Lúc đó tôi đang là Tổng Biên tập Tạp chí SÔNG HƯƠNG. Trong thư anh viết, "...anh Ba là một nhà tư tưởng,nhà chiến lược lớn”. Bài thơ dài 314 câu, đoạn kết có câu mà sau này đã trở thành phương châm sống cuả tất cả những đảng viên Cộng sản chân chính. Ôi làm sao quên được? Cái bàn tay năm mươi năm trước Dắt dìu tôi, ấm áp những ngày Từ trang sách Hàng Bè Đến trường đời Cách mạng... Mỗi bước đường đi, tôi vẫn lắng nghe Lời Anh dặn: Đồng chí chúng ta Mỗi ngày nên mỗi lần vào Đảng!
Nhưng, điều khiến tôi rất vui khi nhận được bài thơ không phải chỉ là do nội dung quan trọng của nó mà cả từ lời lẽ trong thư anh gửi cho chúng tôi. Lời trong thư khiến tôi ngạc nhiên. Ngạc nhiên bởi sự khiêm tốn. Sự khiêm tốn mà bằng trực giác của một nhà văn, tôi cảm nhận được sự chân thành, chứ không phải sự khiêm tốn giả bộ thường thấy ở một người đang có đầy quyền lực. Đặc biệt, với tôi, Tố Hữu là nhà thơ mà nền thi ca Việt Nam suốt thế kỷ 20 không có bất cứ nhà thơ nào sánh được và, mượn nội dung 1 bài viết của Nguyễn Tuân, cũng đăng tải trên Tạp chí Sông Hương, rằng, nếu như không có sông Hương thì Huế đâu còn là Huế nữa, chúng tôi đã nói với nhau, nếu nền thi ca hiện đại Việt Nam mà “bỗng dưng”... không có Tố Hữu thì sẽ hiện lên ngay bức chân dung kém "khí thế" của nền thi ca đất nước! Con người đó, “Thi bá” đó lại viết, "...Tôi rất mong được nghe ý kiến của các anh về bài thơ này để sau đây sửa thêm nếu cần”. Anh thật thà giải thích như một lời thanh minh vì sao anh chọn một cách viết "mộc mạc" như thế. ”Tôi đã suy nghĩ khá lâu để viết bài thơ này, từ khi anh Ba qua đời. Làm sao nói được cuộc đời và tư tưởng, tính cách của anh Ba một cách xứng đáng, thật không dễ. Tôi chọn cách vừa kể chuyện vừa nêu được những suy nghĩ của anh Ba mà trong nhiều năm ở gần anh tôi tiếp nhận được... Có những đoạn tôi nói thẳng giọng ”chính luận”, có thể khô nhưng có lẽ rõ ý hơn, nhất là trong lúc này có những khuynh hướng không lành mạnh trong tư tưởng, lối sống...” Tố Hữu viết tiếp, “Nếu các anh thấy dùng được thì có thể đăng ở Tạp chí Sông Hương”.
Trong thư ấy, anh hẹn “có thể sang tháng 4 hoặc tháng 5, tôi về Bình Trị Thiên, có dịp thăm anh chị em.” Tôi vừa viết những dòng này vừa ngắm bức ảnh anh chụp hồi năm 1947 ở Việt Bắc với lời đề “Tặng Tô Nhuận Vỹ thân yêu” mà lòng rưng rưng một nỗi ước ao: em mong anh mạnh để về thăm quê Tết này.
Huế ngày 9/12/2002 T.N.V
LỜI VIẾT THÊM: Sáng nay đến đưa bài viết này cho Tạp chí Sông Hương, tôi nghe tin Anh đã Ra Đi ngay hôm qua! Chúng tôi trào nước mắt khi nghe qua điện thoại, giọng Trần Nguyên Vấn từ Hà Nội đọc mấy dòng Anh để lại cho đời. "Xin tạm biệt đời yêu quý/ Còn mấy vần thơ, một nắm tro/ Thơ gởi bạn đường, tro bón đất/ Sống là cho và chết cũng là cho". Không ngờ bài viết này lại là nén nhang em thắp lên bàn thờ Anh!
(167/01-03)
|