Đời sống văn nghệ
Bây giờ còn ai chở... gió?
10:22 | 28/08/2008
NGUYỄN XUÂN HOÀNGPhương mất đột ngột ở Quảng Trị. Nghe tin anh ra đi, bạn bè văn nghệ Huế không bàng hoàng, cũng không cảm thấy sửng sốt. Chỉ thấy lòng bùi ngùi, như khi ta nhìn thấy một ngôi sao chưa bao giờ sáng bỗng một ngày tắt lịm trong lặng lẽ.
Bây giờ còn ai chở... gió?

Phương là một số phận nhiều nghiệt ngã. Một cuộc đời buồn đúng với nghĩa của nó. Chưa bao giờ lộng lẫy, Phương là một hạt bụi thực sự trần ai ở cõi đời này. Cuộc sống của Phương có quá nhiều những bi hài. Phương vật vã với tâm hồn, Phuơng vất vả với cơm áo. Có ngày bụng rỗng không lòng xe xích lô như lòng người trống vắng chỉ chở có gió và... thơ. Có ngày mùa đông lạnh Phương làm người mẫu nuy, tấm thân đã chớm tàn tạ bên một bếp lò hiu hắt mà hơi ấm của nó chỉ đủ tạo ra một ảo tưởng lửa hồng. Rồi Phương đi lang thang với một hình hài “dưới đáy”. Không làm người mẫu nữa, Phương vẫn “nuy” với cuộc đời. Phương say nằm ngủ giữa ngã ba đường, anh co quắp như để trốn những khổ nạn mà không thể nào trốn được. Những năm tháng ấy dường như Phương đã sống bằng... thơ, bằng những đồng nhuận bút còm cõi được chăng hay chớ và bằng tấm lòng bè bạn văn chương. Rượu và tấm thẻ hội viên Hội VHNT Thừa Thiên Huế đã như chiếc neo mỏng manh neo tâm hồn Phương đứng lại. Nhưng sóng đời quá lớn đã đánh dạt tâm hồn Phương vào một cõi nào đó buồn bã vô cùng.
Nhớ hôm nào đây thôi, gặp nhau giữa đường, hai anh em cùng đi ăn sáng. Tôi nhìnPhương ăn mà thấy mình như người có lỗi. Bún rơi vương vãi. Tay Phương gầy đen và run run. Anh ăn ngon lành, húp hết chỗ nước bún còn lại rồi lấy tay áo lau miệng thanh thản như một đứa trẻ con. Tôi đồ chừng là Phương đang đói. Một cái đói tâm thể cào xé và nhiều khi khó hiểu. Nó giống như đôi mắt Phương lúc nào cũng đau đáu một nỗi đợi chờ vô vọng nào đó, Phương đã đến với thơ ca cũng đau đớn và vô vọng như thể Phương làm người ở đời. Những câu thơ vội vã, nhiều khi nhẹ thênh thênh như cỏ dưới chân người. Nhưng tôi nghĩ đó là những câu thơ biết khóc, biết nói năng với cuộc đời về một lẽ tử sinh nào đó, để con người ta có thể sống và cũng có thể chết vì nó. Phương đã bước vào ngôi đền thơ ca chật vật biết bao nhiêu. Anh đã sống cho thơ ca nhiều hơn cả những câu thơ để lại. Phương đánh đổi, Phương oản tù tì, Phương trả giá và Phương lang thang... Nếu cho rằng con người ta có số mệnh, “nhất ẩm, nhất trác giai do tiền định”, thì số mệnh của Phương là chịu khổ nạn cho thơ ca. Phương đã sống cho một cái đẹp siêu hình. Cái đẹp mà nhiều khi chỉ có riêng Phương nhìn thấy mà thôi. Như một vô hình, nàng Ly Tao đã an ủi đời Phương trong những giây phút gần như tuyệt vọng nhất. Đó là một hạnh phúc hiếm hoi khi bất ngờ Nàng trở lại trong một trang sức xiêm y rực rỡ ánh mặt trời. Nhiều khi ứa nước mắt khi Phương hồn nhiên “khoe” với tôi rằng hai con anh đã được nhà chùa nuôi. Có lẽ chỉ có sao trời và đám rong rêu trôi nổi trên dòng Hương Giang mới biết khi nói lên điều ấy, Phương buồn vui thể nào...
Phương ra đi lặng lẽ. Vào cái giờ định mệnh ấy trăng cuối tháng vẫn còn chưa mọc. Có chăng chỉ le lói một ngôi sao Hôm mờ nhạt ở tận đường chân trời. Đã hết khổ đau rồi phải không Phương? Anh sẽ thanh thản như một hạt bụi hiền lành làm riêng cho mình một cuộc ra đi. Và như mọi lần ấy thôi, Phương hồn nhiên làm một cuốc xe vô vọng qua cầu Trường Tiền. Và nghẹn ngào, Phương đã cất lời ca cho số phận mình:
                        Vắng khách đôi khi về chở gió
                        Không tiền không bạc vẫn cười vang
N.X.H
(nguồn: TCSH số 161 - 07 - 2002)

Các bài mới
Các bài đã đăng