Tác giả-tác phẩm
Những vấn đề xã hội trong tiểu thuyết "Những cánh cửa đã mở" của Nguyễn Khắc Phê
15:20 | 07/06/2012

PHAN NGỌC THU

Từ sau năm 1975, văn học nước ta nói chung, văn xuôi nói riêng đã có nhiều chuyển biến trong cách tiếp cận với đời sống và ngày càng có xu hướng quan tâm hơn đến những vấn đề thuộc về chiều sâu của giá trị con người.

Những vấn đề xã hội trong tiểu thuyết "Những cánh cửa đã mở" của Nguyễn Khắc Phê
Nhà văn Nguyễn Khắc Phê và tiểu thuyết "Những cánh cửa đã mở" - NXB Thuận Hóa Huế 1985

Dù viết về lĩnh vực nào, những tác phẩm thực sự gây được chú ý của dư luận, phần lớn đều là những tác phẩm không chỉ dừng lại ở cảm hứng ngợi ca, mà còn đưa người đọc vào dòng đời sôi sục, cổ vũ họ tham gia tích cực vào cuộc đấu tranh cải tạo xã hội.

Trong đà chuyển biến ấy, từ những sáng tác viết về đề tài công nhân trên mặt trận giao thông vận tải thời chống Mỹ, cái nhìn nghệ thuật khá nhiều vẻ của Nguyễn Khắc Phê đã có những đóng góp đáng ghi nhận. Lần này, với tiểu thuyết "Những cánh cửa đã mở" vừa ra đời, ngòi bút cần mẫn của anh lại tiếp tục đi sâu tìm hiểu, khám phá thêm những bình diện mới của hiện thực, đặt ra những vấn đề xã hội có ý nghĩa rộng lớn hơn.

Hơn 500 trang sách, với gần 40 nhân vật, cuốn tiểu thuyết kể lại những câu chuyện xung quanh việc làm một số công trình thủy lợi ở một tỉnh miền Trung vào những năm cuối cuộc chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ ở miền Bắc và những năm đầu sau ngày miền Nam giải phóng. Cái tỉnh miền Trung trong tác phẩm, trở thành bức tranh thu nhỏ cuộc đấu tranh vô cùng phức tạp và quyết liệt không chỉ giữa con người với hậu quả chiến tranh nặng nề, với thiên nhiên khắc nghiệt mà còn với cả hàng loạt hiện tượng tiêu cực đầy rẫy và tồn tại dai dẳng trên đất nước ta trong chặng đường đầu tiên khi bước vào thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Bối cảnh ấy đặt ra hàng loạt vấn đề đòi hỏi những ngòi bút có trách nhiệm tham gia phản ánh, lý giải. Nguyễn Khắc Phê đã đặt biệt quan tâm đến mối quan hệ giữa xã hội với việc hình thành và phát triển nhân cách của con người mới trong chế độ mới của chúng ta. Với cái nhìn hiện thực khá sắc sảo và giàu sức phát hiện, tác giả đã xây dựng được trong tác phẩm một thế giới nhân vật vừa phong phú sinh động vừa mang được ý nghĩa khái quát và chiều sâu của tính vấn đề.

Quen thuộc với Nguyễn Khắc Phê là những con người và cảnh vật trên dải đất miền Trung nhưng có lẽ sở trường của anh là xây dựng những nhân vật trí thức. Còn nhớ trong "Đường giáp mặt trận", "Chỗ đứng người kỹ sư", "Miền xa kêu gọi" hình ảnh những người kỹ sư, cán bộ kỹ thuật cầu đường đã để lại ấn tượng khá sâu trong người đọc. Anh ký thác tâm sự và viết về họ như chính về bản thân mình. Phát huy thế mạnh ấy, từ "Những con đường" đến với "Những dòng sông" tiểu thuyết "Những cánh cửa đã mở" lại có thêm nhiều nhân vật kỹ sư thủy lợi... đáng nhớ.

Trung - nhân vật trung tâm và cũng là nhân vật điển hình tích cực tiêu biểu nhất của tác phẩm. Anh là người đã sáng chế công trình thủy lợi Thanh Long, bằng một hệ thống cửa "mở cánh tự do" làm đập ngăn mặn, trên dòng sông chảy ngang qua thành phố. Công trình được đánh giá cao, anh được đi dự hội nghị sáng kiến toàn quốc ở Hà Nội. Nhưng để đến được với thành công ấy, anh đã phải trải qua biết bao chặng đường gian khổ đầy sóng gió. Thuật lại quá trình đấu tranh thẳng thắn của Trung với những quyết định sai trái của một số cán bộ lãnh đạo địa phương và cả giáo sư Khoan Viện trưởng qua các vụ sông Đào, Hòa Ninh đến Kênh Bắc, tác phẩm đã làm nổi bật nét bền vững và nhất quán trong tính cách đạo đức của anh là sự trung thực và lòng can đảm. Chính phẩm chất ấy đã giúp Trung đứng vững cả khi cuộc sống đặt ra những sự "lựa chọn" đầy éo le thử thách. Chẳng hạn lúc Diêu định chọn anh làm "vệ tinh" và sắp đặt gả con gái là Hồng cho anh; hoặc lúc có quyết định đi B giáo sư Khoan khuyên anh ở lại đi nghiên cứu sinh, còn Lan thì níu kéo... Nếu chiều theo là Trung sẽ "được" tất cả: "địa vị", "người yêu" "tiền" và "đồ" như không ít kẻ ham muốn, nhưng anh đã từ chối vì không thể bỏ mất nhân cách và bản lĩnh của mình. Có thể đôi lúc Trung còn nông nổi, song điều đáng quý là bao giờ anh cũng sống hết lòng mình, nhiệt tình với khoa học, trung thực, chân thành trong tình bạn và tình yêu, không biết che dấu thái độ phẫn nộ khi thấy điều sai trái, giàu sức suy nghĩ và sáng tạo, sẵn sàng giúp đỡ mọi người. Những nét tính cách ấy của Trung đã ảnh hưởng rất lớn đến những người xung quanh. Giáo sư Khoan đã phải suy nghĩ và lấy làm hổ thẹn vì kiểu sống "ngậm miệng ăn tiền" của mình khi về công tác ở các địa phương. Hồng qua Trung đã nhận ra nhân cách ươn hèn của bản thân và cô đau đớn day dứt vì mất Trung cũng chính là cô đã đánh mất bản lĩnh, nhân cách của chính mình. Toàn không thể sống như cũ mà phải đổi thay. Phú, Mai, Yên vốn là những "tâm hồn khép kín" có không ít mặc cảm với cách mạng nhưng cũng bị cuốn hút để thực sự đến với cuộc sống mới. Có thể nói Trung là hình ảnh đầy sức hấp dẫn của người trí thức biết sống dũng cảm luôn tắm mình giữa dòng thác của cuộc đời. Sức mạnh cảm hóa của Trung là sức mạnh cải tạo của con người mới đối với hoàn cảnh xã hội. Việc chỉ ra cội nguồn của sức mạnh ấy từ tình yêu sâu nặng của Trung đối với quê hương, từ nhiệt tình trong sáng của anh đối với với lý tưởng, từ cái nhìn đầy tin yêu vào bản chất tốt đẹp của con người, đã tạo nên chiều sâu của đời sống nhân vật và của tác phẩm.

Nến Trung là nhân vật lý tưởng thì Toàn là điển hình của một quá trình đấu tranh tự vượt mình để hoàn thiện nhân cách.

Khác với Trung, cuộc đời kỹ sư Toàn suôn sẻ, thuận chiều. Với gia đình, anh sống hạnh phúc đầm ấm; với công việc Toàn cũng là kỹ sư vừa giỏi lý thuyết vừa giỏi thực hành lại có kinh nghiệm thi công, đang là trưởng phòng qui hoạch, ghế phó ty sắp sẳn chờ anh. Nhưng chính nếp sống "thuận chiều" ấy làm cho anh chưa hề nghĩ mình có lúc phải sống khác đi. Anh đã quen với "cái hình ảnh cả rừng cánh tay dơ thẳng - cả trăm miệng cùng hô "đồng ý, nhất trí" ở hầu hết những cuộc họp, thực là đẹp đẽ và đầy sức mạnh" (trang 75) do đó anh sinh e ngại góp ý kiến riêng của mình khi thấy nhiều người đã biểu quyết. Toàn đã quên rằng cuộc sống còn có những nghịch lý của nó và trong khoa học nhiều khi chân lý chưa hẳn đã thuộc về số đông hay kẻ có uy quyền. Dần dần va chạm với thực tế, nhất là trước thái độ và hành động can đảm của Trung, Toàn đã phải day dứt suy nghĩ: "Chẳng lẽ ý thức đảng viên lại làm mình mất tự do, trở nên nhút nhát?". Lương tâm của người trí thức chân chính, tinh thần trách nhiệm và tính chiến đấu của người đảng viên thức dậy. Hình ảnh Toàn đứng dậy trong cuộc học tập nghị quyết tự phê phán mình và vạch ra sai lầm của người khác đánh dấu một bước đổi mới và trưởng thành của nhân cách một con người. Hình ảnh Toàn một mình trong đêm mưa bão chạy băng qua các triền đồi để gọi xe ủi mở tràn cấp cứu cho đập Khe Lau là một hình ảnh đẹp.

Có thể nói, quá trình phát triển tính cách của Toàn là quá trình vật lộn với chính mình để chiến thắng thói quen, đổi mới cách sống. Quá trình ấy gợi người đọc suy nghĩ về vấn đề trách nhiệm của xã hội, của các đoàn thể đối với việc giáo dục con người. Đó là vấn đề phải làm sao để mỗi người được phát huy hết năng lực chủ động sáng tạo của mình, đúng như bản chất tốt đẹp của chế độ xã hội chúng ta đang xây dựng.

Quan tâm đến vấn đề nhân cách của con người trong xã hội mới, không thể tách rời với cuộc đấu tranh chống các hiện tượng tiêu cực - đang là mặt trận nóng bỏng trong đời sống chúng ta hiện nay. Xuất phát từ quan niệm: "Chừng nào văn nghệ còn phản ánh cuộc sống trong sự vận động phát triển của nó, chừng đó văn nghệ còn đề cập đến những hiện tượng, những nhân vật tiêu cực", tiểu thuyết "Những cánh cửa đã mở" của Nguyễn Khắc Phê cũng đã mạnh dạn lên án những thói xấu và vạch ra những căn bệnh đang là vấn đề quan tâm của xã hội.

Nhân vật Thân trong tác phẩm là một điển hình cho loại trí thức cơ hội, tham danh vọng. Vốn là một kỹ sư có ít nhiều năng lực, Thân cũng đã có những ngày sống đẹp hết mình, nhưng sau một vài lần đụng chạm với "lãnh đạo" anh ta "khôn" ra và rút kinh nghiệm bằng cách sống lựa theo chiều gió. Là cán bộ khoa học, Thân đã táng tận lương tâm đến mức lợi dụng sự dốt nát của người khác, làm ra những luận chứng kinh tế kỹ thuật tùy tiện mà ngay khi làm đã có ý nghĩ: nếu công trình bỏ dỡ thì đổ lỗi cho khách quan. Là con người, Thân sẵn sàng dẫm đạp lên tình bạn để thực hiện một ý đồ cá nhân, thậm chí đến gây cả tội ác. Bằng cách len lỏi ấy, anh ta đã "được" tất cả như ý muốn: được lấy con gái phó Chủ tịch tỉnh, được địa vị, được sống nhà cao cửa rộng, nhưng cái quí nhất của một con người: bản lĩnh, tài năng và danh dự thì anh ta đã đánh mất. Nếu gọi Thân thuộc hạng người có nhân cách thấp hèn có lẽ cũng chưa đủ, mà Thân còn là hình tượng có ý nghĩa điển hình cho sự suy sụp thảm hại của một nhân cách. Thành công của tác giả khi xây dựng nhân vật Thân là ở chỗ, anh không chỉ phê phán mà còn cho người đọc thấy được chủ nghĩa cơ hội đã hủy hoại ghê gớm tính cách của con người. Không ai đưa Thân ra trước vành móng ngựa nhưng tòa án lương tâm lại không ngừng phán xét anh - việc Thân định trở về quê để "chạy trốn kỷ niệm" nhưng vẫn cô đơn như kẻ "không chốn nương thân"… cũng chính là kết cục buồn thảm của cuộc đời những kẻ cơ hội. Con người không thể nằm ngoài những ảnh hưởng của quy luật tự nhiên và xã hội, nhưng con người "trả giá" cho những sự "lựa chọn" việc làm và cách sống sai lầm của nó. Quá trình sụp đổ nhân cách của Thân, Lan; nỗi đau và niềm ân hận suốt cả đời của Hồng, chính là sự trả giá đó. Sự nhầm lẫn của con người cũng là một nguyên nhân gây nên bi kịch. Triết lý nhân sinh ấy thể hiện khá rõ qua cuộc đời một số nhân vật. Trong đó Hồng cũng là một nhân vật hấp dẫn có cuộc sống nội tâm phong phú, có sức gợi nhiều vấn đề về nhân cách người làm báo, người phụ nữ… Càng thấy rõ hơn một đặc điểm của văn xuôi Nguyễn Khắc Phê - nhân vật thường mang sức nặng nhiều lý tưởng của tác giả.

Bên cạnh nhiều nhân vật trí thức, những vấn đề xã hội trong tác phẩm còn được thể hiện đậm nét qua một số nhân vật cán bộ lãnh đạo các cấp. Tác giả đã không ngần ngại "đụng chạm" đến vị lãnh đạo cao nhất một tỉnh qua nhân vật Nguyễn Cự; rồi Diêu - phó Chủ tịch tỉnh đến Viên phó ty thủy lợi đều là những nhân vật tiêu cực trở thành đối tượng phê phán của tác phẩm.

Nguyễn Cự là điển hình của loại cán bộ lãnh đạo duy ý chí, bất chấp cả quy luật khách quan. Ông ta tự mãn say sưa trước thắng lợi, nên nóng vội và chủ quan khi quyết định những biện pháp làm ăn kinh tế. Đó là tính cách của một loại người "chỉ cần một trái tim cộng sản, với một mo cơm, một vắt dưa là chúng ta làm được tất" (trang 61). Và những việc ông đã quyết "tùy hứng", bất chấp quy luật ấy, đã gây nên lãng phí biết bao sức của thậm chí còn gây nên đổ máu cho người lao động. Ông Cự còn tiêu biểu cho một tác phong làm việc độc đoán chuyên quyền không chỉ vi phạm quyền làm chủ của con người mà còn vi phạm nguyên tắc dân chủ tập trung của Đảng. Việc Cự nổi nóng xé quyết định phó ty của Toàn là một trong nhiều hành động đến mức cực đoan của tác phong ấy.

Khác với Nguyễn Cự, Diêu là con người giảo hoạt hơn. Con đường leo lên bậc thang danh vọng của y là nhờ có "thành tích" hoàn thành kế hoạch trước thời hạn theo cái kiểu "thời hạn co dãn như cao su". Diêu có máu thèm khát quyền uy thật sự, nhất là mỗi khi nhìn tác phong của Cự. "Cái dáng người nhỏ thó của ông xoay trở lẹ làng trước tình thế nên ngay cả khi Cự bị đổ ông cũng không can gì. Ông ta chọn người cộng sự theo kiểu ngoan ngoãn của "một vật tròn tròn" dễ xoay theo quỹ đạo của mình; và luôn sợ người khác giỏi hơn sẽ chiếm chỗ mình. Trong cách sống, Diêu có lắm thủ đoạn, với cấp trên thì mềm nhũn, cúi đầu chấp hành, với cấp dưới thì lên giọng, khi bí thế thì "Tỉnh ủy đã quyết, Thường vụ đã quyết" để mọi người không còn ý kiến gì nữa. Diêu còn là điển hình cho một loại "thủ trưởng bách khoa" cái gì cũng biết nhưng thực chất cái gì cũng không biết, khi không bố trí được thì "được" đi học, khi không làm được ở ngành này thì sắp xếp sang một ban kia. Diêu là một hình ảnh của một dạng cán bộ còn khá phổ biến hiện nay.

Còn Viên - phó ty sống rất yên ổn với địa vị của mình. Anh ta cũng không muốn gì hơn, nhưng đó là một loại cán bộ vô tích sự vì "tốt mọi bề, duy chỉ xấu là suốt đời không làm được cái gì có ích, không dám chịu trách nhiệm về một việc gì cả" (trang 431).

Xây dựng các mẫu nhân vật trên đây, Nguyễn Khắc Phê đã phê phán nghiêm khắc không khoan nhượng và chỉ ra những tai hại gây nên do một loại cán bộ lãnh đạo lỗi thời, thiếu năng lực và yếu kém về phẩm chất. Việc Trung ương vào giải quyết cho Nguyễn Cự về hưu, Diêu cuối cùng mắc phải căn bệnh "tâm thần" phải đi về quê nghỉ … là những báo hiệu bước đầu của một xu thế tất yếu cần phải đổi mới tư duy, đổi mới phong cách làm việc, đổi mới công tác tổ chức và cán bộ như hiện nay Đảng ta đang đặt ra. Đó là một yêu cầu khách quan phù hợp với quy luật phát triển của cuộc sống và cách mạng; tác phẩm "Những cánh cửa đã mở" của Nguyễn Khắc Phê kịp thời giúp người đọc cảm nhận một cách sâu sắc. Viết về những hiện tượng tiêu cực nhưng thái độ của nhà văn không chỉ dừng lại ở sự phê phán, phản ánh mà luôn chú ý đi vào chiều sâu lý giải. Bởi vậy, tuy đọc "Những cánh cửa đã mở" ta gặp nhiều con người và sự việc tiêu cực đúng như trong đời sống hiện nay đang diễn ra, nhưng ta cũng thấy được căn nguyên của nó. Từ "nếp sống thành kỷ cương thuần phục vô điều kiện bất cứ mệnh lệnh nào của người chỉ huy" trong ý nghĩ của Toàn, đến câu chuyện về ngôi miếu thờ ông Mai Văn Bổn, ta thấy những tàn dư tư tưởng phong kiến còn không ít nặng nề trong cuộc sống hôm nay. Từ lối sống chạy theo vật chất ích kỷ của Lan, đến buông thả sa đọa của Hy và hình ảnh lão Phúc Thọ ta lại thấy kẻ thù chủ nghĩa thực dân mới và bọn phản động vẫn tìm mọi cách phá hoại ngấm ngầm! Rồi qua những nhân vật Cự, Diêu, Viên người đọc cũng thấy được những yếu kém của ta trong làm ăn, trong cách nhìn, cách nghĩ và công tác cán bộ… Khi đã thấy căn nguyên là sẽ tìm được cách khắc phục và có hướng đi, tất nhiên còn phải trải qua nhiều vất vả chứ không thể là công việc dễ dàng. Trong cách miêu tả và thể hiện nhà văn đã nói với người đọc. Hơn thế nữa, "Những cánh cửa đã mở" qua thành công của Trung, qua cái nhìn ưu ái đầy sức phát hiện nâng đỡ và một quan điểm cách mạng, khoa học mà chứa chan tình người của vị lãnh đạo cao cấp của Nhà nước, và sự xuất hiện lớp cán bộ lãnh đạo mới như Toàn, tác phẩm đã tạo được niềm tin, thôi thúc người đọc cùng suy nghĩ và tham gia vào cuộc đấu tranh cải tạo xã hội.

Huế, 30-10-1986
P.N.T.
(SH22/12-86)










 

Các bài mới
Các bài đã đăng