Đời sống văn nghệ
Đọc Nhã Ca hồi ký - Bình luận của một người trong cuộc
16:42 | 30/09/2008
NGUYỄN ĐẮC XUÂNLTS: Cuộc tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 là một cuộc tập kích chiến lược. Thắng lợi của cuộc tập kích ấy buộc Đế quốc Mỹ giữa lúc có đông quân nhất ở Việt Nam, hy vọng sẽ chiến thắng bằng quân sự phải xuống thang chiến tranh, ngồi vào bàn hoà đàm mở đầu cho thời kỳ thất bại của Mỹ dẫn đến chỗ Mỹ phải rút chạy khỏi miền Nam Việt Nam.

Ý nghĩa của cuộc tập kích chiến lược Tết Mậu Thân 1968 quan trọng đến như vậy cho nên Mỹ đã phản kích lại bằng quân sự và chiến tranh tâm lý hết sức ác liệt. Phản kích bằng chiến tranh huỷ diệt có ác liệt đến mấy rồi vết thương chiến tranh cũng được hàn gắn giữa cuộc đời nhưng phản kích bằng chiến tranh tâm lý để lại hàng trăm bộ sách, băng, đĩa CD chế ngự truyền thông toàn cầu gây nên những ngộ nhận lịch sử hết sức nghiêm trọng. Một trong những cuốn sách gây ảnh hưởng tai hại nhất là cuốn Giải khăn sô cho Huế của Nhã Ca (1969). Cuốn sách nầy đã vu khống nhiều chuyện oan nghiệt cho những người yêu nước nổi tiếng ở Huế lúc ấy như anh em nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường, Hoàng Phủ Ngọc Phan và nhà văn Nguyễn Đắc Xuân. Vừa qua, nhân 40 năm Chiến dịch Mậu Thân, Nhã Ca không những cho tái bản Giải khăn sô cho Huế với những luận điệu vu khống như cũ mà còn lên đài RFA, xuất bản Nhã Ca hồi ký với những chuyện bịa đặt mới gây bức xúc không những cho những người bị vu khống mà cho cả những người trong cuộc. Không thể làm thinh trước luận điệu vu khống, bịa đặt để phục vị mục đích chính trị xấu của Nhã Ca được nữa, nhà văn Nguyễn Đắc Xuân đã có bài phản biện sau đây.
Sông Hương xin giới thiệu cùng bạn đọc


Những ai từng quen biết tôi (đặc biệt là từ sau năm 1975 đến nay), từng đọc bài “Hậu quả của cái chết của tôi” trên Đông Dương Thời BáoNghiên Cứu Huế (số 1, năm 2000) gần mười năm nay, đọc Nhã Ca hồi ký vừa xuất bản ở Hoa Kỳ  chắc họ đã có ý kiến, đã thấy Nhã Ca dựng thêm một hình tượng “Nguyễn Đắc Xuân lớ ngớ đi tìm thăm Nhã Ca” như thế nào rồi. Hình tượng nầy ngược với hình tượng “Nguyễn Đắc Xuân khát máu ngồi xử án chôn người, bắn một người bạn có mâu thuẫn với mình” trong Giải khăn sô cho Huế của Nhã Ca xuất bản 1969. Đối với tôi, đoạn hồi ký Nhã Ca viết về tôi quá lạ. Nếu tôi không lên tiếng thì chuyện Nhã Ca dựng lên về tôi sẽ trở thành chuyện thực. Chuyện giả thành thực đó sẽ ảnh hưởng đến sinh mạng chính trị của tôi, ảnh hưởng không tốt đối với vợ con cháu chắt của tôi, bà con của tôi (trong đó có người từng là bạn của Nhã Ca), với bạn bè tôi ở trong và ngoài nước và nó sẽ mâu thuẫn với những gì tôi viết trong Hồi ký sắp xuất bản của tôi. Vì thế dù mất thì giờ tôi vẫn phải lên tiếng để cho độc giả ở bên nầy hay vẫn còn ở bên kia thấy được sự giả dối hào nhoáng độc ác của cây bút Nhã Ca như thế nào.

1. Cảm tưởng chung
1.1. Khi Giải khăn sô cho Huế (GKSCH) tái bản được anh bạn ở Houston đem về cho, tôi cầm sách xem và đã phải thốt lên “Đồ sộ, sang trọng thật. Nhưng liệu bên Mỹ bán được mấy trăm cuốn?”
Nội dung GKSCH tái bản vẫn giữ như lần xuất bản năm 1969, tôi chỉ thấy bà sửa có MỘT CHỮ, một chữ mà thôi. Đó là chữ XUÂN (tên tôi) ở tr.376 trong bản cũ đổi thành chữ ĐẮC tại tr.234 trong bản mới (để thống nhất với tên nhân vật Đắc trong GKSCH). Gần bốn mươi năm mà sửa được một chữ từ Xuân ra Đắc như thế chứng tỏ bà đã thấy được sự khác biệt giữa con người thực Nguyễn Đắc Xuân khác với nhân vật Đắc trong GKSCH của bà. Sửa như thế về mặt hình sự bà có thể bảo vệ mình “Tôi viết chuyện ông Đắc chứ có viết chuyện ông Xuân đâu?” Chỉ có điều sửa như thế nó mâu thuẫn với lời bà phát trên Đài RFA sau Tết Mậu Tý (2008) vừa qua rằng “Chữ nghĩa đã viết là chuyện đã rồi, có sao để vậy”. Có sao để vậy sao lại sửa? Bà nói một đằng làm một nẻo.

1.2. Trả lời RFA hồi Tết Mậu Tý 2008, bà nói tôi có viết bài phản bác bà. Trong bài phản bác đó tôi nêu lên nhiều việc bà đã viết sai, phản bác điều bà đã khép tôi vào tội sát nhân, phản bác điều bà đã vu khống tôi mở phiên toà xử án người nầy người kia, tôi yêu cầu bà cho biết nhân chứng... Tại sao bà không trả lời và cũng không nêu lại những điều ấy trong hồi ký của bà? Phải chăng chuyện bịa đặt của bà đã bị “người chết sống lại” vạch tội bà và bà không thể bảo vệ được mình nên đành phải ngậm tăm? Mười năm nay bà không dám lên tiếng những gì tôi viết trong bài Hậu quả của “cái chết” của tôi. Chứng tỏ những gì tôi viết về bà là đúng sự thực.

1.3. Trước năm 1980, tôi đi tìm mua mấy cái bánh để cho con một người bạn có nhà ở chung cư Ngã tư Lê Thánh Tôn - Đồng Khởi thì vô tình gặp bà ở quán cà-phê 142 Đồng Khởi trước năm 1980 và cách đây mười năm tôi đã thuật lại trong bài Hậu quả của cái chết của tôi. Tại sao bà trả lời RFA và viết trong hồi ký lại bảo là tôi đi tìm thăm bà? Chuyện hai người quen nhau vô tình gặp nhau hay tìm thăm nhau không khác nhau lắm. Nhưng trong trường hợp tôi với bà ở “hai chiến tuyến”, bà đã phạm tội vu khống tôi những tội ác rất nặng nề thì chuyện tôi vô tình gặp bà và tôi đi tìm thăm bà có ý nghĩa hết sức khác nhau. Bà là người viết tiểu thuyết, hẳn bà đã biết khi xây dựng tính cách và mô tả hành động của một nhân vật đều có mục đích và phải hợp lý trong từng hoàn cảnh cụ thể. Vào thời điểm trước năm 1980, không khí cách mạng ở Thành phố Hồ Chí Minh (và các tỉnh thành miền Nam Việt Nam) còn nóng hừng hực, người chiến thắng như tôi được xem trọng, được giữ vai trò chủ chốt trong xã hội, những sĩ quan quân đội VNCH và người trong bộ máy làm việc cho Mỹ cũ như bà (làm Đài Phát thanh Tự Do của Mỹ) không đi học tập thì cũng là đối tượng bị theo dõi. Đó là thực tế lịch sử. Làm sao tôi lại có thể tìm thăm bà một cách dễ dàng đến thế?

Cho đến những năm trước 1980, con người thực của Nguyễn Đắc Xuân như thế nào? Đó là một Sinh viên Phật tử, đã học xong Ban Việt Hán Đại học Sư phạm, một thành phần chủ chốt của Phong trào đô thị đấu tranh cho hoà bình thống nhất Việt Nam (từ 1963 đến 1966), làm thơ đấu tranh cho hoà bình thống nhất được Phạm Duy phổ nhạc (không những bài Để lại cho em thành Tâm Ca số 5, mà còn bài Nhân danh (Tâm phẫn ca số 1) và bài Chuyện hai người lính), tham gia kháng chiến, Tết Mậu Thân về Huế giúp đỡ cho không biết bao người trong việc phòng tránh bom đạn trong chiến tranh, lấy sinh mạng chính trị của mình bảo đảm chính trị cho nhiều người mà Mặt trận Giải phóng Huế đang quan tâm, làm thơ viết văn kháng chiến yêu nước, trước 30-4-1975, từng đi nhiều nước trên thế giới, sau 30-4-1975 làm Tuyên huấn ở Thành ủy Huế (cho đến 1988), say mê nghiên cứu lịch sử văn hoá Huế, luôn luôn nhiệt tình với cuộc sống, gắn bó chặt chẽ với đồng bào, đồng chí. (Sau những năm 1980, Nguyễn Đắc Xuân còn có thêm nhiều chuyện khác được người yêu Huế biết tiếng nữa).

Còn Nhã Ca thì sao? Một nữ sinh Huế (cùng thế hệ với Nguyễn Đắc Xuân), bỏ học Trung học vào Sài Gòn đi theo Trần Dạ Từ - một người Bắc di cư. Trần Dạ Từ viết báo chống các Phong trào tranh đấu chống Mỹ - chống các chính quyền tay sai Mỹ ở Sài Gòn, hai vợ chồng Trần Dạ Từ và Nhã Ca là hai cây viết tâm lý chiến của Đài Tự Do của Mỹ (Đài có nhiệm vụ chiêu hồi “cán binh Cộng sản” và đánh phá miền Bắc Việt Nam), năm 1969 xuất bản GKSCH viết về vụ Tết Mậu Thân ở Huế, vu khống tội ác cho những người Huế nổi tiếng như Giáo sư Lê Văn Hảo, thầy giáo Hoàng Phủ Ngọc Tường, sinh viên Y khoa Hoàng Phủ Ngọc Phan và sinh viên sư phạm Nguyễn Đắc Xuân, được chính quyền Nguyễn Văn Thiệu trao giải thưởng cho cuốn GKSCH (1970), sau 30-4-1975 (cho đến trước năm 1980), cả hai vợ chồng đều bị đi học tập, nhờ con đông nên vợ được về sớm, lo sợ bị trả thù tội vu khống, sống trong cảnh thiếu thốn, liên lạc với nước ngoài để tìm cách ra khỏi Việt Nam.

Theo thực tế hoàn cảnh và cũng đúng với tâm lý nhân vật thì chính Nhã Ca đi tìm thăm Nguyễn Đắc Xuân mới hợp lý. Nhã Ca tìm gặp Nguyễn Đắc Xuân để giải thích về chuyện thiếu thông tin, trong lúc chạy loạn, nghe người ta kể không đến đầu đến đuôi, và tưởng Nguyễn Đắc Xuân chết rồi, sử dụng tên Nguyễn Đắc Xuân trong bút ký chạy loạn để cho hấp dẫn, không ngờ... nên tìm đến gặp Nguyễn Đắc Xuân, lấy tình là người Huế với nhau, đã từng quen biết hồi còn là bạn học với chị họ của Nguyễn Đắc Xuân, mong Nguyễn Đắc Xuân thông cảm và hứa (dù cho là hứa cuội) sẽ viết lại hoặc bỏ bài chuyện kể ấy. Theo cách thông thường nầy thì: 1. Nếu Nguyễn Đắc Xuân là một người háo thắng, căm thù Nhã Ca về tội vu khống, sẽ giận giữ nạt nộ làm nhục Nhã Ca; 2. Nếu Nhã Ca sợ Nguyễn Đắc Xuân trả thù thì sẽ đến mua chuộc Nguyễn Đắc Xuân để được tha tội vu khống. 3. Nếu những việc Nhã Ca viết về Nguyễn Đắc Xuân là đúng sự thực, Nhã Ca sợ Nguyễn Đắc Xuân trả thù nên tìm đến để hóa giải sự trả thù đó. Nhưng Nhã Ca đã không dựng lên cả ba trường hợp trên mà lại đi dựng chuyện ngược lại, vẽ một Nguyễn Đắc Xuân đã lớ ngớ tìm đến 142 Đồng Khởi thăm Nhã Ca với một thái độ van nài, sợ sệt, thiểu não khác thường. Một độc giả phổ thông cũng có thể đặt câu hỏi tác giả GKSCH được giải của Tổng thống Thiệu rằng: Nguyễn Đắc Xuân là người chiến thắng, đang phụ trách một tờ báo gì đó ở Huế (theo Nhã Ca), căm thù Nhã Ca, đòi “treo cổ Nhã Ca” (như cô bạn thân nào đó đã nói với Nhã Ca) tìm đến thăm Nhã Ca - một người mắc tội vu khống, vừa đi học tập về để làm gì? Theo sự đời lúc đó có thể để: 1. Kể tội vu khống của Nhã Ca để làm chantage (doạ tố cáo) buộc Nhã Ca phải hối lộ tiền hoặc hối lộ tình; hoặc 2. Nguyễn Đắc Xuân qua Nhã Ca móc nối với những phần tử chống đối cách mạng từng quen biết với Nguyễn Đắc Xuân trước đây để làm phản cách mạng, hoặc 3. Vì bị kỷ luật, Cách mạng cho ra rìa cho nên đến tìm Nhã Ca - “một nhà văn lớn uy tín quốc tế” để nhờ cậy thanh thế làm lại cuộc đời. Cả ba trường hợp thông thường nầy Nhã Ca cũng không dùng. Có lẽ Nhã Ca sợ không dám hư cấu theo cách thông thường ấy, bà đã dựng một Nguyễn Đắc Xuân khác “lớ ngớ” buồn cười như tôi sắp đề cập đến từng chi tiết trong đoạn trích hồi ký của bà dưới đây.

2. Sự thật lịch sử có được bao nhiêu phần trăm trong Nhã Ca hồi ký?
Hồi ký Nhã Ca viết: “Một lần nhân vật Mậu Thân trong “Giải Khăn Sô Cho Huế” gặp tác giả, ngay tại ngôi nhà 142 Đồng Khởi. Khi anh ta bước vào, một tay ôm cái cặp da, một tay cầm cái hộp giấy. Thấy anh ta lớ ngớ, không chịu ngồi vào bàn, tôi bước ra. Chị không nhận ra tôi há, chị Vân?”(GKSCH, tr.18)
NĐX bình luận: Sự thực tôi tình cờ gặp Nhã Ca như thế nào cách đây gần mười năm tôi đã viết trong bài Hậu quả của “cái chết” của tôi như sau: “...một dạo trước năm 1980 (tôi không còn nhớ đích xác năm nào) tôi vào TP HCM, được anh Phương Hà ở báo Đại Đoàn Kết cho mượn một chiếc xe đạp để đi tìm mua tài liệu cũ về Huế xưa. Nhà anh ở trên tầng cao của cái Building ngay ngã tư Đồng Khởi-Lê Thánh Tôn. Khi gởi xe cho người giữ ở tầng trệt xong, tôi thả bộ dọc đường Đồng Khởi tìm mua cho con anh Phương Hà một gói bánh. Cách đó khoảng năm sáu gian phố gì đó tôi thấy có cái quán giải khát vắng vẻ, bên ngoài kê một cái tủ kính bên trên có mấy thẩu bánh (ga-tô hay bánh thuẫn?). Nhìn vào trong không thấy khách chỉ có một người đàn bà với nét mặt nặng và buồn, mái tóc thề tóc cắt ngắn ngang vai. Tôi hỏi: “Chị làm ơn bán cho mấy cái bánh!”. Người đàn bà đến mở nắp thẩu lấy bánh cho tôi. Khi tay cô vừa chạm vào mấy cái bánh trong thẩu thì như bị điện giật cô rút tay ra và chụp cái nắp nhôm xuống miệng thẩu kêu một cái cốp rồi quay lưng vô nhà. Tự nhiên tôi kêu lên:
- “Thu Vân! Tại sao thấy moa, toa lại bỏ đi ”.
Người đàn bà quay lại nét mặt thảng thốt:
- “Tôi nghe người ta nói anh đang tìm tôi để giết tôi nên sợ quá...!”.
So sánh hai đoạn trích trên độc giả có thể thấy cái sự hồi ký của Nhã Ca ngây ngô thiếu chân thực đến mức độ nào.

Hồi ký Nhã Ca viết:
“Giọng Huế đặc, [...] Anh ta cao, gầy nhom, má hóp, mắt sâu hoắm ” (tr.18).
NĐX bình luận: Bà viết có phần đúng, lúc đó cán bộ như tôi ăn bo bo ăn khoai sắn nên tôi gầy, má hóp, tuy nhiên mắt tôi thì không sâu. Nhưng trời ơi, bà viết Nguyễn Đắc Xuân nói được giọng Huế mà lại giọng Huế đặc nữa thì lạ quá! Nguyễn Đắc Xuân mà có thể nói được giọng Huế sao? Đã có bao lần tôi thuyết minh về cái giọng Quảng đặc sệt của tôi. Tôi xa Huế năm lên 3 tuổi, theo mẹ lên Đà Lạt sống trong một ngôi làng của người Quảng Nam thành lập (làng Túy Sơn), tôi chơi với các bạn người Quảng và bị ảnh hưởng bạn và nói giọng Quảng luôn. Năm 19 tuổi (1956) về lại Huế, vào học trường Quốc Học, tôi bị các bạn Huế gọi tôi là “Thằng Chiếu” (người Quảng Nam hay ra Huế bán chiếu). Tôi rất ức. Biết thế nhiều người Huế mỗi lần muốn chọc tức tôi bằng cách nhái cái giọng Quảng của tôi. Nay được bà Nhã Ca viết hồi ký cho tôi được nói giọng Huế đặc vui làm sao! Cái giọng Quảng của tôi là một sự thật, nó đã vang lên trong nhiều cuộc hội thảo, nhiều cuộc biểu tình, nhiều cuộc mít-tin, nhiều buổi phát thanh, truyền hình trong nước ngoài nước (các đài BBC, RFI, VOA) ba bốn chục năm qua ai mà không biết. Không cần phải kiểm chứng cũng có thể biết được sự thật. Nếu không tin bà phone cho tôi ở số 054.823009, nghe tôi nói thử là giọng Quảng hay giọng Huế nào? Một chuyện thực như thế mà bà có thể viết sai 100% như thế thì thử hỏi những chuyện không thể kiểm chứng được hay khó kiểm chứng bà đã viết trong hồi ký và trong GKSCH có đúng sự thực được không? Khó tin quá!

Hồi ký Nhã Ca viết
: “Nguyễn Đắc Xuân, được biết tới cạnh Hoàng Phủ Ngọc Tường từ thời sinh viên tranh đấu sau 1963, “người mê nhạc Phạm Duy, tác giả bài thơ “Để lại cho em” được phổ nhạc thành Tâm Ca. Sau khi bỏ ra khu theo Cộng Sản, hồi Mậu Thân, anh ta trở về Huế, ngồi xử trong những phiên toà chôn người”. (tr.19)
NĐX bình luận: Từ năm 1963 đến 1966 tôi và anh Hoàng Phủ Ngọc Tường cùng tham gia Phong trào đấu tranh đô thị nhưng không ở cạnh nhau. Anh Tường là giáo sư trường Quốc Học còn tôi là sinh viên Đại học Sư phạm. Mãi đến mùa hè 1966 cho đến năm 1971 lên rừng cùng công tác ở Văn phòng Thành ủy và Ban Tuyên huấn Thành uỷ Huế. Từ đó đến nay chúng tôi công tác xa nhau, thỉnh thoảng mới gặp nhau. Đúng, tôi là “người mê nhạc Phạm Duy, tác giả bài thơ “Để lại cho em” được phổ nhạc thành Tâm Ca”. Không những bài Để lại cho em mà còn có hai bài Nhân danhChuyện hai người lính cũng được Phạm Duy phổ nhạc, cũng rất nổi tiếng trong những năm 1966-1967. Tôi mê nhạc Phạm Duy, nhờ nhạc Phạm Duy (Tình Ca, Mẹ Việt , Con Đường cái Quan..). mà tôi hình thành tư tưởng yêu nước của tôi. Điều nầy tôi đã khai trong lý lịch khi tôi mới bước chân vào cuộc đời kháng chiến. Nhà báo Nguyễn Quốc Thái còn nói: Sau 1975, Nguyễn Đắc Xuân là người có bộ sưu tập về Phạm Duy số 1 ở Việt . Và tôi cũng thông tin cho bà biết, nhân lễ sinh nhật đầu tiên của Phạm Duy, sau năm 1975, tổ chức tại Việt Nam tôi đã viết cuốn sách “Mừng ngày trở về của nhạc sĩ Phạm Duy” để tặng Phạm Duy. Hiện nay tôi và nhạc sĩ Phạm Duy thân thiết như không có chuyện 39 năm cách biệt trong cuộc đời của nhau. Một người làm thơ như thế, yêu nhạc Phạm Duy trước sau như thế mà lại có lúc “bỏ ra khu theo Cộng Sản, hồi Mậu Thân, anh ta trở về Huế, ngồi xử trong những phiên toà chôn người” được sao? Trong bài viết Hậu quả của “cái chết” của tôi cách đây mười năm mà bà đã đọc, tôi đã viết để hỏi bà rằng: “Các hoạt động của tôi ở Huế dân Huế biết, các đồng chí đồng sự của tôi hiện còn đang sống đều biết rất rõ. Giữa một cuộc chiến đấu lớn lao, đông đảo như thế, tôi xử ai và tôi giết ai tôi không thể làm một mình và chắc chắn 30 năm qua những đối tượng ấy không thể làm thinh trước dư luận báo chí trong và ngoài nước. Tôi đã mở tòa án ở đâu và xử ai? Đến nay ở nước ngoài có lẽ Nhã Ca có thể viết rõ ra để chứng minh tính chân thực của cuốn sách được ông Thiệu trao giải.” Vì sao bà không trả lời, bà không nêu được một nhân chứng nào? Bà không dẫn chứng được người nào thì tại sao năm 2008 nầy xuất bản Hồi ký bà còn viết trong Tết Mậu Thân tôi vẫn còn “ngồi xử trong những phiên toà chôn người”? Năm 1969 bà viết GKSCH trong lúc chạy loạn, viết trong trường hợp bà tưởng tôi chết rồi, bà viết để lấy tiền của chính phủ Thiệu... để sống, tôi có thể hiểu được nên tôi không giận gì bà. Nay bà đã biết tôi còn sống, bà đã biết rõ không có chuyện tôi giết người, không có chuyện tôi ngồi xử án ai vậy tại sao bà còn hạ bút viết trong hồi ký những điều ác nhơn đến như thế? Nếu bà sống với tôi cùng trong một nền pháp luật tôi sẽ đưa bà ra tòa về tội vu khống. Vì bà đã đi tỵ nạn, đã ra khỏi Việt nên pháp luật Việt không thể xử bà. Vì thế nhân đây tôi mong các Đài Phát thanh thường phỏng vấn tôi như BBC, RFI, VOA, các báo chí ở nước ngoài hãy giúp tôi trực tiếp hỏi Nhã Ca dựa vào nguồn tài liệu nào, vào nhân chứng nào để viết về tôi như thế? Kính đề nghị các vị lãnh đạo tâm linh trong các chùa Phật mà vợ chồng Trần Dạ Từ-Nhã Ca đến bạch Phật hãy hỏi họ “Gây nên cái nhân ác nghiệt như thế quý vị có lường hết được cái quả quý vị sẽ phải nhận như thế nào không?”. “Một người không thù hận gì với quý vị như thế vì sao quý vị lại đeo đẳng hại họ đến thế?” Tôi mong các bạn tôi ở Hoa Kỳ có dịp gặp Nhã Ca hãy hỏi hộ tôi: “Bà nghĩ sao khi có người viết hồi ký vu khống bà tội giết người, chôn người như bà đã viết về Nguyễn Đắc Xuân trong Tết Mậu Thân? Nguyễn Đắc Xuân cũng là một người cầm bút, độc giả của Nguyễn Đắc Xuân không phải là loại “đá cá lăn dưa”, họ sẽ nghĩ gì về cây bút của bà? ”. Riêng tôi-Nguyễn Đắc Xuân, bao giờ Nhã Ca chưa có lời xin lỗi, chưa xoá bỏ tất cả những lời vu khống tội ác cho tôi trong tất cả tác phẩm của bà thì trong hồi ký của tôi sẽ có những Phụ lục đời đời lên án bà.

Hồi ký Nhã Ca viết: “Hiện nay, nghe đâu (NĐX) đang là nhân vật văn hoá, Tổng thư ký cả cái hội lẫn tờ báo văn nghệ gì đó ngoài Huế”.
NĐX bình luận: Những thông tin bà nghe đâu đó về tôi trước năm 1980 (thời điểm tôi tình cờ găp bà) đều sai cả. Cho đến năm đó (1980) tôi chỉ là một cán bộ của Ban Tuyên giáo Thành ủy Huế thôi. Không có bất cứ một chức tước nào như bà nghe đâu! Năm ấy là thời bình, việc liên lạc đi lại giữa Huế và TP HCM rất bình thường, thế sao bà nhận được thông tin về tôi sai lạc đến thế? Thảo nào những gì bà biết về tôi thời chiến tranh trong Tết Mậu thân sai bét là thế. Một người cầm bút viết người thực việc thực tại sao ẩu tả đến thế? Bà có biết những thông tin sai lạc của bà đã gây tai hại cho người khác đến như thế nào không? Lương tâm, trách nhiệm của người cầm bút của bà ở đâu? Hay cây bút của bà chỉ biết tiền mà không có tâm?

Hồi ký Nhã Ca viết
: “Anh ta đổi khác nhiều quá, hình như đã mất hết cái nồng nhiệt, hăng hái của thời kỳ tranh đấu. Eo xèo. Mệt mỏi”.[..] “Không còn hình ảnh Đắc của Mậu Thân nữa. Anh ta ngồi, hiền lành, hình như còn đôi chút bối rối, ngượng nghịu. Vẫn má hóp, trán nhăn, tóc bạc, anh ta đang yên lặng, chờ”.
NĐX bình luận: Từ sau ngày bà bỏ trường Đồng Khánh mà đi, bà không còn cơ hội đến chơi với bà chị họ tôi ở đường Chi Lăng nữa cho nên tôi không có dịp gặp lại bà cho đến cái năm trước 1980 ấy. Tôi đi tranh đấu chống các chính quyền tay sai Mỹ, chống Mỹ, ông chồng bà cộng tác với Chu Tử viết báo chống các Phong trào tranh đấu đô thị, bà gặp tôi ở đâu mà bà biết được cái nồng nhiệt hăng hái của tôi? Gặp lại bà tôi rất tự nhiên như tôi đã kể lại trong bài Hậu quả của “cái chết” của tôi. Vô lẽ gặp bà tôi cũng nồng nhiệt giống như lúc xuống đường tranh đấu chống Mỹ và chính quyền Sài Gòn tay sai Mỹ sao? Có điều gì chứng tỏ tôi eo xèo, mệt mỏi đâu?  Một người như bà viết đang “là nhân vật văn hoá, Tổng thư ký cả cái hội lẫn tờ báo văn nghệ gì đó ngoài Huế” thì vì sao có thể “eo xèo, mệt mỏi” đến như thế? Bà viết lấy được, viết theo cái lý xuyên tạc sự thật của bà chứ không phải viết theo tâm lý nhân vật mà bà đã dựng lên. Bà viết tiểu thuyết mà trình độ tưởng tượng, xây dựng tâm lý nhân vật như vậy tầm thường, non tay quá!.

Hồi ký Nhã Ca viết:
Tôi nhớ cô bạn thân, mới đó, chiều nào còn dặn đi dặn lại: “Hắn đòi treo cổ mi. Đừng có về Huế.”
NĐX bình luận: Cô bạn thân của bà là ai? Cô ấy có từng làm việc cho Mỹ không? Cô ấy nghe tôi nói treo cổ bà ở đâu? Nói trong trường hợp nào? Là một nhà văn, nếu có thật một người nào đó đã nói với bà như thế, bà nhận định như thế nào? Bà có tin là thật không? Bà xem thử tại miền Nam Việt từ 30-4-1975 đến nay (2008) đã có ai được treo cổ người khác vì tư thù không? Nếu quả thật tôi có ý treo cổ bà tôi có thể thực hiện được không? Nếu làm được tôi chắc miền Nam VN đã tắm máu, bởi vì người của các chế độ Ngô Đình Diệm, và các chế độ tay sai Mỹ đã gây ra không biết bao tội ác với các gia đình có người thân đi kháng chiến hay đấu tranh ở đô thị. Một người tuyên bố treo cổ bà tại sao lại đến thăm bà với thái độ lớ ngớ, chịu đựng như bà viết được sao? Thật quá mâu thuẫn. Nhã Ca ơi, viết lách như thế mà cũng được giải thưởng nầy nọ sao?

Hồi ký Nhã Ca viết
: “Trong cái cặp da kia, cái hộp giấy kia, có gì mà anh ta ôm khư khư vậy?
Đành nhìn thẳng vào mặt nhân vật một thời:
“Anh có mang sợi dây theo không?”
“Sợi dây?”
Mắt anh ta mở dấu hỏi. Tôi cười:
“Sợi dây thừng để treo cổ chớ chi nữa. Nghe anh tuyên bố sẽ treo cổ tôi ở Huế. Tôi bận quá, không ra Huế được, bắt anh phải vô tận đây. Không có sợi dây thừng, lấy gì mà treo?”
Chắc nhớ chuyện cũ rồi, anh ta cười xuề xoà:
“Thôi mà. Chị Vân. Nãy giờ tôi đi qua đi lại mấy lần, muốn vô thăm chị. Tôi đứng ở quầy bánh trước nhà, mua mấy cái bánh, rồi mới vô. Chị khoẻ không?”
NĐX bình luận: Đoạn trích cho thấy Nhã Ca thách thức và tôi xuề xoà. Tôi tin lúc ấy một người mới đi học tập về và ông chồng còn nằm trong trại cải tạo không dám thách thức với một cán bộ cách mạng như thế đâu và ngược lại không bất cứ một cán bộ nào (sau năm 1975) “đang là nhân vật văn hoá, Tổng thư ký cả cái hội lẫn tờ báo văn nghệ gì đó ngoài Huế” lại dễ dãi xuề xoà đến như Nhã Ca viết đâu. Còn đối với tôi, lúc ấy mà Nhã Ca dám thách thức như thế thì có lẽ một là bà đã được ngay một bài học hai là tôi bye bye bà chứ không như tôi viết trong bài Hậu quả của “cái chết” của tôi vô tư như thế. Chỉ một chi tiết nhỏ thôi: Vì đi mua mấy cái bánh để cho con anh bạn mà tôi đến quán cà-phê 142 Đồng Khởi hỏi: “Chị làm ơn bán cho mấy cái bánh!” Không ngờ người bán bánh là Thu Vân-Nhã Ca. Vì mấy cái bánh mà tôi gặp lại bà. Nếu không đến 142 Đồng Khởi hỏi mua mấy cái bánh thì không có chuyện tôi gặp bà hôm ấy. Thế mà bà lại viết tôi đến thăm bà, mua bánh đến mời bà. Tôi đâu có điên để đi mua bánh mời người vu khống tội ác cho mình? Hay tôi có tình ý gì với bà mà tốt với bà đến vậy? Một người cầm bút có chút liêm sỉ không ai dám tráo trở đến vậy.

Hồi ký Nhã Ca viết:
Nguyễn Đắc Xuân nói: “Xin chị cho tôi một ly đen. Cho phép tôi mời chị một ly?”
NĐX bình luận: Ở trên bà bảo tôi nói giọng Huế đặc đã buồn cười rồi. Bây giờ bà lại cho tôi gọi cà-phê đen nữa thật lạ. Các bạn tôi mà đọc đến đoạn nầy thì họ cười tôi chết mất thôi. Xưa nay tim tôi kỵ cà-phê, uống sữa với chỉ vài giọt cà-phê là đã thấy đánh trống ngực rồi. Không ngờ bà lại cho tôi chơi đến cà-phê đen nữa chỉ có vào bệnh viện thôi. Bà nhớ cách sao mà nhầm đến khôi hài vậy?

Hồi ký Nhã Ca viết
: “Chị có đọc tờ Sông Hương không?”
Gần đây, tôi có đọc. Gật đầu.
“Tôi muốn mời chị về lại với Huế. Mời chị viết.”
Anh ta nói, thình lình, bất ngờ. Tôi chưng hửng. Tờ báo trên tay anh ta đưa về phía tôi. Tôi không đưa tay lấy.
“Anh có nói đùa không?”
Vẫn nghiêm trang:
“Không, chị Vân. Tôi rất thành thực đến gặp chị, mời chị cộng tác với tờ Sông Hương, tờ báo của Huế mình
.” (Tr. 21)
NĐX bình luận: Thưa bà, tôi gặp bà trước năm 1980. Tạp chí Sông Hương số đầu tiên ra đời vào năm 1983. Bà đọc được tạp chí Sông Hương trước khi tạp chí Sông Hương ra đời trên 3 năm. Quái lạ thật. Viết như thế chứng tỏ đoạn văn nầy bà mới “sáng tác” trong lúc ngồi bịa cái gọi hồi ký ở Mỹ. Giả như đã có tạp chí Sông Hương và tôi có mời bà viết cho tạp chí Sông Hương như bà viết. Thế thử hỏi vào trước năm 1980 tại Việt có báo chí nào dám mời một người vừa ra khỏi trại cải tạo viết cho mình không? Dám mời một người viết văn chống Cộng được giải thưởng của Nguyễn Văn Thiệu viết cho báo chí của mình không? Nếu tôi có là “là nhân vật văn hoá, Tổng thư ký cả cái hội lẫn tờ báo văn nghệ gì đó ngoài Huế” như bà viết tôi không dám. Và, tôi cũng đoan chắc nếu một người nào đó nắm trong tay quyền lực về truyền thông báo chí đến đâu cũng không dám. Lúc đó không dám và ngay bây giờ tôi cũng không dám. Trước năm 1980 mà có người mời Nhã Ca viết bài cho báo chí Việt chứng tỏ báo chí Việt lúc đó cởi mở quá! Làm gì có! Sau trên 20 năm đổi mới mở cửa, báo chí Việt Nam đã sử dụng bình thường bài vở của các cây bút ở nước ngoài, nhưng chắc chắn không một tờ báo tạp chí nào đăng bài của một cây bút chống phá cách mạng hàng đầu như Nhã Ca. Bà sáng tác chuyện lịch sử mà thiếu thực tế lịch sử quá! Sự thật, tôi có khuyên bà viết trong trường hợp tôi đã nêu trong bài Bà Nhã Ca có thực mong có “sự ăn ở tử tế giữa con người” không? và tôi chép lại ra đây để độc giả khỏi mất thì giờ tìm.

“Trong câu chuyện tôi vô tình gặp bà ở quán cà-phê 142 đường Đồng Khởi trước năm 1980 có một mẩu tôi chưa viết trong bài “Hậu quả của cái chết của tôi”. Nay xin ghi lại.
Sau khi nói chuyện thân mật, tôi nói cho bà biết những chuyện bà dựng lên trong GKSCH về tôi là không đúng sự thật. Tôi chứng minh cho bà nghe và nêu tên những cá nhân hoạt động gần tôi hồi Tết Mậu Thân 1968 ở Huế để bà có thể thẩm tra biết sự sai lầm của bà như thế nào. Một trong những người đó là nhà báo Vĩnh Tháp đang có nhà ở đường Lê Thánh Tôn gần nhà bà ở đường Đồng Khởi. Cuối cùng tôi khuyên bà:
- “Người cầm bút là người đại diện cho lương tâm con người. Người cầm bút phải viết đúng sự thật. Nếu thấy sai thì phải sửa. Chị nên viết lại những điều chưa đúng sự thật ấy đi!”
Bà nói ngay:
-“Tôi viết bây giờ ai in cho tôi!”.
Tôi giải thích:
-“Cao Bá Quát, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Khuyến lúc ấy viết có ai đăng cho đâu! Thế mà ngày nay chúng ta phải đi tìm để in. Vì các tác phẩn của các vị ấy thực sự có giá trị”.
Sự thật là như thế mà bà lại sáng tác nên chuyện tôi mời bà viết cho tạp chí Sông Hương - một tạp chí ra đời sau cuộc tôi gặp bà đến trên ba năm. Sự thật trong hồi ký của Nhã Ca như thế đấy.

Hồi ký Nhã Ca viết
: “Tôi không gặp lại anh ta. Hai năm sau, Từ ra khỏi trại tù. Một hôm đi về kể vừa gặp một người ngoài đường. Anh ta gọi, quay lại, không nhận ra. Lại giới thiệu:“Nhân vật của bà Nhã Ca đây mà.” Vẫn chưa nhớ ra. Xưng tên đầy đủ: Nguyễn Đắc Xuân. Có nói chuyện với nhau không? Từ nói có. Anh ta còm cõi, tội nghiệp, nhưng trò chuyện vui vẻ, hoà nhã” (tr.22).
NĐX bình luận: Nội dung đoạn trích hồi ký nầy của Nhã Ca gần đúng với con người thực của tôi từ sau 30-4-1975 đến giờ. Theo bà tôi đã gặp lại Trần Dạ Từ trên đường phố TP HCM sau năm 1980 vài năm. Sự thực từ sau 30-4-1975 chưa bao giờ tôi gặp lại Từ cả. Nếu gặp thì tôi đã có một cuộc trò chuyện với Từ về đề tài vu khống bịa đặt độc địa của Nhã Ca. Trong nhật ký của tôi, trong các bài viết của tôi đề cập đến Nhã Ca chắc đã nhắc lại cuộc gặp đó. Nhưng sự thực không có. Rất tiếc. Không rõ Từ đã nói dối bà chuyện gặp tôi hay là bà đã sáng tác lên chuyện gặp đó sau khi nhiều người bạn của bà đã gặp tôi ở Việt và ở Hoa Kỳ trong mấy chục năm qua? Một người bị bà viết sách nói là kẻ sát nhân, kẻ ngồi xử án chôn người đáng lẽ họ phải sợ, phải chạy tội tại sao họ lại tự hào tự giới thiệu với những người đã đọc sách của bà về những việc tội ác đó? Phải chăng đó là một cách tố cáo bà đã bịa đặt đã phạm tội vu khống độc ác? Bà cố tình bịa đặt chuyện ác cho tôi và tô vẽ cho chuyện thiện của bà để bảo vệ cuốn sách được giải Nguyễn Văn Thiệu của bà, nhưng bà cũng không thể nhắm mắt trước con người thực Nguyễn Đắc Xuân rất được bạn đọc trong và ngoài nước biết đến trong mấy chục năm qua. Không cần phải phản biện dài dòng, chỉ cần đề cập đến con người thật của tôi trong thời gian đi học, trong thời gian tranh đấu Phật giáo và làm thơ tranh đấu, trong kháng chiến và trong thời gian nghiên cứu lịch sử văn hoá Huế thì sẽ thấy ngay những gì Nhã Ca viết về Nguyễn Đắc Xuân là bịa đặt, ngược ngạo, ác độc. Nguyên nhân nào, động cơ nào, hoàn cảnh nào đã xui Nhã Ca viết như thế? Cho đến giờ nầy tôi vẫn chưa tự giải thích cho mình được. Hỡi các nhà chính trị, các nhà nghiên cứu văn nghệ Việt Nam hải ngoại, những bạn bè của Nhã Ca, những bạn bè quen biết Nhã Ca và cũng từng biết tôi... kính mong quý vị giải thích giúp tôi! Địa chỉ của tôi đây: 9/1B Nguyễn Công Trứ, Huế. Đt: 054.823009.
E-mail: gactholoc@yahoo.com.

Vừa viết đến đây thì điện thoại bàn reo. Một người
bạn làm thầy thuốc của tôi từ Mỹ gọi về. Sau khi nói chuyện riêng xong anh bạn thầy thuốc hỏi “Đang viết chi đó? ”. Tôi bèn đọc mấy dòng vừa viết xong và nhờ người bạn giải thích hộ động cơ nào đã xui Nhã Ca viết ác về tôi như thế. Người bạn tôi cười ha hả và nói ngay: “Có 3 động cơ: 1. Anh là nhà văn Việt Nam trong chế độ Cộng sản, Nhã Ca viết nói xấu anh để lấy điểm với các lực lượng chống Cộng ở hải ngoại; 2. Nguyễn Đắc Xuân là người nổi tiếng, viết gây gổ với người nổi tiếng để kích động, quảng cáo cho sách của Nhã Ca; 3. Viết ác về Nguyễn Đắc Xuân để trả thù anh đã chê Nhã Ca xấu gái, chê Nhã Ca là con gái Huế bỏ Huế vào Sài Gòn theo trai, chê Nhã Ca ít học”. Mô Phật. Tôi chưa bao giờ nghĩ về Nhã Ca như thế cả, nhất là động cơ thứ ba. Nếu đúng như vậy thì quá tầm thường. Những người chống Cộng mà xài loại ăn hô nói thừa như Nhã Ca thì sẽ đạt được một kết quả còn tệ hơn ngày 30-4-1975 ở Sài Gòn cũ nữa. Còn bà muốn lợi dụng tên tuổi của tôi để quảng cáo cho các cuốn sách của bà với độc giả chống Cộng, tôi sẵn sàng giúp bà. Còn động cơ thứ ba, bà trả thù tôi, vì tôi xem thường bà thì hoàn toàn không đúng. Tôi có xem thường bà hay không bà cứ đọc lại bài tôi viết cách đây mười năm Hậu quả của “cái chết” của tôi thì sẽ rõ. Tôi xin cám ơn bạn tôi về hai động cơ một và hai.

Nếu quả thật Nhã Ca bất chấp sự thực, viết ác về tôi để lấy điểm với các lực lượng chống Cộng, để kích động độc giả mua sách của bà thì việc tôi phản biện các bài viết về tôi của bà lâu nay có còn ích lợi gì nữa? Bà viết để lấy điểm chính trị, viết để lấy tiền thì chuyện lương tâm, đạo đức, sự thực làm sao tiếp cận được bà. Biết thế nhưng tôi không vứt loạt bài mà tôi đã bỏ công gõ máy. Hiện nay bà đang có nhiều vàng, nhiều hột xoàn, có nhà in, có Việt báo, được các lực lượng chống Cộng vinh danh, có sách đẹp chưng ở các hiệu sách Việt... bà có thể làm ngơ trước các bài viết của tôi. Nhưng như thường tình, ngày kia khi bà sắp chia tay cuộc đời, tất cả những gì bà đang hãnh diện hôm nay không còn nghĩa lý nữa, mà trái lại bà sẽ cần một lời bạch Phật, một trái tim không vướng bận tội ác trước khi lìa đời bà sẽ thấy cần những bài viết của tôi. Thời bơi chãi làm điều bất chính để kiếm tiền, kiếm danh bà không đủ can đảm nhận những sai lầm tội ác của mình. Những bài viết của tôi nói hộ những tội ác của bà. Lúc đó bà sẽ cám ơn tôi.

Tết Mậu Tý 2008 vừa rồi, trả lời Phỏng vấn của Mặc Lâm Đài RFA, bà đã nói: “Dù tai nghe mắt thấy, có sao viết vậy, hẳn nhiên cũng không khỏi thiếu sót hoặc sai sót. Ðiều quan trọng là tấm lòng. Chữ nghĩa đã viết là chuyện đã rồi, có sao để vậy. Tôi thật tình mong những thiếu sót sẽ dần được bổ túc, những sai sót sẽ dần được chỉ rõ”. Nghe được những câu nầy tôi nghĩ gần đến tuổi cổ lai hy bà đã hồi tâm, đã biết điều phải chăng, tôi chờ đọc “những thiếu sót sẽ dần được bổ túc, những sai sót sẽ dần được chỉ rõ”. Nhưng không ngờ, đọc những gì bà viết về tôi trong hồi ký của bà còn tệ hại hơn, láo toét hơn những gì bà đã viết hồi chiến tranh. Bà cố tình lừa độc giả hay chính bản chất của bà là lừa lọc như vậy?
Ôi, khổ thân tôi!
Tôi phải in lại loạt bài viết nầy trong hồi ký của mình sao?  
Gác Thọ Lộc,
chiều ngày 24-6-2008
N.Đ.X
(nguồn: TCSH số 235 - 9 - 2008)

 

Các bài mới
Các bài đã đăng