Đời sống văn nghệ
Ngây thơ Nguyễn Hữu Đang
15:30 | 04/12/2014

Nguyễn Hữu Đang sinh năm 1913 , quê  làng Trà Vi, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình. Ông tham gia Hội Sinh viên thị xã Thái Bình thuộc Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội và bị Pháp bắt vào cuối năm 1930 và bị giam hai tháng rưỡi tại thị xã Thái Bình.

Ngây thơ Nguyễn Hữu Đang
Ông Nguyễn Hữu Đang

Sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội, Nguyễn Hữu Đang tham gia phong trào Mặt trận Dân chủ Đông Dương (1936-1939), viết và làm biên tập viên cho các báo Thời báo, Ngày mới và Tin tức; là đồng chí thân thiết của Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng, Trần Huy Liệu, Phan Thanh, Nguyễn Văn Tố.

Anh là một trong những người sáng lập ra 
Hội Truyền bá Quốc ngữ và làm Tổng Thư ký Hội. Năm 1943, anh tham gia Ban chấp hành Hội Văn hóa cứu quốc và gia nhập Tráng đoàn Lam Sơn của tổ chức Hướng đạo sinh Việt Nam. Mùa hè 1944, Nguyễn Hữu Đang tham gia tổ chức và chủ trì Hội nghị Giáo khoa thư Toàn quốc ở Hà Nội.

Tháng 8 năm 1945, Nguyễn Hữu Đang được Đại hội Quốc dân ở Tân Trào bầu vào Ủy ban Dân tộc Giải phóng Trung ương. Cách mạng tháng Tám thành công, anh được phân công làm Trưởng ban Tổ chức Ngày tuyên bố Độc lập 2/9/1945. Từ 11/1945 đến tháng 12/1945, anh tham gia Chính phủ Lâm thời, lần lượt giữ chức Thứ trưởng Bộ Thanh niên, Chủ tịch Ủy ban Vận động Hội nghị Văn hóa Toàn quốc, Trưởng ban Tuyên truyền Xung phong Trung ương, phụ trách báo Toàn dân Kháng chiến  của Hội

Năm 1947, anh được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương.

Từ tháng 6/1949 đến tháng 10/1954, anh được cử làm Trưởng ban Thanh tra Bình dân học vụ.

Sau kháng chiến chống Pháp anh từng là một trong những người lãnh đạo phong trào Nhân văn giai phẩm, được báo chí một thời gán cho 4 từ quân sư quạt mo và bị xử phạt tù..

Năm 1973 sau khi đi tù 15 năm về sống ở quê Thái Bình, ăn đậu ở nhờ trong một gian lều tranh của trường tiểu học xã, tự bắt cóc nhái hoặc đổi vỏ bao thuốc lá lấy cóc nhái, rắn… cho trẻ con lấy tiền mua gạo, nấu lấy ăn, quá vất vả, ốm đau không ai chăm sóc… Phùng Cung và Phùng Quán nhiều lần nhắn anh lên Hà Nội. Không thấy anh lên. Phùng Quán, trước tết Tân Mùi (1991) về Thái Bình xuống tận làng anh ở chơi với Nguyễn Hữu Đang 2 ngày, bàn anh cùng về Hà Nội với Phùng Quán. Nguyễn Hữu Đang bằng lòng nhưng nói với Quán, chú cứ về Hà Nội ăn tết trước, sau tết tôi mới lên được vì còn phải thu xếp đồ đạc (đồ đạc của anh là cái bị cói đựng mấy bộ quần áo rách vá chằng vá đụp) và thanh toán nợ nần. Theo Phùng Quán, người ta còn nợ Nguyễn Hữu Đang mấy tạ thóc và tiền bán rơm chứ anh chả nợ ai gì cả.

Giữ lời hứa, sau tết năm đó Nguyễn Hữu Đang lên Hà Nội ở nhà Phùng Cung. Hằng ngày, chị Ngô Kim Thoa, vợ anh Cung lo cơm nước cho chồng con và lo anh Đang luôn. Phùng Quán ở cái lều bên Hồ Tây, Phùng Cung ở Ngọc Hà. Hai nhà gần nhau, ngày ngày Phùng Quán lên Phùng Cung hoặc Phùng Cung chở Nguyễn Hữu Đang xuống Phùng Quán. Hai nhà thơ họ Phùng và nhà văn hóa Nguyễn Hữu Đang, chuyện trò từ sáng đến khuya mới dứt nhau ra được…

Mồng 8 tết năm đó theo lời nhắn của Phùng Quán tôi từ Sài Gòn ra Hà Nội ở nhà Phùng Quán. Biết tin tôi ra, Phùng Cung ghé đến thăm. Phùng Cung cho biết, ngày ngày Nguyễn Hữu Đang đạp chiếc xe cộc cạch đi thăm bạn bè thời văn hóa cứu quốc và hội quốc ngữ. Ngày nào anh Đang không đi lang thang, ở nhà đọc sách, phần lớn là sách tiếng Pháp mượn bạn bè. Phùng Cung bảo tôi, trong số sách tiếng Pháp, tớ liếc nhìn thấy toàn tập quyển lịch sử Đảng Cộng sản Liên Xô.

Một hôm, Nguyễn Hữu Đang nói với vợ chồng Phùng Cung, có lẽ tôi phải thu xếp vào Huế thăm anh em bằng hữu trong đó theo lời mời của Hoàng Phủ Ngọc Tường, nhân thể về làng Thủy Dương, quê Phùng Quán viết một bài nghiên cứu, nếu để vài năm nữa mới đi, sợ già quá không đi nổi (năm đó anh đã gần 80 tuổi). Phùng Cung liền can ngăn, anh vào Huế thăm anh em văn nghệ sỹ thì được, anh em trong đó thương anh, trọng anh… họ đã nhắn anh mấy lần. Còn anh định về quê Phùng Quán viết bài nghiên cứu về một làng văn hóa, theo tôi là không nên. Làng này từ sau giải phóng người ta đã viết nhiều rồi, đăng ở nhiều báo, riêng tạp chí Sông Hương đã có 2 bài, tôi nhớ bài của Vĩnh Nguyên (em kết nghĩa với Phùng Quán) viết rất tỉ mỉ.  Anh, tôi và bè bạn đã nghe Phùng Quán kể không biết bao nhiêu lần về cái làng Thủy Dương của nó. Anh đừng tin, cách kể chuyện làng mình của Phùng Quán là cách kể cùa người viết tiểu thuyết, những chi tiết mà mọi người cho là hay, Quán kể, đều không thật đâu, tiểu thuyết hóa tất cả mới hấp dẫn như vậy. Anh đi là công cốc đấy… Phùng Cung nói vậy, nghe ra có lý, Nguyễn Hữu Đang mới bỏ ý định đi về làng Quán mà chịu ở lại Hà Nội suốt ngày nằm đọc sách.

Những ngày ở chơi ở Hà Nội, tôi ghé lên nhà Phùng Cung mấy lần. Lần nào cũng thấy Nguyễn Hữu Đang cặm cụi ngồi viết lách, dịch thuật gì đó. Tôi, Phùng Cung, Phùng Quán trải chiếu ngồi bệt giữa nhà trò chuyện bên ly rượu với mấy hột lạc rang. Phùng Quán là người luôn luôn chiếm diễn đàn để đọc thơ và kể chuyện. Lâu lâu, Nguyễn Hữu Đang dừng bút ngoảnh xuống góp chuyện. Tôi hỏi Phùng Cung: ông Đang đang làm gì mà say sưa thế. Phùng Cung cho biết ông ấy đang dịch lại quyển lịch sử Đảng Cộng sản Liên Xô. Bỗng ông Đang vươn vai đứng dậy buông bút, đi lại chiếu rượu ngồi sát bên cạnh tôi, vui vẻ góp chuyện với ba thằng em ngất ngưởng. Vui chuyện tôi hỏi, anh dịch lại lịch sử Đảng Cộng Sản Liên Xô làm gì, nhà xuất bản không in thêm nữa đâu, sách này còn đầy trên kệ sách, phủ bụi nằm ở các nhà sách, không ai mua vì cơ quan cần mua, cá nhân cần mua, người ta đã mua hết rồi. Nói thật với anh, trong Sài Gòn bạn bè tôi, ngay cả tôi, một thằng hưu trí nghèo cũng có bộ sách này, đọc qua loa rồi chưng lên giá sách cho đẹp. Nguyễn Hữu Đang nói bằng giọng cáu kỉnh: chúng nó dịch sai bét so với bản Pháp văn. Tôi nhẹ nhàng, những người dịch trước anh đều là cử nhân, tú tài Tây cả đấy, chứ không phải dân thất học , tay mơ đâu! Họ cố tình tước bỏ những điều họ cho là không cần thiết [...]. Mà quyển sách Tiếng Pháp anh có trong tay, lịch sử Đảng cộng sản Liên Xô, thực chất là lịch sử Staline lãnh đạo Đảng cộng sản Liên Xô, chuyển ngữ sang tiếng Việt. Anh Đang nâng chén rượu, tôi cũng nâng theo anh đến ngang mặt. Anh đụng vào ly tôi hỏi nhỏ, Xuân Đài chắc giỏi tiếng Pháp. Tôi thưa, tôi có được học hành bao nhiêu đâu mà giỏi, chỉ biết chút chút tiếng Pháp, chút chút tiếng Nga. Đọc hai thứ tiếng này lâu lâu lại giở từ điển ra tra mới biết mà trao đổi với anh những điều vừa qua. Thôi anh đừng dịch làm gì. Và tình hình Liên Xô  hiện nay đang khủng khoảng cả chính trị và kinh tế xã hội. Nguyễn Hữu Đang liền kêu lên: cậu nói thế nào, Liên Xô thành trì cách mạng mà lại khủng hoảng được à. Tôi biết Nguyễn Hữu Đang là một người cộng sản, yêu Liên Xô, muốn Việt Nam xây dựng một xã hội mà Liên Xô là hình mẫu, anh mới đi làm cách mạng. Nghe tôi nói vậy anh tỏ ra hoang mang. Phùng Quán liền nửa thật nửa đùa, trấn an anh Đang: Xuân Đài là loại cán bộ không bao giờ chịu đọc báo nghe đài ta mà chỉ suốt ngày nghe đài nước ngoài. Đến nỗi cô Bội Trâm, vợ tôi, phải nhắc nhở vặn nhỏ radio lại, không nên để hàng xóm biết trong nhà mình có người đang nghe “đài địch”, nó mới chịu cắm écouteurs nghe một mình, giọng lưỡi của nó là giọng lưỡi “đài địch”, anh đừng tin.

Có lần tôi nói với Phùng Quán, tất cả anh em nhân văn đều thông minh, có tấm lòng với đất nước, với chế độ. Rất tiếc, các vị đều ngây thơ, ngây thơ nhất là Nguyễn Hữu Đang. Chắc Quán còn nhớ, sau vụ nhân văn, một nhóm người đến rủ anh Đang xuống Hải Phòng, theo đường biển vượt tuyến vào Nam. Anh tin và đi theo họ, không một chút nghi ngờ gì. Anh chưa kịp nhìn thấy biển Hải Phòng đã bị bắt đưa về Hà Nội giam giữ với tội: phản bội tổ quốc chạy theo địch. Tôi cười nói tiếp, cái đáng yêu của cậu là ngây thơ, cái đáng giận của cậu cũng là ngây thơ. Quán gật gù, tỏ ra đồng ý với tôi…

Hết tháng giêng tôi về lại Sài Gòn. Ít lâu sau nhận được thư Phùng Cung, trong đoạn kể về Nguyễn Hữu Đang, Phùng Cung cho biết, anh Đang khỏe mạnh, ăn được ngủ được, được nhiều báo đến phỏng vấn về việc anh làm trưởng ban tổ chức ngày lễ Quốc Khánh tại Ba Đình. Các báo đều có trả tiền nhuận bút, anh Đang rất khấn khởi vì người ta đã tin mình là một nhà văn hóa, chứ không nhìn mình dưới con mắt là một thằng phản bội tổ quốc.

Đầu tháng 9 năm ấy, báo đài khắp thế giới loan tin ngày 19 tháng 8 ông Ensin lật đổ tổng thống Goocbachop. Và Liên Xô hoàn toàn sụp đổ vào ngày mồng 2 tháng 9. Chẳng biết Nguyễn Hữu Đang, Phùng Quán hai nhà communiste sans parti (cộng sản không đảng) cực đoan này có đón nhận tin ấy không. Tôi tin, nếu có đón nhận chắc hai anh rất buồn, nếu không nói là đau khổ…

Nghĩ như vậy, tôi liền viết thư cho Phùng Cung, an ủi anh Nguyễn Hữu Đang đừng quá buồn, hãy tin tưởng vào nhân dân Nga và nhân dân cả khối Liên Xô cũ, những dân tộc anh hùng, nhân ái, họ sẽ biết cách xây dựng tốt đẹp một chế độ mà họ lựa chọn, dĩ nhiên thời gian không thể ngắn được nhưng cũng sẽ không quá kéo dài…

Phùng Cung phúc đáp cho tôi một lá thư rất dài, nói đủ các thứ chuyện trên trời dưới biển, tôi nhớ câu: anh Đang cảm ơn Xuân Đài đã an ủi anh ấy.

Nguồn: Xuân Đài - VHNA

................................

[*]: Trích sách CHUYỆN CÀ KÊ của Xuân Đài; nxb Hội nhà văn; 2014

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng