Đời sống văn nghệ
REO - Tờ báo văn nghệ và trào phúng của Liên đoàn VHCQ Thừa Thiên
14:49 | 20/06/2017

DƯƠNG PHƯỚC THU

Ngày 18/9/1945, tại số 43 đường Trần Hưng Đạo, thành phố Thuận Hóa, Liên đoàn Văn hóa cứu quốc Thừa Thiên - tiền thân của Liên hiệp các hội Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên Huế ngày nay được thành lập.

REO - Tờ báo văn nghệ và trào phúng của Liên đoàn VHCQ Thừa Thiên
Trang bìa báo 'Reo' số 2 ra ngày 1/1/1946

Ngay sau đó, Liên đoàn ra nghị quyết về việc xuất bản báo chí làm cơ quan ngôn luận để tuyên truyền cách mạng, vận động cách mạng xây dựng nền Văn hóa mới.

Đại Chúng, cơ quan ngôn luận của Liên đoàn, xuất bản mỗi tháng một kỳ. Do hoàn cảnh lịch sử, lúc đầu Đại Chúng là cơ quan của Liên đoàn Văn hóa cứu quốc Thừa Thiên, sau nâng lên thành cơ quan của Liên đoàn Văn hóa cứu quốc Trung Bộ. Báo có hai bộ, số 1 (bộ cũ) ra tháng 10/1945; số 1 bộ mới ra tháng 3/1946; mỗi số có 36 trang cả bìa; khổ 20.5 x 29.5cm. Tòa soạn và trị sự đóng tại số 35 Hàng Bè (nay là đường Huỳnh Thúc Kháng). Chủ bút là GS. Tôn Thất Dương Kỵ, nhà báo Phan Thao làm thư ký tòa soạn, họa sĩ Phạm Đăng Trí phụ trách trình bày. Tham gia Ban biên tập có một đội ngũ nhà văn nhà báo hùng hậu, được công bố ở trang 2 ngay từ số 1, gồm: Phan Thị Nga, Đào Duy Anh, Vương Tứ Ba, Nguyễn Đổng Chi, Đào Duy Dếnh, Tế Hanh, Tố Hữu, Vũ Hân, Đào Duy Kỳ, Phan Khoang, Lưu Quý Kỳ, Nguyễn Lân, Lưu Trọng Lư, Trần Thanh Mại, Phan Nhân, Đào Duy Phiên, Hoài Thanh, Hải Thanh, Hải Triều và Chế Lan Viên.

Bên cạnh tờ Đại Chúng, Liên đoàn Văn hóa cứu quốc Thừa Thiên còn xuất bản tờ báo Reo làm cơ quan văn nghệ và trào phúng của Liên đoàn.

Tòa soạn và trị sự báo Reo đóng tại số 13 đường Lê Thái Tổ, Thuận Hóa (nay là đường Lê Lợi, thành phố Huế), Reo xuất bản mỗi tháng 2 kỳ, ngày 1 và 16. Số 1 ra ngày 16/12/1945; có 12 trang cả bìa, khổ 21 x 29cm. Báo in hai màu tại Nhà in Tiếng Dân, số 123 đường Hàng Bè; giá bán mỗi số 1đ.00.

Chủ bút tờ Reo là nhà báo Đỗ Hữu Phú, ông Vĩnh Hòe làm quản lý.

Nhà báo Đỗ Hữu Phú sinh năm 1920, người xã Hải Tân, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị. Ông tham gia hoạt động cách mạng từ lúc còn trẻ. Sau Cách mạng tháng 8/1945, ông được phân công phụ trách tờ báo Reo ở Huế. Trước ngày vỡ mặt trận, ông được lệnh chuyển ra vùng Thanh Nghệ Tĩnh, giữ chức Phó ban Tuyên truyền Việt Minh Trung Bộ. Sau năm 1954, ông chuyển ra Hà Nội, được Đảng cử sang ngành ngoại giao. Ông có nhiều năm công tác ở nước ngoài, từng giữ chức Tham tán văn hóa, Bí thư thứ nhất Đại sứ quán nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ta tại Liên Xô. Nhà báo Đỗ Hữu Phú nghỉ hưu năm 1986, mất năm 1996 tại Hà Nội, thọ 77 tuổi.

Báo Reo là cơ quan văn nghệ và trào phúng của Liên đoàn, với tuyên ngôn ngày ra mắt: “Cũng như tất cả hoạt động khác, báo chí lúc nầy phải nhắm vào mục đích: CỨU QUỐC”.

“Đó là một điều dĩ nhiên và hiển nhiên rồi”.

“Nhưng cũng bởi đi trên con đường ấy mà hầu hết báo chí đều thiên về chính trị và đều giữ cái vẻ mặt trang nghiêm của một… ông chủ báo. Và cũng bởi thiên về chính trị nên người ta hơi, chỉ hơi thôi, quên văn chương và nghệ thuật một tí, cũng chỉ một tí thôi”.

“Dân Việt Nam tuy ăn sau bước chậm vẫn là một dân tộc chuộng văn nghệ vì là một dân tộc có sẵn một di sản văn nghệ. Ít thấy nhắc tới văn nghệ, dân Việt Nam, nhất là đồng bào Trung Bộ ta cũng thấy khô khan. Và cứ phải giữ cái vẻ đạo mạo mãi, nhiều người cũng hơi buồn - buồn chớ không phải chán”.

“Trong lúc bom đạn vang rền ở miền Nam, dạ dày gào thét ở miền Bắc và đồng bào toàn quốc hò la khắp ngoài mặt trận và hậu phương, chúng tôi nhận thấy cần phải góp một phần hơi sức vào công cuộc chung. Nhưng chúng tôi chỉ đứng trong một địa hạt riêng để khỏi lầm lẫn với những các cơ quan khác và cũng tùy theo tài mọn của mình. Ngực lép, cổ nhỏ, hơi khàn, nhưng chúng tôi cũng thử cố Reo”.

“Chủ trương “Reo” hò trên mặt trận văn nghệ cũng như “Reo” mừng những thắng lợi của Chính phủ và quốc dân. “Reo” cười những lố lăng có hại cho tinh thần đoàn kết toàn dân và nền độc lập của Tổ quốc. Và ‘Reo” vang cho không còn ai buồn ngủ nữa”.

Reo chê cười những sinh hoạt rượu chè, cờ bạc; cười cả những ông quan cách mạng nhũng nhiễu dân lành, cười anh nông dân bỏ ruộng, cười đàn ông hai vợ, cười những người đàn bà lắm mồm, điêu ngoa... và cười tất cả thói hư tật xấu theo quan niệm lúc bấy giờ như uống cà phê theo kiểu thực dân... Reo cười dưới nhiều hình thức, thể loại của báo chí và văn học trào phúng.

Mặc dù chủ trương chỉ làm văn nghệ và trào phúng thôi, nhưng Reo vẫn xông pha vào địa hạt chính trị, văn hóa, học thuật, mỹ thuật, âm nhạc. Trước cuộc Tổng tuyển cử dân chủ bầu Quốc hội khóa đầu tiên ngày 6/1/1946 của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Reo tích cực đăng tin phỏng vấn, giải đáp những thắc mắc của dân chúng Thuận Hóa và Thừa Thiên.

Báo Reo mới xuất bản được ba kỳ, sau Tết Độc lập đầu tiên, báo Reo ra số đặc biệt ngày 27/1/1946, thì ngừng xuất bản.

Nhìn lại lịch sử báo chí văn nghệ của Thừa Thiên Huế, thì Reo giữ vai trò tiên phong và có vị trí nhất định trong dòng văn nghệ trào phúng cách mạng để “Reo vang cho không còn ai buồn ngủ nữa”.

D.P.T  
(SHSDB25/06-2017)






 

Các bài mới
Các bài đã đăng