Đời sống văn nghệ
Một di tích lịch sử bị lãng quên
10:31 | 01/10/2009
VĂN THAOTháng 10-1944, nhạc sĩ Văn Cao đã sáng tác bài hát Tiến quân ca trên một căn gác nhỏ tại số nhà 45 phố Nguyễn Thượng Hiền. Căn gác này cũng là nơi Văn Cao đã sống và hoạt động cách mạng từ năm 1944 đến ngày toàn quốc kháng chiến 22-12-1946. Đội danh dự Việt Minh do Văn Cao phụ trách cũng từ đây toả đi làm nhiệm vụ. Nhiều cán bộ cao cấp của Đảng như các đồng chí Vũ Quý, Lê Quang Đạo, Lê Trọng Nghĩa, Nguyễn Thành Lê... cũng đã thường xuyên dùng địa điểm này để hoạt động trong những năm đầu cách mạng. Nhiều tác phẩm nổi tiếng của Văn Cao như: Bài thơ Chiếc xe gác qua phường Dạ Lạc; các ca khúc Chiến sĩ Việt Nam, Công nhân Việt Nam, Không quân Việt Nam, Hải quân Việt Nam đã ra đời tại đây.
Một di tích lịch sử bị lãng quên
Bài hát "Tiến quân ca" của Nhạc sĩ Văn Cao - Ảnh: tagvn.com

Bài Tiến quân ca được in trên trang văn nghệ của tờ báo Độc Lập tháng 11-1944. Do người thợ in không biết viết nhạc, Văn Cao phải tự mình viết bài hát lên đá và trực tiếp in báo tại một cơ sở in bí mật đặt tại làng Bát Tràng.

Chúng tôi trở lại làng Bát Tràng vào một ngày đầu tháng 9-2004. Đã sang tiết thu vậy mà trời vẫn nắng gắt, nhưng con đường làng đã được bê tông hoá không còn lầy lội bụi than như mấy năm trước. Làng Bát Tràng đã trở thành một địa điểm tham quan du lịch làng nghề của thủ đô Hà Nội. Khách tham quan du lịch trong nước, ngoài nước ra vào tấp nập.

Cơ sở in bí mật của nhà in Phan Chu Trinh, nơi nhạc sĩ Văn Cao in bài Tiến quân ca trên trang văn nghệ của tờ báo Độc Lập số đầu tiên tháng 11-1944 ở trong một ngôi nhà cổ của làng Bát Tràng. Người chủ ngôi nhà lúc đó là cụ Vương Văn Táo. Cụ Táo làm nghề thuốc gia truyền, thường nay đây mai đó kiếm sống (cụ Táo mất năm 1976).

Chúng tôi gặp lại ông Vương Văn Nguyên (nguyên là kỹ sư vô tuyến điện đã nghỉ hưu) là người con trai thứ tư của cụ Táo, được gia tộc uỷ quyền trông nom ngôi nhà lịch sử đó. Đây là nơi thờ cụ Táo và cũng là nhà thờ của gia tộc. Gặp lại chúng tôi ông Nguyên rất vui. Ông dẫn chúng tôi đến thăm ngôi nhà nơi có căn gác nhỏ đã từng là cơ sở in bí mật...

Một ngôi nhà cổ ba gian, gian giữa là bệ thờ dòng tộc. Gầm bệ thờ này xưa kia là nơi cất giấu tài liệu và báo chí cách mạng. Liền với gian nhà chính là một ngôi nhà ngang cao vọt lên với một căn gác xép. Trước đây căn gác xép này dùng làm nơi để thóc và đồ đạc đề phòng mùa lũ, nước sông Hồng lên cao. Muốn lên gác xép, chúng tôi phải trèo lên trên một cái bể nước được xây nửa chìm nửa nổi, có bề mặt rộng khoảng 6m2 (trong bể nước là một đường hầm bí mật để thoát ra ngoài bờ sông). leo lên một chiếc thang tre ọp ẹp và đội nắp chui lên. Một căn buồng nhỏ khoảng 15m2 có chiều ngang 2,5m, chiều dài 6m, có cửa sổ nhỏ để lấy ánh sáng. Phía đầu hồi sát ván sàn là một chiếc cửa thoát hiểm ra ngoài.

Chúng tôi lặng đi vì xúc động. Không thể tưởng tượng nổi, căn gác này lại là nơi bài Tiến quân ca được in lần đầu tiên và cũng trên căn gác xép này, nhạc sĩ Văn Cao cùng các đồng chí của mình đã chịu đói, chịu rét, làm việc cả ngày lẫn đêm, không quản hiểm nguy để những tài liệu của Đảng, những tờ báo của cách mạng in ra từ đây và toả đi khắp mọi nơi đến tay đồng bào, đồng chí của mình (cùng làm việc với Văn Cao hồi đó có đồng chí Văn Lang-thợ in người làng Bát Tràng và đồng chí Trịnh Quý Đông-nguyên đại biểu quốc hội khoá I).

60 năm đã trôi qua, căn gác lịch sử này đang có nguy cơ trở thành phế tích. Mái ngói cổ mốc meo, dột nát, dầm xà đã nhiều chỗ mọt ruỗng, mạng nhện chằng chịt khắp nơi. Bụi thời gian phủ một lớp dày trên sàn gỗ ọp ẹp, hằn sâu những vết chân của chúng tôi. Ông Vương Văn Nguyên buồn rầu cho chúng tôi biết:

“...Sau CM tháng 8, cha tôi bỏ làng đi kiếm sống và cho ông Vũ Văn Thuần người làng ở nhờ để trông nom nhà cửa cho đến nay là đời thứ 3. Gia đình chúng tôi đã nhiều lần đòi lại nhà, thậm chí UBND xã Bát Tràng cũng đã từng có quyết định trả lại ngôi nhà cho chúng tôi vậy mà không hiểu vì lý do gì, đến bây giờ ông Nguyễn Văn Thìn (là cháu ngoại của ông Thuần) vẫn chiếm dụng làm cơ sở sản xuất đồ gốm... “

(ông Nguyên cho chúng tôi xem văn bản và quyết định của UBND xã Bát Tràng, trong đó có chữ ký của bà vợ ông Thuần công nhận “ở nhờ nhà cụ Táo”).

Trước khi ra về, chúng tôi cùng ông Nguyên thắp mấy nén nhang lên bàn thờ gia tộc. Ông Nguyên cười chua chát: “Đấy các anh xem! Ngôi nhà này vừa là di tích lịch sử cách mạng, vừa là nhà thờ của dòng tộc nhà mình, vậy mà người khác ở nhờ rồi chiếm giữ không trả, chính quyền thì bất lực còn gia đình nhà mình ngày giỗ, ngày Tết phải đến thắp hương nhờ... Chúng tôi chỉ mong ngôi nhà này được công nhận là di tích lịch sử cách mạng. Chúng tôi đòi lại được sẽ sẵn sàng hiến cho Nhà nước”.

Chia tay ông Vương Văn Nguyên, chúng tôi đến thăm cụ Nguyễn Thị Sáu, người đã từng nấu cơm cho nhạc sĩ Văn Cao và tổ in bí mật. Cụ Sáu là em họ của ông Văn Lang, năm nay đã 80 tuổi. 60 năm trước đây cô bé Sáu mới có 16, 17 tuổi, hiền lành và nhút nhát. Được ông anh Văn Lang giao cho nhiệm vụ nấu cơm, giặt giũ quần áo và cảnh giới cho xưởng in bí mật, cô đã vui vẻ, hồn nhiên làm việc một cách tự giác. Nhưng công việc đó đối với cô đâu có gì vất vả, được giúp đỡ “các anh” là cô vui rồi. Cô Sáu đâu có ngờ, một trong những người cô đã phục vụ cơm nước lại là tác giả Quốc ca và bài Quốc ca đó lại được chính tay tác giả và người anh họ của mình trực tiếp in lên những trang báo Độc Lập lịch sử.

Trong lần về thăm cụ Sáu trước đây 5 năm, tuy đã hơi lẫn nhưng khi chúng tôi hỏi cụ về “những kỷ niệm xưa” lập tức ánh mắt cụ sáng lên: “Chuyện ông Văn Cao in bài Chào cờ hả? Tôi nhớ! Tôi nhớ! Ngày đó ông ấy yếu lắm, nước da xanh lắm..., rõ khổ, suốt cả ngày lẫn đêm cứ cặm cụi làm việc trên gác, không ra ngoài được đâu. Anh Lang dặn tôi: “Cô phải giữ bí mật đấy, không được nói với ai, ai hỏi gì cũng bảo không biết, thấy ai lạ mặt khả nghi phải báo cho tôi biết ngay...” Ngày ấy khổ lắm, đói lắm, cơm chẳng có gì ăn đâu. Tôi phải hái rau tập tàng nấu với muối, còn thì thường xuyên chỉ có cà chua trưng với nước thôi. Khi nào nấu cơm xong, tôi gọi, vậy mà nhiều khi mải làm mãi các ông ấy mới ăn. Quần áo của các ông ấy thay ra, phải đợi thật khuya tôi mới đem đi giặt... Bí mật mà...”. Cụ Sáu ngừng lời, đôi mắt nhìn qua cửa sổ ra ngoài trời xa xăm, một lát sau cụ như chợt tỉnh nói tiếp: “Có một lần, tôi lấy hai tờ giấy bẩn vì giây mực lem nhem, lót tay bê nồi cơm. Ai ngờ anh Lang nhìn thấy, anh ấy mắng tôi một trận nên thân. “Cô có biết cô làm thế này là cô giết chúng tôi không? Người lạ nhặt được, họ biết đây là tài liệu Việt Minh, đem báo mật thám, chúng bắt tôi đi tù thì sao? Cô có muốn chúng tôi đi tù không?...” Ông ấy mắng lâu lắm. Tôi sợ quá cứ thút thít khóc. Ông Văn Cao ngó cổ xuống can: “Thôi anh Lang. Em nó không biết, đừng mắng nó nữa. Tội nghiệp.”..Vậy mà mãi sau này tôi mới được gặp lại ông ấy. Ngày ấy anh Văn Lang còn sống, ông Văn Cao đưa cả vợ về thăm làng, ông ấy vẫn nhớ tôi, ông bà ấy còn cho tôi quà. Vậy mà bây giờ các ông ấy đi cả rồi...Ông Văn Cao tốt lắm...” Đôi mắt cụ Sáu xa vời, nét mặt bất động. Chúng tôi chào cụ ra về, cụ thì thào “Không được nói với ai đâu đấy! Lộ bí mật là chết. Anh Lang bảo thế...”

Sau Cách mạng tháng 8, cụ Sáu tiếp tục tham gia công tác tại làng xã cho đến ngày toàn quốc kháng chiến, cụ tản cư theo ông Văn Lang vào Thanh Hoá. Hoà bình lập lại cụ Sáu trở về làng, làm việc tại xí nghiệp gốm Bát Tràng, cụ về mất sức sớm, đến nay không có chế độ gì. Cụ sống cô đơn, không còn gia đình, anh em.

Tại trụ sở UBND xã Bát Tràng, chúng tôi đã được ông Nguyễn Văn Ao-Chủ tịch xã đón tiếp. Ông Ao lấy ra quyển lịch sử Đảng bộ xã mới được in. Ngay từ những trang đầu tiên đã có nói rất chi tiết đến ngôi nhà của cụ Vương Văn Táo là nơi đặt cơ sở in bí mật nơi đó nhạc sĩ Văn Cao, đồng chí Văn Lang, đồng chí Trịnh Quý Đông... đã in báo Độc Lập, in bài Tiến quân ca... (có cả ảnh mầu kèm theo). Ông Chủ tịch xã cho biết: “Xã rất tự hào về di tích lịch sử cách mạng đó. Nhưng vì ngôi nhà đó chưa được công nhận di tích nên vẫn do dân tự quản, xã chưa có thể làm được gì...”. Ông Chủ tịch hứa với chúng tôi : “Có các đồng chí đặt vấn đề chúng tôi mới thấy mình có lỗi với lịch sử. Tới đây tôi sẽ họp Đảng uỷ xã để bàn về vấn đề này. Chúng tôi sẽ phải lập dự án đề nghị thành phố công nhận di tích lịch sử này, như thế xã mới có cơ sở pháp lý để di dời một số hộ dân đi chỗ khác để có thể bảo quản được di tích...”.

Chúng tôi tin rằng với cương vị mới của mình chủ tịch UBND xã Bát Tràng Nguyễn Văn Ao sẽ làm được những gì ông đã nói.

Trở về chiều, nắng đã nhạt, không khí cũng đã dịu đi không còn nóng bức oi ả nữa. Chúng tôi tạm biệt “căn gác lịch sử”, tạm biệt cụ Nguyễn Thị Sáu, tạm biệt làng Bát Tràng để về thăm Bảo tàng cách mạng. Nơi đây còn lưu giữ phiến đá in bài Tiến quân ca do nhạc sĩ Văn Cao tự tay viết. Năm 1976, nhạc sĩ Văn Cao đã về làng Bát Tràng gặp lại cụ Sáu, gặp lại ông Văn Lang. Phiến đá in cất dấu dưới đáy ao được lấy lên và đem về tặng cho Bảo tàng cách mạng lưu giữ. Một phiến đá vô tri vô giác, chưa đến nửa mét vuông vậy mà lịch sử mãi mãi lưu giữ nó. Tôi tự hỏi: Liệu có nơi nào trên thế giới này có một người vừa là tác giả Quốc ca vừa làm thợ in hay không? Tôi xúc động, lặng đi trước phiến đá. Phiến đá sáng lên trên đó là bài Tiến quân ca hùng tráng: “Đoàn quân Việt Nam đi, trung lòng cứu quốc...” Và bóng lá cờ đỏ sao vàng tung bay, to dần, to dần, phủ lên phiến đá.

60 năm đã trôi qua, bài Tiến quân ca đã tròn 60 tuổi, một đời người, một hoa giáp... và nhạc sĩ Văn Cao - tác giả của bài hát cũng đã từ biệt cõi đời trần tục này để về với cõi Thiên thai.

Tôi nhớ có lần cùng nhạc sĩ Văn Cao đi qua ngôi nhà 45 Nguyễn Thượng Hiền, ông dừng lại bên đường, ngước mắt ngắm nhìn ngôi nhà với gương mặt xúc động: “Ngôi nhà này có nhiều kỷ niệm với bố quá. Những năm tháng đói khổ nhất, bố đã sống và hoạt động cách mạng ở đây. Bài Tiến quân ca cũng được sáng tác từ đây và được bố in tại một ngôi nhà cổ ở làng Bát Tràng trên trang văn nghệ của tờ báo Độc Lập - tháng 11 năm 1944...”. Ông thở dài “giá như ngôi nhà này và ngôi nhà ở làng Bát Tràng được Nhà nước giữ làm di tích lịch sử thì tốt biết bao...” 

V.T
(189/11-04)



Các bài mới
Các bài đã đăng