Sôi nổi và đậm đà tình nghĩa hơn sự đĩnh đạc trong hội trường, là các cuộc nhóm họp ngoài hành lang. Bạn bè tặng nhau những cuốn sách mới được in ấn. Những tập sách tặng nhau đáng kể nhất, phải nhắc tới:
1. Bộ "Non Mai Sông Hãn" gồm 2 tập văn và thơ thế kỷ 20 của Hội Văn nghệ Quảng Trị.
2. Thơ thế kỷ XX và văn thế kỷ XX của Hội Văn nghệ Hà Tĩnh.
3. Các nhà văn hiện đại tỉnh Quảng Bình của Hội Văn nghệ Quảng Bình.
Các quyển sách ấy đều nănåg tay, bìa cứng, trình bày trang nhã, nhìn rất "bắt mắt". Thừa Thiên Huế cũng đã làm tập "Các nhà văn Thừa Thiên Huế", nhưng "quá khiêm tốn" trước quyển của Quảng Bình. Riêng công trình về văn, thơ thế kỷ XX thì Thừa Thiên Huế chưa có. Mà đúng ra, nó phải có rồi. Không hiểu mắc ở đâu chưa ra được. Chẳng lẽ Thừa Thiên Huế "tụt hậu" so với công việc đó của các tỉnh về phương diện văn hoá vẫn tự suy tôn Thừa Thiên Huế là bậc đàn anh.
Còn các sách văn, thơ của các cá nhân tặng nhau thì cả đống.
Hoàng Văn Bàng hỏi tôi:
- Mỗi tập sách của các nhà văn được in Hội Văn nghệ Thừa Thiên Huế hỗ trợ cho tác giả được nhiều ít?
Tôi đáp:
- Cào bằng 200.000 đồng một cuốn.
Bàng cười:
- Thế thì thua Quảng Bình rồi. Mỗi tập thơ, tác giả được đầu tư 2 triệu đồng. Văn xuôi thì từ 3 triệu đồng trở lên.
Bàng hỏi tôi:
- Kinh phí của Hội trong đó tỉnh cấp bao nhiêu?
Tôi đáp:
- Hình như 420 triệu gì đó.
- Vậy là hơn Quảng Bình rồi. Thế thì sao lại đầu tư ít vậy.
Tôi đáp:
- Chịu.
Các anh ở Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hoá cùng chỗ đứng với nhau, đều nói, các tỉnh ấy đầu tư cho tác phẩm cũng giống như Quảng Bình vậy.
Riêng Thanh Hoá, các anh cho biết, tỉnh cho Hội một khoản đầu tư tác phẩm riêng, ngoài ngân sách, mỗi năm 50 triệu đồng.
Trước mặt chúng tôi đứng là sân khách sạn Nhật Lệ, xe riêng của các tạp chí: Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị đều đậu ở đó hết. Xe nào cũng bóng loáng, mới toanh. Họ đều được trang bị đầy đủ. Duy nhất Tạp chí Sông Hương phải mượn xe LADA cũ rích của Hội để đi. Sông Hương không có xe riêng. Chiếc LADA nằm một góc, hình như nó cũng cảm thấy tủi thân.
Anh Lê Thái Sơn, Chủ tịch Hội Văn nghệ Nghệ An, khoe với chúng tôi:
- Tỉnh Nghệ An đã cho Hội cái gọi là "LÀNG VĂN NGHỆ".
Tôi nói:
- "Làng văn nghệ?"
- Đúng - Sơn nói - Tỉnh cấp đất cho một làng văn nghệ. Nghĩa là cấp chung một khu đất cho văn nghệ sĩ. Mỗi người đều có phần trong đó, bình quân là 100 mét vuông. Đất ai người nấy làm. Quần tụ thành một "LÀNG VĂN NGHỆ".
Tôi hỏi:
- Cho đất, cấp đất hay mua đất.
Sơn đáp:
- "Cho" đàng hoàng. Đàm Quỳnh Ngọc thích một chỗ khác, bán phần đất của mình đi, thêm 40 triệu mua hẳn được một chiếc nhà tầng đàng hoàng - Sơn hỏi - Huế có làng văn nghệ không?
Tôi đáp:
- Đã có lần họp với tỉnh, anh chị em văn nghệ sĩ cũng đã có đề nghị. Nhưng rồi tỉnh lơ. Bây giờ thì vẫn cảnh mạnh ai nấy làm. Xin anh Sơn cho kinh nghiệm.
Sơn cười:
- Kinh nghiệm là lãnh đạo tỉnh thông cảm với anh chị em văn nghệ sĩ. Nhưng lãnh đạo Hội cũng phải có tác động. Tác động kịch liệt.
Cả đám chúng tôi cùng cười vang.
Hoá ra chuyện ngoài hành lang lại còn có vẻ "hay" hơn cả trong hội trường. Thông báo cho nhau toàn "tin xịn", đầy ý nghĩa. Hoá ra cụm từ "giải quyết ngoài hành lang" là có thật. Đó toàn là những tin nóng hổi rất cần thiết để anh em biết mà mừng cho nhau, và gợi ý cho nhau một cách làm. Bàn mãi, cũng nhất trí được với nhau ba chữ để cười vang "TUỲ THỦ TRƯỞNG".
Ai đó nói thầm mà mọi người nghe đều rõ:
- Thời nay thủ trưởng to thiệt!
Chúng tôi ôm lấy nhau mà cười trước hành lang Hotel Nhật Lệ, bên bờ sông Nhật Lệ, Quảng Bình.
N.Q.H (174/08-03) |