Đời sống văn nghệ
Lâm Thị Mỹ Dạ- Trái tim sinh nở
08:47 | 02/06/2010
NGÔ MINHTrong đội ngũ các nhà thơ Việt hiện đại thế kỷ 20 đang sống ở Huế, có một nữ nhà thơ nổi tiếng thơ hay từ khi mới tuổi hai mươi, suốt mấy chục năm qua luôn được độc giả thơ cả nước ái mộ.
Lâm Thị Mỹ Dạ- Trái tim sinh nở
Nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ - Ảnh: vietbao.vn
Vâng, chúng tôi muốn nói về nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ. Cho đến tận hôm nay, sau chặng dài trên 30 năm duyên nợ với thơ, thơ của chị vẫn dồi dào, trẻ trung, mới mẻ và ngày càng thêm sâu sắc, tinh tế. Hiện chị vẫn được coi là một trong những cây bút thơ nữ hàng đầu của miền Trung và cả nước. Thơ Lâm Thị Mỹ Dạ sinh ra từ trái tim đa cảm, từ tấm lòng luôn rộng mở trước cuộc đời và con người, từ tâm hồn trong trẻo như ánh mai, như lá non, như tiếng chim vườn nắng... Chất trực cảm mạnh mẽ và lâu bền ấy có khởi nguồn từ chính cuộc đời của chị, một cuộc đời không mấy bình an.

Lâm Thị Mỹ Dạ sinh ra tại làng quê Lộc Thuỷ tốt tươi bên dòng sông Kiến Giang huyện Lệ Thủy, Quảng Bình. Dòng sông ấy khảm vào tâm hồn trẻ thơ của chị vẻ đẹp lung linh của những hoàng hôn con thuyền chở lúa về trong tiếng hò mái bảy mái ba, vẻ đẹp của những đêm trăng gặt lúa, giã gạo, vẻ đẹp của những bến nước con đò, vẻ đẹp của sự lam lũ mà yêu đời của những người dân quê nồng hậu. Miền quê Kiến Giang này không biết tự bao giờ đã là chiếc nôi của những điệu hò, câu lý rất quyến rũ như hò giã gạo, mái đẩy, mái nhì, hò mái xắp, mái nện... Đêm khuya nghe tiếng chày khắc cối- bạt gia đình ra đi! Ca dao Lệ Thủy nói như thế về cái thú đi đêm hát giã gạo chày ba. Quê hương ghi dấu ấn sâu đậm trong thơ Lâm Thị Mỹ Dạ: Từ một buổi “ Gặt đêm” trong chiến tranh, con người đứng cao hơn bom đạn:... “Mỗi người đội một vành trăng nhỏ/ Chấp chới nghiêng trên thảm lúa vàng.../ Đạn bom rơi chẳng sợ đâu/ Chỉ e sương ướt mái đầu lá chanh. Giọt mồ hôi đổ trên đồng lúa: Nhớ câu ca dao/ Nghe lòng thánh thót/ Giọt mồ hôi đọng trắng da người/ Cho hạt lúa hết cuộc đời lận đận... Đến những trưa mẹ ngồi đãi thóc... Bao nhiêu hạt lép trôi đi/ Hạt chắc đọng lại nói gì mẹ ơi...

Khảm vào tâm hồn chị hình ảnh người mẹ một đời âm thầm nuốt nỗi đau riêng vào lòng, côi cút nuôi con bằng tất cả nghị lực bươn chải. Mẹ sinh ra ở miền An Cựu xứ Huế bên người cha “chòm râu trắng với cây đàn bầu” nên rất đam mê hò hát dân gian, thơ ca đối đáp. Dòng sông và đời mẹ hòa quyện thành mảnh đất màu mỡ đánh thức mầm thiên phú thơ ở Lâm Thị Mỹ Dạ từ rất sớm. Mười tuổi chị đã có bài thơ Dòng sông đen rất buồn. Nỗi đau buồn ấy được nhà thơ thổ lộ trong bài thơ “Hái tuổi em đầy tay” làm khi chị 24 tuổi: “... Mẹ sinh ra ngày này/ Mưa dột dầm mái tóc/ Gió tê buốt hai tay/ Mẹ không có cửa nhà/ Em- đứa trẻ vắng cha/ Như mầm cây trên lá/ Biết khi nào nở hoa...”. Nhà thơ Hải Bằng viết rằng: “Không biết buồn thì chẳng có thơ”. Lâm Thị Mỹ Dạ đã âm thầm làm thơ với trái tim khác vĩ đại hơn “Trái tim sinh nở”:... Chống chèo mình mẹ đương đầu bão dông/ Nuôi em trong dạ mẹ mong từng ngày/ Nỗi mình biết ngỏ ai hay/ Bao đêm nước mắt vơi đầy, mẹ ơi.../... Dẫu khi tắt nghỉ cuộc đời/ Trái tim mẹ giữa đất trời còn yêu... Bởi thế, Lâm Thị Mỹ Dạ viết nhiều, viết rất hay về mẹ, về tình yêu, về con gái. Một hình tượng cũ như trái đất mà luôn mới trong thơ chị, đó là trái tim, một trái tim sinh nở! Học xong cấp 3, chị không được đi đại học vì lý lịch, lại về thui thủi bên mẹ ở chợ Tuy Lộc và... làm thơ! Trái tim thơ không chịu khuất phục số phận. Một ngày nọ, nhà thơ Hải Bằng ở cơ quan phát hành sách Quảng Bình đi bán sách ở Lệ Thủy, nghe người ta đồn có cô bé Dạ làm thơ, mơi tìm thăm nhà. Đọc thơ Dạ, nhà thơ nhận ra đây là một tài thơ đích thực! Nhờ đó chị được điều về công tác tại Hội Văn nghệ tỉnh, và cũng từ đó chị đến với bạn đọc cả nước. THƠ đã dắt chị từ một làng quê đi ra với cuộc đời rộng lớn...

Từ đầu những năm 70, thơ Lâm Thị Mỹ Dạ xuất hiện trên thi đàn Việt Nam với những biên độ cảm xúc mở rộng hơn, với nhiều tứ thơ mạnh mẽ, mang âm hưởng cuộc chiến đấu lớn lao của dân tộc. Chùm thơ Khoảng trời hố bom, Gặt đêm, Đường ở Thủ đô giành giải nhất cuộc thi thơ Báo Văn nghệ năm 1973 do nhà thơ Xuân Diệu làm chánh chủ khảo đã khẳng định tài năng của chị. Bài thơ Khoảng trời hố bom đã được tuyển vào chương trình giảng dạy trong nhà trường. Cho đến bây giờ 30 năm đã qua, bài thơ vẫn chứa chan xúc cảm, thể hiện độ chín tư duy và tay nghề của tác giả. Đây là một trong những bài thơ hay nhất viết về cuộc chiến tranh chống Mỹ. Lâm Thị Mỹ Dạ kể rằng, hồi chiến tranh chị đã đến với 7 cô gái thanh niên xung phong ở đường 10 ở Quảng Bình. Người tiểu đội trưởng của tiểu đội chị em này lúc đó 30 tuổi kể rằng, 5 năm trước chị đã được giải ngũ về quê Thanh Hóa. Nhưng chị lặn lội về tới nơi thì gia đình chỉ còn lại là hố bom sâu hoắm, bố mẹ, ông bà, anh chị em đều đã chết! Đau đớn, cô gái gạt nước mắt quay lại đơn vị cùng đồng đội nguyện chiến đấu cho đến ngày toàn thắng. Những ngày hòa bình đầu tiên, nhà thơ có dịp lên đường 10, tìm lại chỗ ở đơn vị TNXP năm nọ thì chẳng thấy ai, chỉ gặp những hố bom đọng lại khoảng trời đầy nước. Bài thơ Khoảng trời hố bom ra đời trong hoàn cảnh ấy: Em nằm dưới đất sâu/ Như khoảng trời đã nằm yên trong đất/ Đêm đêm tâm hồn em tỏa sáng/ Những vì sao ngời chói lung linh.../... Tên con đường là tên em gửi lại/ cái chết em xanh khoảng trời con gái/ Tôi soi mình trong cuộc sống của em/ Gương mặt em bạn bè tôi không biết/ Nên mỗi người có gương mặt em riêng. Hình tượng thơ đạt đến độ khái quát điển hình!

Lâm Thị Mỹ Dạ đi nhiều, viết nhiều, Chị viết về “Đường ở Thủ đô”, về trống đồng Đền Hùng, về anh hùng Trần Thị Tâm ở Quảng Trị, thơ cảm về ca khúc của XêĐôi, về Xi mô nốp (Nga), viết về Đà Lạt, Cửa Tùng... Viết về cái chung, về cuộc sống lao động chiến đấu của đất nước, nhưng chị không sa vào ca ngợi một chiều theo lối “phải đạo”. Thơ chị bao giờ cũng gắn cảm xúc với tâm trạng, tạo nên chiều sâu của hình tượng. Những cái bình thường vẫn lấp lánh triết lý cuộc sống: Đường bằng mà ngã lạ chưa?/ Ghập ghềnh đường chẳng đánh lừa được chân... (Đường ở Thủ đô), hoặc Mới hay lạ thế hồn người/ Dẫu chìm lấp vẫn tìm đời vút lên... (Tôi nghe đàn đá). Triết lý trong thơ Lâm Thị Mỹ Dạ không phải là câu chữ duy lý mà là tiếng thổn thức của con tim từng thấm đẫm nỗi đau nhân tình. Chị thức với đêm Cửa Tùng, và thấy mình chính là một phần của quá khứ máu lửa:... Tình yêu tôi xót xa, mặn mòi, sâu bền như biển/ Tình yêu không bình yên mà sóng vỗ liên hồi/ Tôi như đi trong huyền thoại Cửa Tùng ơi. Chị làm nhiều thơ về mẹ, về con, về tình yêu. Bài thơ Anh đừng khen em được nhiều thế hệ bạn trẻ yêu thích, là một tuyên ngôn về cái gốc của tình yêu lâu bền, đó là lời ứng xử trọng cái thật, không chấp nhận cái sáo giả, dù đó là những lời phỉnh nịnh hàng ngày của tình yêu: Hãy chỉ cho em cái kém/ Để em nên người tốt lành/ Hãy chỉ cho em cái xấu/ Để anh chăm chút đời anh/ Tình yêu khắt khe thế đấy/ Anh ơi anh đừng khen em! (Anh đừng khen em). Chỉ có một tâm hồn trong sáng, tươi trẻ mới có được những câu thơ như thế. Lâm Thị Mỹ Dạ kể rằng, bài thơ chị làm xuất phát từ một câu chuyện có thật. Thời chiến tranh chống Mỹ, một nhà văn nam từ Thủ đô vào Quảng Bình luôn tán tỉnh Dạ bằng những lời sáo rỗng, không thật. Dạ làm bài thơ để cho anh ấy biết sự nghi ngại của mình. Làm xong, Dạ giấu xuống dưới gối, vì sợ thơ dở người khác đọc được cười cho. Một lần nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn vào Quảng Bình đến thăm Dạ, phát hiện ra bài thơ, chị xuýt xoa rằng “đây là bài thơ rất hay sao em lại định vứt đi”. Nhờ thế, bài thơ mới đến với độc giả! Tập thơ Bài thơ không năm tháng (giải thưởng Hội Nhà văn 1983) là một đỉnh cao mới khẳng định tài năng và vốn sống của Lâm Thị Mỹ Dạ. Ở tập thơ này cái chung, cái riêng được trình bày dưới ánh sáng mới của trái tim trải nghiệm, chín hơn, sâu đằm hơn với nhiều tứ thơ hay, lạ: Nhìn lá/ cứ ngỡ là lá ngọt.../ Nếu vẽ được chiếc hôn dưới mặt trời/ Tôi sẽ vẽ chiếc hôn như lá...

Những năm tháng sau đó chị vừa đi học Trường Viết văn Nguyễn Du vừa nuôi con nhỏ (bé Bê Lim theo cách gọi hàng ngày của gia đình và của các nhà thơ bạn bè, chính là nhà thơ, nhà báo Hoàng Dạ Thi sau này). Nhà thơ hàng ngày phải mang con lên lớp, ngồi bên cạnh mình như một chú mèo con. Những năm tháng khó khăn phải ăn bo bo thay gạo, chị thấy con thèm sữa mà ứa nước mắt. Năm 1979, chiến tranh biên giới bùng nổ, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường, chồng chị, từ Huế ra Trường Viết văn Nguyễn Du Hà Nội thăm và tạm biệt vợ con để đi thực tế tại mặt trận biên giới phía bắc, lúc đó khói lửa còn đang khét lẹt. Chị dốc hết khoản “ngân sách” còm cõi của mình cho chồng có lộ phí ra trận. Một lần nữa tiếng gọi của cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, lời hẹn trong bài thơ “Đợi anh về” của Ximônốp lại thổn thức, vang lên trong trái tim mẫn cảm của chị. Bài thơ Bài thơ không năm tháng là lời nhắn gửi nồng nàn của nhà thơ tới người lính trong cuộc chiến đấu cam go mới của Dân tộc: Khi người còn chiến đấu/ Còn đợi chờ, chia ly/ Khắp ngả đường khói súng/ Thơ anh còn ra đi... (Gửi Ximônốp). Đợt đi đó anh Tường về viết bút ký Rừng hồi nổi tiếng. Cả hai vợ chồng đã thực sự có mặt, dấn thân và đã có những đóng góp quyết liệt theo cách của mình cho cuộc chiến đấu một mất một còn của Tổ Quốc!

Cho đến nay Lâm Thị Mỹ Dạ đã có chặng đường thơ 30 năm. Chị đã xuất bản 5 tập thơ (Trái tim sinh nở (1974), Bài thơ không năm tháng (1983), Hái tuổi em đầy tay (1989), Mẹ và con (In chung với con gái Hoàng Dạ Thi- 1995) và Đề tặng một giấc mơ (1998) và ba tập truyện thiếu nhi. Thơ Lâm Thị Mỹ Dạ đã được dịch và xuất bản ở nhiều nước Nga, Mỹ, Ba Lan... Tập thơ Đề tặng một giấc mơ được giải nhất, tặng thưởng của Uy ban Trung ương Liên hiệp các HVHNT Việt Nam năm 1998, là một thành công mới của chị trên bước đường thi ca thăm thẳm. Thơ Dạ càng về sau càng hướng mạnh vào nội tâm, tìm về sự tự hỏi, sự cật vấn, sự đối thoại đầy trách nhiệm với chính mình trước cuộc sống đầy lo âu, khắc khoải: Sao không là con người? Hay: Anh có tốt không.../ Anh có tốt không?, hay Làm gì có biển mà đi/ Sông đành chua chát thầm thì cùng sông... Những cật vấn gan ruột ấy làm con người vững tâm, tin vào cuộc sống hơn.

Với anh H.P.N.Tường- Ảnh: Internet

Đọc thơ Lâm Thị Mỹ Dạ ta thấy dường như người phụ nữ này không có tuổi: Đêm qua/ tôi mơ thành tôi/ tôi mơ thành chim/ tôi mơ thành giấc mơ... Sự mơ ấy là sự mơ lạ, là giấc mơ ảo. Bài thơ tình hay của Lâm Thị Mỹ Dạ được nhiều người ưa thích, tìm chép là bài Không đề: Cuộc đời em vo tròn lại/ và ném vào cuộc đời anh/ Nó sẽ lặn sâu tận đáy cuộc đời anh/ Sâu cho đến tận... cái chết/ Trời ơi/ Làm sao có một cuộc đời/ Để cho tôi ném mình vào đó/ Mà không hề cân nhắc, đắn đo/ Rằng: cuộc đời ấy còn chưa đủ... Sự chân tình đến tận cùng trong thơ làm bật lên sự mới lạ không cần trau chuốt. Lâm Thị Mỹ Dạ đã thành công ở chính sự hồn nhiên của trái tim trực cảm chân thành. Như chị đã có lần tâm sự: “... Người ta chỉ đạt đến thơ như khi một quả trứng nóng bức tới mức tự nó phải tách vỏ nở ra đời sống - Một đời sống sinh động, có hình hài. Yếu tố để có thơ hay là sống thực với mình”. Nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ trong nhiều khóa là Ủy viên hội đồng thơ Hội Nhà văn Việt Nam, hiện là Ủy viên BCH Hội Nhà văn Việt Nam khóa VI, hiện là Ủy viên Thường vụ Hội VHNT Thừa Thiên Huế, Ủy viên Ban chấp hành TW Hội Phụ Nữ Việt Nam... Nhiều việc thế nhưng người phụ nữ dịu dàng tốt bụng ấy vẫn luôn là một người mẹ gánh nặng lo toan cơm gạo áo tiền hàng ngày của gia đình. Bạn bè đến chơi nhà chị ngày hè thì que kem, miếng dưa hấu, mùa đông thì chén rượu, đĩa dưa, nghĩa là luôn có cái gì đó để cầm tay, để nâng lên đặt xuống. Nếu không thì chị đứng ngồi không yên! Đã hai năm rồi, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường bị căn bệnh hiểm nghèo phải nằm một chỗ. Nhà thơ của chúng ta hàng ngày phải chăm sóc vệ sinh, cơm ăn, nước uống, thuốc men... cho chồng. Chị an ủi, sưởi ấm tâm hồn anh bằng trái tim yêu thương của mình. Lại những ngày bận bịu chẳng khác gì nuôi con mọn lúc mới làm mẹ. Bận rộn là thế nhưng chị vẫn làm thơ...

Từ một cô học trò nhỏ xinh đẹp bên bờ sông Kiến Giang, Lâm Thị Mỹ Dạ đã trở thành một nhà thơ nổi tiếng của cả nước. Thế giới thơ của chị là một thế giới lung linh màu sắc, biến ảo và luôn bất ngờ, mới mẻ. Không chỉ làm thơ viết truyện, chị còn tự học và sáng tác nhiều ca khúc trữ tình tha thiết. Những khi buồn chị lại hát. Bài hát về một miền quê xa thẳm trong tâm thức, về một dòng sông cháy lên như lửa, về một tình yêu luôn nhức nhối cõi lòng. Bài hát là tiếng thơ đồng vọng cất lên từ trái tim sinh nở. Trái tim không đập cho riêng mình...

N.M
(141/11-00)



Các bài mới
Các bài đã đăng