Tác giả-tác phẩm
Danh xưng một tuyển thơ
15:44 | 28/10/2008
PHẠM XUÂN NGUYÊNTrong Ngày Thơ Việt vừa qua, một tuyển tập thơ “nặng hàng trăm năm” đã được đặt trang trọng tại Văn Miếu Quốc Tử Giám Hà Nội. Rất nhiều những bài thơ xứng đáng với danh xưng hay nhất thế kỷ XX đã “biện lý do” vắng mặt, và ngược lại. Đấy là một trong nhiều sự thật được đa phần dư luận kiểm chứng. Cũng là một góc nhìn khá rõ nét, Sông Hương xin giới thiệu ba bài viết của Phạm Xuân Nguyên, Nguyễn Hữu Qúy và Phước Giang về tuyển tập thơ “nặng ký” trên.


Ngày thơ Việt Nam lần thứ 5 (2007) báo chí đưa tin: Cuộc thi tuyển chọn 100 bài thơ Việt Nam hay nhất thế kỷ XX do Trung tâm Văn hóa doanh nhân và Nhà xuất bản Giáo Dục phối hợp tổ chức trong hai năm đã kết thúc. Buổi lễ tổng kết cuộc thi này đã diễn ra vào đêm Nguyên Tiêu tại Văn Miếu (Hà Nội) và truyền hình trực tiếp trên VTV1. Danh sách 100 bài thơ được tuyển chọn đã được công bố và in thành sách. Tôi có đôi điều bàn về danh xưng của sự tuyển chọn này.

1. Trước hết là danh xưng “Việt ” trong tên gọi cuộc thi tuyển chọn. Chúng ta hiểu thơ Việt thế kỷ XX là của người Việt làm ra dù ở bất cứ đâu, trong bất cứ thời điểm nào của trăm năm vừa qua. Ban tổ chức cuộc thi không hạn định không gian địa lý vùng miền của hai tiếng “Việt Nam” này, cho nên thơ chọn ở đây phải được hiểu là tất cả thơ của người Việt sáng tác trong thế kỷ XX ở trên lãnh thổ Việt Nam và ngoài lãnh thổ Việt Nam, làm ra trong thời kỳ đất nước thuộc địa và đất nước độc lập, đất nước phân chia và đất nước thống nhất. Nhìn vào danh sách 100 bài thơ được tuyển chọn ta không thấy điều này. Danh xưng “Việt ” ở đây đã bị thu hẹp rất nhiều. Như vậy là danh không chính.

2. Trong 100 bài thơ được chọn thì 99 bài là thơ tiếng Việt, 1 bài là thơ tiếng Hán. Không biết khi tiến hành cuộc thi, ban tổ chức có định nghĩa thơ Việt Nam thế kỷ XX là thơ do người Việt viết bằng tiếng Việt và bằng tiếng nước ngoài hay không. Tôi tin là không có quy định đó vì nếu đề ra là bất khả thi. Mà đã không có thì sự tuyển chọn một bài này đã là phạm quy, phạm luật thơ. Và là sự bất nhất. Bất nhất giữa tiếng Việt và tiếng ngoại quốc. Bất nhất giữa lãnh tụ và thi nhân. Bất nhất giữa chính trị và thơ ca. Sự bất nhất này còn bị đẩy lên khi bài đó phá trật tự bảng chữ cái tên tác giả để đứng đầu danh sách. Thơ ca đòi hỏi được đối xử với tư cách thơ ca. Nhà thơ Hồ Chí Minh có thể có bài được chọn, nhưng không phải là bài chữ Hán, và đứng tên trong danh sách theo đúng thứ tự tên mình. Danh như vậy cũng là không chính.

3. Giả sử hai điều danh trên đây là chính, tức là tiêu chí tuyển chọn 100 bài thơ Việt Nam hay nhất thế kỷ XX là: 1) thơ của người Việt làm ra dù ở bất cứ đâu, trong bất cứ thời điểm nào của trăm năm vừa qua; và 2) thơ do người Việt viết bằng tiếng Việt và bằng tiếng nước ngoài, thì những người tham gia cuộc thi, và cả ban tổ chức, sẽ không thể có đầy đủ dữ liệu cho sự tuyển chọn của mình. Hoàn cảnh lịch sử của Việt một trăm năm qua cho đến bây giờ chưa có điều kiện cho người đọc thơ được tiếp cận nhiều nguồn thơ của người Việt đến từ nhiều phía khác nhau. Cho nên dễ hiểu là trong 100 bài thơ được chọn thì chủ yếu là của các tác giả trước 1945 và sau 1975, và số lượng chính là các tác giả ở miền Bắc. Nhìn vào kết quả tuyển chọn thì có thể đoán biết thành phần người dự thi và phạm vi đọc của họ. Nhưng đó không phải lỗi của họ.

4. Trong văn học nghệ thuật, ý kiến của công chúng là quan trọng nhưng không phải quyết định. Tại các liên hoan nghệ thuật, giải của khán thính giả bầu chọn không thể thay thế giải của ban giám khảo. Ban giám khảo là giới chuyên môn, là những người có thẩm quyền và trình độ để bình chọn và bảo đảm cho chất lượng sự bình chọn đó bằng thẩm quyền và trình độ của mình. Như gần đây báo chí vừa đưa tin 20 tiểu thuyết hay nhất mọi thời đại của thế giới là được bình chọn bởi một hội đồng thẩm định gồm 125 trí thức của nhiều nước do Italia đứng ra tổ chức. Cố nhiên, mọi sự bình chọn đều không tránh khỏi phiến diện, chủ quan, nhưng sai số của giới chuyên môn có thể ở mức thấp nhất. Ở Mỹ, có đại tuyển tập Những bài thơ cho thiên niên kỷ (Poems for the Millennium) tập hợp 350 nhà thơ thế kỷ XX do Jerome Rothenberg and Pierre Joris tuyển chọn. Cũng ở Mỹ, từ 1988 hàng năm có tuyển thơ Mỹ hay nhất trong năm (Best American Poetry), mỗi năm do một nhà thơ đứng ra tuyển chọn, và mỗi tập nhất thiết phải có bài giới thiệu của người tuyển chọn nói rõ quan điểm và nhận định của mình về thơ trong năm.
Cuộc tuyển chọn 100 bài thơ Việt hay nhất thế kỷ XX, như kết quả cho thấy, là cuộc tuyển chọn của một bộ phận công chúng. Và như vậy, cùng với những điều trên, thơ được gọi là “hay nhất” trong tập này chỉ là tương đối ở cuộc này mà thôi, theo cách làm này mà thôi. Nhưng để gọi là “thơ Việt hay nhất thế kỷ XX” thì là thậm xưng, là vội vã và tùy tiện.

5. Các nhà thơ có tác phẩm được chọn ở đây có niềm vui của họ. Họ không dự phần trách nhiệm vào một cuộc tuyển chọn mà danh xưng chưa chính như cuộc này, dù có thể có người lương tâm áy náy và băn khoăn khi đặt mình trong tương quan thơ Việt nói chung thế kỷ XX. Tôi tôn trọng các nhà thơ. Tôi tôn trọng những bình chọn của công chúng trong phạm vi khả năng đọc của họ. Họ không có nhiều lựa chọn. Cả nền thơ Việt miền thời kỳ 1954 - 1975 họ chưa biết. Cả nền thơ Việt hải ngoại từ 1975 họ chưa biết. Cả một bộ phận thơ chìm bóng lâu nay họ chưa biết. Ai cũng rõ là càng nhiều khả năng lựa chọn thì càng khó lựa chọn. Điều chưa thỏa đáng ở đây là ở ban tổ chức. Họ có ý tốt đối với thơ Việt, nhưng kết quả chưa được như điều họ muốn. Thay vì có thể gây ngộ nhận và hiểu nhầm bằng tên gọi to tát mà danh chưa xứng với thực, họ hãy gọi đúng tên nó là một cuộc thi và danh sách đưa ra là kết quả của cuộc thi đó. Tập thơ chọn in ra cũng nên đề rõ như vậy. Điều đáng buồn là ngay từ đêm Nguyên Tiêu ấn tượng để lại cho người yêu thơ về cuộc này là... phản thơ.
                                                 Hà Nội 8/3/2007
P.X.N

(nguồn: TCSH số 218 - 04 - 2007)

 

Các bài mới
Các bài đã đăng