Dora Maar tên thật là Dora Markovich, cô sinh ra ở Pháp và đã sống qua những năm tháng của cuộc đời niên thiếu ở Argentine với người cha gốc Nam Tư, làm nghề kiến trúc sư sang làm việc ở mảnh đất miền Nam Mỹ này. Sau đó cô lại trở về Pháp theo học trong nhiều xưởng họa khác nhau. Và ở xưởng họa của André Lhote cô đã gặp nhà nhiếp ảnh Henri Cartier Bresson và thế rồi cô đâm ra mê nghề nhiếp ảnh hơn cả hội họa. Bạn bè đã khuyến khích Dora Maar mở một phòng ảnh riêng, cô đã thực hiện điều này nhưng không làm một mình mà mở chung với nhà nhiếp ảnh Piere Keffer. Năm 1931 người ta đã thấy những tấm ảnh của cô minh họa cho một cuốn sách lịch sử của nhà viết sử Germain Batin khá nổi tiếng lúc đó. Tiếp theo cô dấn thân vào nghề phóng viên nhiếp ảnh, và thực hiện chuyến đi đến Barcelone năm 1932, rồi lại đến Londres năm 1934. Khi xác định theo đuổi nghề này cũng là khi Dora Maar biểu lộ rõ thái độ, quan điểm của mình về mặt chính trị trong thời kỳ những bóng đen của chủ nghĩa phát xít bắt đầu xuất hiện ở Châu Âu.
Trong cuộc sống phóng viên, theo đuổi nghệ thuật nhiếp ảnh, Dora Maar đã quen biết và trở thành bạn thân của nhiều nhà văn nghệ sĩ của trường phái siêu thực, trong đó phải kể đến mối quan hệ đặc biệt của cô với nhà văn George Bataille. Cùng với George Bataille, André Breton và một số văn nghệ sĩ, trí thức khác trong nhóm siêu thực Dora Maar đã tham gia vào “Hội trí thức” năm 1934 với mục tiêu chống phát xít. Sau đó Dora Maar và một số văn nghệ sĩ, trí thức khác ở Pháp gia nhập nhóm “phản kích” chống phát xít được thành lập tháng 10-1935. Và chính trong thời gian này Paul d’ El’uard đã giới thiệu Dora Maar với Picasso trong buổi trình chiếu đầu tiên bộ phim “Tội lỗi của M. Langé ”, một phim của Jean Renoir người có khuynh hướng siêu thực. Lúc đó Picasso 54 tuổi còn Dora Maar 29 tuổi.
Khác với hai người đàn bà trước của Picasso (Olga và Marie Therese), và cả với hai người đàn bà sau (FranÇoise Gilot và Jacqueline Roque) của họa sĩ, Dora Maar làm Picasso chú ý đến không phải giống như những người đàn bà kia mà hình bóng quyến rũ và tâm hồn dạt dào của họ đã gây cho ông những nỗi nhớ nhung, những sự phấn khích, hứng khởi để vẽ vời, để yêu thương họ. Picasso chú ý tới Dora Maar ngoài những hấp dẫn bề ngoài, họa sĩ còn thích ở người phụ nữ này có những cá tính mạnh mẽ và tính ưa hoạt động của nàng.
Ân tượng mạnh đầu tiên mà Dora Maar đã làm cho Picasso bất ngờ và ngạc nhiên là một ngày ở AUX DEUX MAGOTS,trong lúc ngồi nói chuyện với Picasso, để biểu lộ tình cảm và thái độ của mình, cô đã lấy kim đâm vào đầu ngón tay để rơi những giọt máu trước mặt họa sĩ. Rồi một lần khác khi Picasso nổi cáu với Dora Maar trong một cuộc cãi cọ, cô đã ném luôn chiếc nhẫn mà họa sĩ đã tặng cô xuống dòng sông Seine... Tất cả những sự biểu lộ đó của Dora Maar chỉ nói thêm về một tình yêu mãnh liệt thậm chí pha chút điên dại của người nữ nhiếp ảnh với người họa sĩ đã rất nổi tiếng trong thời kỳ này.
Sau khi trở thành người bạn đời của Picasso, nhưng công việc đầu tiên mà Dora Maar chú ý đến không phải là việc suốt ngày ngồi làm mẫu cho họa sĩ vẽ, hay cặm cụi làm những công việc bếp núc, gia đình, mà cô đã tìm ngay cho họa sĩ một xưởng họa mới ở số nhà 7, phố GRAND - AUGUISTINS, và chính trong cái xưởng họa này chỉ ít lâu sau Picasso đã tiến hành vẽ tác phẩm lớn nhất của thế kỷ: “GUERNICA”. Những quan điểm, thái độ chính trị của Dora Maar đã ảnh hưởng một phần quan trọng đến lập trường công khai chống cuộc đảo chính của tướng độc tài Franco. Tháng giêng năm 1937 ở xưởng họa mới này Picasso đã thực hiện một tác phẩm liên hoàn gồm nhiều tranh châm biếm chống giáo quyền và chống Franco. Và ngày 11-5-1937 Picasso đã phác thảo bố cục tác phẩm “GUERNICA” trên một tấm toile dài 8m, cao hơn 3m. Dora Maar đã chụp ảnh ghi lại những giai đoạn tiến hành đầu tiên của tác phẩm đồ sộ vĩ đại này của họa sĩ. Ngày lại ngày, Dora Maar đã chứng kiến những sự thay đổi về bố cục, về những sự chuyển dịch những khuôn mặt của các nhân vật trong tác phẩm, chứng kiến những thao tác kỳ tài trong việc biểu diễn những hình thức nghệ thuật và kỹ thuật nhà nghề trong quá trình thực hiện tác phẩm này của họa sĩ. Và cũng chính Dora Maar là người đã cung cấp những tin tức về tác phẩm này trong mục thời luận số đặc biệt của “ Sách nghệ thuật” mùa hè 1937 ở Paris.
Nhưng Dora Maar không chỉ là người đàn bà đã góp một phần trong việc hình thành thái độ chính trị của Picasso, mà quan trọng hơn, chính Dora Maar cũng là người góp một phần vào giai đoạn biến đổi quan trọng nhất của sự nghiệp sáng tạo nghệ thuật của Picasso. Một loạt những chân dung vẽ Dora Maar, rồi “GUERNICA”... đã chứng tỏ điều đó.
Nhưng cuộc đời lắm nỗi éo le, nhất là cuộc sống trong giới nghệ thuật. Năm 1943 Picasso gặp FranÇoise Gilot một cô gái tuổi mới vừa tròn đôi mươi đầy hấp dẫn, quyến rũ, thế là ông già Picasso 62 tuổi đã chạy đuổi theo cô và xa rời Dora Maar (chúng ta còn được biết ông lão họa sĩ Picasso sau này ở tuổi 73 vẫn còn có nàng Jacqueline vừa mới hết tuổi trăng tròn yêu mê đắm và trở thành người đàn bà thứ năm trong cuộc đời của nhà danh họa).
Sự xuất hiện của FranÇoise Gilot trong cuộc đời của Picasso đã gây cho Dora Maar một cú xốc mạnh. Dora Maar đã không có thái độ “bỏ qua” như những người đàn bà khác của Picasso và tự thu xếp cuộc đời của họ một cách yên ổn trong những hoàn cảnh như vậy, mà tỏ rõ một nỗi đau đớn xé lòng. Từ khi FranÇoise Gilot xuất hiện trong cuộc đời của Picasso thì Dora Maar bị suy sụp hoàn toàn, cô không còn có được những tính cách mạnh mẽ, và những sự ưa thích hoạt động như ngày xưa, cô đã trở lại nhà thờ sống với những nỗi tâm sự của mình với Thượng Đế hơn là với những người bạn văn nghệ sĩ nổi tiếng nhất trong thế kỷ của mình. Dora Maar đã trải qua nhiều năm căng thẳng tâm thần, rồi dẫn đến những trận đau ốm triền miên, cuối cùng người ta đã phải đưa Dora Maar vào sống ở nhà thương điên trong nhiều năm cuối đời. Dora Maar mất ngày 16 tháng 7 năm 1977 tại Paris thọ 89 tuổi.
Trong cuộc triển lãm bán đấu giá toàn bộ sưu tập Picasso của Dora Maar tổ chức vừa qua ở Paris, có một bà cụ thấy người ta đem bán hết những đồ quí giá của Dora Maar cùng một lúc như vậy đã nổi cáu mà phẫn nộ tìm đến ban tổ chức để chất vấn, vì bà cụ cho rằng: đó là sự tiêu xài xa xỉ, lãng phí về những giá trị văn hóa tinh thần cũng như vật chất, và cũng còn nghi ngờ rằng Dora Maar chắc hẳn phải còn những người thừa kế?
Bà cụ đã được ban tổ chức giải thích rằng: trước khi đem bán đấu giá toàn bộ bộ sưu tập này của Dora Maar họ đã tiến hành nhiều công việc về luật pháp thừa kế. Những nhà luật sư, những người lập phả hệ cho biết rằng Dora Maar không có người thân nào để thừa kế. Khác với những người đàn bà khác của Picasso, Dora Maar không có con. Một chuyên gia về phả hệ học đã được những nhà chức trách giao cho việc điều tra họ hàng thân cận của Dora Maar. Sau những tháng ngày dài truy lùng gốc rễ, ông này đã thông báo rằng: Dora Maar hiện giờ chỉ còn hai người bà con rất xa không nằm trong diện thừa kế, một người ở PHÁP, một người ở CROITIE.
II. Dora Maar và cuộc bán đấu giá những tác phẩm Picasso của bà.
Dora Maar với chân dung của bà do Picasso vẽ (Ảnh chụp năm 1946)
Thị trường nghệ thuật ở Paris sau những tháng ngày dài im ắng, buồn tẻ do ảnh hưởng của những cuộc khủng hoảng toàn cầu, trong những tháng giáp tết vừa qua đã lại tưng bừng huyên náo lên với cuộc triển lãm bán đấu giá toàn bộ bộ sưu tập của Dora Maar một trong những người đàn bà của Picasso.
Trước khi bán đấu giá toàn bộ sưu tập này của Dora Maar, những người trong ban tổ chức đã phải mất nhiều thì giờ để bàn đến vấn đề địa điểm tổ chức. Những cuộc triển lãm bán đấu giá trước đây thường được tổ chức ở nhà “DROUOT” một trong những địa chỉ quen thuộc của các nhà bán đấu giá các tác phẩm và các đồ nghệ thuật ở Paris, nhưng do số lượng tranh và các đồ nghệ thuật trong bộ sưu tập này khá nhiều khoản mục, và có lẽ điều quan trọng hơn mà ban tổ chức đã dự báo được là: số người đến xem cuộc triển lãm này sẽ rất đông vì sự nổi danh của Picasso, và cũng vì những mối liên quan, những nỗi thăng trầm của cuộc tình giữa Dora Maar và họa sĩ mà người ta muốn biết thêm qua cuộc triển lãm bán đấu giá những kỷ vật của bà.
Cuối cùng ban tổ chức đã quyết định mượn địa điểm triển lãm bán đấu giá ở Viện hóa học số 28Bis Phố Thánh Dominique- một khu nhà lớn có sân vườn rộng rãi. 900 chỗ tại hội trường lớn trong tòa nhà nơi chính diễn ra cuộc bán đấu giá người ta đã mua hết chỗ từ những hôm trước. Buổi khai mạc triển lãm bán đấu giá đúng vào một ngày trời xấu, nhưng người ta vẫn thấy những người dân Paris nối đuôi nhau xếp hàng dưới trời mưa để đi vào khu triển lãm. Từ khi khai mạc đến khi kết thúc cuộc triển lãm bán đấu giá chỉ diễn ra trong một số ngày, nhưng người ta tính được đã có hơn 15.000 người tới tham dự.
Các tranh và đồ nghệ thuật của Picasso trong bộ sưu tập của Dora Maar được bầy ở nhiều phòng trong khu nhà này, và trong phòng chính người ta thấy nổi bật những bức tranh lớn nổi tiếng của Picasso vẽ Dora Maar: “Dora Maar ngồi nghiêng”, “Dora Maar ngồi trên bãi biển”, “Người đàn bà khóc” (Dora Maar), “Dora Maar với những móng tay xanh”, “Dora Maar ngồi nghiêng đầu với tấm khăn quàng vàng”. Những bức tranh chân dung này là những bằng chứng cho mối tình đã có nột thời mê đắm và pha chút điên loạn của họa sĩ với người mẫu. Ở bức “Dora Maar với những móng tay xanh”, người ta thấy Dora Maar ngồi trên bãi biển với mái tóc ngắn bay trong gió, khuôn mặt hình ô-van của cô đồng thời được họa sĩ miêu tả cùng với phía mặt phải nhìn nghiêng của cô, thêm vào đó là những hàng mi rậm rạp đến khôn cùng, và bàn tay với những móng tay xanh tỳ lên má. Chân dung này là một sự phá cách ghê gớm, không còn tuân thủ gì những khuôn mẫu chân dung theo nghệ thuật cổ điển. Ở bức “Người đàn bà khóc” sự phá cách này còn tỏ ra mạnh mẽ hơn nữa. Picasso đã vẽ Dora Maar trong nước mắt. Đôi mắt được thể hiện như bị những lỗ thủng của mũi kim đan chọc vào, những giọt nước mắt lớn nặng trĩu tuôn tả trên mặt. Bức vẽ với những mầu sắc mãnh liệt nhưng tan tác trôi nổi bên nhau. Bức tranh này có giá đắt nhất trong toàn bộ bộ sưu tập của Dora Maar ở cuộc triển lãm: giá 20 triệu francs (tương đương 3,5 triệu dollars Mỹ). Tác phẩm này được Picasso vẽ trong thời kỳ đang thực hiện một loạt tranh tường lớn do sự thôi thúc mãnh liệt của cảm hứng sáng tác muốn biểu lộ lòng phẫn nộ của họa sĩ trước sự tan nát, đổ vỡ của thành phố GUERNICA nhỏ bé của đất nước Tây Ban Nha do bọn phát-xít gây ra.
Khán giả đến xem cuộc triển lãm này đã rất bất ngờ và ngạc nhiên khi lần đầu tiên được thấy một tác phẩm mà ít người biết đến: Bức “Dora Maar và người đội lốt bò” (tên nguyên tác: “Dora Maar et le Minotauré”). Tác phẩm này nhiều chỗ mầu đã bị nổ và nhiều vết xước. Trong tranh con vật Minotauré (bọ hung) nhưng Picasso lại thể hiện như là một con vật mình người đầu bò đang tấn công Dora Maar trong tình trạng đang nằm khỏa thân trên đồng cỏ. Như nhận xét của những nhà phê bình nghệ thuật: tác phẩm này đã làm phong phú thêm kho tàng nghệ thuật của Picasso.
Nhưng có lẽ gây được nhiều sự cảm động hơn cả là một loạt những tác phẩm được gọi là “vặt vãnh” mà Dora Maar đã giữ gìn cùng với những tác phẩm lớn từ bấy lâu nay. Đó là những đót thuốc lá của Dora Maar mà Picasso trong lúc buồn tay đã khắc lên những nét hình tinh tế uyển chuyển, một mẩu khăn giải bàn ăn trên đó Picasso vẽ đầu một con chó, rồi những bao thuốc, hộp diêm mà trên những góc, những mặt của chúng đã ghi đậm những dessin vẽ vội hoặc tỷ mỷ trong nhiều hoàn cảnh khác nhau. Và cũng trong loại tác phẩm này người ta còn thấy cả một tập bản thảo viết tay đã sờn cũ của nhà thơ siêu thực Paul d’ Eluard được tôn thêm vẻ huy hoàng qúi giá bội phần vì những dessin trang trí mà Picasso đã vẽ thêm vào những trang của bản thảo, hay một bức phác thảo bằng chì than vẽ chân dung Dora Maar nhưng trên cổ lại quàng vòng hoa của Marie Thérèse (vì thời kỳ này Picasso lui tới cùng một lúc với cả hai người đàn bà). Chúng ta còn có thể kể thêm nhiều nữa về phần tranh “vặt vãnh” này trong triển lãm bán đấu giá bộ sưu tập của Dora Maar, vì người ta biết rằng khi những cơn hứng thú tuôn trào, họa sĩ có thể vẽ, có thể sáng tạo nghệ thật trong bất kỳ hoàn cảnh nào và bằng bất cứ chất liệu gì, kể cả khi Picasso đã ngồi vào bàn ăn. Người ta đã bắt gặp Picasso nhiều lần cầm bút phác họa chân dung những người mà đột nhiên họa sĩ phát hiện thấy những thích thú trong quán ăn trên khăn giải bàn hay bất cứ vật gì có thể vẽ được trên tay của mình hay bạn bè. Trong khi ngồi đợi những người phục vụ mang đồ ăn đến, họa sĩ thường lấy những chiếc khăn ăn, gấp, buộc, thắt thành những con vật rất ngộ nghĩnh và sinh động, hoặc họa sĩ lấy những sợi dây thép bảo hiểm của những chai Champagne để uốn thành những tượng nhỏ với đủ mọi dáng hình uyển chuyển tinh xảo cho bạn bè xem và thường thì Dora Maar đã giữ gìn tất cả những thứ đó. Tất cả những tác phẩm “vặt vãnh” này dù là những dessin hay những đồ nghệ thuật được làm ra vội vàng, chớp nhoáng, nhưng vẫn làm cho người xem đầy kinh ngạc và mến phục trước tay nghề vững vàng, đầy tài hoa và siêu việt của họa sĩ trong sự biểu đạt mọi phong cách từ nghệ thuật cổ điển tới nghệ thuật hiện đại.
Cuộc triển lãm bán đấu giá toàn bộ bộ sưu tập Picasso của Dora Maar vừa qua ở Paris không chỉ có mục đích về mặt kinh tế, mà quan trọng hơn, nó chính là một hoạt động cao cấp về văn hóa. Thông qua cuộc triển lãm bán đấu giá này, người ta thấy không chỉ hiểu biết về tình hình của đời sống văn hóa nghệ thuật hiện tại, mà còn hiểu thêm nhiều về cả đời sống văn hóa nghệ thuật trong quá khứ.
Những tác phẩm của Picasso được đem bán đấu giá ở cuộc triển lãm này được sáng tác trong thời kỳ có những biến đổi quan trọng nhất của sự nghiệp sáng tạo hội họa của ông mà Dora Maar đã góp một phần biến chuyển cả về nghệ thuật lẫn tư tưởng của nhà danh họa vĩ đại nhất của thế kỷ.
N.H.H (125/07-99)
|