Lê Quang Vịnh có rất ít thời gian để yêu. Vì khi lớn lên anh chỉ lo học, vô tù, ra tù lại đi học và hoạt động cách mạng. Có thời gian rỗi thì đi dạy thêm để kiếm tiền nuôi mình và nuôi em, gánh đỡ nỗi vất vả cho mẹ và chị ở Huế. Rồi tháng 8-1961 anh đã bị địch bắt, bị kết án tử hình. Như vậy anh mất đến 15 năm nằm trong nhà lao Chí Hoà và Chuồng Cọp, hầm đá Côn Đảo, không hề thấy bóng phụ nữ. Đó là đoạn đời trẻ trung nhất, đoạn đời yêu đương mãnh liệt nhất của mỗi đời người. Khi anh ra tù thì đã “tứ tuần”. Dù thời gian ngặt nghèo như vậy, Lê Quang Vịnh cũng có những mối tình nồng ấm lắm, nhưng đầy nước mắt… Điều đặc biệt là người anh yêu (và yêu anh?) trong những mối tình ấy tên tuổi đều gắn với những sự kiện nổi tiếng, con người nổi tiếng với lịch sử cuộc kháng chiến. Đó là chị Quỳnh Như con của giáo sư Tôn Thất Dương Kỵ, chị Trần Thị Lý, cô gái anh hùng trong thơ Tố Hữu “Em là ai cô gái hay nàng tiên...” và chị Trần Thị Kim Khánh, em gái của anh Trần Trọng Tân, bạn tù Côn Đảo cùng Vịnh, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng. Những mối tình đó đan dệt, kết nối, luôn hiện hữu trong cuộc sống hàng ngày của Lê Quang Vịnh cho tới tận hôm nay. Anh rất ngại kể chuyện về những mối tình cũ của mình với tôi. Tôi nghĩ, có lẽ bởi có hiện diện hàng ngày bên anh người vợ thân yêu, luôn chung thuỷ yêu thương anh, hiểu anh, làm cho anh khó nói chăng? Nhưng thơ anh đã mách với tôi về những mối tình. Đặc biệt, chị TrầnThị Kim Khánh, vợ anh, là một người phụ nữ hiểu biết và cảm thông. Chị không hề ngại kể cho tôi những mẩu chuyện về những người con gái mà chồng mình quen thương thời trẻ. Câu chuyện nên chồng nên vợ của anh Vịnh, chị Khánh sẽ được kể ở đoạn sau. Còn phần này xin kể với bạn đọc ba mối tình mà Lê Quang Vịnh gọi là “tình yêu đơn phương” của mình thời đang hoạt động ở Sài Gòn.
Anh Lê Quang Vịnh bước vào tuổi 20 là một chàng trai cao ráo, đẹp trai, học giỏi. Anh tốt nghiệp thủ khoa khoa Toán Trường Đại học Sư phạm Sài Gòn, lại là giáo sư trường Petrus Ký, một trường hàng đầu ở miền Nam thời đó (trên cả trường Quốc Học Huế bấy giờ), lương rất cao. Đó là nghề nghiệp, danh tiếng, lương bổng, điều mà bất cứ chàng trai nào cũng mơ ước. Quan trọng hơn đối với phái đẹp, Lê Quang Vịnh là người hiểu biết rộng, lịch lãm, có nhiều biệt tài như viết văn, làm thơ, sáng tác ca khúc, nên tất nhiên rất nhiều cô gái cùng trang lứa để ý, thầm yêu trộm nhớ. Nhưng cuộc đời hoạt động cách mạng của anh đã không cho phép anh giao tiếp rộng rãi với nhiều người phái đẹp. Anh chỉ quen biết những người con gái gắn bó với công việc của mình. Và số phận tử tù của anh đã làm cho những mối tình đó thành những mối tình đớn đau, đẫm nước mắt...
Khi nghe tin giáo sư Lê Quang Vịnh và đồng đội bị Chính quyền Sài Gòn tuyên án tử hình, nữ thi sĩ Anh Thơ đã đọc báo và “nhặt” được một chi tiết rất đắt giá đăng trên báo lúc đó. Thế là bài thơ Dòng nước mắt ra đời. Bài thơ viết về tâm trạng của một cô gái có mặt trong phiên toà ngụy quyền Sài Gòn xử án Lê Quang Vịnh và “tiểu đội” của anh đêm 23 - 5 - 1962 ấy. Cô gái đứng lẫn trong số người đến dự phiên toà. Không ai để ý. Khi nghe bản án tử hình đối với Lê Quang Vịnh, cô gái đã khóc và không lau, để mặc cho dòng nước mắt lăn hoài trên má: Em không lau mặc cho dòng nước mắt Chảy dài, chảy mãi, chảy triền miên Nhìn anh đó, hiên ngang bất khuất Trán rạng ngời, mắt chói niềm tin! … Anh của em ơi người anh thi sĩ Những ý thơ nào ru thắm tình ta Những ý thơ nào ước mơ hạnh phúc Cho chúng mình, cho những đôi lứa vui ca… Gần 50 năm nay, không ai biết người con gái khóc vì “tình ta”, khóc vì Lê Quang Vịnh đó là ai. Tôi hỏi anh Vịnh nhiều lần. Có thể là chính anh cũng không thể nào biết được. Nhưng cuối cùng anh mới rụt rè tiết lộ: - Đó là cô Tuyết Ngọc. Năm đó Ngọc là một sinh viên, ở trong phong trào đấu tranh, là một “cơ sở” của mình. Khi phiên toà mở, Ngọc có đến dự, nhưng mình không nhìn thấy… - Thế làm sao anh biết đó là chị Tuyết Ngọc? - Chính Ngọc kể cho tôi. Sau giải phóng, tôi ra tù về lại Sài Gòn, Ngọc có đến thăm và cho tôi xem bài thơ mà Ngọc đã cắt trên báo và giữ từ mười lăm năm qua như một kỷ vật. Lúc gặp lại tôi, Ngọc cũng khóc ròng. Có thời gian Tuyết Ngọc làm Giám đốc nhà Văn hoá Thiếu nhi Thành phố Hồ Chí Minh. Bây giờ thì Ngọc đã về hưu rồi… - Anh có thể coi đó là một kỷ niệm về tình yêu? - Mình với Tuyết Ngọc cùng hoạt động nội thành, nhiều lần cùng nhau đi những chặng đường dài ra “cứ” họp. Chàng trai đi bên cô gái trẻ, ai mà chẳng rung động, xốn xang. Có lẽ Ngọc cũng có tình cảm riêng tư với mình, mà bài thơ của nữ sĩ Anh Thơ là một minh chứng, hay đó chỉ là những giọt nước mắt chảy vì tình đồng chí?
Vâng, cũng có thể đó vừa là tình yêu, vừa là tình đồng chí. Điều đáng tiếc là thời gian hoạt động nội thành đó, cấp trên quy định là không ai được “yêu đương lung tung”, vì sợ bị lộ tung tích, ảnh hưởng đến phong trào cách mạng. Nên dù có tình cảm riêng cũng không ai dám thổ lộ, bày tỏ. Vì thế mà chút tình cảm lứa đôi ấy mãi mãi chôn chặt trong lòng mỗi người! Khi học ở Huế cũng như khi vào Sài Gòn học đại học, Lê Quang Vịnh hay lui tới nhà của thầy Tôn Thất Dương Kỵ. Gia đình thầy Kỵ cũng coi Vịnh như người trong gia đình. Giáo sư Tôn Thất Dương Kỵ và bà Huệ Phương có tám người con. Năm gái, ba trai. Nam nữ gì cũng đều có chữ lót là Quỳnh: Quỳnh Diên, Quỳnh Đệ (con trai), Quỳnh Như, Quỳnh Trân, Quỳnh Diệu (con trai, liệt sĩ) Quỳnh Uyển, Quỳnh Trai, Quỳnh Chi... Tôn Nữ Quỳnh Diên đã vượt tuyến ra miền Bắc từ năm 1954. Vì là con một trí thức yêu nước, có tư tuởng chống Mỹ quyết liệt, nên tất cả các con của thầy Kỵ đều là tham gia phong trào đấu tranh chống Mỹ của tuổi trẻ Sài Gòn, và một số là “cơ sở” mật của Lê Quang Vịnh.
Tôn Nữ Quỳnh Như, tên gọi ở nhà là Ngọc, là một tiểu thư con nhà danh giá, lại xinh đẹp, đài các, biết ăn diện đúng mốt thời thượng. Quỳnh Như ước ao sau này sẽ trở thành một kiến trúc sư, nên sau này chị đã vào học Đại học Kiến Trúc Sài Gòn. Mỗi lần đến nhà thầy Dương Kỵ, Vịnh đều tìm cách gần gũi, nói chuyện với Quỳnh Như. Hai người rất tâm đầu ý hợp. Nhân có đợt học tập chính sách của Mặt trận Dân tộc Giải phóng, vào dịp Tết, Lê Quang Vịnh đã đưa Quỳnh Như ra căn cứ ở rừng Sở Ớt, Củ Chi cả tuần liền để học tập và để bồi dưỡng kết nạp Quỳnh Như vào Đoàn Thanh niên Lao động. Tết đó hai người ở lại ăn Tết trong căn cứ. Dù khi họp phải bịt hết mặt, chỉ trừ hai con mắt theo nguyên tắc giữ bí mật, nhưng tình cảm hai người đã nồng đượm lắm. Lê Quang Vịnh bảo Quỳnh Như là cô gái mà anh đã mơ được yêu thương. Ngày nào cũng muốn gặp Quỳnh Như. Qua ánh mắt, giọng nói, Vịnh biết Quỳnh Như cũng rất có cảm tình với mình. Nhưng anh cũng như Quỳnh Như chưa bao giờ thổ lộ, thề thốt với nhau điều gì. Sau này, để giữ niềm thương yêu kính trọng hương hồn người đã khuất, Lê Quang Vịnh vẫn thường bảo với mọi người: “Đó là mối tình đơn phương của mình”. Mối tình đơn phương ấy chỉ còn lại như một vết sẹo hằn trong tim Lê Quang Vịnh, khó mà nguôi ngoai được cùng năm tháng.
Ngay sau khi bị tuyên án tử hình, bị giam ở trong ngục tử hình của nhà lao Chí Hoà, Lê Quang Vịnh đã viết bài thơ “Thư gửi người yêu” rồi tìm cách gửi ra cho Quỳnh Như. Bài thơ như những lời trối trăng mãnh liệt gửi đến người thân yêu nhất trước khi ra pháp trường, bị hành hình trên máy chém: Em nhớ không ngày ấy còn trong năm sáu mốt Còn bão tố đầy trời miền Nam đau xót Trong một khu rừng hoa dại vàng tươi Ta đón xuân giải phóng với bao người Dù chẳng được nhìn nhau cho tận mặt Dù chẳng dám hát ca vì còn kia lũ giặc… …Em nhớ không em vân vê tà áo mới nông dân Màu quê hương cho em đẹp bội phần Đêm giao thừa mình nghe thơ Tố Hữu Nghe Bác Hồ chúc mừng xuân Tân Sửu… …Bên máy chém anh vẫn nhìn em bước Cùng nhân dân đất nước hé môi cười. Hình như gia đình ông bà Tôn Thất Dương Kỵ cũng biết mối tình của Lê Quang Vịnh với con gái mình, nên bao giờ cũng có ý vun vào. Khi Lê Quang Vịnh đã nằm trong Chuồng Cọp Côn Đảo, không biết lấy được địa chỉ Vịnh ở đâu, mà bà Huệ Phương, mẹ Quỳnh Như đã viết cho Vịnh cái thư gửi ra Côn Đảo. Mở thư ra, Vịnh biết ngay là thư bà Kỵ vì bà ký tên thời con gái là Huệ Phương, bức thư viết lóng để che mắt địch: “…đầu mùa hè năm ngoái, chi mai của con bị bứng đi trồng ở lồng Thừa Phủ, đến mùa đông thì chi mai của con bị trẩy trụi rồi đem nhốt vô cũi Ba Lòng. Giữa năm nay chi mai của con đã tháo cũi xổ lồng bay về rừng xanh núi biếc, phóng khoáng thênh thang…”. Lê Quang Vịnh đọc đi đọc lại bức thư mãi mới “dịch nghĩa” được là bà Kỵ báo tin chị Mai bị bắt năm 1965, rồi bị đày ra Ba Lòng. Năm 1966 đã vượt ngục thành công ra vùng giải phóng. Sau đó bà Huệ Phương còn viết cho Vịnh mấy lá thư nữa, đều gọi Vịnh là “con” rất ấm áp, thân tình.
Năm năm sau khi Lê Quang Vịnh bị bắt, năm 1966, Trần Quang Long, một nhà thơ nổi tiếng của phong trào “xuống đường” đấu tranh của sinh viên Huế, quê gốc làng gốm Bát Tràng, Hà Nội, sinh ra ở Huế, xuất hiện trong phong trào đấu tranh của sinh viên học sinh Sài Gòn - Gia Định. Trần Quang Long là chàng trai đa tình và làm thơ hay. Những ngày học lớp đệ nhất (lớp 12) ở Trường Quốc Học Huế, Long đã có những bài thơ học trò rất tinh tế: Sao em biết anh nhìn mà nghiêng nón… hay Bước nhẹ nghe em kẻo động vỡ tơ chiều. Năm 1962, Long thi vào lớp Việt Văn, Đại học sư phạm Huế. Nhưng chàng sinh viên này chẳng mấy chỉ thú học hành. Chỉ thích yêu đương, làm thơ và tranh đấu. Năm 1963, Long cùng sinh viên và Phật tử Huế đấu tranh chống chế độ Ngô Đình Diệm, anh bị bắt. Mãi cho đến khi Diệm bị giết, anh mới được tha tù. Năm 1964, tốt nghiệp Đại học, Long lại tham gia làm thơ, viết báo, lại bị bắt. Trần Quang Long có những câu thơ bốc lửa, găm vào trí nhớ thế hệ trẻ Việt
: Con sẽ vót nhọn chông thành thơ Xuyên vào tim lũ giặc…
Năm 1965, Trần Quang Long được đổi vào dạy học ở Trường trung học Cường Để, Quy Nhơn. Anh đã tổ chức cho cả ngàn sinh viên đi biểu tình và thành lập lực lượng “Bảo vệ Dân tộc Bình định” do anh làm chủ tịch. Cuộc đấu tranh của tuổi trẻ Quy Nhơn bị địch đàn áp dã man. Trong cuộc “xuống đường” ấy, có một học sinh đã cởi tấm áo của mình ra cho thầy Long đề bốn câu thơ, rồi tất cả học sinh đều ký vào tấm áo xung quanh bài thơ của thầy: Nghiến răng mà chịu sự đau Cười trong tiếng nấc hát làu Việt Nam Máu lai láng, áo rách nhàu Vẫn vui, vẫn hát, không sầu, không lo. Người giữ chiếc áo kỷ vậy ấy là ông Lương Quang Phúc (năm nay 66 tuổi, ở số nhà 71 - Thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định). Với ông Phúc, chiếc áo là dấu tích của một thời tuổi trẻ hào hùng không thể nào quên. Đầu năm 2007, ông Phúc đã trân trọng trao tặng tấm áo lịch sử ấy cho Bảo tàng Tổng hợp Bình Định. Thầy giáo Trần Quang Long bị đánh gãy chân và bị bắt giam ở bệnh viên quân đội ở Pleiku. Gia đình phải lo lót để cho anh ra tù. Ra tù Long đã chuyển vào Cần Thơ dạy học và trở thành Chủ tịch Hội sinh viên sáng tác Tổng hội sinh viên Sài Gòn, rồi Ủy viên Mặt trận Liên minh Dân tộc Dân chủ Sài Gòn. Ngày 11-10-1968, Trần Quang Long bị trúng bom B52, hy sinh ở “R”, căn cứ của Trung ương Cục Miền Nam ở rừng Tây Ninh. Sau này, nhà thơ Trần Quang Long đã được truy tôn là liệt sĩ. Tỉnh Thừa Thiên Huế đã lấy tên nhà thơ liệt sĩ Trần Quang Long đặt cho một đường phố ở Phường Tây Lộc.
Do tiếp xúc với thầy Tôn Thất Dương Kỵ, nên Long cũng gặp và yêu Quỳnh Như. Quỳnh Như lúc này đang là sinh viên Trường Kiến Trúc Sài Gòn. Đã sáu năm rồi, từ ngày Vịnh bị án tử hình, Quỳnh Như không biết được tin tức gì của Vịnh cả. Ai cũng tin là Vịnh đã bị giặc thủ tiêu. Thế là, đầu năm 1967, Quỳnh Như và Trần Quang Long làm lễ cưới. Sau Mậu Thân, địch phản công, Trần Quang Long thoát ra chiến khu. Địch bắt Quỳnh Như vào tù vì tội hoạt động chống chính quyền trong dịp Tết Mậu Thân. Quỳnh Như sinh con trai ở trong tù. Theo thư dặn của chồng, Quỳnh Như đặt tên con là Thắng, Trần Xuân Thắng. Một năm sau ra tù, chị mới biết tin chồng hy sinh. Quỳnh Như ở vậy nuôi con cho đến ngày giải phóng miền 30 - 4 - 1975. Mùa hạ năm 1971, ở trong Hầm Đá, Lê Quang Vịnh bất ngờ nhận được một lá thư của Quỳnh Như kèm theo bức hình và lá thư nhỏ có mấy dòng chữ mới tập viết của bé Sao (tức Trần Xuân Thắng), con Quỳnh Như, lúc này đã gần 4 tuổi. Lê Quang Vịnh bàng hoàng xúc động. Quỳnh Như hỏi thăm tình hình sức khoẻ Vịnh, khuyên anh cố gắng giữ gìn, rồi kể cuộc sống của mẹ con ở Sài Gòn. Quỳnh Như viết rằng, khi anh bị công an đưa về Sài Gòn sau Tết Mậu Thân em vẫn biết, nhưng không vào thăm anh đuợc… Lá thư vẫn được chị Khánh, vợ anh Vịnh lưu giữ cẩn thận, thư chữ viết li ti gần bốn trang giấy, nhưng đến hôm nay, đã hơn 36 năm vẫn đọc rất rõ. Tôi rất khâm phục trước việc chị Kim Khánh đã cất giữ, bảo quản những kỷ vật của chồng một cách kỹ càng như vậy. Đó cũng là phẩm chất của một phụ nữ có văn hoá cao. Chị Quỳnh Như hẹn trong thư rằng, lần này chỉ gửi ảnh của bé Sao, còn lần sau “em sẽ chụp tấm ảnh màu gửi cho anh, để anh biết em bây giờ ra sao!”. Sau đó anh Vịnh còn nhận được vài lá thư nữa của Quỳnh Như.
Tháng 5 - 1975, khi ra tù Côn Đảo, về lại Sài Gòn, Lê Quang Vịnh có tìm đến nhà thăm mẹ con Quỳnh Như. Chị vẫn đẹp như xưa. Nhưng đã rắn rỏi hơn, đằm thắm hơn nhiều lắm. Có lúc Quỳnh Như cố tình xin phép ra khỏi phòng để bé Sao lại. Bé Sao sà vào lòng anh Vịnh, nũng nịu: “Bác Vịnh ơi, Bác có thương Sao, thương mẹ Như của Sao không?”. Lê Quang Vịnh xúc động, vuốt tóc bé Sao, nói trong nước mắt: “Bác thương mẹ Như của Sao nhất. Khi bác xuống dưới đất rồi vẫn thương Sao, thương mẹ Như của Sao”. Khi Lê Quang Vịnh đến thăm gia đình ông bà Tôn Thất Dương Kỵ lần đầu tiên từ khi ra tù, cả hai ông bà đều xúc động, mừng rỡ. Thầy Kỵ ồm chầm lấy đứa học trò cưng của mình, tay thầy cứ sờ nắn bả vai, lưng, như kiểm tra xem bọn giặc tra tấn có làm mất đi cái xương nào của cậu học trò giỏi nhất của mình không. Bà Kỵ rớm rớm nước mắt, đứng ngây người nhìn người tử tù thân thương của mình đã trở về, như trong một giấc mơ. Mãi lâu bà mới nhớ ra, hối hả đi giục mọi người chuẩn bị cơm nước… Thầy Kỵ có lần nói với Vịnh: “Từ lâu vợ chồng thầy coi em thân thiết như người nhà. Bây giờ em đã thoát khỏi ngục tù, vợ chồng thầy mong em sẽ trở thành người nhà vĩnh viễn của gia đình thầy…”. Lê Quang Vịnh hiểu ý muốn bé Sao, hiểu ý của thầy Kỵ, anh suy nghĩ trăn trở bao đêm. Bây giờ nếu anh đồng ý, thì có thể Quỳnh Như sẽ “đi bước nữa”, sẽ “trở lại” với anh. Nhưng còn hương hồn nhà thơ Liệt sĩ Trần Quang Long thì sao? Hơn nữa lúc đó anh đã yêu chị Khánh...
Sau đó Lê Quang Vinh ra Hà Nội học trường Nguyễn Ái Quốc. Thời gian đó Quỳnh Như có lần ra Hà Nội thăm anh và cũng đã biết anh Vịnh đã cưới vợ. Hai năm sau, năm 1978, anh nghe tin chị Quỳnh Như mất vì bệnh xơ gan cổ trướng. Ôi, hình như hai người chưa được ông Tơ bà Nguyệt xe duyên, nên duyên tình chưa thể bén. Âu cũng là cái số “hồng nhan phận bạc” ở đời! Khi tôi viết những dòng này, đọc cho anh Vịnh nghe, anh ngậm ngùi bảo: “Có lẽ Ngô MInh không nên in vào sách chuyện này, vì Quỳnh Như đã không còn nữa!”. Nhưng tôi lại nghĩ, tình yêu của một tử tù nổi tiếng như Lê Quang Vịnh không còn là chuyện riêng tư hai người nữa, mà đã trở thành tài sản tình cảm, tâm linh của đất nước, của bao thế hệ người Việt Nam. Tôi tin hương hồn chị Quỳnh Như cũng chia sẻ những suy nghĩ của tôi…
Trong thời gian hoạt động trong phong trào học sinh sinh viên ở Sài Gòn những năm 1957 - 1961 của thế kỷ trước, Lê Quang Vịnh còn “quen biết” một người con gái nữa, rất nổi tiếng. Đó là chị Trần Thị Lý. Trần Thị Lý, người nữ chiến sĩ kiên cường của đất Sài Gòn trong bài thơ “Người con gái Việt ” của nhà thơ Tố Hữu: Em là ai? Cô gái hay nàng tiên Em có tuổi hay không có tuổi Mái tóc em đây, hay là mây là suối Đôi mắt em nhìn hay chớp lửa đêm dông Thịt da em hay là sắt là đồng?... Cuối năm 1958, khi đến thăm chị Trần Thị Lý đang điều trị viết thương do địch tra tấn, hành hạ, ở bệnh viện Việt Xô, nhà thơ Tố Hữu đã xúc động viết nên những câu thơ rất thật, rất thần: Cho tôi hôn bàn chân em lạnh ngắt Cho tôi nâng bàn tay em nắm chặt Ôi bàn tay như đôi lá còn xanh…”
Chị Trần Thị Lý quê ở Gò Nổi, Kỳ Lam, bên dòng sông Thu Bồn, Quảng
. Hồi đó chị hoạt động bí mật ở Sài Gòn, làm công tác giao liên của căn cứ Khu ủy Sài Gòn ở Củ Chi. Năm 1957, Lê Quang Vịnh vào Sài Gòn để học đại học, anh liền bắt mối tổ chức tham gia hoạt động công khai trong phong trào học sinh sinh viên. Trong một chuyến Lê Quang Vịnh đi họp, chị Trần Thị Lý là người giao liên dẫn đường. Thế là hai người quen biết nhau. Năm 1958, chị Trần Thị Lý bị địch bắt. Địch dùng đủ cực hình tra tấn vô cùng dã man đối với người con gái duyên dáng ấy “điện giật, dùi đâm, dao cắt, lửa nung”. Giam, tra tấn tàn bạo một thời gian, nhưng không đủ chứng cớ để buộc tội chị Lý, buộc cầm quyền Sài Gòn phải thả tự do cho chị. Chị được tổ chức bí mật đưa sang Nông-Pênh (Cămpuchia) rồi đi tàu bay ra Hà Nội chữa trị vết thương do địch tra tấn.
Chị Trần Thị Kim Khánh, vợ anh Vịnh đã gặp chị Lý ở Hà Nội năm 1975, tức là Trần Thị Lý 16 năm sau. Chị Khánh kể rằng, Chị Trần Thị Lý là một phụ nữ rất đẹp. Đúng như nhà thơ Tố Hữu mô tả “Em là ai cô gái hay nàng tiên…” trong thơ. Vừa đẹp lại vừa dịu dàng, nhân hậu”. Tuổi tứ tuần mà còn đẹp vậy, chắc lúc trẻ chị Lý là một thiếu nữ xinh đẹp mê hồn. Lê Quang Vịnh là một nhà thơ, máu thi sĩ làm sao mà không bị lay động trước một giai nhân như thế? Đã có một câu chuyện rất lãng mạn và rất thú vị về một bức ảnh của Lê Quang Vịnh chụp thời trai trẻ. Sau khi Lê Quang Vịnh và các đồng đội bị toà án ngụy quyền Sài Gòn tuyên án tử hình, các báo ở Hà Nội tới tấp đăng bài phản đối bản án, tố cáo ngụy quyền Sài Gòn đàn áp trí thức, sinh viên học sinh. Nhưng các báo đều không có một tấm ảnh nào của giáo sư Lê Quang Vịnh cả. May thay, lúc đó thủ tướng Phạm Văn Đồng mới nhớ ra là người nữ chiến sĩ Trần Thị Lý đang chữa bệnh ở Hà Nội đã có lần khoe với mình tấm ảnh Lê Quang Vịnh. Nhờ chị Lý giữ tấm ảnh, và nhờ trí nhớ tuyệt vời của bác Đồng, các báo đến chỗ chị Lý mượn ảnh. Nhờ đó, ảnh Lê Quang Vịnh mới được đăng lên báo, làm xúc động người đọc cả miền Bắc và trên thế giới. Trong bài “Chuyện một nhà giáo tử tù” của báo Giáo dục - Sáng tạo của Sở Giáo dục - Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh, Vi Ân viết: “Bức ảnh ấy là ảnh anh Vịnh chụp cuối những năm 50 thế kỷ trước để làm thẻ sinh viên. Một lần ra bưng họp, Lê Quang Vịnh có mang theo tập ảnh gia đình trong người, trong đó có bức ảnh ấy. Anh Vịnh có đưa cho các bạn gái trong bưng xem. Tấm ảnh đó đã bị (được?) một người “ém nhẹm” cho riêng mình mà anh không hay. Sau đó anh bị bắt…” (số báo ra ngày 4-5-2000). Câu chuyện đó có vẻ rất khách quan và đơn phương lắm.
Nhưng điều quan trọng là chị Trần Thị Lý khi ra chữa bệnh ở Hà Nội đã giữ khư khư tấm ảnh ấy như một báu bật của đời mình. Chị Lý đã có lần khoe với bác Phạm Văn Đồng và cả bác Tôn Đức Thắng rằng, người trong tấm ảnh là “Lê Quang Vịnh, là người yêu của cháu”. Trần Thị Lý đã đề vào sau bức ảnh kỷ niệm câu: “Chờ anh mãi mãi, âm thầm chờ anh - Đạo Tĩnh”. Đạo Tĩnh là biệt hiệu của Trần Thị Lý khi hoạt động ở Củ Chi. Thời gian chị đề câu ấy vào tấm ảnh là tháng 12-1963, lúc đó anh Lê Quang Vịnh bị xử tử hình đày ra Côn Đảo. Một người con gái, có thể yêu mê mệt một chàng trai nào đó, kể cả khi chưa hò hẹn. Dám đề câu “Chờ anh mãi mãi, âm thầm chờ anh”, chứng tỏ tình yêu kiên định dữ lắm. Đó chính là vẻ đẹp của một tâm hồn trong sáng, mãnh liệt, sự cao thượng của một tấm lòng. Anh Vịnh cho rằng, đây là “chuyện” đơn phương, tôi hoàn toàn không biết gì cả. Ngay cả chuyện tấm ảnh tôi có ở chị Lý tôi cũng không rõ chị có từ bao giờ! Thật là rắc rối! Dù vậy, khi nghe câu chuyện này, tôi vô cùng cảm kích, trân trọng và kính nể đối với chị Trần Thị Lý, người con gái đã có một tình cảm thiêng liêng cao quý ấy.
Sự tình còn nhiều hấp dẫn và xúc động. Sau khi thoát khỏi Chuồng Cọp Côn Đảo ngày 1-5-1975, Lê Quang Vịnh được bổ nhiệm làm phó giám đốc Sở Giáo dục Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh. Năm 1975, anh Vịnh được chọn trong đoàn 100 đại biểu tiêu biểu của nhân dân miền
ra thăm miền Bắc. Đây là một vinh dự lớn. Sau khi tham quan, gặp gỡ với các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Lê Quang Vịnh được mời nói chuyện về đề tài “Côn Đảo - hòn đảo địa ngục” tại cơ quan Ủy ban Trung ương Hội liên hiệp Thanh Niên Việt
. Cuộc nói chuyện do Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức, diễn ra tại Hội trường lớn của cơ quan Trung ương Đoàn. Hội trường chật ních trên hai ngàn người nghe. Trong số người đến dự nghe cuộc nói chuyện hôm đó có một người phụ nữ xinh đẹp. Đang nửa chừng, khi Ban tổ chức giới thiệu người nói chuyện hôm nay là “Giáo sư Lê Quang Vịnh, tử tù Côn Đảo vừa mới trở về”, người con gái ấy bỗng nhiên tái xám mặt mày, rồi ngất xỉu. Cuộc nói chuyện phải dừng lại. Ban tổ chức phải xin lỗi diễn giả Lê Quang Vịnh, rồi bế người con gái ra phía sau hậu trường, xoa dầu, bấm huyệt. Khi tỉnh lại, điều chị nói làm mọi người vô cùng ngạc nhiên: “Tôi là Trần Thị Lý và người nói chuyện là Lê Quang Vịnh, người yêu của tôi! Ôi, người yêu tôi đã về!”. Rồi chị lại ngất xỉu, nước mắt giàn giụa. Câu chuyện làm mọi người ngơ ngác, ngạc nhiên.
Đó là một “cú xốc tình cảm” lớn đối với Lê Quang Vịnh. Anh không ngờ mình gặp lại “người quen biết cũ”, trong lúc đã có vợ sắp cưới là Trần Thị Kim Khánh. Câu chuyện hi hữu đó xảy ra khi chị Lý đã yêu một người cháu của cụ Tôn Đức Thắng tên là Tuấn. Khi gặp lại tử tù Lê Quang Vịnh ở Hà Nội, thì chị đã xin lỗi người yêu rằng, chúng ta không thể tiếp tục yêu nhau được nữa! Oái oăm là chị Lý lúc đó lại đang nằm điều trị tại bệnh viện Việt Xô, ngay cạnh phòng mà anh Vịnh đang điều trị. Ngày nào anh Tuấn cũng bới cơm cháo đến cho chị Lý. Bên này, ngày nào chị Khánh cũng mang đồ ăn bồi dưỡng đến cho Lê Quang Vịnh. Thời gian này, tử tù Lê Quang Vịnh kiên gan suốt 15 năm trong lao tù ngục tối của địch, đã phải hoang mang bối rối trước chuyện rắc rối trong tình cảm con người. Anh đã có lần nói với chị Khánh rằng: “Thôi em đừng đến với anh nữa. Đàn bà rắc rối quá!”. Rồi anh lại viết cho Kim Khánh một lá thư dài, thanh minh, năn nỉ. Chị Trần Thị Kim Khánh rất yêu thương anh Vịnh, chị tâm sự: “Tôi đến với anh Lê Quang Vịnh cũng gần giống như Thaia đến với Paven Corsaghin trong tiểu thuyết “Thép đã tôi thế đấy” của nhà văn Xô Viết N.Ốxtơrốpxki - vì yêu thương, kính trọng, khâm phục chàng trai đã vượt qua quá nhiều thử thách, cam go, đã được trui rèn như thép tôi trong lửa, đã bị mù cả hai mắt, bại liệt cả hai chân, mà Thaia đã tự nguyện kết bạn đời, và chấp nhận đẩy xe lăn chăm sóc Paven trọn đời. Những người mà anh Vịnh thương, hay thương anh Vịnh trước đây sao tôi thấy nó na ná như những mối tình rất lãng mạn giữa Paven với Tônhia, với nữ chính uỷ Rita làm vậy…”.
Mối tình nồng nàn Lê Quang Vịnh - Trần Thị Kinh Khánh đã hoá giải được tất cả những rắc rối do thời gian và lịch sử để lại của thời “hậu chiến”. Nghe những câu chuyện ấy, anh Vịnh nhỏ nhẹ nói với tôi: “Đó chỉ là tình yêu đơn phương ấy mà”. Sau đám cưới Vịnh - Khánh, trước khi đi chữa bệnh ở Đức, chị Trần Thị Lý đã gặp chị Khánh ở bệnh viện, nắm tay thân tình, rưng rưng nước mắt nói: “Thôi chị đi đường chị, em nhớ chăm sóc anh Vịnh cho tốt nhá ”. Chị Lý sau đó vẫn lấy anh Tuấn cháu họ Bác Tôn Đức Thắng. Khi Đà Nẵng thành lập trường đại học, anh là giảng viên Đại học Bách Khoa Đà Nẵng. Anh Tuấn cũng rất yêu thương chị Lý. Vì tình yêu, anh đã làm hết sức mình để chị thanh thản yên tâm chữa bệnh. Chuyện bức ảnh, chuyện chị Lý ngất xỉu tại cuộc nói chuyện của anh Vịnh về Côn Đảo, anh Tuấn đều biết hết, nhưng anh điềm đạm không nói gì. Anh Tuấn vẫn kiên nhẫn chờ đợi chị Lý lành bệnh. Hai anh chị cưới nhau và có một đứa con gái. Năm 1992, chị mất vì bệnh cũ tái phát ở thành phố Đà Nẵng.
Tình yêu là chuyện riêng của trái tim mỗi người, nhưng nó cũng là chuyện của đất nước một thời. Thời của một thế hệ tuổi trẻ Việt
đã hy sinh hạnh phúc riêng tư, dấn thân vì sự nghiệp thống nhất Tổ Quốc. N.M
(nguồn: TCSH số 222 - 08 - 2007)
|