Đời sống văn nghệ
Bác Hồ với việc chống tham nhũng
08:37 | 31/07/2008
NGUYỄN QUANG HÀCuối cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, cả nước xôn xao về vụ án Trần Dụ Châu.

Trần Dụ Châu là một cán bộ hậu cần của quân đội nhân dân Việt . Ông đã kết hôn với một danh ca. Việc đó thì ai cũng mừng cho ông. Song điều mọi người chê ông là: để tổ chức đám cưới thật hoành tráng, ông đã lợi dụng quyền hạn của mình, lấy lương thực thực phẩm để bày biện thết đãi khách khứa. Một đám cưới được coi là một đám cưới sĩ quan quân đội lớn nhất trong thời gian đó.
Đó là một tội lớn của Trần Dụ Châu, phải ra tòa án binh. Tòa xét tội: Tử hình. Vì quân đội ta đang đói kém, vất vả, người sĩ quan đã lợi dụng quyền hạn mình lấy lương thực của quân đội dùng cho việc riêng.
Trần Dụ Châu xin Bác Hồ tha cho. Bác là Chủ tịch nước, Bác có quyền xóa án cho tội nhân tử hình. Song Bác đã y án tử hình Trần Dụ Châu.
Nghiêm khắc với cán bộ dưới quyền, giữ nghiêm quân kỷ, giữ phép nước, Bác đã cương quyết để gìn giữ uy tín của cách mạng. Việc làm ấy của Bác được nhân dân càng yêu mến cách mạng, tin tưởng ở đạo đức trong sáng của cách mạng.
Sau này chuyện của Trần Dụ Châu được dựng thành kịch "Một đêm trắng" nói về Bác Hồ đã thức trắng đêm suy nghĩ, trăn trở để ký vào quyết định cuối cùng của vụ Trần Dụ Châu.
Chuyện thứ hai này tôi được nghe kể lại. Đó là chuyện ở một trường chính trị của Đảng đóng ở Hà Nội. Trường chuyên việc nâng cao nghiệp vụ, lý luận cho hàng ngũ cán bộ trung cao của Đảng và Nhà nước. Ở một khóa học, có một học viên ra ngoài trường ăn xôi sáng, đã không trả tiền xôi cho bà chủ quán. Việc bại lộ. Chi bộ Đảng trong lớp học đã đưa người đảng viên ấy ra kiểm điểm. Đang cuộc kiểm điểm dở, bỗng Bác Hồ đến thăm trường. Bác gặp cuộc họp chi bộ nọ. Bác hỏi chi bộ đang họp nội dung gì? Bí thư chi bộ không thể giấu Bác, đã kể hết chuyện người học viên ăn xôi sáng không trả tiền.
Bác nói đại ý: Chỉ có một nắm xôi mà không làm chủ được mình thì làm sao lãnh đạo được ai. Người đảng viên ấy đã bị kỷ luật, đưa về địa phương, thôi học luôn khóa ấy.
Bác rất thương người, rất yêu mến cán bộ, yêu mến nhân dân. Bác nói: "Cả đời tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc là làm thế nào cho nước được độc lập, dân được tự do, ai ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai ai cũng được học hành".
Và Bác hiểu rất rõ từng con người, từng số phận trên đất nước này. Bác muốn đưa mọi người vào hàng ngũ cách mạng để góp phần giải phóng dân tộc, nên Bác nói: "Bàn tay có ngón dài ngón ngắn, song tất cả đều hợp lại trên bàn tay". Khi ta nắm chặt tay vào thành một nắm đấm, ta sẽ thấy sức mạnh từng ngón tay trong quả đấm ấy. Hóa ra ngón dài ngón ngắn hợp nơi bàn tay là hàm cái ý nghĩa thật sâu xa của sức mạnh đoàn kết của cộng đồng vậy.
Bác nói không dài, song cô đọng, cách nói của các triết gia phương Đông. Vì vậy, trước sự sống còn của dân tộc, Bác hô hào: "Không có gì quý hơn độc lập tự do". Câu nói ấy đã trở thành một sức mạnh vô song, đè bẹp quân thù.
Chính tình yêu thương dân tộc ấy, Bác ghét chủ nghĩa cá nhân. Một trong những biểu hiện khá rõ nét trong chủ nghĩa cá nhân là thói tham nhũng. Bác nhìn rất rõ tệ hại của nó:
"Tham ô, lãng phí, quan liêu là một thứ giặc trong lòng. Nếu chiến sĩ và nhân dân ra sức chống giặc ngoại xâm mà quên chống giặc nội xâm, như thế là chưa làm tròn nhiệm vụ của mình".
Trong thời chiến, Bác đã có cái nhìn rạch ròi ấy, sang thời bình thói tham nhũng càng có cơ hội để hoành hành.
Cùng một phạm trù của tham nhũng là những tội danh đã thành tên: tham ô, hối lộ, hủ hóa, đặc quyền, đặc lợi, lãng phí của công, địa vị công thần, kéo bè kéo cánh, cơ hội, xu nịnh, bợ đỡ... Tất cả đều xuất phát từ chủ nghĩa cá nhân mà ra.
Thấy rõ nguy cơ ấy, Bác căn dặn:
"Muốn lúa tốt thì phải nhổ cỏ cho sạch, nếu không thì dù cày bừa có kỹ, bón phân nhiều, lúa vẫn xấu vì lúa bị cỏ át đi. Muốn thành công trong tăng gia sản xuất và tiết kiệm cũng phải nhổ cỏ cho sạch, nghĩa là phải tẩy sạch nạn tham ô lãng phí và bệnh quan liêu; nếu không nó sẽ làm hại đến công việc của ta".
Cách nói của Bác rất giản dị, ai cũng hiểu, kể cả những người nông dân chân lấm tay bùn. Bác nói cho toàn dân hiểu, để tất cả mọi người cùng toàn dân tộc chống nạn tham nhũng.
Một cách nói so sánh khác của Bác giản dị mà đầy hình tượng, đầy khẳng định:
"Đẩy mạnh sản xuất, tiết kiệm mà không chống tham ô lãng phí thì khác nào chuyện tát nước mà không đắp bờ". Không đắp bờ thì cố gắng tát mấy cũng bằng không.
Đi theo con đường của Bác, ngày nay chúng ta càng đẩy mạnh công việc chống tham nhũng. Đảng ta, quốc hội ta, cùng toàn dân coi tham nhũng là một quốc nạn. Đã là một quốc nạn thì người cách mạng không thể khoanh tay ngồi nhìn.
Trong kỳ họp Trung ương Đảng lần thứ IV, khóa IX vừa qua, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh có nói:
"Đây (việc chống tham nhũng) là vấn đề bức xúc nhất của xã hội, đang làm cản trở việc thực hiện đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, gây bất bình và làm giảm lòng tin trong nhân dân, là một nguy cơ đe dọa sự sống còn của chế độ ta như đại hội (IX) đã nhận định".
Như vậy là Đại hội IX vẫn kiên quyết chống tham nhũng như Hội nghị 6 khóa VIII đã chỉ rõ: phải xem "tham nhũng là chống Đảng, chống chế độ".
Bác Hồ nhìn rõ tai hại của tham nhũng, Đảng ta vẫn kế thừa tinh thần đấu tranh chống quốc nạn ấy. Đó chẳng là việc đáng mừng lắm sao?.
N.Q.H
(nguồn: TCSH số 156 - 02 - 2002)

Các bài mới
Các bài đã đăng
Nhớ và ghi (17/07/2008)