Đời sống văn nghệ
TRẠI SÁNG TÁC VĂN HỌC "VINH XUÂN - MÙA BIỂN GỌI"
14:27 | 09/07/2024

Trại sáng tác văn học với chủ đề “Vinh Xuân - Mùa biển gọi” do Hội Nhà văn Thừa Thiên Huế phối hợp với UBND xã Vinh Xuân tổ chức, diễn ra trong thời gian từ ngày 3/5 đến ngày 10/5/2024, gồm 14 nhà văn, nhà thơ và 1 nhạc sĩ khách mời, đã cho ra đời 58 tác phẩm.

TRẠI SÁNG TÁC VĂN HỌC "VINH XUÂN - MÙA BIỂN GỌI"
Người dân HTX Vinh Xuân thu hoạch ớt - Ảnh: tư liệu

Những nét đẹp về đời sống lao động sản xuất, sinh hoạt văn hóa, thiên nhiên quyến rũ, những đổi thay trên quê hương Vinh Xuân đã mang lại xúc cảm làm nên chất lượng của các tác phẩm, lan tỏa dấu ấn đẹp về một miền quê xứ Huế.

Tạp chí Sông Hương xin giới thiệu đến bạn đọc một số tác phẩm từ trại sáng tác với các thể loại bút ký, thơ, nhạc.

                           Sông Hương

 

NGUYỄN KHOA DIỆU HÀ


Mùa vui Vinh Xuân

                              Bút ký

 

Mùi cơm gạo mới thơm lừng bay khắp nhà, tối nay mạ con chị Lồng ăn cơm hơi tối. Đang mùa gặt mà! Chị và ba đứa con vừa ở ruộng về, thông báo cơn giông kèm lốc chiều qua làm rạp một ít diện tích lúa của gia đình, thiệt hại không đáng kể. May là nhà chị đã gặt gần xong. Nghề nông, khi cây lúa còn trên đồng, hạt lúa chưa vào bao, vào bồ thì chưa thể nói là được mùa hay mất mùa. Bữa cơm tối muộn nhưng vui, tiếng chị Lồng hồ hởi: “Bà con làng mình gặt gần xong hết rồi, ngang ni cũng biết là năm ni được mùa!”.

Cây lúa đứng vững được trên đất Vinh Xuân quê chị Lồng thì người nông dân ở đây cũng dày công, mướt mồ hôi với ruộng đồng hơn bà con ở vùng khác rất nhiều.

Nằm giữa phá Tam Giang và biển, Vinh Xuân là vùng quê cát. Cát từ ngoài biển vào đến tận nhà, cát đi cả vào giấc ngủ. Trồng cây gì trên đất cát này thì điều đầu tiên là phải tính đến chuyện nước nhiễm mặn, mà cây lúa thì cần nhiều nước ngọt. Nghĩ đến thôi là đã thấy người dân Vinh Xuân suốt hơn 600 năm qua, từ đầu thế kỷ XV, khi những tướng lĩnh và lính tráng trong đoàn quân của vua Lê Thánh Tông xin ở lại đây và lập làng, trở thành những vị tổ của làng, thì việc đầu tiên tiền nhân đã làm là trồng lúa để sinh sống. Hành trình dài ấy cho thấy việc trồng lúa trên vùng đất cát ven biển của người dân Vinh Xuân hôm nay là cả một sự kiên trì truyền đời. Nghe tên các loại ruộng ở đây đã thấy có nhiều “bài toán” cho cây lúa ở Vinh Xuân: ruộng nại (là loại ruộng sâu, thường xuyên bị nhiễm mặn, chỉ cấy được một vụ lúa), ruộng đồng (ít sâu và ít nhiễm mặn hơn, có thể cấy hai vụ trong năm hoặc một vụ lúa và một vụ màu), ruộng hà và ruộng ô (nằm sâu bên trong, cạnh các nguồn nước, mỗi năm chỉ cấy một vụ). Không thể đong đếm được bao nhiêu sức người đã đổ ra cho cây lúa ở đây, kể cả những câu chuyện nhuốm màu huyền thoại của hành trình trồng cây lúa trên đất Vinh Xuân. Trong Đại Nam dư địa chí ước biên, Cao Xuân Dục ghi lại câu chuyện “Thái Tông triều ta (triều Nguyễn) từng ngự giá ra đó (phá Hà Trung), tận mắt thấy sóng yêu quái ngăn trở thuyền đi lại, liền nổi giận, ra lệnh dùng pháo lớn bắn xuống, trúng hai con sóng, máu phun đỏ lòm. Một con sóng chạy ra biển cả. Từ đó, thuyền bè qua lại không bị tai họa nữa. Ngăn sông lớn làm bờ, đốt cỏ rậm làm thành ruộng, cày cấy lúa nước, không tiếc sức người”1. Kiên trì không nản, cây lúa đã làm bạn với người dân Vinh Xuân và cho thành quả ngọt, lúa nước mặn được ghi tên trong Quốc sử quán triều Nguyễn: “Lúa nước mặn (hàm thủy đạo) hạt to, có dằm, gạo đỏ, tháng mười một cấy, tháng tư chín, ưa ruộng sâu và có nước mặn lên xuống”2.

Nhà chị Lồng làm ruộng đồng, loại ruộng một năm làm một vụ lúa và một vụ màu. Xong vụ lúa chính tháng tư âm lịch này, mấy mạ con chị sẽ lên vồng trồng dưa lê. Đất lên vồng trồng dưa cần người có sức khỏe tốt, cánh tay thật mạnh để đưa đất lên cao. Vồng đất to và cao đến hơn nửa mét để tránh đất cát sụt vồng. Vụ lúa đã dày công mà vụ màu cũng vất vả không kém. Người dân Vinh Xuân không chỉ làm ngày mà còn làm đêm. Bà con rủ nhau đi làm đêm cả xóm, người ta làm ruộng “một nắng hai sương”, bà con ở đây là “một nắng ba sương”, có thêm sương khuya. Cương - con trai chị Lồng - chiều nay vừa đi lên vồng cho mạ trồng dưa, kể chuyện làng mình: “Bà con làng em làm ruộng thì chăm chỉ lắm chị ạ, nhà ni thi đua với nhà tê mà làm, làm ngày rồi còn làm đêm, đêm mô trên đồng cũng có người, cả xóm rủ nhau đi làm, vui lắm!”. Cương đưa cánh tay ra khoe, nói vui với cả nhà: “Con mà không khỏe thì ngày trước đi bộ đội mần răng vô được lính pháo binh, lính hạng nặng, mang vác súng cũng nặng, tay khỏe như rứa chừ mới đủ sức cuốc đất lên vồng trồng dưa”; cả nhà cười vui.

Hạt lúa, củ khoai trên vùng đất cát này mặn chát mồ hôi là vậy.

Tôi đi cùng người chị ra đồng. Tiếng máy gặt rì rì vọng từ xa đến, nhiều khoảnh ruộng đã gặt xong, những gốc rạ còn tươi vết cắt. Cánh đồng chiều mang một vẻ thảnh thơi, đó đây vài chú trâu đang nhởn nhơ trên những thửa ruộng vừa gặt xong. Mùi lúa chín thơm thơm bao quanh, cái mùi đặc trưng của vụ mùa theo làn gió bay tỏa khắp không gian gợi một cảm xúc bình yên khó tả. Bây giờ người làm nông không còn vất vả như xưa “con trâu đi trước, cái cày theo sau”, máy móc làm giúp con người rất nhiều nhưng chuyện chuyên cần, chăm bẵm ruộng đồng thì vẫn không thay đổi. Nắng chiều đã tắt, không gian như càng thêm rộng ra, không vội vã, một lão nông và con trai chất từng bao lúa lên xe, tôi hỏi thăm ông:

- Năm ni được mùa không bác?

- Được mùa con à. May mà cơn giông vừa rồi không thiệt hại chi. Cảm ơn trời đất con ơi!

Tôi nghe trong giọng nói của ông có sự hào hứng của một niềm vui thầm lặng, bao nhiêu năm làm ruộng ở đây, ông quá thấu hiểu mảnh đất này. Ông cảm tạ đất trời nơi đây đã cho ông và bà con một mùa no ấm, những giọt mồ hôi trĩu nặng đã được đền đáp xứng đáng.

Tháng năm, đi trên đường làng Vinh Xuân, thỉnh thoảng gặp nhiều người bày bán từng bao ớt trái chín đỏ, kèm bên cạnh là rổ khoai lang, củ nén hay rổ dưa lê. Về các làng thường hay gặp cảnh bán mua này, dân dã mà vui, đúng chất “cây nhà lá vườn”, cát còn bám trên từng củ khoai, trái ớt. Người mua cũng là mấy o buôn bán nhỏ ở các làng lân cận, mua về đi bán lại ở các chợ hay chế biến thành các sản phẩm như nước ớt, ớt bột khô, ớt dầm. Nhắc đến đặc sản vùng cát Vinh Xuân, nước ớt là món đậm tình vùng cát và người Vinh Xuân.

Mai Vĩnh là chợ nhỏ bán ớt tươi của Vinh Xuân. Chợ chỉ là một dãy nhà lợp tôn, chừng hai chục sạp hàng, chợ đông khoảng hai giờ đồng hồ, từ mờ sáng đến chừng 6 giờ là tan. Chợ vùng quê thường họp sớm vì bà con còn về đi làm đồng. Hai quán tạp hóa khá to phía trước chợ là hàng ớt. Những chai nước ớt màu đỏ thẫm, những chai ớt dầm, những bao ớt bột khô... toàn là ớt, chỉ nhìn thôi đã thấy vị cay lan trên đầu lưỡi. Một chị bán hàng đọc thơ quảng cáo ớt quê mình làm tôi cười nghiêng ngả: “t Vinh Xuân chưa mưa đã thấm/ Ớt Vinh Xuân chưa nhấm đã cay/ Gái Tân Sa, Mai Vĩnh chưa xa đã nhớ”. Ôi trời, phải làm sao đây để đưa thêm bốn thôn còn lại của Vinh Xuân là Khánh Mỹ, Kế Võ, Xuân Thiên Thượng và Xuân Thiên Hạ vào đây, con gái thôn nào ở Vinh Xuân cũng giỏi, cũng chịu thương, chịu khó và duyên dáng vô cùng. Mà không chỉ có Vinh Xuân, tôi nghĩ tất cả con gái miền cát đều xinh đẹp, vẻ đẹp mặn mà của lao động và của tính tình chân chất, hiền lành, mà chị Lồng là một ví dụ. Vẻ đẹp ấy thường bền theo năm tháng, càng có tuổi càng đậm đà thêm mà thôi.

Phải nói nhiều về cây ớt vì ớt là cây màu được trồng nhiều ở Vinh Xuân. Ở các vùng trằm và ruộng lúa chuyển đổi vụ, bà con trồng ớt. Hai loại ớt nổi tiếng ở Vinh Xuân là Ớt Chìa Vôi - trái to, cay, thơm - và ớt Bi. Cây trồng từ đầu tháng mười hai âm lịch, hai tháng sau đã cho thu hoạch. Cây ớt cũng có mùa được, mùa mất. Mùa được thì vui cả làng nhưng cũng có năm cả làng buồn vì cây ớt mất mùa nhưng tính đi tính lại thì trong tất cả các loại cây trồng trên đất cát này, cây ớt nhỏ bé mà kiên cường, dẻo dai, bất chấp nghịch cảnh nhất. Chịu nắng, chịu hạn nhưng cây ớt lại có đặc điểm là cứ hái hết liếp trái này lại ra liếp trái khác, liên tục vậy đến hết tháng tư âm lịch, cho đến khi cây già cỗi. Thật đúng là một loài cây tận hiến!

Ớt là đặc sản nên nhắc đến Vinh Xuân nhiều người nhớ ngay đến món đặc biệt, nhiều người mê, thiếu là không chịu được, đó là nước ớt Vinh Xuân. Tôi hỏi nhiều người làm nước ớt ở Vinh Xuân, không ai biết nghề làm nước ớt có tự bao giờ, chỉ biết là từ thời ông bà, cha mạ đã làm, cho nên nhà nào ở Vinh Xuân cũng có một chiếc cối đá dùng để giã ớt và một vài dụng cụ đơn giản để vắt nước ớt. Con gái Vinh Xuân cô nào cũng biết làm nước ớt, kỹ thuật nghe thì đơn giản nhưng luôn có bí quyết, đó là sự thành tâm yêu quý món hàng đặc sản của quê mình: ớt chín hái về, rửa sạch để ráo nước rồi đưa vào cối giã, giã xong thì vắt nước, cũng có tỷ lệ muối hạt trộn vào. Chỉ là ớt và muối, nguyên chất, nên nước ớt Vinh Xuân dùng được cả năm. Nước ớt thơm, có vị cay dịu, rất hợp nấu các món cá đồng. Tiếng ngon đồn xa, nước ớt Vinh Xuân trở nên nổi tiếng, (Giải Ba cuộc thi Sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu huyện Phú Vang năm 2023). Ngày trước người dân Vinh Xuân làm nước ớt để dùng trong gia đình, tặng bà con, bạn bè, dư dả mới bán sang các làng xung quanh, nay nước ớt Vinh Xuân được bán ra nhiều tỉnh khác và đóng đi nước ngoài. Nói làm giàu từ cây ớt thì cũng khó - một lít nước ớt đậm đặc giá bán 120.000 đồng, cả thúng ớt to mới ép được 1 lít. Nhưng người dân Vinh Xuân không chê ít tiền, họ cần mẫn góp nhặt từng chút lộc cây nhà lá vườn như thế mà tạo nên món tiền lớn, xây nhà cửa vững chắc, khang trang. Tôi hỏi bà Nguyễn Thị Mai - người làm nước ớt nổi tiếng ở Vinh Xuân:

- Chị có bí quyết chi để làm nước ớt ngon không?

- Bí quyết chi mô em, ở đây ai cũng biết làm nước ớt hết, theo dân gian xưa bày nay làm thôi.

- Cũng phải có một điều quan trọng chi đó khi làm nước ớt chơ chị?

- Quan trọng là phải làm cho vệ sinh, cho cẩn thận và nhất là phải giữ đúng nguyên liệu ớt Vinh Xuân, chỉ rứa thôi.

Người Việt thích ăn ớt. Ớt không chỉ là một loại gia vị mà còn là một bài thuốc để chống chọi với thời tiết khắc nghiệt: “Biết ăn ớt để đánh lừa cái rét” (thơ Nguyễn Khoa Điềm). Huế là xứ mưa, xứ lạnh, người Huế ăn ớt nhiều cũng vì lẽ đó. Cho nên món bún bò Huế, cơm hến Huế và rất nhiều món ăn ngon khác của Huế, không có ớt là không thành món ăn Huế. Nhưng vị cay của ớt cũng có nhiều cấp độ khác nhau, người Huế có nhiều cách diễn tả độ cay của ớt “cay chảy nước mắt”, “cay hả họng”, “cay le lưỡi”, “cay xé lưỡi”, “cay điếc lỗ tai”, “cay điếc con ráy”... trong những cấp độ cay ấy đều có chung một tính chất của ớt, đó là cay rất đậm, rất nồng. Nhưng điều làm nên sự khác biệt của nước ớt Vinh Xuân đó là vị cay rất đằm, rất thơm, cay mà không làm sặc, ấy là vì trái ớt Vinh Xuân không cay gắt như ớt cao sản hay ớt mọi. Làm ớt bột hay ớt dầm thì có thể mua ớt ở nơi khác về làm nhưng làm nước ớt thì người dân Vinh Xuân chỉ dùng ớt vùng cát quê mình. Đôi khi một chút bớt đi mà lại thành điều hay, thành đặc biệt, như là trái ớt Vinh Xuân ít cay hơn lại cho món nước ớt Vinh Xuân tuyệt vời.

Ai đã từng nếm vị nước ớt Vinh Xuân mới cảm nhận được trong cái màu nước ớt đỏ như gấc chín ấy, có tất cả: sắc màu hấp dẫn, hương thơm dìu dịu đặc trưng của loại quả và muối lên men, vị cay không gắt, ấm nồng trên đầu lưỡi. Tôi không phải là người ăn cay giỏi, chỉ là biết ăn cay nhưng về Vinh Xuân, bữa ăn nào tôi cũng dùng nước ớt. Chỉ thêm một chút xíu nước ớt Vinh Xuân vào chén nước mắm thôi mà lát thịt heo chấm nước mắm ấm đậm hẳn lên, vừa cay, vừa thơm, vừa béo. Vị cay trong chén nước mắm có nước ớt khác với vị cay của chén nước mắm xắt ớt tươi vào, dĩ nhiên có ớt thì có cay, có thơm nhưng mùi thơm của nước ớt là mùi thơm của nước lên men, dịu dịu, thơm thơm, kích thích vị giác, khứu giác vô cùng, chỉ ngửi thôi là biết ngon nên cái dạ dày cứ thúc giục... Một bữa ăn ngon là bữa ăn mà ta ăn bằng tất cả sự thích thú, mong chờ, tận hưởng và cả lòng biết ơn.

Biết ơn bởi những người dân Vinh Xuân tôi gặp, mà gần gũi nhất là chị Lồng và các con của chị, đã cho tôi biết rõ hơn, thấm hơn giá trị của hạt lúa, củ khoai, cây trái trong vườn và cả cây ớt. Cây trái ấy, ruộng đồng ấy đã nuôi sống con người Vinh Xuân, dù rằng cả cây và người đều luôn ở trong trạng thái kiên cường, không nhụt chí trước nắng hạn vùng cát, trước mùa nước nhiễm mặn. Không có gì là dễ dàng nhưng vùng đất này đã đáp lại lòng người với những mùa màng no ấm. Vinh Xuân cũng như nhiều làng quê ven biển, cuộc sống với ruộng đồng là những được - mất đan xen, cho nên trong mùavui hôm nay ai cũng vui mừng đó mà cũng lo nghĩ cho ngày mai, nghĩ chuyện mưa, nắng thất thường không lường trước được mà chăm chỉ làm lụng, mà tích cốc, phòng cơ. Những con người có đi qua thử thách, đi qua lao động vất vả sẽ quý trọng vô cùng những thành quả mà đất đai này, dòng nước này và hai bàn tay họ làm ra. Chính những con người ấy cũng là những con người rất hiểu đời, họ sống tử tế và rộng rãi. Có phải như thế chăng mà bất cứ ai khi về làng quê cũng đều cảm thấy dễ chịu, không phải chỉ vì về làng quê có màu xanh, có ruộng đồng, cây cối, không gian thoáng đãng mà còn vì ở quê có những con người chân chất, hiền lành, lo làm ăn và tính tình thì hồn nhiên.

Tôi có nhiều buổi đi lang thang quanh làng, mùa này sen nở khắp nơi. Trước sân nhà thờ họ Nguyễn Viết, sen nở tươi tắn trong hồ, mấy đứa trẻ đang chơi bên hồ vui vẻ cùng tôi chụp ảnh. Các em không ngại ngần mà hòa vui cùng tôi, ánh mắt cũng cười, làn da ửng đỏ vì nắng cũng cười, tôi bỗng thấy mình như trẻ lại, là tôi đó của những ngày thơ ấu đã xa. Trong sân nhà thờ ôn Hưng vàmệ Thương đang phơi lúa. Năm ni nhà hai ôn3 mệ4 cũng được mùa lúa nhưng trận giông bất ngờ hôm trước làm ướt một ít lúa đang phơi nên hôm nay ôn mệ đưa ra phơi lại, may là chưa hư hỏng gì. Tôi ngồi chơi cùng hai ôn mệ trong nhà thờ họ Nguyễn Viết, nghe hương hoa sen thoảng đưa trong gió hòa cùng mùi lúa chín phơi trong sân nhà. Mệ Thương đưa tay chỉ ngôi nhà có thợ đang xây ở cạnh nhà thờ cho biết đó là nhà mình, tôi hỏi:

- Ôn mệ dự tính xây nhà hết mấy tiền?

Ôn Hưng dừng tay cào đảo lúa, nhìn tôi nói với vẻ tự hào:

- Năm trăm triệu.

Năm trăm triệu đồng, đó là một số tiền lớn, dành dụm cả đời của những người làm nông như ôn Hưng, mệ Thương.

Những ngôi làng ven biển, ngày trước đường đi chỉ là đường cát. Cát theo chân người từ đồng về nhà, từ biển về nhà, từ chợ về nhà. Cát trong tóc, trong tay, trong sách vở của trẻ em. Nay những con đường liên thôn, liên xóm ở Vinh Xuân đều được đổ bê tông, đi lại rất thuận tiện. Tôi lang thang qua nhiều ngõ xóm, tịnh chỉ thấy toàn nhà xây, nhiều nhà mới cũng đang xây lại trên nền ngôi nhà cũ, trước ngõ còn trồng giàn hoa giấy, gặp nắng này, hoa giấy nở rộ. Rồi những ngôi đình cổ kính, những nhà thờ họ khang trang, thấp thoáng dưới một lùm cây xanh là ngôi miếu thờ dân gian xưa cũ... mọi thứ gợi lên một vẻ bình yên và xưa cũ. Có một điều mà tôi đặc biệt thích và mừng thầm là Vinh Xuân còn rất nhiều tre xanh. Không còn những hàng tre, bụi tre bao quanh thì làng quê Việt mất mát quá nhiều hồn quê. Về đây gặp những rặng tre xanh tỏa bóng mát vi vu hai bên đường, gặp những mệ già răng đen ăn trầu, nghe những tiếng cười, tiếng chào hỏi thân tình, mắt ngập trong cánh đồng lúa chín, những khoai sắn, dưa cà... bỗng thấy quá gần gũi mảnh đất này. Vinh Xuân đang còn giữ được cái hồn của những ngôi làng xưa, cảnh quan ấy cũng là một di sản của làng Việt hiện nay.

Huế vừa qua những ngày cuối tháng tư nắng nóng bất ngờ, bước sang tháng năm có hai trận mưa lớn, mưa suốt đêm, người dân Huế mừng rỡ gọi là mưa vàng, mưa bạc, giúp giải nhiệt cái nắng nóng 40 - 41 độ ngoài trời thật nhanh, đến nỗi đêm nằm phải đắp chăn mỏng. Tôi về Vinh Xuân vào đầu tháng năm, đúng mùa lúa chín, khí trời mát dịu, lúa trên đồng cũng vừa chín tới, hương thơm mùamàng nồng nàn. Đất đai trong vườn nhà cũng lên tiếng với mùi mít chín, mùi ớt cay, mùi thơm của lá sân, lá lốt ngoài vườn và cả cái mùi hoai hoai nhẹ của rơm ủ phân bò. Đêm khuya, nghe trong không gian một sự thinh lặng tuyệt vời, tất cả đều đang ngủ sau một ngày làm việc, chỉ có tiếng gió từ biển thổi vào qua khung cửa sổ là không ngủ. Gió biển mùa này hiền, đang đẩy những chiếc ghe thuyền đi làm nghề của bà con cập bến. Trên bãi cát ven biển, người đi biển và người mua sẽ có một cuộc bán mua nhanh chóng trước khi mặt trời lên, một người kết thúc một đêm làm việc vất vả mà hào sảng với sóng, với gió và một người bắt đầu một ngày làm việc mới. Cuộc sống cứ một vòng như thế, đã bao đời nay của dân miền biển. Tôi ngủ lúc nào không hay.

Rồi tôi nghe tiếng gà gáy sáng từ vườn nhà hàng xóm vọng lại, tiếng gà gọi người người dậy sớm ra đồng, tiếng gà gọi mặt trời lên. Tôi cũng nghe tiếng gà mẹ cục cục dẫn đàn gà con đi ăn, thật quá lâu rồi mới nghe và thấy lại những âm thanh, hình ảnh này. Tôi nghĩ cuộc sống thanh bình và no ấm là đây. Nếu không ở lâu với Vinh Xuân lần này, tôi sẽ không thể nào hiểu thêm về một miền quê cát, sẽ không thể nào hiểu đầy đủ và sâu sắc ý nghĩa cụm từ “ngày mùa vui” mà tôi thường hay dùng để viết về những vụ lúa được mùa trước đó. Bây giờ tôi đã thấm “Mùa vui Vinh Xuân” là kết quảcủa mồ hôi, nước mắt, là những nỗ lực không ngừng của người nông dân để cây trái đơm hoa, kết quả trên miền đất cát ven biển. Hai chữ “mùa vui” nặng lắm ân tình: tình người, tình đất.

N.K.D.H
(TCSH53SDB/06-2024)

----------------------
1 Tuyển tập Cao Xuân Dục, tập 4, Đại Nam dư địa chí ước biên, TS. Hoàng Văn Lâu dịch và chú giải, Nxb. Văn Học, Hà Nội, 2002, tr.74.
2 Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí, bản dịch của Hoàng Văn Lâu, tập 1, Nxb. Lao Động, Hà Nội, 2004, trang 216 - 217.
3 Cụ ông. 4 Cụ bà.

 

NGÔ CÔNG TẤN

Giấc biển

Bánh xe trâu trắng bờ cát mới
Bãi biển bận rộn xâm thực
Còn lại một gam màu cô đơn
Cong dấu chân sóng tìm bóng em về.

Bãi cát như anh xăm lên mình những
chữ thèm thuồng
Không còn gì ngoài cũ
Ru nhau hết trọn giấc ngày.

Hoang tàn ngày đi lạ hoắc bước chân về
Tiếng chân vỡ ra rỗng rang
Rơi theo ánh mắt của người lái xe trâu
Lang thang cuộc ngày trên bờ biển vắng.

Em và anh không trở mặt với biển
Dù nắng vắt kiệt ngày về
Lặng thinh trong sâu thẳm giấc biển
Chúng ta hát bài hoang ca.



ĐẶNG VĂN SỬ

Ký ức xương rồng

em khảm vào tôi
những vết gai trên lối đi
nghe nhưng nhức ở phía bàn chân;
bàn chân một thời qua độn
một thời nước mặn hà ăn
một thời không bao giờ mỏi
chỉ cần chờ được em sang.

em khảm vào tôi một thời gai góc
một thời rực rỡ màu yêu
hoa xương rồng kết tinh - thi vị
thương ngặt nghèo
thương những gian lao
qua mùa đông lạnh lùng áo tơi sờn cổ
hạ rát bỏng - cát nổ bắp rang.

tôi mang theo những gai góc đường làng
những vết thương không nằm nơi da thịt
rất ngọt ngào, rất đắng cay
rất đời thường trả trả vay vay
nếm mật nằm gai
chờ được về cho xương rồng chích lại
được đau thêm lần để thấy mình trẻ mãi.

ngày trở về những lối cũ mở rộng thêm ra
bốn bánh ô tô đi xuyên qua ngõ
bãi xương rồng khoanh vùng, thu nhỏ
cứ kiếm tìm, cứ mơ tưởng ngày thơ...
cứ chờ gai đâm đẫm bàn chân máu
giọt giọt thấm quê nồng hậu
bớt phần nhưng nhức... vết thương xưa.



TRIỆU NGUYÊN PHONG

Xanh trong màu nắng

Ta mơ làm ngọn sóng
Lướt qua nhau từng ngày
Vinh Xuân chiều gió lộng
Ánh hồng vuốt tóc mây

Ta như giọt nắng say
Em xanh trong mắt biếc
Nỗi lòng này ai biết
Từng giọt nhớ sủi tăm

Gập ghềnh những bước chân
Vấn vương ngày xưa cũ
Mây bay tìm bến đỗ
Ngược dốc tháng ngày dài

Tìm em giữa mưa bay
Giọt lăn dài trên lá
Mắt sương vùi trong đá
Vấp giọt nắng mùa tan

Con thuyền gió ngợp ngang
Cắt ngang qua đầm phá
Giọt mưa hồng trên má
Vỡ nụ cười Vinh Xuân

Tình thắp sáng biển đông
Giữa muôn trùng lồng lộng
Sóng đội lên màu nắng
Diệu kỳ một niềm tin.



ĐỨC SƠN

Biển quê

Dưới chân những hạt cát, lũ trẻ vờn con sóng
thả hồn gió lộng
tiếng reo cười khó cưỡng

Cát reo trên màu ước vọng
rực rỡ tuổi thơ nô đùa
biển phẳng như hồn thơ bé
vụng về niềm vui khó chia

Ước nhỏ nhoi hạt cát
triều được dâng muôn thuở
làm sao tới chạm chân trời

Làng chài tuổi thơ nhịp sóng
thủ thỉ neo lời
giấc mơ xanh thẳm
biển có biết già đâu

Có biết buồn vui
lũ trẻ hiển nhiên
mặn mòi chân sóng
mẹ cha vỗ về
muôn trùng yêu thương

Hiển nhiên như lũ trẻ ngày nào nghịch cát
ngàn năm reo về, chọn một biển quê.



TRƯỜNG THẮNG

Hoàng hôn trên biển

Chiều nay lang thang ven biển
Mặt trời phía tây tròn xoe
Vinh Xuân trời trong mây sáng
Ráng chiều dung dị đỏ hoe

Hoàng hôn buông dần chơi vơi
Đâu đây thơm lừng hương tóc
Bên đời bình yên trở giấc
Thương vương dáng em vai gầy

Sóng xô vập vồ trắng xóa
Con còng xe cát biển đông
Xôn xao ru tình thầm lặng
Chiều rơi da diết cõi lòng

Lơ thơ gió chiều nhè nhẹ
Bước theo nhịp thở thời gian
Gót mềm hằn in dấu vết
Cuốn đi theo sóng não nề

Đàn chim nương nhau về tổ
Líu lo ríu rít ru tình
Mình em bước đời nênh nổi

Chơi vơi bến lở chiều rơi…



NGUYÊN QUÂN

Ghé miếu khai canh

Ngôi miếu cổ và tấm bia khai canh
Cội cổ thụ hàng trăm năm tuổi
Cọng chân hương nguyên màu tươi đỏ
Vạch nối truyền tâm xuyên suốt thế hệ làng

Lẩn khuất sau màn khói trầm hương chiều muộn
Gương mặt sạm đen nắng gió trùng khơi
Người khẩn hoang đi tìm hơi thở sống
Dấu hằn đầu tiên một lối cát mòn

Câu hát ru kẽo kẹt tao nôi
Ngàn năm nằm lòng cánh chim hồng lạc
Nơi đất lành bờ xanh xây tổ ấm
Vòng cung bãi ngang biển nín lặng phong ba
Miếu khai canh bia đá dựng chữ nhân luân
Nếp sơn son thếp vàng chưa phai sắc
Lũ trẻ thơ biết vòng tay cúi đầu chào khách lạ
Buổi chợ đông không lời mặc cả ngoa ngôn

Biển giờ ngọ còn một bóng ta
Hàng cây long nhãn rụng đầy xác lá
Mảnh sành sứ cổ xưa vẽ lại chân dung
Thần tích khổ tận cam lai người mở cõi


(TCSH53SDB/06-2024)




(TCSH53SDB/06-2024)

 

 

Các bài đã đăng