Tác giả-tác phẩm
Trào lộng cười cái rởm
08:51 | 31/10/2008
VĨNH NGUYÊN(Nhân xem tập thơ Nhật thực của Nhất Lâm, Nxb Thanh Niên, 2008)


Cầm quyển thơ Nhật thực của Nhất Lâm tặng tôi nó mỏng như một chiếc lá. Bởi các bài thơ đều rất ngắn. Chỉ có bài Nhớ là dài. Ông than phiền: Nxb bỏ đi mấy bài tâm huyết quá! - Như bài nào? - Tống biệt tù, ông đáp.
Tôi biết. Tống biệt tù là ông nhại từ Tống biệt hành của Thâm Tâm đã đăng báo Tuổi trẻ cười.
Đưa tiền ta từng đưa không xong
Sao lắm khổ não cả trong lòng…

Tôi nói như để an ủi: Thôi thì đã có bài Nhớ (xin tác giả Nhớ rừng đại lượng thứ) có đến 47 câu cho ông tha hồ châm, tha hồ giễu nhại!
Gặm một mối căm hờn trong nhà đá
Ta nằm dài bóc lịch tháng ngày qua…

Bạn đọc ở Huế, miền Trung hẳn biết một ông Nhất Lâm qua báo, truyện ngắn, tiểu thuyết và thơ. Ở lĩnh vực nào ông cũng làm tới nơi. Ông viết báo chống tiêu cực. Chống đến nỗi có lần “đương sự” trong một vụ buôn lậu sợ toá hỏa chuyện bèn phải thuê kẻ đến tận nhà đánh “cảnh cáo” ông (1994). Thì ông vẫn sống. Vẫn mái tóc bạch kim quá vai bồng bềnh trên xe đạp đi khắp các nẻo đường trên rừng dưới biển, đến những công trường xí nghiệp để lấy tư liệu viết.
Nhất Lâm đã in ba tập truyện ngắn. Truyện Mật đắng in trang đầu tuần báo Văn nghệ (2004). Truyện Chó ngoại in vào “Những truyện ngắn hay” (1998), Nxb Hội Nhà văn cùng các lão tướng trong làng văn như Nguyễn Tuân, Nguyễn Quang Sáng, Ma Văn Kháng… Tiểu thuyết Đồi không tên, tác giả dựng lại bối cảnh cuộc chiến vùng A Lưới của quân dân ta với quân đội Mĩ mà Đồi thịt băm là một trận sống mái thảm khốc, tiêu hao lực lượng cho cả hai phía.

Và thơ. Nhất Lâm đã trình làng 4 tập thơ: Thức với mùa trăng, Tiếng khóc lời ru, Vú đá, Tiếng mưa. Thơ Nhất Lâm tinh tế, hồn hậu.
Đêm sâu lữ thứ tình dày mỏng
Thấm lạnh bờ môi tái tê lòng
Giang hồ tôi uống bao chiều vắng
Nước mắt nhòe mưa về bến sông

(Duyên mưa)
Nhật thực là tập thơ thứ năm của Nhất Lâm. Bốn tập trước là thơ tình đằm thắm. Đến tập này, ông quyết dồn nén và chuyển giọng trào lộng Tú Xương châm biếm chua cay! Nào là trâu, chó, mèo, gà, cò, cuội, ngựa, vịt, ô, lưỡi, đất, lạc, nợ, đời… được tác giả nhân cách hoá, “vật cách hoá” bằng tu từ ẩn dụ mà “phang” vào thói hư, tật xấu của người đời, của đám quan tham.

Ả mèo trèo vào buya – rô
Hỏi thăm anh sếp đi đâu vắng nhà
Anh sếp công chuyện từ xa
Đem theo tam thể nhởn nha quên về

(Ả mèo)

Sinh năm Bính Tí, ông đã vượt ngưỡng thất thập. Nhưng ông đi không biết mệt, ông đọc không biết mệt rồi chiêm nghiệm từng giờ khắc để rút ra cái ưu, cái nhược của kiếp người. Muốn phát huy cái ưu thì phải đánh mạnh vào cái nhược, cái rởm, cái thối nát. Mượn lời con hổ trong cũi sắt để mai mỉa cái rởm của sếp nọ, của ông tổng giám đốc công ty kia đang trong vòng lao lí.

“…Nhớ nhà hàng rượu ngoại mà mỗi khi
Tiếng nhạc du dương giọng bồ thủ thỉ
Với điệu giật vũ trường quay loạn xị…

Đèn mờ ảo, ta thăm dò bộ ngực
Một ngàn đô là nàng phẻ im re…

Rồi những ngày lôi két sướng biết bao
Và lặng lẽ lập chứng từ gian dối…

Trên răn đe ta bỏ mặc ngoài tai
Đâu những chiều lai láng ngàn chai,
Trăm phần trăm không bao giờ ta đổ
Rồi vô phòng ôm em thổ lộ
Than ôi thời thác loạn nay còn đâu?!...

(Nhớ)

Ở mọi nơi thơ phủ nhận bất công”. Tôi nhớ đã có ai nói thế. Bởi không chịu nổi thói rởm đời, thói ham của mà Tú Xương, Tú Mỡ, Tú Sụn… đã làm thơ châm biếm.
Nỗi đau thế sự thì các nhà thơ đều thường trực. Nhưng châm một đôi bài đã khó. Đằng này Nhất Lâm dồn vào Nhật thực đến 37 bài cùng một chủ đề “mặt trái xã hội” mà vút trào lộng Tú Xương thì thật đáng khen, đáng trân trọng.
 Huế, 08/ 2008
  V.N

(nguồn: TCSH số 236 - 10 - 2008)

 

Các bài mới
Các bài đã đăng