh Mai vừa là Tổng biên tập, chủ bút, chủ nhiệm. Đồng chí viết báo bằng hai thứ tiếng, viết rất nhanh. Một đặc điểm của tài làm báo của anh là nhạy bén, kịp thời, bảo đảm đúng đường lối của Đảng và Nhà nước. Bài nào cũng vậy chỉ viết một lần và gần như không sửa chữa gì. Hai tờ báo đó có tác dụng rất lớn đối với sự nghiệp kháng chiến của nhân dân Quảng Trị hồi bấy giờ. Tôi nghĩ, lịch sử báo chí cách mạng nước ta cần tôn vinh thích đáng thành công của nó.
Tôi còn nhớ, hồi mới từ Thừa Thiên Huế được điều động ra tăng cường cho sự lãnh đạo của Đảng ở Quảng Trị, khi biết trong cơ quan lãnh đạo của tỉnh có trường hợp chồng là Bí thư Tỉnh uỷ, vợ là chủ tịch Hội phụ nữ tỉnh; đồng chí Vĩnh Mai, với sự thẳng thắn, trực tính của mình nói ngay “Ở tỉnh ta thiếu người hay sao mà gia đình trị như thế”.
Trước cách mạng tháng 8 năm 1945, đậu tú tài mà thoát ly gia đình làm cách mạng như đồng chí Vĩnh Mai, là trường hợp hiếm hoi.
Đồng chí rất giỏi tiếng Pháp, có những đêm ở Ba Lòng anh say sưa giảng cho một số cán bộ trẻ chúng tôi đã qua kỳ thi ban Thành chung những bài giảng về triết học tư sản phương Tây, hoặc về triết học Marx Lénine bằng tiếng Pháp. Tôi còn nhớ có lần anh tâm sự: Sau khi nước nhà giành được độc lập thống nhất, mình mơ ước làm giảng viên triết học. Sau giờ lên lớp mình sẽ dạo phố phường, đội mũ phớt mặc Complet Tây, đi dày da, cầm baton, vừa đi vừa suy nghĩ chuyện đời. Tiếc thay, ước mơ đó của anh đã không thành sự thật, nhưng cũng nói lên một khía cạnh về con người và tâm hồn của anh. Hồi ở Quảng Trị, thỉnh thoảng tôi có tháp tùng anh vượt qua quốc lộ, về công tác ở đồng bằng Triệu Phong Hải Lăng. Có lần ở Triệu Phong hai thầy trò đi qua một trạm gác, dân quân du kích hỏi giấy tờ. Tôi đưa trình tờ công lệnh đi đường. Anh dân quân xem xong không nói gì. Nhưng khi xem giấy tờ của anh Vĩnh Mai thì anh ta hỏi: Ông có giấy tờ gì khác không? Giấy này không hợp lệ. Anh Vĩnh Mai hỏi lại: Vì sao? Anh dân quân nói: Giấy này cấp cho ông Vĩnh Mai đi đường, mà người ký giấy lại cũng là ông Vĩnh Mai thì không được. Đồng chí Vĩnh Mai nổi bực hỏi lại: Tôi là Ty trưởng, tôi cấp cho người khác được sao tôi cấp cho tôi lại không được. Hai bên giằng co, một lúc sau anh dân quân cũng cho đi, thật là hú vía. Tính tình ngang bướng của Vĩnh Mai là như vậy.
Tôi có dịp họp chi bộ định kỳ ở chiến khu Ba Lòng. Hồi ấy tôi mới vào Đảng nên rất bỡ ngỡ. Cuộc họp có các đồng chí lãnh đạo tỉnh như Đặng Thí (Bí thư Tỉnh ủy), Hồng Chương… Không hiểu vì chuyện gì, đồng chí Vĩnh Mai sửng cồ phê bình cụ cử nhân Hán học, cụ Nguyễn Xuân Luyện là Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến hành chánh tỉnh rất gay gắt. Tôi trong bụng nghĩ rằng sao mà lại to tiếng với một cụ già mà là chủ tịch tỉnh như vậy. Nhưng họp xong thì lại vui vẻ với nhau ngay. Qua đó, lần đầu tiên, tôi mới thấy tính dân chủ, bình đẳng trong sinh hoạt Đảng là như thế nào.
Hồi ở Quảng Trị, tôi mới biết đồng chí Vĩnh Mai lao động nghệ thuật như thế nào. Không những viết báo nhanh mà làm thơ cũng rất nhanh. Dù chưa thật khổ công trong lựa chọn từ ngữ, gieo vần, lời thơ còn dàn trải, nhưng ở Ba Lòng tôi đã chứng kiến sự ra đời những đứa con tinh thần của anh, những bài thơ có giá trị. Sau những chuyến về đồng bằng, anh viết được bài Người du kích xã hay bài Mùa lúa mới. Đặc biệt tôi được theo dõi quá trình sáng tác bài thơ Khóc Hoài. Hồi ấy, sau một chuyến ra vùng tự do khu 4 dự hội nghị trở về Ba Lòng, mấy ngày liền anh trầm ngâm suy nghĩ. Rồi một buổi tối anh thức dậy đi tìm nước uống, rồi đốt đèn; một mạch viết xong bài thơ bất hủ. Những tình tiết trong bài thơ đều là sự thật cả; như ban đêm ngủ trên sạp nứa, ngoài trời gió thổi, lau lách xào xạc…
Có một mảng thơ anh viết hồi ở chiến khu nhưng về sau mới công bố. Đó là thơ viết về người yêu sau trở thành bạn đời: bà Phương Chi. Thơ tình của anh Vĩnh Mai với Phương Chi bao giờ cũng gắn liền với quê hương, làng anh làng em, với đất nước và đặc biệt là với ánh trăng, vầng trăng. Người ta nói thi sĩ thường hay phân chia tình yêu của mình cho nhiều cô gái, ở những thời kỳ khác nhau của cuộc đời, nhưng với anh Vĩnh Mai là chính chuyên. Tình yêu nam nữ chỉ dành cho một người duy nhất trong đời mình. Tôi nghĩ bà Phương Chi có quyền hãnh diện và tự hào vì mối tình trong sáng say đắm và thủy chung đó.
Trong thời gian ở Ba Lòng, lớp cán bộ trẻ chúng tôi thường được anh Vĩnh Mai bồi dưỡng cho về lý tưởng cách mạng. Tôi còn nhớ một hôm anh rất trang nghiêm và đầy tự hào nói về một người con của Quảng Trị. Anh không nói rõ tên, nhưng mãi về sau chúng tôi mới biết đó là đồng chí Lê Duẩn. Với đồng chí Nguyễn Chí Thanh người lãnh đạo trực tiếp Bình Trị Thiên lúc bấy giờ, đồng chí Vĩnh Mai rất kính phục và kính trọng.
Để kết thúc, tôi xin có đôi điều về sự cảm thụ của tôi với thơ Vĩnh Mai.
Thơ Vĩnh Mai chân chất mộc mạc phản ảnh thực tế đời sống chiến đấu và sản xuất của một vùng quê khu 4. Người ta hay nói văn là người, thơ là người. Điều này rất đúng khi ta nghĩ về thơ Vĩnh Mai. Với tâm hồn ấy mới có các hình tượng đưa vào thơ như ấp iu núm ruột, khi nói về người dân quân xã. Hoặc khi nói liếp cày vỡ đất ngon như nồi bánh đúc…
Tôi nghĩ khi nói về thơ kháng chiến chống Pháp ở tỉnh Quảng Trị, ta có thể quên Tân Trà, Hồng Chương, Dương Tường, Hồ Vy, Lương An, nhưng ta không thể quên nhắc Vĩnh Mai. Hoặc nhớ đến tất cả, thì người đầu tiên phải tôn vinh, phải là nhà thơ Vĩnh Mai.
Nhưng tôi nghĩ điều độc đáo của thơ Vĩnh Mai không phải là các sáng tác Người dân quân xã hay Mùa lúa mới mà là bài thơ Khóc Hoài. Trong các tác phẩm của các nhà thơ khu 4 trong thời 9 năm chống Pháp ta có thể thấy một số bài ngân vang thực tế đời sống nhân dân như Nhớ của Hồng Nguyên, Ngò cải đơm hoa hay Thăm Lúa của Trần Hữu Thung, đặc biệt là bài Gửi Người 95 của Hồ Vy. Nhưng đứng về mặt dung dị chưa có bài nào vượt qua bài Khóc Hoài của Vĩnh Mai. Những từ ngữ trần trụi như khoai sắn, không gợi một hình tượng gì có tính mỹ học mà đưa vào thơ thì thành thơ. Đó là các từ ngữ: mi tau, tau mi, mi mi tau tau trong bài thơ Khóc Hoài. Với bài thơ Khóc Hoài Vĩnh Mai đã mang vào nền thi ca Việt Nam hiện đại một phong cách, một mảng màu mới, độc đáo. Sự dung dị trong Khóc Hoài là đạt đến mức tột cùng. Có lẽ vì vậy nó đã đi vào thánh địa của thi ca chăng?
Hai chục năm trước đây, có một lần tôi đi qua Vĩnh Yên nhớ đến người thủ trưởng tài năng, đầy lòng nhân hậu và giàu cá tính và mấy câu thơ trong bài thơ của anh:
Mùa thu dừng lại ở Long Biên Để một mình tôi lên Vĩnh Yên.
Nhớ bài thơ Lên Vĩnh Yên đượm bao tình anh và anh như còn đó. Mới biết nhà thơ mãi tươi xanh.
Hà Nội ngày 12-1-2009 P.H.D (241/03-09)
|