DUY TỪ
Thế là thêm một gương mặt lớn của nền văn nghệ cách mạng đã ra đi. Mới đây không lâu, chúng ta đã ngậm ngùi đưa tiễn nhà thơ Tố Hữu, nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương... Còn giờ đây là Nguyễn Đình Thi. Vẫn biết rằng so với nhiều nghệ sĩ ưu tú khác, ông đã được sống một cách bền bỉ, trẻ trung, khóang đạt và dồi dào sáng tạo trong 80 năm trời (nếu tính theo tuổi “mụ”), song vẫn cứ thấy thật tiếc.
Những ngày đầu đến với văn học của tôi có âm vang của những dòng chữ chứa chan nhiệt huyết với dân tộc của ông trong bài viết “Sức sống của dân Việt Nam trong ca dao và cổ tích”. Dù vốn hiểu biết văn chương của tôi là rất hạn chế, nhưng tôi đã nghe thấy ở đấy một phong cách tài hoa, một tâm hồn biết yêu thương con người, nhân dân. Bấy giờ, Nguyễn Đình Thi vừa độ 18 tuổi. Rồi những chuyến thi cử huyện, tỉnh, toàn quốc, không ít lần người ta lấy thơ ông làm đề thi cho học trò cảm thụ, phân tích. Những vần thơ ấy in sâu trong tâm thức tôi cách đây gần 25 năm: Trời xanh đây là của chúng ta Núi rừng đây là của chúng ta Những cánh đồng thơm mát Những ngả đường bát ngát Những dòng sông đỏ nặng phù sa Nước chúng ta Nước những người chưa bao giờ khuất Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất Những buổi ngày xưa vọng nói về
Những câu thơ lấp lánh khát khao tự do, khát khao danh dự một thời: - Ôi những cánh đồng quê chảy máu Dây thép gai đâm nát trời chiều Những đêm dài hành quân nung nấu Bỗng bồn chồn nhớ mắt người yêu - Ôm đất nước những người áo vải Đã đứng lên thành những anh hùng - Trán cháy rực nghĩ trời đất mới
Cảm hứng về đất nước, về dân tộc là hồn vía làm nên máu thịt trong mọi thành quả sáng tạo của ông. Diệt phát xít, rồi Người Hà Nội cao vút hồn thiêng núi sông trong từng câu, từng chữ, từng thanh âm: “Đây Hồ Gươm, Hồng Hà, Hồ Tây. Đây lắng hồn núi sông ngàn năm. Đây Thăng Long, đây Đông Đô, đây Hà Nội, Hà Nội mến yêu”. Có người nói rằng, Nguyễn Đình Thi làm nhạc bằng “tay ngang”; điều ấy không sai, vì ông chưa từng kinh qua một trường lớp âm nhạc chuyên nghiệp nào; nhưng “tay ngang” mà làm nên những Diệt phát xít, Người Hà Nội từ hồi còn tuổi đôi mươi thì thật đáng nể phục biết bao nhiêu. Đó là chưa nói, trên lĩnh vực lý luận phê bình ông còn có Công việc của người viết tiểu thuyết... trong kịch: Rừng trúc, Nguyễn Trãi ở Đông Quan...; còn ở sân chơi tiểu thuyết là những Xung kích, Mặt trận trên cao, Vỡ bờ... Và bấy nhiêu vừa kể cũng chỉ mới là một phần trong cơ ngơi văn nghệ mà ông đã để lại cho đời.
Có lần ông tâm sự: ông cũng như nhiều anh chị em văn nghệ cùng thời đã hàng chục năm “bước đi trên những con đường lửa” và đã trải qua những cơn “cát bụi sóng gió” cả ở ngoài đời và cả bên trong suy nghĩ, tình cảm của mình giữa một sự thật cuộc sống mà “ánh sáng và bóng tối vẫn đang không ngừng vật lộn”. Song, ông nói: “Tình yêu quê hương đã đưa dắt chúng ta suốt trên con đường dài, cách mạng đã đem đến cho chúng ta ý nghĩa lớn để sống và làm việc, góp phần nhỏ của mỗi chúng ta vào cuộc chiến đấu để giành và giữ chắc nền độc lập và thống nhất của Tổ quốc, giải phóng cho con người, xây dựng cho con người có lẽ sống và bản lĩnh làm người, xây dựng một cuộc sống có sự công bằng xã hội, cho mỗi người lao động có thể sống lương thiện bằng lao động của mình, cho có no ấm, ánh sáng hiểu biết và quyền làm chủ của nhân dân... Những lẽ phải lớn đó vẫn sáng rõ trong chúng ta, không gì che lấp hoặc xóa nhòa được”. Tôi được nghe, rồi lại được đọc những dòng ấy từ Nguyễn Đình Thi, bằng ánh mắt và giọng nói của ông, trên diễn đàn của Đại hội lần thứ 8 Hội Văn học nghệ thuật Thừa Thiên Huế, tháng 6 – 1997, và không thể nào quên được.
Trong đời văn của mình, Nguyễn Đình Thi ít có điều kiện sống và tiếp xúc với Huế so với nhiều nhà văn cùng thời, nhưng xứ Huế trong hiểu biết và tấm lòng của ông vẫn giữ một chỗ sâu nặng. Hãy nghe ông kể những lời rất súc tích về các nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ đã từng gắn bó với Huế: “Tôi bỗng nhiên bồi hồi nhớ anh Thanh Tịnh, nhớ anh chị Lưu Trọng Lư, bao năm sống xa sông Hương mà tấm lòng vẫn luôn ở cùng với sông Hương. Nhớ những câu chuyện anh Nguyễn Tuân kể về những ngày vừa long đong vừa phóng khoáng anh đã sống ở Huế, vào những năm 40. Nhớ giọng anh Xuân Diệu hò mái nhì những buổi tối vui bên bếp lửa ở trong rừng. Nhớ buổi anh Nguyễn Hữu Ba gặp anh Nguyễn Xuân Khoát, anh Đỗ Nhuận, anh Văn Cao ở Hà Nội trong Đại hội Văn hóa Cứu quốc năm 1946, các anh nói về nền âm nhạc dân tộc của chúng ta, say sưa không sao dứt được”.
Những lời ấy ông nói với một chất giọng đặc biệt lắng đọng như tâm tình, khiến ta quên đi rằng ông đang thay mặt Đoàn Chủ tịch Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam phát biểu tại Đại hội lần thứ 8 Hội Văn học nghệ thuật Thừa Thiên Huế. Rồi ông chốt lại như còn để nói với chính mình: “Vâng, thưa các bạn, Thừa Thiên Huế và sông Hương thân yêu của các bạn còn là Thừa Thiên Huế và sông Hương thân yêu của những nhà văn, nghệ sĩ lớn trong cả nước, suốt từ bao năm” (xem Sông Hương số 101 tháng 7-1997). Xin được nhắc lại những dòng này để nhớ mãi một tấm lòng với Huế, một tài hoa đã lao động hết mình vì văn hóa dân tộc.
Huế, 21 tháng 4 năm 2003 D.T (171/05-03)
|