Tôi thích Đi trong mưa ngâu, trên sông nước cùng nhà văn Hồng Nhu bởi bây giờ vì công việc giảng dạy và nghiên cứu văn chương đương đại Việt Nam buộc phải đọc để biết, quá nhiều những tình dục, bạo lực và những hang cùng ngõ hẻm đầy rác rưởi trong văn của thế hệ 7X và 8X. Đi trong mưa ngâu cùng nhà văn Hồng Nhu để cùng ông chiêm nghiệm cuộc đời và rất có thể được di dưỡng tâm hồn mình bởi cái đẹp thanh cao, trong sáng. Đi trong mưa ngâu, tên một truyện mở đầu tuyển tập thể hiện lối viết của một nhà văn trải nghiệm, lịch lãm và bặt thiệp. Tôi thấy, ánh lên trong truyện ngắn Hồng Nhu sự từng trải và sự tinh tế. Cũng phải nói thêm rằng sự trải nghiệm, lịch lãm trong cuộc đời thì rất có thể anh và tôi hoặc ai đó bước qua “ngũ tuần” là kha khá lưng vốn nhưng tinh tế trong văn chương thì không phải là sẵn, là nhiều. Nhà văn Hồng Nhu thuộc số ít nếu so sánh với thế hệ mình và đương nhiên là không cần so sánh với các thế hệ 7X, 8X. Chỉ cần cái tiếng cười cất lên trong bóng đêm của nhân vật nữ Thuỳ Dương, đã thấy Hồng Nhu biết nghe, biết nhìn và cảm đến chừng nào cuộc sống quanh mình: “Người đàn bà đến sát bên chúng tôi một cách tin cẩn, gật đầu chào tôi. Hơi thở của chị nọng hổi bên tai, cả mấy sợi tóc loà xoà cọ vào gáy bên trái tôi buồn buồn, mê mê. Chắc chắn không phải chị xức nước hoa, nhưng một làn hương khó tả phả ra từ dáng vẻ và giọng nói của chị (...). Chắc là trong đêm tối, một nụ cười tuyệt đẹp của chị đã nở. Không biết vì sao mà xưa nay tôi vẫn cho người phụ nữ đẹp nhất ở vào hai trường hợp: Lúc quài tay ra sau gáy trễ tràng búi tóc và lúc giễu cợt mỉm cười” (Thuyền đi trong mưa ngâu).
Truyện ngắn Hồng Nhu, tôi nghĩ khi đọc, cứ như làn gió mát dù thoảng qua nhưng mà mơn man, quấn quýt. Có một mạch truyện ngắn giàu chất thơ kiểu như Thuyền đi trong mưa ngâu trong tuyển tập này. Dường như nhà văn Hồng Nhu rất thông thạo thung thổ miền sông nước cũng như thông thạo đo mưa đo gió (rất có thể đấy là vốn liếng nghề nghiệp mà ông đã sống đã làm những năm trong vai một cán bộ kĩ thuật thuỷ lợi ở Nghệ An). Một không gian- nghệ thuật đặc thù tái xuất trong nhiều truyện như :Thuyền đi trong mưa ngâu, Gió thổi chéo mặt hồ, Vịt trời lông tía bay về, Những giọt mưa, Lễ hội ăn mày, Bến Bội Đình. Chỉ cần chấm phá, phác vẽ là nhà văn đã cho ta cảm nhận được rõ ràng cái cảnh vừa có gì lãng đãng lại vừa hiện hữu: “Sợi dây trong tay cô gái rút về đến đâu, những trúm tre nho nhỏ, xinh xinh buộc vào dây, khoảng cách đều nhau lần lượt nổi lên mặt nước thu về đến đấy. Tiếng tôm búng bong bóc nghe đã rõ. Còn tiếng rì rào của gió bắt đầu loang trên mặt hồ thì nghe xa lắm, xa vời...” (Gió thổi chéo mặt hồ).
Trong một bài viết cách đây chưa lâu: Truyện ngắn hiện đại - Các khuynh hướng phong cách (in trên tạp chí Nhà văn) tôi đã mạo muội xếp Hồng Nhu vào số các Nhà văn thuộc “khuynh hướng phong cách cổ điển” (cùng ngang hàng với Anh Đức, Nguyễn Quang Sáng, Nguyễn Khải, Ma Văn Kháng, Nguyễn Bản, Nguyễn Quang Thân.... nghĩa là những nhà văn đến nay thuộc hàng “xưa nay hiếm”). Tuy nhiên tuổi tác không hề ngăn cản bầu nhiệt huyết và cái nhìn trời xanh của họ đối với đời sống, nói như Nguyễn Khải “gừng càng già càng cay”. Nói “khuynh hướng phong cách cổ điển” là bởi nhà văn quan tâm đến các yếu tố ổn định và truyền thống của thể loại truyện ngắn (cốt truyện tiêu biểu, tính cách sắc nét, chi tiết điển hình...)
Hồng Nhu là nhà văn Kì Kha khi viết truyện ngắn. Tôi có cảm giác khi đọc ông, dường như là chậm rãi và nghiền ngẫm, dường như là ấp ủ ý tứ, thai nghén dự định, rồi làm cho nó lắng đọng kĩ càng sau đó mới chưng cất như một nghệ sĩ nấu rượu ngon để dâng tặng bạn bè (mà đến lúc nên coi rượu như một văn hoá, loại trừ những ai mượn nó để giải thoát một cách tiêu cực). Trên phụ san Văn nghệ quân đội số 40 năm 1999, tôi đọc thấy những bộc bạch của nhà văn Hồng Nhu trong bài: Tôi viết “Vịt trời lông tía bay về”. Không trình bày về kĩ thuật viết truyện ngắn, nhà văn Hồng Nhu chỉ muốn chia sẻ với văn giới những suy tư về nghề văn, hẳn là thế: “Tôi viết Vịt trời lông tía bay về trong sự nuối tiếc, bâng khuâng, khắc khoải... như vậy. Sự đậm đặc chất phôncơlo của cảnh và người trong truyện (như nhiều bạn đã nhìn nhận) sở dĩ có được là nhờ nó đã từng có. Nói về bếp núc “ kĩ thuật của nghề viết truyện ngắn thì nhiều chuyện, nhưng không có vốn sống, chất sống, cùng lòng yêu da diết mà người viết từng trải qua, thì không thể nào bày ra được văn chương cựa quậy, có hồn trên trang giấy. Như vậy là ôm ấp trong gần hai mươi năm, tôi mới viết thành công cái truyện ngắn Vịt trời lông tía... Nghĩ cái nghề viết của chúng ta thật đã ghê gớm”.
Đọc tuyển tập truyện ngắn của nhà văn Hồng Nhu tôi tâm đắc cái lối hành xử trong sáng tác của ông: “Viết năm, ba nên chọn lấy một”. Nhà văn đã tự chọn 33 truyện đưa vào tuyển tập này nhưng tôi lại muốn tự mình làm một tuyển chọn khác sau khi đọc kĩ, lật đi lật lại và nhất quyết cho rằng có 7 truyện hay nhất (mong được nhà văn và bạn đọc lượng thứ): Thuyền đi trong mưa ngâu, Gió thổi chéo mặt hồ, Vịt trời lông tía bay về, Những giọt mưa, Lễ hội ăn mày, Trà thiếu phụ và Bến Bội Đình.
Lối viết của nhà văn Hồng Nhu vừa là sự trầm tĩnh đến mức kiềm chế vừa là sự tung phá theo ngẫu hứng, vừa “ròng ròng sự sống” vừa như thoát tục, vừa tỉ mỉ chi tiết vừa chỉ là phác vẽ, khơi gợi. Tất cả đặc điểm trái ngược mà thống nhất này trong cách viết của nhà văn Hồng Nhu, bạn đọc dễ nhận ra, trong 7 truyện hay nhất theo cách bình chọn riêng của tôi như vừa viết ở trên. Tôi cũng muốn đứng về phía nhà văn Hồng Nhu để “phản kích” lại cái quan niệm văn chương chỉ là “một trò chơi vô tăm tích”, viết chỉ để thoả mãn cái tôi như hũ nút của tác giả. Đọc truyện ngắn Hồng Nhu, tự nhiên tôi liên hệ tâm đắc tới ý kiến của nhà văn Pháp J.P.Sartre: “Cho nên cần khuyên các tác giả đương đại hãy thoát ra khỏi các thông điệp đi, nghĩa là cố tình giới hạn tác phẩm của mình trong việc biểu hiện một cách không chủ ý tâm hồn mình (...). Nhưng hành động viết bao hàm hành động đọc như tương liên biện chứng của nó và hai hành vi có liên quan chặt chẽ với nhau đó cần có hai tác nhân khác nhau. Chính sự hợp lực của tác giả và độc giả sẽ làm nảy sinh ra vật cụ thể và tưởng tượng, là cái công trình trí tuệ. Chỉ có giới nghệ thuật cho người khác và bởi người khác”. (J.P. Sartre: Văn học là gì? Nxb Hội Nhà văn. H. 1999. Trang 41 và 58) Đã từng muốn đi trong mưa ngâu cùng nhà văn Hồng Nhu, tôi và độc giả lại muốn được đi tiếp với những trang văn đẹp của ông trong tương lai. Hà Nội, 10/2006 B.V.T
(nguồn: TCSH số 217 - 03 - 2007)
--------- (*) Hồng Nhu: Tuyển tập truyện ngắn. Nxb Hội Nhà văn. H. 2006
|