Đời sống văn nghệ
Trò chuyện với nhà thơ Nguyễn Khắc Thạch
14:39 | 12/07/2023


TRẦN NHẬT THU

Trò chuyện với nhà thơ Nguyễn Khắc Thạch
Ảnh: internet

Trần Nhật Thu (T.N.T): Nghe nói một thời gian dài ông thiền. Vậy ông đã ng ra điều gì?

Nguyễn Khắc Thạch (N.K.T): Người ta nói uống rượu là cốt để say. Cũng vậy, thiền là cốt để ngộ. Song, để say thì ai cũng có thể làm được trong chốc lát còn để ngộ thì không dễ mấy ai làm nổi trong một kiếp người. Đương nhiên, đấy là sự ngộ ở cấp độ Phật học, tức ngộ đạo. Tôi cũng có hành thiền nhưng chưa bao giờ dám mơ là mình được ngộ đạo ở kiếp “tay đã nhúng chàm” này. Chắc câu hỏi mà anh đặt ra ở đây hẳn không hàm ý mỉa tôi đấy chứ?

Thực ra thì nhờ thiền mà tôi cũng ngộ ra một điều rằng: giữa thiền và thơ, người ta chỉ được chọn một mà thôi. Mặc dầu đôi khi, tôi vẫn cảm thấy giữa thiền và thơ có một quan hệ nào đó tựa hồ như bóng với hình. Song, thiền thì ngộthơ thì mê. Thiền là trở về với “bản lai diện mục” còn thơ lại phiêu lưu vì những gì mới lạ. Bởi vậy, từ khi hành thiền, tôi không có hứng làm thơ nữa. Tôi cũng đọc khá nhiều thơ thiền nhưng công bằng mà nói thì đa phần, đấy chỉ là những bài kệ chứng đạo hoặc nói cách khác, thơ thiền là một phương tiện biểu ngộ của các thiền sư. Trường hợp thơ viết trong cửa Phật mà “đời” đến nỗi “lạnh cả trời” như bài Ngôn hoài của thiền sư Không Lộ thì quả là điều bất khả tri luận.

T.N.T: Quê Yên Thành Nghệ An lấy vợ sinh con ở Quảng Bình, lập nghiệp rồi cư ngụ lâu dài ở Huế. Trong ba nơi ấy nơi nào để lại dấu ấn trong đời văn của ông. Ông yêu nơi nào nhất? Vì sao?

N.K.T: Câu hỏi này có vẻ “cổ điển” nhưng cũng khá thú vị khiến tôi nghĩ đến câu thơ Chế Lan Viên “Khi ta ở chỉ là nơi đất ở - Khi ta đi đất đã hóa tâm hồn”. Thực ra thì tôi cũng chỉ là một tha nhân “sinh vô gia cư” và thật khó thoát cảnh “tử vô địa táng”. Song, điều đó đối với tôi không quan trọng. Tôi thấy trong tử vi, nó chỉ khu biệt “thời gian sinh mệnh” chứ không phân biệt “không gian cục bộ” như trong lý lịch. Tử vi là “áo trời”, lý lịch là “áo người”. Tôi thích áo trời không có đường may. Lẽ vậy, tôi ở đâu thì mọi nỗi niềm của tôi ở đấy.

T.N.T: Thơ như “Dòng sông một bờ” (cũng là tên tập thơ của ông). Bơi giữa dòng rồi thì không có bờ để quay trở lại. Có bao giờ ông cảm thấy mệt mỏi chán chường giữa dòng ấy chưa?

N.K.T: Khi đứng trước biển tôi ngỡ đấy là dòng sông một bờ. Trước những gì lớn lao cũng đều vậy. Tình yêu và thi ca là thiêng liêng, là thăm thẳm. Trên hành trình ấy, cũng có khi tôi cảm thấy mệt mỏi chán chường nhưng vẫn bị “ma đưa lối, quỷ dẫn đường” và cứ thế mà bơi, bơi như ngọn sóng, biết nửa vời tan vỡ vẫn dâng lên...

T.N.T: Nếu có, thì làm sao ông bơi trở lại? Và cách gì tới được bờ bên kia?

N.K.T: Dòng sông ấy cũng là một ý niệm về thời gian. Thời gian có quay ngược đâu mà tôi bơi trở lại được. Còn bằng cách gì để tới được bờ bên kia ư? Mỗi khi “trốn” vào thiền, tôi lại gặp câu thần chú “yết đế, yết đế, ba la yết đế, ba la tăng yết đế, bồ đề tát bà ha”, nghĩa là: đi qua, đi qua, đi qua bờ bên kia, đi qua bến bờ bên kia, bến bờ giác ngộ. Tôi nghĩ bến bờ giác ngộ là sự hóa sinh của khát vọng. Và, có lẽ không còn cách nào khác, tôi sẽ đi qua bến bờ bên kia bằng khát vọng.

T.N.T: Có lần ông phát biểu: “Thơ là cái đẹp mong manh, cái đẹp trong sự đổ vỡ của nó. Thơ hiện nay là cái đẹp “bội thực” cái đẹp khốn cùng có bảo hiểm”, ông Thạch này, hình như hơi bí hiểm! Ông có thể nói rõ hơn.

N.K.T: Đúng vậy, tôi đã nói đâu đó, thơ là cái đẹp mong manh, cái đẹp trong sự đổ vỡ của nó. Không chỉ có thơ, mọi cái đẹp đều mang trong nó thuộc tính ấy. Điều này, nó vừa thuộc hiện tượng tâm lý vừa thuộc cơ chế “bỉ sắc tư phong” đầy nghiệt ngã của tạo hóa. Chẳng phải Nguyễn Trãi cũng đã từng thốt lên “Hoa thường hay héo, cỏ thường tươi” hoặc Nguyễn Du là “Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen” đó sao.

Cái đẹp của thơ là cái đẹp thuần khiết, cái đẹp tự thân. Thơ hiện nay cũng có cái đẹp (nói đúng hơn là vẻ đẹp) nhưng phần lớn là do người ta “mông má” cho nó bằng sự “bức xạ” của trí tuệ. Thậm chí, có người còn dùng cả tiền bạc, bằng mọi cách, để “tiếp thị” cho thơ của mình được “đẹp mã” lên. Cái đẹp kiểu ấy chỉ làm “bội thực” đối với các chủ thể thẩm mĩ và chính nó là cái đẹp khốn cùng có bảo hiểm.

T.N.T: Đọc thơ ông lúc nào cũng cảm thấy cô đơn, thảng thốt phải đối diện với mình, nhưng lại rất tự tin! Trốn mà chi/ Khoảng trống cô đơn còn rộng lưu mặt đất/ Tôi đi rồi. Em đứng khóc sau mưa.

Ám ảnh của tuổi thơ hay vì lẽ gì khác? Với thơ ông tự tin được như thế không?

N.K.T: Quả vậy, anh đã “điểm huyệt” tôi bằng “ngón nghề” phân tâm học rồi đấy. Ám ảnh tuổi thơ lắt lay bi thương và mặc cảm tự tôn bẽ bàng bi tráng thường “thảng thốt” trong tôi mỗi khi thơ đến. Với thơ, tôi không tin ở mình nhưng lại tin vào bạn đọc. Đành rằng, bạn đọc của tôi cũng mong manh trong giới hạn “đồng thanh tương ứng” nhưng chính họ đã mặc khải cho tôi cái năng lực tự biết mình. Và từ đó, lại đến lượt tôi tự tin vào thơ tôi.

T.N.T: Quay lại câu hỏi đầu: những điều ông ngộ ra, ông đã làm được đến đâu khi đã bước vào “tuổi tri thiên mệnh”.

N.K.T: Một lần, tôi đến thăm nhà thơ Phùng Quán và được ông tiếp trên “chòi ngắm sóng”. Ở đấy, ông có treo một cây nỏ và kèm hai câu thơ. Lâu ngày, tôi chỉ còn nhớ mang máng:

Tuổi 18 đẽo thập ác làm nỏ
Tui 50 đẽo nỏ làm thập ác.

Tôi nghĩ đấy cũng là một sự ngộ. Có thể ai cũng biết cây nỏ và cây thập ác là đồng dạng nhưng chỉ những kẻ “đa đoan” như nhà thơ mới liên tưởng, mới “vận vào” như vậy. Nếu ai coi thơ là vũ khí thì thơ chính là nỏ của họ. Còn tôi, tôi lại cho rằng thơ là thập ác. Hoặc thơ là Jesus, thơ là Doxtoiepxki, thơ là cái đẹp cứu chuộc thế gian.

Tôi hiểu vậy khi “bóng câu” đã ngả sang phía heo may của tuổi lá vàng. Và đây, có lẽ cũng là chỗ chín muồi của tuổi đẽo nỏ làm thập ác.

T.N.T: Xin cám ơn!

(TCSH116/10-1998)

 

 

Các bài đã đăng