Đời sống văn nghệ
Vũ Bão, một lão A zit nêxin Việt Nam?
16:14 | 30/07/2008
TRẦN THỊ TRƯỜNG - Chúng ta lại thắng rồi. Thỉnh thoảng lão lại reo lên như thế khi bất chợt gặp một người mà lão coi là bạn. Lão nói câu ấy cả khi lão đang thoi thóp trên giường bệnh, miệng méo xệch lão nói một cách khó khăn nhưng vừa nói lão vừa cười khiến cho người ta yên tâm là lão bắt đầu sống trở lại, cái chết còn lâu mới quật được lão.

Mấy năm gần đây, Vũ Bão hay nói câu ấy. Câu nói của cái người cả đời hình như chỉ có thua và thua. Lão thua ngay từ "keo" đầu khi cuốn tiểu thuyết "Sắp cưới" ra đời, cuốn sách như được chắt ra từ tình yêu cuộc sống của lão với cả tấm lòng và sự hồ hởi tuổi thanh niên. Thua nên lão phải bỏ bút cầm cày cuốc lao động. Lão reo lên thắng rồi, thắng rồi không phải là lão vừa đi đánh nhau với địch về. Thắng đây là lão thắng cái bệnh xuất huyết não, liệt tứ chi trở về với năng lực sáng tạo đời thường hàng ngày vốn có của lão. Thắng đây có nghĩa là bạn bè thân thiết của lão vừa cho ra đời được cuốn sách hay, và thắng đấy là cái thắng của cây bút bi tưởng đã hết mực, nghỉ khỏe mà không ngờ lại vẫn viết tiếp thêm được vài cuốn sách nữa chưa biết bao giờ mới thôi.
 Lão vừa lại cho ra lò, còn thơm mùi giấy cuốn thứ 7 của lão "Em đường em, anh đường anh" (NXB Lao động 2001).
 Trông thấy sách của lão người ngồi cùng phòng làm việc với tôi đòi đưa đọc trước. Cô bảo "Lão này viết có lẽ ngang ngửa với ông nhà văn Thổ. Cho ông Thổ sang Việt Nam cũng phải mệt mới viết hay được như ở Thổ bởi vì ở đây nó kỳ khu hơn, lắt léo hơn, phải sống đầy đủ với đời như cái lão Vũ Bão chết tiệt này mới viết nhanh như thế được. Bất cứ chuyện gì lão thấy cần phải viết là viết ngay. Viết như thế này thì đem người viết ra nọc mà đánh chết cũng chưa hả được. Ai đời nói người ta như thế, chỉ thay có cái tên đi thôi chứ sự việc thì... cứ như là day vào trán người ta ấy. Nếu phải tay tôi, bị lão viết lên như thế, không đánh nổi lão thì đọc xong tôi uống thuốc độc mà chết cho khỏi nhục".
 
Nghe cô nầy nói hùng hổ, một người khác liền giằng của tôi để đọc. Đọc ngấu đọc nghiến, xong cũng bảo: "Người có liêm sỉ thì mới thấy nhục, nhưng bọn vô liêm sỉ ấy lại không đọc sách Vũ Bão, có đọc cũng không biết lão ấy viết mình, cũng cười như nghé cười trâu mà thôi...".
 Gặp ông, tôi bảo "Lão Vũ Bão có biệt tài viết chuyện hài... xin lão cho phỏng vấn tí...". Lão bảo "Phỏng vấn với chả phỏng véo, thử phỏng vấn những nhân vật ấy xem thế nào đã... Tài cán quái gì, đời có thế nào viết đúng như thế mà thành hài đấy chứ ... Hiện... thực... đấy. 100% sự đời đấy". Ngay trong câu này cũng đã thấy cái tài hài hước của cái lão già không chịu chết này.
 Đúng. Người ta thích truyện của Vũ Bão bởi nó có cái giọng đời, giọng của sự thật không tô vẽ, "không biên tập lại cuộc sống" nên nó động. Lão có con mắt của người nhìn được bản chất sự vật, thấy rõ nghịch lý, cắt nghĩa được cái nguyên nhân sâu xa rồi đặt nó vào giữa những nghịch cảnh đưa lên trang viết cứ tự nhiên như thể chẳng cần tài cán gì cũng thành. Nhưng tài năng là ở đó, thành công cũng chính là ở đó.
 Cái chuyện "tách nhập" ở ta ai cũng biết, có người còn đặt thành bài hát: "tách tách tách nhập nhập nhập" nghe đã phải cười nhưng Vũ Bão một lần nữa làm cho người ta cười cái cười... đau tận sống lưng, cười tuôn nước mắt về cái quẩn quanh của một bộ máy hành chính, dù rằng câu chuyện xảy ra ở một phạm vi địa lý rất nhỏ (làng Chè, xã Chè...) nhưng ai cũng hiểu hệ quả của quẩn quanh ấy không chỉ ảnh hưởng đến nhân vật "tôi" (nhân vật có tên Chẫu, Chẽ, Chẻ, Alibababa...) trong truyện mà còn đến những số phận của nhiều người khác có thực ở trong đời... Cứ tưng tửng, tơn tớn Vũ Bão kể, sang chuyện "Lộc đầu năm"; "Kiếp xế"; "Nỗi nhớ thứ tư"; "Anđrây Xun xoe"... Ở "Danh hài thượng thặng" người ta đã thấy được một thời người có tài, được nước ngoài mời dự Hội thảo quốc tế nhưng các Cục, Vụ, Viện - có tài tổ chức - đã lèo lái để đưa người khác thế chân, vô lý như là lão cố tình bịa tạc nhưng thực đã xẩy ra đầy rẫy; Sang đến "Ông nọ bà kia" vẫn đề tài ấy Vũ Bão làm thêm được hơn chục trang nữa mà chuyện vẫn hấp dẫn. Lão còn có cái giọng dân dã, kể nửa chừng lão buông "... chuyện này thôi không nói nữa" làm người ta càng muốn xem tại sao lão không nói, và sẽ nói tiếp cái gì. Lão này đắc địa với truyện ngắn hài ư? Không phải. Tất nhiên truyện hài của lão có thể nói là có thứ có hạng trên chiếu làng rồi nhưng lão còn nhiều truyện ngắn "tình cảm lãng mạn khác" không dùng đến nghệ thuật hài mà vẫn lay động người đọc, Tiểu thuyết "Thời gian không đợi" Vũ Bão đã đưa người đọc trở về với những trăn trở vui buồn kiếp người bằng giọng văn có hơi hướng thơ.
 Năm nay tròn bẩy mươi (sinh năm 1931), người đời bảo đó là tuổi "xưa nay hiếm" còn chính lão thì tự nhận lão là cái "bút bi hết mực", "ngấp nghé bờ vực thẳm" và thực đã vài lần lão đi viện với chứng hiểm nghèo nhưng lão bảo lão nhờ vợ mà nhỏm dậy để sống tiếp, vợ lão là bác sĩ giỏi. Bà đón chồng từ bệnh viện về tự tay điều trị tiếp tục cho lão. Khá lên bà dẫn lão đi từng bước, hướng lão học yoga, người ta bảo đó là môn thể thao tiếp thêm cho con người chí khí dũng mãnh. Nhưng vợ lão thì bảo chí khí mới là một nửa, một nửa còn lại là tình yêu của lão với con người, gia đình, vợ con, bè bạn... Lão vì văn nghiệp, vì yêu mà chưa định giã từ cuộc đời. Té ra lão vẫn yêu tha thiết cái cuộc đời thua thiệt nhiều hơn là thắng lợi của lão. Té ra lão tri được cái mệnh của mình tới tận thẳm sâu: Sống không phải là để kiếm tìm hạnh phúc mà là để đi qua những đau khổ và thấy trong đó những ý nghĩa tiềm tàng.
 Trộm vía lão nếu lão ngừng viết thì sẽ ra sao nhỉ. Truyện đủ mọi kiểu cách chúng ta có khối, truyện hài Vũ Bão thì hơi khó tìm, trong mấy chục năm gần đây người ta hay viết những điều quá nghiêm túc. Cầu cho lão sống lâu để lão còn viết những truyện cho chúng ta được cười.
 10/2001
    T.T.T

(nguồn: TCSH số 156 - 02 - 2002)

 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Nhớ và ghi (17/07/2008)