Đời sống văn nghệ
Trường Sơn ngày ấy vương vương
14:29 | 28/02/2011
NGUYỄN QUANG HÀNhững ngày trên chiến khu, báo Cờ giải phóng và báo Cứu lấy quê hương ở chung trong một mái nhà, cùng ăn cùng ở cùng làm.
Trường Sơn ngày ấy vương vương
Nhà văn Nguyễn Quang Hà. Ảnh: Lê Vĩnh Thái
Giống như các đơn vị khác trên chiến khu luôn luôn cơ động. Tòa soạn báo khi ở Chà Tang, khi ở chân dốc Dòng và có khi xuống sâu như ở Ka Đe, thuộc Nam Đông bây giờ. Anh em đi công tác tản mác quanh năm. Ở nhà trực bên báo Cờ giải phóng có Ngô Kha, Quang Hà, Lê Huy, bên báo Cứu lấy quê hương có Hoàng Phủ Ngọc Tường, Nguyễn Đắc Xuân, Trần Thân Mỹ.

Người tôi gần gũi nhất là Ngô Kha, cùng làm trong một tờ báo và đặc biệt là có tâm trạng giống nhau, cho nên tâm tình rầm rì với nhau suốt ngày. Tôi là người đến sau cho nên được anh Ngô Kha dìu dắt rất tận tình.

Anh Ngô Kha học đại học sử, tốt nghiệp, học qua một khóa báo chí rồi vào chiến trường. Trong ba lô anh chật ních tài liệu lịch sử Thừa Thiên - Huế nên anh làm báo rất dễ dàng, đụng tới đâu có đó, tuy vậy đi đến đâu ngày ngày anh vẫn ghi chép rất chu đáo, miệt mài. Bẩm sinh Ngô Kha có máu khôi hài, nên anh nhìn vào đâu cũng có thể cười vui được. Anh lấy ngay cả khuyết tật của mình để cười. Trong chuyến đi công tác với anh Ấm về Hải Thủy, Hưng Lộc, hai anh làm ca dao hò vè để phát động quần chúng. Anh Ấm làm câu mở đầu:

“Gái sông Nong vừa hồng vừa trẻ”

Ngô Kha nhìn anh Ấm cùng lé như mình, liền cười đọc:

“Trai Quảng Trị vừa lé vừa ngơ”.

Chả là Ngô Kha và anh Ấm cùng người Quảng Trị cả. Anh em trong hầm chữ A cười vang. Đến lượt anh Ấm không làm được câu tiếp, Ngô Kha đọc luôn:

“Anh đi chầm chậm thì em chờ
Tiếc rằng về sông Nông pháo dội nên thẫn thờ ngoái lui”.

Anh em vỗ tay hoan hô nhiệt liệt. Giữa đạn bom có được tiếng cười vui như vậy không dễ. Ngô Kha kể ngày tết, anh với anh Trung về Quân khu ăn tết, thấy Trung, anh Bảy Tiến bảo:

- Ta ra cho Trung một câu đối nhé. Nếu đối được ta cho một bao Điện Biên bao bạc. Anh Bảy Tiến đọc:

“Chị Lựu đã bảy mặt con còn hồng sắc Lựu”

Chả là Lựu là vợ Trung và Trung đối ngay:

“Anh Trung hai cuộc kháng chiến vẫn còn Trung”

Trung được cụ Bảy khen rối rít.

Ngô Kha ngồi đâu là đem lại tiếng cười vui ở đó. Một hôm nhìn sang góc bên kia, Hoàng Phủ Ngọc Tường và Nguyễn Đắc Xuân đang cắm cúi làm việc, Ngô Kha chỉ hai người bảo tôi:

- Có hôm Tường chọc Xuân vui lắm. Hôm ấy Xuân đọc báo, quay lại nói với Tường: “Thì ra Phù Thăng tên thật là Phu, Tường ạ”. Tường tủm tỉm: “Đặt tên kiểu nói lái mà, Thằng Phu là Phù Thăng, như Xuân ấy, ông cũng nên lấy bút danh là Thùng Xăng thì hay. Hà thử lái lại xem, đúng Thùng Xăng là Thằng Xuân không?”.

Kể xong, Ngô Kha cười. Tôi cười theo. Ở với Ngô Kha không nín tiếng được, luôn bị niềm vui lạc quan của Ngô Kha kéo theo.

Tôi nhớ hôm ở Ư Ràng, ngày ấy đói lắm. Kiếm được khúc sắn cho vào bụng là mừng lắm. Thấy Kăn Ơi thổi lửa nấu sắn, Ngô Kha chỉ đống vỏ sắn nói:

- Đồng bào cho mình chỗ vỏ sắn ni.

Kăn Ơi hất rổ vỏ sắn xuống đất. Ngô Kha nói:

- Hay đồng bào cho mình cái tút sắn này.

Kăn Ơi không cho đáp gọn:

- Anh là con người.

Ngô Kha nói:

- Mình là con người nên mình đói nè.

Kăn Ơi cười.

- Vỏ và tút sắn mình để cho heo đó. Heo nhà mình không biết nói, anh biết nói thì đi xin sắn đồng bào mà ăn.

Ngô Kha cười lăn, bảo tôi:

- Hóa ra Kăn Ơi để vỏ và tút sắn cho heo vì heo không biết đi xin.

Vào bản đêm ấy chúng tôi được đồng bào nuôi. Ngô Kha lúc nào cũng niềm nở vui vẻ, đồng bào thương lắm, đặt cho anh cái tên thật hay: Quỳnh A Tao, tức là cây mía ngọt ngào.

Ngô Kha rất tinh tế, anh lấy ngay kiểu tư duy của người dân tộc làm tiếng cười:

Vào một chiều mùa đông, đường xa, đi công tác không kịp về cơ quan, tối ấy ngủ trong nhà đồng bào ở Ka Đe, thấy Hạnh xinh đẹp, Hạnh là nhân viên của cơ quan chúng tôi mà, Cờ Tu đến cạnh hỏi:

- Hạnh có chồng chưa?

Ngô Kha đùa:

- Có rồi

- Mấy con?

- Năm đứa.

Cờ Tu thiệt thà, tưởng thiệt, vẻ ngạc nhiên:

- Rứa chồng Hạnh to bằng con trâu à?

Ngô Kha cười to:

- Con trâu to nhưng chỉ đẻ một con, heo nhỏ mà đẻ mười con.

Cờ Tu cười vang:

- Phải rồi. Phải rồi. Mình thua... Không biết mần răng cho con trâu đẻ 9, 10 con thì lợi lắm. Bụng con trâu to lắm chứ.

Cả nhà sàn rung lên một trận cười.

Quả thật cách tư duy, cách nói của đồng bào dân tộc thật thà nhưng rất vui. Ngô Kha kể:

- Bữa ấy mấy chú lính giải phóng đi đường quá ngọ dừng lại nấu ăn. Củi không khô nên khói nhiều, mấy chị đi rẫy về la to: “Khói khói khói. Máy bay phát hiện ra sẽ bắn chết cả đồng bào. Bộ đội chết có bổ sung, đồng bào chết ai bổ sung”. Mấy chú lính dập tắt lửa. Một chú nhanh nhảu: “Các chị sinh con ra mà bổ sung”. Chị lớn nhất trong đám chị em đáp lại: “Cực khổ như ri mà sinh con chi, mà có sinh con còn lâu mới được đồng bào. Mình thương bộ đội còn trẻ ở ngoài Bắc về đây đánh Mỹ - Diệm, bữa sau có nấu sắn, nấu nước thì tìm củi thiệt khô nghe”.

Ngô Kha kể tiếp:

- Đồng bào thật thà lắm. Sau tết Mậu Thân địch chặn đường về đồng bằng, chúng mình phải lên đường tuyến lấy gạo. Đêm phải vào nhà dân ngủ nhờ. Cụ chủ nhà nói: “Mỹ - Diệm nó ném bom đêm ngày, không biết lúc mô. Bố biết các con ưng ngủ “một nhau”, nhưng không được, phải rải ra mấy cái hầm mà ở. Một hầm hai hay ba người. Đồng bào thương bộ đội “đạp dép” lắm vì thiếu đói và xáp với Mỹ - Diệm. Bộ đội “đạp giày” gạo cơm đỡ hơn, nhưng đụng B52 nhiều, thương lắm. Khi mô có B52 bố gọi các con dậy đề phòng, nếu các con không nghe, bố bắn CKC là các con tỉnh ngủ”. Anh chị em cười nói với bố: “Tiếng B52 nổ to gấp mấy lần CKC chứ bố”. Bố thong thả: “Ừ lo cho các con thì nói rứa chứ nghe cái mô trước thì dậy trước”. Đó, tấm lòng của đồng bào ta là như vậy, thương lắm.

Tấm lòng của Ngô Kha với đồng bào rất gắn bó, ruột thịt. Đồng bào đặt cho anh cái tên Quỳnh A Tao là cây mía ngọt. Vì vậy Quỳnh A Tao đi đến đâu cũng được đồng bào thương. Có lần Ngô Kha đùa, dùng lý sự của đồng bào để cãi, vậy mà anh thắng, đồng bào lại tỏ ra quý anh hơn. Lần ấy Ngô Kha đi công tác với hai bạn nữ là Lợi và Đằng. Ngô Kha đi trước, Lợi và Đằng đi sau. Đến đoạn thấy máng nước, Ngô Kha thấy Ấp Lùm đang ở truồng tắm, súng và quần áo để một bên. Ngô Kha chào:

- Chào Ấp Lùm, tắm mát hè.

Ấp Lùm trả lời:

- Mát. Quỳnh A Tao đi mô về đó. Đi sau anh có phụ nữ không?

Ngô Kha vừa nói “không” xong thì Lợi và Đằng đi tới. Ấp Lùm vừa chạy lấy quần áo vừa hét to:

- Mình thương Quỳnh A Tao, mà Quỳnh A Tao không thật với mình, mình giận lắm đó.

Lợi và Đằng thì cười rúc rích.

Sợ Ấp Lùm giận, sợ mối quan hệ với đồng bào sau này khó khăn, Ngô Kha tới, vỗ vai Ấp Lùm và nói:

- Tuổi mình nhiều cái rẫy rồi, tóc mình bạc đây này, nên đi chậm. Khi mình đi thì hai o đang nằm võng và hát, khi họ đi thì mình có hai con mắt đằng trước, chứ có hai con mắt đằng sau đâu mà thấy được.

Ấp Lùm hạ giọng:

- Rứa họ hát bài chi?

Ngô Kha liền cất tiếng hát: “Đàn đưa ta đi qua con suối, con khe. Qua nương rẫy qua bao nhiêu rừng”. Ấp Lùm và hai o cười thích thú.

Ấp Lùm nói:

- Xin lỗi nghe. Cái lý Quỳnh A Tao đúng. Bữa sau mình đem bắp cho.

Ngô Kha bắt chước cái lý của đồng bào rất tài.

Ngô Kha rất thích chơi chữ. Anh kể khi về công tác Hương Trà, gặp anh Ngọc, chân băng bó. Ngô Kha hỏi:

- Anh bị thương ở mô rứa?

Anh Ngọc đáp:

- Cối anh.

- Cối Xước Dũ, Hòn Vượn hay Mõm Xanh?

- Cối đồng bào.

- Trời ơi.

- Trời tối vô sân nhà dân ở Xuân Hòa vấp cái cối giã gạo mới, sắc cạnh quá nên bị thương.

Ngô Kha cười với chúng tôi:

- Chữ “cối” anh Ngọc dùng thật thú vị.

Nói không ngoa, hình như có Ngô Kha ở đâu là ở đó có tiếng cười. Không chỉ vậy, Ngô Kha còn rất giỏi làm cao dao, hò, vè, và cả làm thơ nữa. Thơ của Ngô Kha đến với mọi người cũng xôn xao như vậy.

Ở chiến khu Thừa Thiên có một Khe suối đầy kỷ niệm. Ngô Kha đã làm thơ về Khe Trái:

“Sông Bồ tách nhánh phải không
Mà thành Khe Trái mênh mông giữa trời”

Tiễn bạn gái về vùng sâu, lòng Ngô Kha không yên:

“Em qua Ba Lô, em về Cắm biển
Em đi dưới tầm đạn pháo Ly Hy
Rọ, gáo phen ni hay tìm kiếm
Biệt kích có lùng cứ đường đi?”

Chuyến đi công tác Lê Xá Đông, gặp máy bay Mỹ bắn tới tập, tối ấy ngồi với du kích Phú Lương, Ngô Kha kể các trường hợp tránh đạn địch:

“Hôm trước tôi ở Viễn Trình
Pháo nã uỳnh uỳnh tôi xuống hầm yên
Vừa rồi tôi lên Quảng Xuyên
Súng bắn liền liền tôi chạy lăng xăng
Hôm nay ở trạm Ba Lăng
Đạn nổ tằng tằng tôi nép vồng khoai”.

Cả toán du kích ngồi xung quanh cười vang.

O Mến ở Đông Đổ đến sát bên Ngô Kha:

- Răng anh không làm cho làng em ít câu?

Ngô Kha liền đọc:

“Quê em làm Đông Đề
Trời mưa, đường đi trơn trợt..”

Mấy o kêu:

- Thơ chi lạ rứa anh Kha

- Cứ bình tĩnh nghe tiếp.

Ngô Kha đọc:

“Mỗi khi Mỹ về, du kích súng rào”

Các o thích chí cười râm ran.

- Hay, cái đó đúng là làng em rồi đó.

Gặp gì Ngô Kha cũng có thể làm thơ. Đây là cô nữ sinh Sài Gòn đi trên đường rừng Trị Thiên:

“Duyên dáng nữ sinh Sài Gòn
Bồng bềnh suối tóc gót son đường rừng
Một thời... sợi nhớ sợi thương.
Dốc cao suối thẳm dặm đường xa xăm”.

Bài thơ tôi thích nhất là bài anh nhận được thư con sau 8 năm xa cách:

“Mấy trăm cây số mà sao vời vợi
Con lật, con đi, con nói bao giờ!
Chắc mẹ vui khi con học i tờ
Mong cha đọc dòng thư thứ nhất

Ôi thời gian, thời gian trong nét mực
Có đời con thành trang sách mới tinh
Nét chữ con hay búp tay xinh
Gửi cho cha chan hòa mặt giấy”

Chuyện cũ Trường Sơn xưa đã mấy chục năm trường, vậy mà nhiều khi ngồi với nhau Ngô Kha còn nói: “Mình thấy như mình chưa ra khỏi rừng”. Tình cảm của anh với những kỷ niệm sâu nặng biết bao.

Ước chi Ngô Kha chép lại những ca dao, hò, vè, thơ và những mẩu chuyện của anh, in lại trong một tập, tôi thèm đọc những xôn xao ngày ấy của anh để được sống lại một thời chúng ta đã sống. Có lẽ đó là một tập sách về Trường Sơn rất thú vị.

N.Q.H 
(264/2-11)





Các bài mới
Các bài đã đăng