Đời sống văn nghệ
Ông Thi
10:56 | 21/05/2009
PHẠM XUÂN NGUYÊNVề chính trị, ông được chữ nhất: Đại biểu quốc hội trẻ nhất (22 tuổi, khóa I năm 1946); Tổng thư ký Hội Nhà văn lâu nhất (1958 – 1989).Về văn nghệ, ông được chữ đa: đa tài, sáng tác nhiều lĩnh vực, và để lại dấu ấn: thơ (Người chiến sĩ, Tia nắng, Sóng reo), văn (Vỡ bờ), kịch (Con nai đen, Nguyễn Trãi ở Đông Quan, Rừng trúc), nhạc (Diệt phát xít, Người Hà Nội), tiểu luận (Mấy vấn đề văn học, Công việc của người viết tiểu thuyết).
Ông Thi

Về cuộc đời, ông cũng được chữ đa; đa tình, đào hoa. Từng có một cuốn tiểu thuyết của một nữ văn sĩ gây dư luận ồn ào vì nghe như ông là nguyên mẫu của một vai chính trong đó. Từng nghe nói (không biết đích xác thế nào) tại một cuộc liên hoan thanh niên sinh viên thế giới năm nào đó giữa thế kỷ hai mươi, ông và nữ nhà báo cộng sản Pháp Madelaine Riffaud, người được chủ tịch Hồ Chí Minh coi như con nuôi, đã có tình cảm với nhau. Nhưng thời thế đã không cho phép cuộc tình ấy tươi cành xanh lá.

Như nhiều người nổi tiếng và quan trọng khác, quanh ông cũng có nhiều lời đồn đại. Ví như người ta kể Nguyễn Tuân “cấm cửa” ông (ông Tuân là Tổng thư ký đầu tiên của Hội văn nghệ Việt Nam khi mới thành lập năm 1948, và mấy năm sau là đến ông), và cứ theo lời kể thì giữa hai ông đã có những cuộc “tao ngộ” vô tiền khoáng hậu. Nguyên Hồng kể: “Tiếp Abraham (chủ nhiệm tạp chí Châu Âu), ông Tuân nhất định không nói tiếng Pháp. Cứ đòi phải có phiên dịch. Cuối cùng phải có một phiên dịch. Phiên dịch Nguyễn Đình Thi: Tổng thư ký Hội Nguyễn Đình Thi làm phiên dịch. Quái quỷ!” (1). Ví như người ta bảo tại cuộc hội nghị đảng đoàn Hội Nhà văn năm 1979, ông có một phát biểu thực tâm: các nhà văn chúng ta là những hạt bụi, nhưng được ánh sáng của Đảng chiếu vào nên thành bụi long lanh!
Nhưng, cũng như những người lớn khác, ông là người cô đơn.

Cô đơn năm 1949, khi ông làm thơ tự do “những câu thơ như lời nói thường mà đến một độ cảm xúc mãnh liệt” để nói cái đau đớn cá nhân trong chiến tranh, thơ đó đã bị đưa ra phê phán tại hội nghị tranh luận văn nghệ Việt Bắc. Đến cả những chủ soái, kiện tướng của hồi Thơ Mới như Thế Lữ, Xuân Diệu cũng không hiểu được cho ông. Tố Hữu thì thấy “ghét thơ anh Thi ghê lắm” vì sợ cái cá nhân. Những lời phê bình đã làm ông cô đơn, ông suy nghĩ, và ông đã phải thay đổi.
Cô đơn hồi những năm 1970, khi cô Phượng, nhân vật của tiểu thuyết Vỡ bờ, bị đem ra mổ xẻ, phê phán. Cô Phượng, con gái một nhà tư sản hàng Ngang hàng Đào, vợ một tri huyện, quen sống trong vây bọc của giới thượng lưu, nhưng lại đem lòng yêu một họa sĩ nghèo, và khi cách mạng tháng Tám nổ ra cũng biết cầm cờ xuống phố chào mừng. Nhà văn đã quá nâng niu, chiều chuộng, vuốt ve nhân vật của mình, đến độ phá vỡ logic cuộc sống và logic nghệ thuật. Viết như thế là còn thiếu vốn sống, còn yếu về thế giới quan, là chưa đúng phương pháp hiện thực xã hội chủ nghĩa. Trước những góp ý xây dựng đó, ông đã phải thốt ra một câu nổi tiếng: tôi đưa ra cho các người một con ngựa, sao các người lại hỏi nó không có sừng. (Cái câu dạng này nhưng dùng hình ảnh khác cũng đã được nhà văn Phan Tứ thốt ra khi nhân vật Duy Hảo trong cuốn tiểu thuyết Mẫn và tôi của ông bị góp ý như nhân vật Phượng. Phan Tứ nói: tôi mở quán bán mì, sao các người lại hỏi không có phở).

Cô đơn năm 1980, kỷ niệm 600 năm sinh Nguyễn Trãi, anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới, ông viết vở kịch Nguyễn Trãi ở Đông Quan, chỉ diễn đâu một lần rồi thôi, thôi cho đến tận bây giờ. Phục dựng hình ảnh người trí thức Nguyễn Trãi thời ở “góc thành Nam lều một gian, no nước uống thiếu cơm ăn”, ông đã làm giật mình những người có trách nhiệm. Nhưng “quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách”, huống nữa là bậc sĩ phu. Ông cô đơn lần này thấm tận nỗi đau. Kịch ông hầu như vở nào cũng bị vướng. Vở Rừng trúc viết về vị vua cuối cùng của triều Lý là Lý Chiêu Hoàng mãi hơn hai chục năm sau ngày viết ra mới dàn dựng được, tác phẩm sân khấu cuối đời của đạo diễn tài năng Nguyễn Đình Nghi. Vở Con nai đen cũng bị xầm xì. Nói như Bùi Ngọc Tấn, đó là thời gian lưu truyền bản án miệng về các con vật: con voi của Bành Bảo, con nai đen của Nguyễn Đình Thi, con chó xấu xí của Kim Lân, rồi là con hùm của Nguyên Hồng, con ngan của Vũ Tú Nam.(2)

Cô đơn năm 1993 nhà triết học Việt Nam Trần Đức Thảo mất ở Paris, ông ở Hà Nội viết bài tưởng nhớ con người ông đã gặp hơn bốn mươi năm trước ở chiến khu Việt Bắc, kể lại cuộc đời ông Thảo mà ông viết như dửng dưng: “Mấy năm sau những ngày về Hà Nội, tôi được biết anh Trần Đức Thảo làm khoa trưởng trường đại học của ta. Tôi thầm nghĩ: như vậy phải quá. Sau vụ báo “Nhân văn”, Trần Đức Thảo thôi giảng dạy ở trường đại học của ta. Tôi thầm nghĩ: như vậy phải quá”. (3) Câu văn đăng đối che giấu một nỗi xô lệch trong lòng.

Thơ ông viết khi tuổi đã tóc bạc:
Tôi không nói được mình đã trải đời
Không nói được mình đã hiểu người
Không dám nói mình đã biết yêu
Không dám nói mình đã biết sống (3)

Một thái độ khiêm tốn, khiêm nhường? Có thể. Nhưng có thể đó cũng là một thái độ xí xóa đối với cuộc đời, với bản thân. Nguyễn Công Trứ nhân dịp lên lão bảy mươi làm một bài thơ mời bạn hữu đối họa, trong đó ông nói muốn vất hết mọi công danh phù thế, quay về chốn núi Hồng nằm khểnh mà chơi. Cao Bá Quát họa lại một bài “chọc chơi” Uy Viễn tướng công: ông nói thế không sợ núi Hồng cười cho ư, vì chẳng hóa ra bảy mươi năm qua đời ông là vô ích, là vất cả hay sao?
Khi còn là sinh viên ông đã viết bài về triết học Kant, Descartes. Sau này một nhà văn trẻ đã viết bài trao đổi lại với ông về Kant, Nietzsche, khi ông tỏ ý chê trách lớp cầm bút trẻ không chịu đọc, chỉ thích nói chữ. “Giới hạn chỉ còn do sức đi xa của mình”, ông đã nói vậy vào năm 1949.

Có lẽ cái còn lại trong văn nghiệp của ông, như có lần ông đã tự nhận và người đọc cũng công nhận, là thơ và kịch. Nhất là thơ. Thơ ông buồn man mác và lắng sâu.
Phút giây không nói của đôi tình nhân thoáng gặp trong chiến tranh:
Môi em đôi mắt
Còn ôm đây
Nhìn em nữa
Phút giây
Chiều mờ gió hút
Em
Bóng nhỏ
Đường lầy (3)

Quanh cảnh Hà Nội ngày súng nổ:
Sáng chớm lạnh trong lòng Hà Nội
Những phố dài xao xác heo may
Người ra đi đầu không ngoảnh lại
Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy (3)
Mang Hà Nội đi xa là có cả bốn câu thơ này, những câu thơ vào loại hay nhất viết về Hà Nội.

Thơ ông theo năm tháng cuộc đời càng nghiêng về những đêm Lý Bạch những chiều cuối năm, những niềm nhỏ, những một chút, đi theo cùng tia nắng, và hòa vào trong cát bụi. Ông đã thấy những ngõ tối nơi cái ác giấu mình. (4)

Ông đã thấy có những người nhìn nhưng không thấy:
Anh đăm chiêu: “Sông ở đây nước đục ngầu”
Tôi không dám nói lại. Sông ở đây nhiều phù sa

Anh nghiêm nghị: “Còn quá nhiều bóng tối
Lâu nay chúng mình quá lý tưởng”

Vâng. Hôm qua, hôm nay, các bà mẹ chúng ta vẫn ăn đói nuôi con (3)

Và ông hiểu ra con người còn mãi loay hoay với những câu hỏi:
Công bằng đầu tiên là ở bát cơm mỗi nhà
Giải phóng đầu tiên là khỏi đói rét ngu tối
Phẩm giá đầu tiên là có việc làm
Tự do đầu tiên là được lựa chọn
Bình đẳng đầu tiên là ngang nhau nam nữ
Nhân nghĩa đầu tiên là coi trọng mạng sống con người
Hy vọng đầu tiên là ở suy nghĩ
Hạnh phúc đầu tiên là yêu và thương. (5)

Khó lắm, lời giải cho những câu hỏi đó, khi chúng được nói ra từ miệng một nhà thơ đã từng là ủy viên ban thường trực quốc hội khóa đầu tiên, thành viên ban soạn thảo hiến pháp đầu tiên của nước Việt mới.
Ông có một niềm nhỏ là khi đi xa chỉ mong đem theo được bên mình “một vài ánh mắt nhìn quyến luyến” và gửi lại được “chút nắng ấm cho người tôi yêu thương”. Có lẽ giờ đây ông được toại nguyện điều đó.

Giờ đây ông đã từ bên ấy trông về
Trông về từ bên ấy
Những gì anh thu vén bao lâu
Những gì anh chăm chăm giành giật
Nào mang theo được gì đâu

Chỉ những niềm yêu của anh
Như mạch nước không ai thấy
Mỗi ngày nuôi anh lặng lẽ (3)

Con người ta chỉ khi đã về với cát bụi mới ngộ được cái triết lý dân gian trong bài ca dao về vua Ngô và chúa Chổm. Đó là bi kịch đời người. Ít ai dám sống theo câu nhạc Trịnh: sống trong đời sống cần có một tấm lòng, cho gió cuốn đi, gió cuốn đi.
Nghe kể hàng năm, từ nhiều năm về trước, những dịp lễ tết ông vẫn thường đến thăm Trần Dần và gia đình, vẫn có những cử chỉ chu đáo, thân tình.

Trong một album nhạc của cố nghệ sĩ nhân dân Lê Dung hát bài Người Hà Nội có cảnh ông ngồi bên cửa sổ trước một bình hoa trầm tư mơ mộng. Có lẽ, đó là chân dung thật nhất của ông, con người sáng tạo, con người của thơ nhạc.
Vĩnh biệt ông, Nguyễn Đình Thi.

Tokyo 4. 2003
P.X.N
(172/06-03)

--------------------
(1) Bùi Ngọc Tấn. Một thời để mất, hồi ức văn học, Nxb Hội Nhà Văn, Hà Nội, 1995, tr. 77.
(2) Bùi Ngọc Tấn. Sđd, tr. 112.
(3) Tuyển tập Nguyễn Đình Thi, Nxb Văn Học, Hà Nội, 1997, tập 3, lần lượt số trang: 192, 605, 395, 431, 566, 572.
(4) Những chữ in nghiêng là ý thơ và tên các bài thơ của Nguyễn Đình Thi.
(5) Nguyễn Đình Thi. Sóng reo, Nxb Hội Nhà văn, 2002.

Các bài mới
Các bài đã đăng
Nếu như... (27/04/2009)