Đời sống văn nghệ
Giấc mơ ngàn đời, giấc mơ ngày xuân
16:29 | 29/04/2009
NGUYỄN HOÀNGTrong cuộc đời 83 năm của mình, bác sĩ Nguyễn Khắc Viện (BS.NKV) không chỉ một lần tình nguyện đem cuộc đời mình làm... vật thí nghiệm để có được một kết luận khoa học. Lần đầu, nửa thế kỷ trước, tại Pháp, sau 7 lần lên bàn mổ, cắt mất hẳn lá phổi trái, 1/3 lá phổi bên phải và 8 xương sườn (do bị lao mà thời đó chưa có thuốc chữa đặc hiệu), thấy rõ y học phương Tây không cứu được mình, BS. NKV đã vận dụng phương pháp Yoga của Ấn Độ và khí công của Trung Quốc trên cơ sở phân tích sinh lý, tâm lý và giải phẫu cơ thể con người, tự cứu sống mình, hình thành nên phương pháp “dưỡng sinh Nguyễn Khắc Viện” ngày nay.
Giấc mơ ngàn đời, giấc mơ ngày xuân

Lần thứ hai, tháng 4/1996, khi biết cơ thể mình đã sắp “đến hạn” phải tuân theo quy luật của tạo hoá, BS. NKV đã tình nguyện viết sẵn lời dặn các bạn đồng nghiệp ngành y: “...xin các cơ sở y tế tiếp nhận tôi: - Đừng khám nghiệm gì thêm: Xquang, thử máu, nội soi... - Đừng cho thuốc men nào, không phẫu thuật, truyền huyết thanh, thở oxy... Xin để cho tôi ra đi nhẹ nhàng, rút ngắn những ngày nằm dài, không trò chuyện gì được với ai, ăn uống vệ sinh đều phải người phục vụ, sống thêm vài ba ngày hay tháng chỉ làm khổ cho bản thân, cho vợ con, cho các bạn...” Ông muốn là người thí nghiệm “quyền được chết” đối với người già yếu mà ở nước ta chưa có tiền lệ...

Cho đến những tháng cuối đời, BS.NKV vẫn muốn đóng góp vào một đề tài khoa học còn nhiều bí ẩn: đó là những giấc mơ của con người. Nhân loại từng biết có những phát minh khoa học, những tác phẩm văn học nghệ thuật được hình thành từ mộng mơ và cũng đã có giấc mơ trở nên tiên tri về một thảm hoạ... Trong một bài giảng về tâm lý, ông đã viết:

“...Chỉ cần ngồi hay nằm yên trong một căn phòng yên tĩnh, hơi tối, nhắm mắt lại, buông mình thiu thiu thì một loạt hình ảnh, cảm nghĩ hiện ra, rất xa lạ với thực tế, rất vô lý và nhiều khi trái với đạo đức. Đó là lúc MƠ MÀNG, nửa tỉnh nửa thức, vẫn còn nhận thức được phần nào, nhưng không kiềm chế được.
Rồi ngủ say, lại bước vào GIÁC MỘNG, giấc chiêm bao, hình tượng hiện ra không còn gì là có nghĩa, có lý nữa: con người có thể bay lên trời, gặp người ở xa nghìn dặm, đã mất bao nhiêu năm rồi...Còn câu chuyện thì không có đầu đuôi nào cả, các tình huống nối tiếp nhau không theo một mạch lạc nào cả...

Mơ mộng là một hoạt động thường xuyên của loài người, song song với thế giới thực tế...Tâm lý học xác định là có 2 “cõi lòng”- một bên là có ý thức, hữu thức, một bên là vô thức. Nói vô thức không có nghĩa là không có, nói đúng hơn là ẩn thức... Qua những hình tượng mơ mộng có thể hiểu con người theo chiều sâu, hiểu cái “thâm tâm” của con người, và dự đoán về con người sâu sắc hơn là dựa vào những cách ứng xử có ý thức. Nhiều học giả ví cái tâm của con người như hòn núi băng, chỉ 1/10 nổi lên - đó là ý thức; còn 9/10 chìm trong nước không thấy được - đó là vô thức, ẩn thức...”

Sau khi dẫn ra cách lý giải của Freud (phân tâm học) và Jung về vô thức, về những tình tiết và câu chuyện trong mơ mộng, ông viết:
“...Tóm lại, không thể lấy lý do “khoa học” mà gạt ra ngoài thế giới mơ mộng, cõi lòng vô thức; còn chấp nhận học thuyết này, hay học thuyết khác... cho đến nay chưa có gì cho phép thuyết nào là đúng hơn thuyết khác...”

Hẳn là để góp phần tìm ra lời giải cho đề tài thú vị này, tuy còn chút hơi tàn của 2/3 lá phổi teo tóp sắp đến lúc suy kiệt, mỗi sáng tỉnh dậy, BS.NKV lại đọc cho người thân ghi lại những giấc mơ của mình, đôi khi kèm lời bình giải. Hơn 4 tháng nằm liệt giường, 70 giấc mơ đã được ghi lại. Nhân ngày Xuân, xin chép lại một vài, để chúng ta cùng tìm hiểu xem con người từng được tiến sĩ sử học Charles Fourniau, Chủ tịch Hội Hữu nghị Pháp-Việt thừa nhận “là bậc thày của tôi... bởi vì Ông có đến ba vốn văn hoá, Việt Nam, Trung Hoa và Pháp... quả thật dường như là vô hạn” đã “mơ mộng” những gì trong những ngày Xuân cuối đời ông.

Đêm 8/1/1997:  Mơ thấy 2 công nhân (1 già, 1 trẻ) đục tượng ở Ngũ Hành Sơn được mời ra Hà Nội làm gần chỗ lăng Bác. Có 3 bức tượng đứng, cụ Trường Chinh và 2 vị khác.Tượng đã làm xong, đứng thẳng trong cốp-pha, chữ nghĩa đã khắc hết rồi. Cả 3 cụ đều khắc khẩu hiệu: “Chủ nghĩa Mác-Lê muôn năm!” Bên cạnh có tượng 3 cụ khác, cũng xong rồi, nhưng chưa tháo cốp-pha, đợi cấp trên cho biết khắc dòng chữ gì vào dưới tượng. Công nhân trẻ nói: “Cấp trên cứ quyết định là chúng tôi khắc ngay, chứ khó khăn gì đâu!” Khó khăn là vì cụ đứng giữa là Nguyễn Khắc Viện, hai cụ 2 bên cũng là nhà khoa học cả. Nên ghi cái gì? Cấp trên bảo: “Khó là vì trước khi chết, cụ Viện có nhắn lại nên ghi cái tác phẩm sâu sắc nhất, bổ ích nhất trong số hàng ngàn bài báo và sách Cụ viết ra. Đó là “BÀI VÈ TẬP THỞ.” Nghe ông ta đọc lên, anh công nhân trẻ nói: “Đại khoa học mà nói “thót bụng ra thót bụng vào” nghe vô duyên, vô tích sự. Công nhân già bảo: “Thế mà đến cuối đời, con người tao không quên là BS.NKV; ông đã cứu tao sống với bài vè tập thở ấy.” Người công nhân già lại đọc bài vè lên rồi cầm tay công nhân trẻ bảo: “Mày nín thở cho tao 100 giây, có sống được không? Mày khoẻ mạnh thế này, cho mày sống hết thế kỷ 21 đến năm 3000, mày còn thở không?” Công nhân trẻ chịu thua...

(Người chép lại tư liệu này (NH) xin được cung cấp vài chi tiết đời thực để các nhà khoa học có căn cứ lý giải giấc mơ trên: Trong vườn tượng của nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng ở Đà Nẵng có tượng BS.NKV. Khi nhận được bức ảnh chụp pho tượng, BS.NKV đã gửi cho nhà điêu khắc lá thư với 4 câu tứ tuyệt: Tượng đồng bia đá mà làm chi / Tình bạn ơn anh đã tạc ghi / La Hán vụng tu chưa hết nợ / Trăm năm rồi cũng phải ra đi. Còn về “Bài vè tập thở” thì trước đó, ông đã nói rất nghiêm chỉnh với nhiều người rằng: đó mới là “tác phẩm để đời” của ông vì nó đúng với muôn người, muôn đời, là luận văn ngắn gọn nhất, khoa học nhất về thuật khí công...! Nhân đây, xin chép lại “Bài vè...” để những ai chưa biết “phương pháp dưỡng sinh NKV” thử áp dụng xem: “Thót bụng thở ra / Phình bụng thở vào / Hai vai bất động / Chân tay thả lỏng / Êm, chậm, sâu, đều / Bình thường qua mũi / Khi gấp qua mồm /Tập trung theo dõi / Luồng ra luồng vào / Đứng ngồi hay nằm / Ở đâu cũng được / Lúc nào cũng được”)

Đêm 21/1/1997:
Mơ thấy vào Huế làm đạo diễn cho thành phố Huế tổ chức một Festival, trong đó cảnh ngoạn mục nhất là cả mấy trăm vua quan, tướng, lính - vua cưỡi voi, tướng đi ngựa, lính đi bộ một vòng trên thành Ngọ Môn, áo quần đủ màu sắc, huy hoàng, lung linh, đèn pha phía dưới rọi lên; sau cho tắt đèn pha, giao cho mỗi người 1 cây nến, mấy trăm nến lấp lánh trong đêm. Vì đông khách Tây, Thành uỷ nhờ Viện đọc một bài diễn văn bằng tiếng Pháp, Tây nghe lác mắt...


(NH chú giải: 90 năm trước, BS.NKV sinh trong Thành Nội Huế, rồi cũng từ Huế lên đường đi Pháp du học; thân phụ ông, sau khi đậu Hoàng Giáp năm 1907, từng làm quan nhiều năm ở Huế - Tư nghiệp Quốc Tử Giám, Tham tri Bộ Hình, Phủ Doãn Tỉnh Thừa Thiên...- Năm 1997, hầu như chưa mấy ai quan tâm đến “Festival Huế”. Đêm trước đó - 2/1/1997, mơ đua xe đạp từ Huế ra Hà Nội, nước sông Hương đỏ ngầu không kém gì sông Hồng!...

Đêm 7 Tết (13/2/1997): Đi tìm xóm Vistule (ở Paris), thường lấy métro (tàu điện ngầm) rồi đi bộ về. Nhà cửa sang trọng hơn, đường phố đổi tên, đi lạc một hồi. Vào số nhà 13, thấy một bà như bà Thu Trang và ông giáo sư Pháp dạy lịch sử văn học đang ngồi cùng một bà Việt kiều cao to bệ vệ, nói tiếng Pháp như gió, chữ nghĩa văn chương thuộc làu. Bà ta bảo: “Tôi không đồng ý nghệ thuật vị nghệ thuật, tự do lung tung, tuỳ hứng, theo cảm hứng siêu thực. Tôi chống cái đấy. Tôi mong các vị giáo sư tiến sĩ dạy văn học bố trí chương trình cho con cháu thế nào có văn, có nghệ, có tình cảm; văn nghệ là chính, không phải lịch sử tư tưởng văn học...Mỗi tác phẩm dạy một tí, tất cả tác phẩm đều thông qua một đoạn ngăn ngắn, không ra cái gì cả. Không cho giáo viên lựa chọn tác phẩm nào tâm đắc nhất dạy hàng mấy tháng...Viện đưa tài liệu cô giáo viên lớp 3, lớp 4 gửi cho các vị xem. Đó là truyện “Bé trâu đánh cọp” có minh hoạ hình ảnh được dịch ra tiếng Pháp. Cọp hỏi trâu: “Sao sợ người thế?” Trâu bảo: “ Vì người có trí tuệ.” Đang bàn thế, thấy Puiseux bước vào, bảo: “Chữ với nghĩa, văn với chương! Chết cả lũ bây giờ!... Thế rồi tỉnh dậy, thấy nằm ở 8 Nguyễn Chế Nghĩa...

(NH chú giải: “Bé trâu đánh cọp” là truyện viết cho thiếu nhi khá nổi tiếng của BS.NKV, khi mới ra đời có người cho là có ẩn ý không hay, nay được NXB Kim Đồng xếp vào loại “Tủ sách vàng”. Puiseux là nhà văn Pháp, bạn thân của BS.NKV, trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ đã nhiệt tình ủng hộ Việt Nam...)

Đêm 15/3/1997: Đang nằm đau khắp nơi, bỗng thấy nhẹ nhõm thoải mái. Mở mắt ra thấy một cụ già đạo cốt đứng trước mặt, ném lên bàn một cuộn dây vò lại với chất gì xam xám. Cụ bảo: “Thần kinh của cậu đấy!” - “Con thấy thoải mái vô cùng, nhưng lâng lâng thế nào ấy, như sống khơi khơi ngoài cuộc đời.” - “Đời ngoại vật là thế đấy, là Tiên đấy. Hãy lựa chọn: Hoặc trên khơi, đi gió về mây với chúng tôi chẳng cần biết chuyện đời; hoặc là sống với đời có sướng có khổ, càng già càng khổ nhiều.” - “Xin chấp nhận chịu đau chịu khổ...”

(NH chú giải: Trong cuốn “Bàn về đạo Nho” BS.NKV viết: “Hình tượng Thầy tôi, đạo lý nhà Nho, đã góp phần không nhỏ, tuy không phải tất cả, giúp tôi nên người...” Như thế làm sao ông có thể chấp nhận lối sống của các vị Tiên theo Lão giáo? Ông muốn được “ra đi nhẹ nhàng”, nhưng mọi người vẫn muốn níu kéo ông ở lại thêm ngày nào hay ngày ấy, nên mãi đến ngày 10/5/1997, ông mới hết phải “chịu đau chịu khổ”!)

Nghiên cứu 70 giấc mơ cuối đời của BS.NKV có thể là một đề tài khoa học, có thể cho ta hiểu thêm về chiều sâu “cõi lòng” ông. Nhưng giấc mơ thường trực ám ảnh suốt cuộc đời ông lại được ông viết ra lúc tâm trí thật tỉnh táo, sáng suốt ngay bên dòng sông Hương tháng 7 năm 1995, sau khi gặp gỡ chuyện trò với đoàn khách du lịch gồm 31 đồng chí cộng sản Pháp. Bài viết có tên “Cùng mơ bên sông Hương” đã được đăng trên tờ tạp chí Đảng Cộng sản Pháp, trong đó có đoạn: “Giấc mơ ngàn đời của những bậc hiền triết xưa, những mơ ước “Thế giới đại đồng”, “Tứ hải giai huynh đệ”, giấc mơ của những người đã làm rung động thế giới vào năm 1789 cũng như năm 1917 luôn sống trong lòng chúng tôi và đem lại ý nghĩa mới trong công việc thường ngày của chúng tôi... Nước Việt Nam chuyển động đang tiến mạnh về phía trước. Một con rồng mới, cũng có thể là một nạn nhân mới, nếu...sự phân hoá một cách gay gắt giữa giàu và nghèo, giữa thành thị và nông thôn, rồi ma tuý, tội phạm... liệu chúng ta có thắng được trong cuộc chiến đấu hiện đại hoá này không?... Chúng tôi đã có may mắn trải qua những giờ cùng mơ đến một tương lai không xa, những con người thiện chí, vượt qua những biên giới, tay trong tay để làm đối trọng chống lại mọi biểu hiện bất nhân của kinh tế thị trường. Chính lúc này, những con người luôn nồng nhiệt hướng tới điều càng thấy cần hơn bao giờ hết: Chủ nghĩa Cộng sản.”

7 mùa Xuân đã qua từ ngày BS.NKV viết những dòng trên đây. Chợt tự hỏi: Liệu chúng ta đã tới gần cái “tương lai không xa” ấy được bao nhiêu?

N.H
(168/02-03)

 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Nếu như... (27/04/2009)