Gặp nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ vài lần đầu, thấy chị luôn cười hiền dịu, quan tâm đến mọi người, lại xinh đẹp, trắng trẻo, nhiều người cứ tưởng nữ nhà thơ nổi tiếng này sống trong nhung lụa từ nhỏ. Hoàn toàn không phải vậy. Tuổi thơ của Mỹ Dạ là tuổi thơ đầy buồn đau và nước mắt. Dạ lúc nào cũng có cảm giác mình là đứa trẻ “tội lỗi”. Tôi là bạn học với Mỹ Dạ từ lúc ở cấp ba trường huyện, tôi hiểu rõ tất cả những điều ấy. Mọi duyên cớ bắt đầu từ chuyện phân biệt lý lịch rất nặng nề một thời. Ba của Mỹ Dạ là ông Lâm Thanh, một người gốc Hoa từng tham gia Việt Minh ở huyện đội Lệ Thuỷ thời chống Pháp. Cuối cuối năm 1949, ông đưa bố mẹ và cả nhà vô Sài Gòn làm ăn. Khi sắp xếp nơi ở cho bố mẹ yên ổn, năm 1954, ông ra đón mẹ con Mỹ Dạ. Ông đã mua vé cho cả ba người cùng đi, nhưng đến phút cuối cùng, thì bà Lý Thị Đấu, mẹ Dạ, không đi vì không thể bỏ lại người mẹ già và đứa em gái bơ vơ. Mỹ Dạ là tên gọi một kỷ niệm tình yêu nồng ấm của ông. Vô Sài Gòn ông Lâm Thanh vẫn làm ăn buôn bán đủ sống và tham gia giúp đỡ cách mạng, cho đến khi hai tai bị điếc không nghe được nữa mới thôi. Sau ngày giải phóng miền
, những người cùng hoạt động nội thành đã xác nhận để ông Thanh được tặng “Bằng khen Chính phủ” vì đã có công lao với cách mạng thời chống Mỹ. Bằng khen do Thủ tướng Phạm Văn Đồng ký. Tất cả bốn đứa con ông ở Sài Gòn đều làm nghề dạy học... Và may mắn thay, nhờ đất nước thống nhất, ông đã gặp đứa con gái Lệ Thuỷ của mình. Ông càng bất ngờ và sung sướng khi biết đứa con, khi xa nó còn đỏ hỏn ấy, bây giờ đã trở thành nhà thơ nối tiếng của đất nước!
Thế mà, trong bao nhiêu năm, Lâm Thị Mỹ Dạ lại phải mang một lúc hai nỗi đau cực lớn: Tuổi thơ thiếu vắng tình thương của cha và là cháu nội của Đại địa chủ (ông nội Mỹ Dạ đang ở Sài Gòn nên chỉ bị tịch thu toàn bộ ruộng đất, nhà cửa), rồi con của một “kẻ đi Nam theo địch”. Vết đen lý lịch ấy thời đó được xã hội xếp vào loại nguy hiểm cần phải luôn cảnh giác, đề phòng. Đó là “vết nhơ” bị mọi người coi khinh, dè bỉu... Tuổi nhỏ, đi học hay đi chơi, Mỹ Dạ luôn bị trẻ con trong xóm, trong xã xa lánh, chúng coi Dạ như con hủi, không dám gần. Suốt ngày, Dạ chỉ lui cui bên mẹ bán quán ở chợ Tuy Lộc. Những năm ấy Mỹ Dạ luôn ở trong tâm trạng hoang mang và buồn tủi. Mẹ của Dạ là người vùng An Cựu, Huế. Thuở nhỏ học tiểu học, bà có học ít tiếng Pháp. Thời trẻ, bà thường đến các đồn Pháp bán hàng cho bọn lính. Khi Đội cải cách về, nghe bà thường quen nói chêm ít tiếng Pháp, họ quy là “địch cài lại”, là gián điệp, người của CIA. Thời CCRĐ, bà cũng bị xếp vào diện phải “đấu tố”. Nỗi đau ấy ám ảnh tới mức, 10 tuổi Mỹ Dạ đã làm cả tập thơ buồn 32 bài, chép trong cuốn vở học trò. Nhưng không biết chiến tranh, cuốn sổ ấy bị thất lạc. Dạ chỉ nhớ được mấy câu trong bài thơ có tựa đề là Dòng sông đen: Tuổi thơ tôi như ráng chiều đỏ lựng / Hắt máu xuống dòng sông đen...
Không hiểu sao cái lớp cấp ba của tôi thời đó lại có nhiều đứa lý lịch xấu đến thế! Ngoài Mỹ Dạ ra còn có Đỗ Hữu Lời (nhà thơ Đỗ Hoàng) bố là sỹ quan quân đội Pháp; Trần Văn Hải (nhà thơ Hải Kỳ) “bố đi
”; tôi thì bố là địa chủ bị bắn oan trong CCRĐ, rồi thằng Ngò, bố làm lý trưởng.v.v..Đứa nào cũng bị xã hội ruồng bỏ, nên tìm đến thơ như một cứu cánh cuối cùng. Năm lớp 10, Mỹ Dạ, tôi và Hải Kỳ được trường chọn đi thi học sinh giỏi văn toàn quốc. Mỹ Dạ đẹp gái, giỏi văn, lại hát hay, giọng ngâm thơ tốt, nên đã trở thành nhân vật chính trên sân khấu trường tôi thời ấy. Tôi nhớ Dạ mỗi lần mặc bộ áo lụa đen, bước ra sân khấu, nghiêng chào rồi cất tiếng giới thiệu chương trình văn nghệ, là tiếng vỗ tay nổi lên rào rào” Khi học xong cấp 3 (do chiến tranh, trường tôi sơ tán ở Ngư Hoá, miền Tây Quảng Bình) năm 1968, tôi còn được Uỷ ban xã ký hồ sơ cho đi đại học Thương Mại, Đỗ Hoàng và Hải Kỳ đi sư phạm “10+3” (tức lớp 10 học sư phạm 3 tháng ở vùng núi Troóc, nơi Trường Sư phạm Quảng Bình sơ tán, để ra dạy cấp 2); còn Mỹ Dạ thì không được đi học đâu cả, vì lý lịch “quá đen”. Dạ cùng thằng Ngò, hai đứa cuối cùng rời làng rừng Ngư Hoá, lủi thủi vừa khóc vừa đi bộ vượt bom đạn Mỹ 150 cây số từ núi rừng Tuyên Hoá về Lệ Thuỷ với mẹ.
Chủ nghĩa lý lịch một thời ấy như nhát kiếm oan nghiệt chém ngang con đường học hành của Dạ. May mà một ngày nọ, vào khoảng năm 1970, cố nhà thơ Hải Bằng, một nhà thơ Hoàng Tộc Huế do dính líu vào vụ Nhân Văn - Giai Phẩm Hà Nội, đã bị “phát vãng” về Quảng Bình làm nghề đi bán sách, lên Lê Thuỷ. Nghe người ta đồn ở thôn Tuy Lộc có con bé Dạ làm thơ hay lắm, Hải Bằng hăm hở tìm đến. Đọc thơ Dạ ông thấy đây là một tài thơ đích thực. Rồi nhờ nhà thơ Xuân Hoàng, nhà văn Trần Công Tấn, Mỹ Dạ được tuyển về cơ quan Hội Văn nghệ Quảng Bình. Như vậy, chính trái tim thương tổn đã đưa Dạ đến với thơ... Mãi đến 10 năm sau, năm 1978, khi đất nước thanh bình, khi đã trở thành nhà văn Việt Nam, Mỹ Dạ mới được Hội Văn nghệ Bình Trị Thiên giới thiệu đi học Trường Viết văn Nguyễn Du. Sau đó năm 1988, đi học khoá cao học 3 tháng tại Học viện Gorki (Liên Xô cũ)...
Và Mỹ Dạ đã trọn đời sống với thơ bằng trái tim thương tổn không thành sẹo ấy. Nói cách khác nhịp đập trái tim đã thành âm hưởng chủ đạo, thành nỗi đau trường cửu trong thơ Lâm Thị Mỹ Dạ: ...Mẹ sinh em ngày này / Mưa dột bầm mái tóc / Gió tê buốt hai tay / Mẹ không có cửa nhà / Em- đứa trẻ vắng cha / Như mầm cây trên đá / Biết khi nào nở hoa.../ Nỗi mình biết ngỏ ai hay / Bao đêm nước mắt vơi đầy, mẹ ơi!. Ngay đến những năm gần đây, khi đã tuổi hưu, thơ Lâm Thị Mỹ Dạ vẫn không thoát được sự ám ảnh về nỗi đau thời thiếu nữ: Em có nỗi buồn như tro / Hoang lạnh cả một thời thiếu nữ (Anh đã nhìn thấy em); Hay Em tựa vào em- đơn độc quen rồi / Em tựa vào em - gắng vững giữa đời (Cho anh tựa vào em) .v.v.. Trái tim thương tổn đầy trải nghiệm ấy đã cho Lâm Thị Mỹ Dạ độ nhạy cảm, sẻ chia trước thân phận những người khốn khổ vì chiến tranh, nghèo đói và sự bạc bẽo của nhân tình - tạo nên trực cảm thơ lâu bền của chị. Dạ luôn trân trọng, chăm chút từng biểu hiện nhỏ của tình cảm cuộc sống. Bạn bè đau ốm mới vô viện đã sốt sắng đi thăm. Con bạn học xong chưa xin được việc làm cũng băn khoăn thao thức. Thấy hoàn cảnh ai đau thương cũng rưng rưng nước mắt. Bạn đến nhà mùa hạ thì que kem, đĩa bánh nậm, mùa đông thì cốc rượu, đĩa đậu phộng rang. Khi không có đủ tiền để lo những thứ đó, tôi thấy Dạ thường đi vào đi ra không yên. Viết về một người lính Mỹ bị chết ở chiến trường Việt
, Lâm Thị Mỹ Dạ cũng có cái nhìn rất độ lượng: Rồi có lúc cuối đường tôi gục ngã / Viên đạn ai găm khuôn ngực máu đầy / Xin hãy giở dưới lần da chó sói / Trái tim nai đỏ thắm thơ ngây!! Sang thăm nước Mỹ, đến trước bức tường đen ở Wasington D.C, nơi khắc tên 58 ngàn lính Mỹ tử trận trong cuộc chiến Việt Nam, Dạ cảm thấy mình đang đau nỗi đau của những bà mẹ Mỹ: Khuôn ngực đã cất giấu / Một trái tim/ Nặng hơn quả đất... Hãy nhìn xem / Những tên người đang chảy máu / Hãy nhìn xem / Những tên người đang chảy máu / Và bức tường đen như một vết thương/... không bao giờ thành sẹo (Bức tường đen)! Chỉ có trái tim con- người-nhân-loại mới biết đồng cảm, sẻ chia bao la như thế!
Có lần Mỹ Dạ thổ lộ về mình trong thơ: “Tóc điểm bạc mà hồn còn trẻ nít”. Nghĩa là còn biết ngạc nhiên trước mỗi sự thay đổi nhỏ của sự sống quanh mình. Nhờ sự “ngây thơ” đó, Dạ đã phát hiện ra những hình tượng thơ lạ, rất gợi cảm ngay trong cuộc sống thường nhật hàng ngày để viết nên những bài thơ sâu sắc như Trái tim sinh nở, Anh đừng khen em, Tôi về với tôi, Anh đã nhìn thấy em, Đề tặng một giấc mơ, .v.v.. Bạn yêu thơ cả nước đã thuộc hàng trăm câu thơ rất hay của Lâm Thị Mỹ Dạ trong các tập thơ trước, như: Nhìn lá / cứ ngỡ lá lá ngọt.../ Nếu được vẽ chiếc hôn dưới mặt trời / Tôi sẽ vẽ chiếc hôn như lá... Hay Em nằm dưới đất sâu / Như khoảng trời đã nằm yên trong đất.../ Cái chết em xanh khoảng trời con gái/ Tôi soi mình trong cuộc sống của em... Hay Đêm qua / Tôi mơ thành tôi / Tôi mơ thành chim / Tôi mơ thành giấc mơ.v.v.. Trong tập bản thảo thơ mới nhất, dự kiến đặt tên là Hồn đầy hoa cúc dại, tập hợp những bài viết từ đầu thế kỷ XXI đến nay, Mỹ Dạ cũng có nhiều hình tượng thơ hay và lạ như thời còn trẻ: Em quặn mình như rễ giữa đất im (Cho anh tựa vào em); Nếu được lạc cùng sông / Xin lạc mãi / Để hồn trôi êm ái khúc du ca (Đi cùng sông Hương); Vì hương ta mãi lòng vòng / Làm sao cầm được có - không mà về... (Đi qua một làn hương).v.v.. Nhờ trực cảm mạnh, thơ Mỹ Dạ là thơ thốt lên từ sự buốt nhói của con tim, chứ không phải “chuyện đời lựa lời mà viết” (Đỗ Hoàng) như nhiều người khác. Thơ ấy luôn chân thật mà mới mẻ, xúc động lòng người.
Cái “trực cảm thơ” ấy do số phận và sự từng trải của từng nhà thơ tạo nên, không thể học ở sách vở hay trường lớp nào mà có được. Nó quy định xu hướng và giọng điệu của tùng nhà thơ. Ai không có cái “nỗi niềm” để chia sẻ với mọi người ấy, thì không thể đi với văn chương lâu bền được. Bởi thế, trái tim thương tổn luôn đau đớn đã trở thành hình tượng đậm nét nhất trong thơ Lâm Thị Mỹ Dạ: Dẫu khi tắt nghỉ cuộc đời / Trái tim mẹ giữa đất trời con yêu (Trái tim sinh nở); Hỡi người bán quạt giờ thiên cổ / Sao gió trong tôi cứ thổi hoài (Chợ tuổi thơ); Khi tay chạm trống đồng ngân / Sững sờ tôi ngỡ mình thành người xưa” (Tiếng trống đồng). Bài thơ “Nói với trái tim” là bài thơ hay, triết lý sâu mà mộc mạc, chân thành. Có thể đây là “tuyên ngôn của trái tim thương tổn” của Lâm Thị Mỹ Dạ: Trái tim dịu dàng, trái tim đằm thắm / Sao em lại mang dáng lưỡi cày / Để buồn đau chạm vào em là buốt nhói / Để tình yêu chạm vào em là tốt tươi . Mỹ Dạ cho rằng trái tim “là nơi bắt đầu”, “là nơi kết thúc”, trái tim “không biên giới”, “Em sinh ra để làm ra, để chứng kiến và chứa đựng. Không gian không sâu thẳm bằng em / Biển khơi không dữ dội bằng em / Mặt trời không nóng bức bằng em”... Tất cả sức mạnh ấy được đúc lại thành nỗi đau thấm đẫm cuộc đời, rất Lâm Thị Mỹ Dạ, cũng rất CON NGƯỜI: Ôi trái tim Sao em lại mang dáng lưỡi cày Để suốt đời không bao giờ yên ổn Để suốt đời cày lên Cày lên Đớn đau và hạnh phúc...
Cứ ngỡ trái tim tổn thương ấy về cuối đời sẽ yên ổn hơn, bớt đau đớn hơn. Hoá ra không phải. Ngày 14-6-1998, trong lúc Mỹ Dạ đang ở Hà Nội, chuẩn bị ngày mai lên máy bay đi dự toạ đàm thơ ở Mỹ thì chồng chị, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường, bị tai biến mạch máu não, hôn mê ở Đà Nẵng hai tháng ròng. Dạ phải huỷ chuyến đi Mỹ, bay về Đà Nẵng ngay. Từ đó đến nay, đã 9 năm rồi, nữ thi sĩ của chúng ta luôn ở bên chồng. Chị như “người mẹ” bao dung, săn sóc, đút mớm cơm cháo, thuốc men, xoa bóp, tắm rửa, vệ sinh cho chồng. Trái tim nhân hậu ấy thêm một lần “rớm máu”. Trăm nghìn thứ việc chưa từng có đè lên vai người phụ nữ làm thơ xinh đẹp ấy. Tuổi ngày càng cao, Mỹ Dạ càng bị nhiều thứ bệnh tật hành hạ, viêm khớp, viêm xoang, nhức đầu.v.v..Thế mà chị vẫn lo liệu, tổ chức đưa chồng đi chữa bệnh Hà Nội, Đà Nẵng, Khe Sanh, Long An, Thành phố Hồ Chí Minh đến 6 chuyến liền. Nghe ai nói thuốc gì hay, thầy nào giỏi, dù xa xôi, tốn kém đến đâu, chị vẫn đưa chồng đến cho bằng được. Bàn tay nâng em thành bảo mẫu / Nước mắt lặn vào trong cho anh thấy nụ cười / Bệnh tật lo toan giấu vào đêm trắng / Giữa tháng ngày trĩu nặng / Em đứng thẳng người/ Cho anh tựa vào em! (Cho anh tựa vào em)
Có lẽ vì những vết thương tim suốt đời không thành sẹo ấy, nên dù Lâm Thị Mỹ Dạ đã “Giơ cao lá cờ trắng / Trước thơ”, nghĩa là xin đầu hàng thơ, thơ vẫn đến với chị nồng nàn, chân chất. Vì thơ như nước mắt đã lặn sâu vào đời chị... Huế 1-2007 N.M
(nguồn: TCSH số 217 - 03 - 2007)
|