MAI VĂN HOAN
Trần Nhân Tông sinh năm 1258, lên ngôi năm 1279. Vừa mới lên ngôi, chàng trai 21 tuổi đã phải đối mặt với âm mưu thôn tính nước ta lần thứ hai của giặc Nguyên Mông.
Đánh bại quân Nguyên Mông công đầu thuộc về hai cha con Trần Thánh Tông và Trần Nhân Tông trong việc huy động sức mạnh toàn dân, lựa chọn được các vị tướng tài như Trần Quốc Tuấn, Phạm Ngũ Lão, Trần Quang Khải… Khi đất nước sạch bóng quân thù, Trần Nhân Tông rất chú trọng đến công việc khuyến nông. Ông luôn luôn nhắc các thuộc hạ phải biết thương yêu dân chúng. Năm 1293 (lúc mới 35 tuổi), ông nhường ngôi cho con là Trần Anh Tông, dành toàn bộ thời gian đi chu du khắp nước tìm hiểu cuộc sống của dân. Năm 1298, ông xuống tóc, lên tu ở chùa Yên Tử và trở thành Thủy tổ của Thiền phái Trúc Lâm. Trần Nhân Tông không chỉ là một vị vua anh minh, một anh hùng dân tộc, một nhà văn hóa lớn (nhà nước đang lập hồ sơ để ông được công nhận Danh nhân văn hóa thế giới), ông còn là một nhà thơ có bản sắc riêng, có phong vị riêng. Thơ ông thấm nhuần chất thiền, thấm nhuần triết lý sâu xa của tư tưởng Phật giáo.
Nguồn gốc thơ Thiền là những bài kệ dùng để ca tụng, tán dương, khẳng định giáo lý; truyền bá kinh nghiệm, tâm pháp cho các Phật tử. Nhưng kệ không phải là thơ. Thơ phải được viết bằng cảm xúc, phải được thể hiện bằng hình tượng nghệ thuật. Dẫu có nhiều quan niệm khác nhau về thơ Thiền, nhưng tất cả đều giống nhau ở chỗ tác giả bộc lộ tư tưởng, tình cảm của mình theo quan niệm Phật giáo. Thơ Thiền không chỉ dành riêng cho giới tu hành mà cho tất cả những ai chịu ảnh hưởng sâu sắc giáo lý đạo Phật. Trần Nhân Tông đã từng đi thuyết pháp nhiều nơi. Giáo lý của phái Trúc Lâm do ông khởi xướng không kêu gọi tín đồ rời bỏ cuộc sống trần tục, không ép xác khổ hạnh. Qua thơ ông, người đọc thấy được sự hiện diện của một người mang trong mình tư tưởng “cư trần lạc đạo”: Cư trần lạc đạo thả tùy duyên/ Cơ tắc xa hề khốn tắc miên/ Gia trung hữu bảo hưu tầm mịch/ Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền (Ở đời vui đạo hãy tùy duyên/ Đói cứ ăn đi, mệt ngủ liền/ Có báu trong nhà thôi khỏi kiếm/ Vô tâm đối cảnh hỏi chi thiền). “Tùy duyên” ở đây có nghĩa là thuận theo sự biến đổi của hoàn cảnh. Người Việt hay nói duyên nợ, duyên kiếp, duyên phận, duyên số… Cái duyên nó tự đến ngoài ý muốn con người theo một quy luật hết sức huyền bí. Giác ngộ được điều đó con người mới sống thanh thản, thoải mái, vui vẻ. Trần Nhân Tông cũng nhờ ngộ ra điều đó nên ông vừa theo đời (tùy duyên) nhưng không bị đời chi phối, điều khiển. Ông sống ung dung, tự tại: cảm thấy đói thì ăn, cảm thấy mệt thì ngủ, không tự gò ép mình. Người đời thường ăn không ngon, ngủ không yên chỉ vì lo nghĩ quá nhiều thứ: tiền tài, chức tước, danh vọng, tình ái… Phải biết kiềm chế tham, sân, si mới “lạc đạo” được. Trong Truyện Kiều có câu “thiện căn ở tại lòng ta” (cái thiện, cái tốt đẹp có sẵn trong tâm mỗi người). Trần Nhân Tông nói một cách hình tượng: của quý có sẵn trong nhà chẳng cần phải khổ công tìm kiếm đâu xa. Người đời không phải ai cũng thức ngộ được cái điều tưởng như vô cùng giản dị ấy. Chiêm ngưỡng cảnh đẹp thiên nhiên (đối cảnh) với một trạng thái an nhiên (vô tâm), theo ông chính là Thiền! Quan niệm này là “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt toàn bộ thơ chữ Hán của ông.
Ta thử tìm hiểu bài Xuân cảnh: Dương liễu hoa thâm điểu ngữ trì/ Họa đường thiềm ảnh mộ vân phi/ Khách lai bất vấn nhân gian sự/ Cộng ỷ lan can khán thúy vi (Dương liễu đầy hoa, vẳng chim ca/ Mây chiều lướt bóng trước hiên nhà/ Sự đời dâu bể khách không hỏi/ Cùng tựa lan can ngắm trời xa). Chim không hót “vang trời” như trong thơ Thanh Hải mà hót một cách khoan thai, chậm rãi (điểu ngữ trì). Mây chiều không vướng nỗi buồn “cô vân mạn mạn độ thiên không” (bài thơ Mộ của Hồ Chí Minh), mà chỉ lướt nhẹ và in bóng trước hiên nhà. Khách và chủ cũng không băn khoăn tiếc nuối, thương cảm như Hàn Mặc Tử trong Mùa xuân chín: “Chị ấy năm nay còn gánh thóc/ Dọc bờ sông trắng nắng chang chang” mà cùng nhau thanh thản ngắm nhìn màu xanh vi diệu của đất trời (khán thúy vi). Để có cái tâm thế an nhiên vô ưu ấy, ông đã dày công xây dựng một “nền thái bình vững chắc”, phải trải qua những năm tháng khổ luyện tu hành.
Tư tưởng “cư trần lạc đạo” còn được thể hiện khá rõ trong những bài thơ viết về trăng của Trần Nhân Tông. Vào một đêm xuân, ông trèo lên Bảo đài sơn ngắm trăng. Người đời khi “đăng cao” thường mang nhiều tâm trạng: Vạn lý bi thu thường tác khách/ Bách niên đa bệnh độc đăng đài (Đỗ Phủ). Với Lý Bạch, những đêm trăng sáng là những đêm nhớ nhà, nhớ quê da diết: Cử đầu vọng minh nguyệt/ Đê đầu tư cố hương (Tĩnh dạ tư), còn Trần Nhân Tông thì lên Bảo đài sơn, đứng tựa lan can, tay nâng sáo ngọc và ngực tràn đầy ánh trăng (Ỷ lan hoành ngọc trúc/ Minh nguyệt mãn hung khâm). Thật là thảnh thơi! Thật là yêu đời! Thật là lãng mạn!
Bài thơ nổi tiếng nhất, thấm nhuần chất thiền nhất của Trần Nhân Tông là bài Thiên Trường vãn vọng: Thôn hậu thôn tiền đạm tự yên/ Bán vô bán hữu tịch dương biên/ Mục đồng địch lý ngưu quy tận/ Bạch lộ song song phi hạ điền. Đây là tác phẩm đã được nhiều người quan tâm phân tích, bình phẩm. Thiên Trường vãn vọng có nhiều điểm giống với Chiều hôm nhớ nhà của Bà Huyện Thanh Quan. Cũng bóng chiều bảng lảng sương khói, cũng lũ trẻ ngồi trên lưng trâu thổi sáo từ cánh đồng trở về thôn mạc… Nhưng Trần Nhân Tông và Bà Huyện Thanh Quan lại đặt chúng trong hai khung cảnh khác nhau. Trong Chiều hôm nhớ nhà là cảnh “ngàn mai gió cuốn”, “dặm liễu sương sa”, còn trong Thiên Trường vãn vọng là cảnh “cò trắng từng đôi lượn xuống đồng” (Bạch lộ song song phi hạ điền). Có bản dịch “liệng xuống đồng”, theo tôi là hơi nặng, “lượn” nhẹ nhàng hơn, thanh thoát hơn, phù hợp với chất thiền của thơ Trần Nhân Tông hơn. Đứng trước cảnh hoàng hôn một người cảm thấy lẻ loi, đơn chiếc “lấy ai mà kể nỗi hàn ôn”; một người thì an nhiên tận hưởng cuộc sống yên bình. Những so sánh ở trên chỉ với mục đích là làm nổi bật nét khác biệt giữa thơ Thiền Trần Nhân Tông với thơ Lý Bạch, Đỗ Phủ, Nguyễn Du, Bà Huyện Thanh Quan, Hồ Chí Minh, Hàn Mặc Tử, Thanh Hải…
Suy ngẫm về thơ Thiền Trần Nhân Tông không chỉ giúp chúng ta hiểu được cốt cách, phong thái, tâm hồn của tác giả mà còn giúp cho chúng ta sống tự tin hơn, lạc quan yêu đời hơn, an nhiên tự tại hơn. Thơ Thiền hay thơ Đời đều có những ý vị riêng, bổ sung cho nhau làm phong phú thêm kho tàng thơ ca nước nhà.
M.V.H
(SH279/5-12)