Đời sống văn nghệ
Phỏng vấn tiến sĩ Thu Trang
15:27 | 25/11/2009
Lập thân, lập nghiệp ở Pháp nhưng Tiến sĩ Thu Trang vẫn luôn luôn hướng về Tổ quốc. Hơn 10 năm nay bà dành nhiều thời gian, công sức nghiên cứu tiềm năng du lịch Việt Nam, viết sách về du lịch, tham gia giảng dạy ở nhiều lớp đào tạo cán bộ du lịch và ở khoa du lịch của một số trường đại học trong nước. Là một cộng tác viên thân thiết, tên tuổi bà đã thân thuộc với độc giả Tạp chí Sông Hương, thế nhưng ít người đọc được biết người trí thức Việt kiều yêu nước này từng là Hoa hậu Sài Gòn 1955.
Phỏng vấn tiến sĩ Thu Trang
Tiến sĩ sử học Thu Trang - Ảnh: tgvn.com.vn

- Lý do gì thúc đẩy bà, một người kháng chiến cũ, tham dự cuộc thi Hoa hậu Sài Gòn (HHSG) do chính quyền Ngô Đình Diệm tổ chức?
- Hồi ấy tôi làm ký giả. Tòa soạn cử đi làm tin về cuộc thi.Thời ấy không khí hưởng ứng không sôi nổi và hào hứng như bây giờ, không có các vòng sơ khảo từ cơ sở, các cuộc thi ở từng khu vực, các bạn gái rất ngần ngại nên thí sinh đăng ký dự thi không nhiều. Qua giao tiếp một số thành viên ban tổ chức có sự nhạy cảm và đã vận động, thuyết phục tôi tham gia; một số bạn đồng nghiệp cũng rất nhiệt tình cổ vũ; hơn nữa cũng có chút hiếu kỳ của tuổi trẻ và có bản lĩnh, tự tin của một người làm báo nên tôi đã tham gia.

- Danh hiệu hoa hậu đã tác động như thế nào đến cuộc đời, sự nghiệp của bà?
- Dĩ nhiên là danh hiệu hoa hậu đã làm tôi nổi tiếng một thời. Tôi có nhiều cơ hội giao lưu, tiếp xúc với nhiều giới thượng lưu, chính khách cho nên có thuận lợi hơn trong hoạt động nghề nghiệp. Rồi tôi được mời qua Pháp làm phim truyền hình.Thời gian đầu ở Pháp cuộc sống của tôi rất vất vả, vừa đi làm phim vừa tự học lấy bằng tú tài. Sau đó thi vào Đại học Xooc bon, khoa sử, rồi làm luận án Tiến sĩ.

- Là Tiến sĩ sử học lý do gì dẫn bà sang nghiên cứu, giảng dạy bộ môn Du lịch?
- Thời gian ở Paris ông Xuân Thủy thường hay nói với tôi: tại sao cô không nghiên cứu du lịch để sau này về giúp nước nhà. Ngành sử học thì trong nước đã có rồi. Qua tiếp xúc, trao đổi tôi thấy hồi ấy Bộ trưởng Xuân Thủy đã ý thức được nếu biết cách kinh doanh thì ngành du lịch sẽ hái ra tiền. Biết vậy nhưng tôi "mê" tư tưởng dân quyền của cụ Phan Châu Trinh nên vẫn tiếp tục hoàn thành luận án. Sau hiệp định Paris, năm 1974, tôi về thăm, thấy đất nước còn quá nghèo nên đã thúc đẩy ý nghĩ phải làm việc gì đó bổ ích. Tất nhiên là làm theo sức lực, phù hợp với năng lực chuyên môn của mình, phải hoạt động trên lĩnh vực văn hóa nhưng có hiệu quả kinh tế. Qua các tài liệu nghiên cứu, qua thực tế những chuyến đi tham quan ở 40 nước và qua nghiên cứu tiềm năng trong nước tôi đã quyết định tham gia đào tạo nhân lực cho ngành du lịch. Du lịch là bộ môn còn mới mẻ, trong khi chúng ta chưa có điều kiện gửi sinh viên đi du học nước ngoài thì tại sao chúng tôi lại không về tham gia giảng dạy, đào tạo trong nước? Đó cũng là một niềm vui của tôi. Mỗi lần về thăm quê hương phải kết hợp làm một điều gì đó có ích. Và tôi đã viết sách về du lịch, giảng dạy, mời một số giáo sư, chuyên gia về du lịch về giảng dạy ở khoa Du lịch của một số trường Đại học.

- Giáo trình bà phụ trách tập trung vào những vấn đề gì?
- Ở Pháp tôi được mời thỉnh giảng về văn hóa Đông Nam Á. Ở Việt Nam giáo trình của tôi tập trung vào ba vấn đề lớn: Văn hóa trong du lịch; Từ văn hóa sáng tạo thành sản phẩm du lịch; Những nhiệm vụ của người hướng dẫn viên du lịch.

- Quan niệm của bà về văn hóa trong du lịch?
- Du lịch là giao lưu văn hóa giữa các dân tộc, các vùng văn hóa. Người ta đi du lịch là để tìm hiểu những điều kỳ thú mà ở nước mình, vùng đất mình ở không có. Mặt khác du lịch là một trong những nhu cầu văn hóa của con người khi đời sống kinh tế đã khá giả. Do vậy phải có chất lượng văn hóa cao trong du lịch. Phải khai thác tối đa đặc thù văn hóa, văn minh của dân tộc mới có được nền du lịch đặc thù của từng đất nước. Văn hóa trong du lịch bao gồm cả văn hóa phi vật chất, những sản phẩm nằm trong tâm linh con người. Tài nguyên thiên nhiên cùng với tài nguyên nhân văn của đất nước đều tạo ra những sản phẩm du lịch, những tour du lịch hấp dẫn.

- Được biết, ở Pháp bà có thực hiện một tour du lịch trên kênh báo chí rất hấp dẫn, tour "Theo dấu chân Nguyễn Ái Quốc ở Paris". Về nước bà có nhận xét gì về những tour tham quan các di tích liên quan tới Chủ tịch Hồ Chí Minh?
- Thực ra đó chỉ là một bài viết của tôi về những nơi Bác Hồ đã sống và làm việc trong những năm ở Paris mà tôi được biết trong quá trình làm tư liệu thực hiện án tiến sĩ về cụ Phan Chu Trinh. Tôi không ngờ được nhiều tờ báo ở trong nước đăng tải. Nếu các bạn trẻ Việt Nam có dịp qua Pháp làm phim tài liệu hoặc nghiên cứu về Bác Hồ toi sẵn sàng làm một "hướng dẫn viên". Về nước tôi đã đến thăm các di tích về Chủ tịch Hồ Chí Minh nhưng với tư cách một người đi nghiên cứu, và với cả tấm lòng ngưỡng mộ một danh nhân văn hóa của thế giới, một lãnh tụ vĩ đại của dân tộc. Tôi chưa đi theo tour du lịch nên không dám có nhận xét gì. Nhưng tôi nghĩ đây là một tour rất hấp dẫn, mang nét văn hóa đặc thù của dân tộc Việt Nam cần phải được đầu tư thích đáng để những tài nguyên nhân văn như Đền Hùng, Kiếp Bạc, Côn Sơn, Làng Sen và các di tích về Chủ tịch Hồ Chí Minh trở thành những sản phẩm du lịch có giá trị văn hóa - kinh tế cao.

- Nhờ đi làm phim mới lọt qua được màng lưới mật vụ để sang nước Pháp định cư, thế thì lý do gì khiến bà từ bỏ điện ảnh khi còn quá trẻ và đang nổi tiếng?
- Tôi giã biệt màn bạc không phải vì thiếu hy vọng ở sự thành đạt mà vì có nhiều điều vừa tế nhị, vừa bế tắc. Thời kỳ ấy đất nước đang bị chia cắt, mà tôi là một công dân rất có ý thức trước nỗi đau này. Lý do chính yếu nhất là lúc ấy ở Sài Gòn người ta hay làm phim chống chế độ XHCN và lý tưởng cộng sản. Tôi đã từ chối đóng vai chính của phim "Chúng tôi muốn sống" để tránh những lời thóa mạ chế độ cộng sản. Tôi nghĩ chỉ có con đường học tập mới giúp tôi có được những cơ hội đóng góp trí tuệ, học vấn của mình giúp quê hương đất nước và có cuộc sống gia đình hạnh phúc thật sự, và tôi đã ứng xử như vậy. Bây giờ, bạn bè ai cũng cho rằng tôi chọn con đường khoa cử là đúng, là hơn con đường điện ảnh. Đúng là như vậy thật, nhưng ở đời có khi không phải việc gì cũng do mình tự quyết định được. Đối với tôi, định mệnh dân tộc đã không cho phép mình chệch hướng. Tuy nhiên điện ảnh vẫn là một niềm đam mê của tôi. Nhưng tôi thiên về lĩnh vực sáng tạo, như nghề đạo diễn chẳng hạn, chứ không phải là nghiệp diễn viên.

- Nội dung các vòng thi HHSG hồi ấy có gì khác so với thi hoa hậu toàn quốc ngày nay do báo Tiền Phong tổ chức?
- Tôi được biết các cuộc thi hoa hậu toàn quốc do báo Tiền Phong tổ chức qua vô tuyến truyền hình và qua báo chí. Hồi trước chúng tôi dự thi không có phần trình diễn trang phục áo tắm. Phần thi áo dài có hai vòng, áo dài mặc thường ngày và áo dài dạ hội. Thi ứng xử gồm nhiều câu hỏi. Các cuộc thi hoa hậu bây giờ ngoài ý nghĩa định hướng thẩm mỹ cho tuổi trẻ về cái đẹp còn có mục đích tạo nguồn thu bổ sung cho quỹ Hỗ trợ tài năng trẻ của báo Tiền Phong. Ngày trước nguồn thu cũng để làm công tác xã hội cho nên cuộc thi do Bộ Xã hội tổ chức.

- Bà có nhận xét và có nhắn gửi gì với các hoa hậu Việt Nam ngày nay?
- Tôi rất mừng vì các hoa hậu Việt Nam ngày nay vừa đẹp về hình thể vừa có trí tuệ. Các em đều là sinh viên, học tập tốt, có lý tưởng và khát vọng vươn lên. Những em đã ra trường đều thành đạt. Nhiều em tiếp tục giành được những giải cao ở các cuộc thi người đẹp, người mẫu thời trang quốc tế và khu vực, làm rạng rỡ cho đất nước như Hà Kiều Anh, Trương Ngọc Ánh, Đàm Lưu Ly... Là người đã bôn ba khắp các chân trời góc bể điều tôi muốn nhắn gửi đến các em hoa hậu hôm nay là người phụ nữ chỉ có sắc đẹp thôi chưa đủ. Sắc đẹp là một ưu điểm cần biết giữ gìn và phát huy. Nhưng sắc đẹp có khi cũng là con dao hai lưỡi. Người phụ nữ phải cần phải có bản lĩnh. Để có bản lĩnh cần phải có tri thức, phải rèn đức rèn tài, phải biết chuẩn bị hành trang cho mình trên con đường đi đến tương lai.

Thanh Tùng thực hiện
(125/07-99)


Các bài mới
Các bài đã đăng