Đời sống văn nghệ
Ngày xuân thăm trang trại Minh Ngọc
10:54 | 12/03/2010
TRẦN CÔNG TẤNCách nay vừa tròn 47 năm, Lê Minh Ngọc cùng chúng tôi ở chung đơn vị. Sau đó, tôi đi Mặt trận Lào. Minh Ngọc về làm hậu cần rồi đi Bắc Kinh học ngoại ngữ.

Hòa bình lập lại cho đến lúc giải phóng miền Nam, Ngọc giảng dạy đại học, trở thành nhà nghiên cứu Viện Triết Hà Nội, rồi chuyển vào Viện Khoa học xã hội thành phố Hồ Chí Minh. Đồng đội đơn vị cũ về công tác Sài Gòn dăm chục đã tìm được nhau, lâu lâu chúng tôi họp mặt nhau vào những ngày kỷ niệm của quân đội. Là nhà nghiên cứu xã hội, nhưng Ngọc cũng thích làm kinh tế. Bắt đầu bằng việc tận dụng phế liệu rỉ đường, cậu ta chế biến men làm bột nổi bánh mì. Suốt mười lăm năm liền hiệu men nổi Bông Sen của Ngọc chiếm lĩnh thị trường bởi chất lượng cao nhưng giá rẻ hơn hàng ngoại nhập. Nhờ tiền lãi bột nổi mười triệu đồng hàng tháng, Ngọc lấy đầu tư vào nông nghiệp. Chúng tôi thường họp mặt tại nhà Ngọc ở Tân Bình. Hai câu đối do một nhà thơ Trung Quốc tặng treo giữa phòng khách, nói được nơi ở của gia đình Ngọc:

            Án thượng thi thư thiên cổ lạc
            Đỉnh tiền hoa thảo tứ thời xuân

Đúng thật: trên giá mà có sách văn chương thì niềm vui đến đời đời. Trước nhà mà cỏ hoa đua nở thì suốt năm đều là mùa xuân. Đằng sau phòng khách, cách một mặt hồ là một phân xưởng hóa thực phẩm mang tên Ngọc Liên (Liên là vợ Ngọc) có hơn trăm thầy, thợ làm ra hàng chục mặt hàng như sữa đậu nành, bánh kẹo các loại. Cách nơi này hơn cây số còn có một nhà hàng cà phê vườn 7000m2 mang tên Suối Reo, Ngọc làm cho vợ chồng cô con gái kinh doanh. Lại có phân xưởng 2 của Ngọc ở Bình Chánh sản xuất thức ăn nuôi tôm và các loại hóa mỹ phẩm. Mấy cơ sở phụ làm kinh tế gia đình ấy cũng đã chiếm mất mấy tỷ bạc. Cái chính chiếm nhiều tiền bạc và trí óc đầu tư vào là các trang trại của Ngọc ở Bà Rịa, Bảo Lộc, Đồng Nai. Vào một ngày xuân, Ngọc cho ba xe khách mời hết vợ con gia đình đồng đội cũ đi thăm trang trại của cậu ta ở Bảo Lộc. Ra khỏi quân ngũ, ít có dịp ngồi lại với nhau, được đi chơi miễn phí như thế này, chúng tôi khoái lắm. Trên xe, mọi người hát vang những khúc quân hành ôn lại kỷ niệm đời lính và để khoe với vợ con cái tuổi thanh niên sôi nổi của mình. Mất bốn tiếng, chúng tôi đã đến nơi Ngọc trồng trà, cà phê và hồ tiêu. Nơi đây gần điểm du lịch thác Đamây nổi tiếng nhưng còn đẹp hơn nhờ có dòng suối trong veo. Tôi kêu: "Sao mày giống con suối ở chiến khu Hòa Mỹ". Ngọc cười: "Chính vì vậy mà tớ chọn mua đất nơi này."

Mặt trận Huế vỡ, thằng Ngọc theo cha là ông Lê Duyến chạy lên chiến khu Hòa Mỹ. Cha làm báo "Giết giặc", con làm liên lạc viên. Ông Duyến một thời làm báo "Tiếng dân" cùng ông Võ Nguyên Giáp ở Huế. Vậy mà giấu được tung tích với phòng nhì Pháp, năm 49 cho Ngọc theo nhà tình báo Đặng Thanh vào nội thành Huế làm điệp viên cho Việt Minh. Năm 52 cơ sở bị lộ, tổ chức rút Ngọc ra khỏi Huế rồi bổ sung làm lính cùng đơn vị chúng tôi. Không chỉ con suối ở đây làm Ngọc nhớ chiến khu Hòa mỹ mà hắn còn bỏ ra một tỷ đồng, làm cái nhà rường kiểu Huế cổ như một cung điện đặt giữa suối rừng Bảo Lộc. Còn lãng mạn hơn, Ngọc mua trăm hecta đất ở Nam Cát Tiên đầu nguồn sông Đồng Nai chỉ vì chỗ đó giống khúc sông Hương ở Điện Hòn Chén. Hắn còn định mua cau, tre lập một cái làng ở ĐaKho cho giống thôn Vỹ Dạ trong thơ Hàn Mặc Tử. Đúng là máu dân Thừa Thiên Huế đầy ắp trong tim thằng cha này.

Trang trại Lê Minh Ngọc ở ba nơi có hơn 600ha đất. Chỗ Bảo Lộc này trồng trà, cà phê và hồ tiêu. Những nơi khác còn trồng mía, chuối và các loại cây ăn trái khác. Ở Bảo Lộc trong khoảng ba năm trở lại đây, ngoài bạt ngàn các đồi trà, Ngọc còn trồng thêm 14 ba cà phê và 10.000 nọc tiêu. Vài ba năm tới sẽ có thêm 60.000 nọc. Hiện có 30ha đã trồng keo tai tượng phủ xanh đồi trọc, nhưng dưới gốc keo tiêu sẽ bò lên. Vốn bỏ ra trồng tiêu, cà phê rất lớn, nhưng chỉ cần hai năm sau là thu lại, chỉ còn lãi ròng. Trồng mía ở Cát Tiên bốn năm lãi được 1,2 tỷ, Ngọc dùng tiền này bù lỗ cho các nơi và đầu tư trồng mới. Cứ mỗi năm Ngọc đầu tư vào 400triệu cho đến tháng 10 năm 2000 thì không phải bỏ vốn nữa. Năm 2001 thu hồi dần vốn cho đến 2005 thì hoàn toàn lãi ròng.

Cái lạnh những ngày giáp Tết ở trang trại càng thêm vui vì chúng tôi đốt đống lửa to, cùng nhau múa hát làm vang động cả núi rừng. Ngoài bốn bữa ăn thịnh soạn ban ngày, đêm đến Ngọc cho lùi mấy thúng khoai lang, củ mì. Không khí kỷ niệm những ngày gian khổ chiến khu lại hiện về rưng rưng trên mắt và trong lòng chúng tôi. Tôi hỏi Ngọc: "Mấy năm nữa tiền vào như thác đổ, xài sao cho hết". Có bạn nói: "Hắn lấy lãi chỗ này, bù vào lỗ chỗ kia". Có bạn thanh minh giúp: "Minh Ngọc làm kinh tế không tính đến lời lỗ, mà chính là lấy thực tế để viết sách chứng minh về quan điểm làm trang trại của mình". Đúng như vậy. Ngọc tâm sự khi hắn đi mua đất, cán bộ địa phương hỏi: "Anh bỏ tiền túi ra mua đất nhiều vậy, Nhà nước thay đổi chính sách, mất trắng thì làm sao". Ngọc trả lời: "Tôi đã từng là người lính, là đảng viên Cộng sản, lúc Nhà nước cần lấy lại đất cho dân, thì mình trả thôi" Ngọc cho rằng sự phát triển kinh tế trang trại làm cho nông nghiệp tiến bộ. Đất nông nghiệp toàn quốc còn rất ít nhưng đang bị chia manh mún thì không thể hiện đại và công nghiệp hóa được. Ở miền Nam còn khoảng 10 triệu ha đất trống, đồi trọc. Nếu đem làm kinh tế trang trại ở Đông, Tây Nam bộ và Tây Nguyên mà trồng tiêu xuất khẩu thì thu ngoại tệ còn lớn hơn cả xuất gạo. Làm trang trại không sợ nông dân mất đất. Thuê mướn nhân công thì người lao động có việc làm, lương cao, đời sống ổn định. trong số lao động đó lại có con em của đồng đội, của gia đình thương binh, liệt sĩ.

Còn hơn tháng nữa mới đến Tết nhưng trang trại Minh Ngọc đã chuẩn bị phân công ai sẽ ở lại trực, ai sẽ được về quê ăn Tết. Người ở lại được Ngọc chăm lo vật chất, tinh thần chu đáo như chính con em trong nhà.

Tại Đại sảnh đường "Vương cung" trang trại, buổi sáng trời Bảo Lộc bàng bạc sương se se lạnh, Ngọc cùng chúng tôi ngồi nhấm nháp lát mứt gừng và thưởng thức chén trà ướp hương sen nóng hổi, cảm thấy Tết đã đến gần rồi. Tôi có đọc trên tờ Libération và tiếp đó nghe đài BBC nói Minh Ngọc là nhà "tỷ phú đỏ" và là một "Đảng viên cộng sản làm giàu". Hỏi Ngọc Tây đưa tin vậy có hại gì cho cậu ta không. Ngọc cười: "Lợi thì có. Như vậy là họ tuyên truyền cho sự đổi mới của Đảng. Tôi ước mơ tất cả Đảng viên cộng sản, tất cả cựu chiến binh còn sức lực đều tham gia kinh tế trang trại. Đảng ta có hàng triệu đảng viên, chỉ cần hai trăm ngàn đảng viên mỗi người mở trang trại canh tác 5ha thôi, thì đất nước có thêm một triệu ha đất trống đồi trọc được phủ màu xanh, mà màu xanh đó lại hóa ra vàng. Dân sẽ mau giàu cho nước mau mạnh". Thật là chí lý. Tôi thấy màu xanh hy vọng ấy đã hiện rõ trên đôi mắt hiền lành của Ngọc. Với hy vọng tràn trề trong cách làm ăn mới, Lê Minh Ngọc đã sớm đón mùa xuân về trên trang trại của mình.

T.C.T
(132/02-2000)



 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng