Tác giả-tác phẩm
Về bài thơ “Cầu ngói thanh toàn”
15:25 | 31/10/2008
LTS: Sông Hương vừa nhận được lá thư của ông Tế Lợi Nguyễn Văn Cừ gửi cho nhà nghiên cứu Phan Thuận An nhằm cung cấp lại bản gốc của bài thơ “Cầu ngói”. Xin nói thêm, ông Nguyễn Văn Cừ là con của ông Nguyễn Văn Lệ, tác giả bài thơ.Sông Hương xin đăng lá thư này để hầu mong rộng đường trao đổi.


Huế 10 tháng 9 năm 2008.
Kính Anh Phan Thuận An thân mến!
Tình cờ đọc bài viết “CẦU NGÓI THANH TOÀN - TẤM LÒNG NHÂN HẬU CỦA MỘT ĐẤNG NỮ LƯU” đăng trong Tạp chí SÔNG HƯƠNG số 8 (tháng 8 năm 1994) cách đây đã... 14 năm.
Bài viết về Cầu Ngói của anh rất hay, súc tích, tác giả đã dày công nghiên cứu, tìm tòi các tài liệu liên quan ở trong và ngoài nước, giúp cho người đọc hiểu rõ nguồn gốc và giá trị của cây cầu và tấm lòng vì xã hội của bà Trần Thị Đạo, người sáng lập ra Cầu Ngói.

Tuy nhiên, qua bài thơ được trích dẫn phần cuối bài, có lẽ qua lời của một người dân địa phương chỉ biết qua loa về tác giả (dù bài thơ được viết trên mặt kính lớn, chữ bằng sơn đỏ, có đóng khung và được treo trong cầu, ngay trước khán thờ; trong suốt thời gian từ năm 1956 đến 1980 sau đó không hiểu ai đã tháo gỡ ra, hay bị bão lụt…) vì vậy, tên của tác giả bị ghi sai là “Tế Bá Lệ” Bài thơ thể đường luật mà anh ghi lại cũng chưa đúng lắm so với bản gốc. Cụ thể như câu thứ 3 chữ cúng dường chứ không phải nhường, câu 4 chữ cầu kỳ không phải cầu kiều, câu 5 từ khoe khoang chứ không phải đoan trang, câu thứ 7 chữ 5: ghi, không phải phùng.

Xin đính kèm theo đây bản phô tô 1 đoạn bài viết của anh, đồng thời gởi kèm tặng anh bài thơ CẦU NGÓI của chính tác giả có bút danh là Thái Sơn, tên thật là Nguyễn Văn Lệ, thành viên của Hội Thơ “Hương Bình Thi Xã” thời đó, cùng những bài thơ của các nhà thơ đã họa nguyên vận bài thơ trên để anh nhàn lãm.
Bài thơ gốc của tác giả Thái Sơn (Nguyễn Văn Lệ):

Trần Thị Phu Nhân xã chúng ta        
Tiếng tăm vang dội khắp gần xa       
Cúng dường đất ruộng dân cày cấy  
Xây đắp cầu kỳ khách lại qua
Khăn yếm khoe khoang ngời khí tiết
Phấn son tô điểm rạng sơn hà
Sắp phong ân tứ ghi công đức           
Hương khói ngàn thu tưởng niệm Bà
Trân trọng
TẾ LỢI Nguyễn Văn Cừ

Trích bài viết của Nhà nghiên cứu Phan Thuận An (đăng ở Tạp chí Sông Hương số tháng 8 - 1994):
“… Trong dịp khánh thành lần tu sửa cầu năm 1956, Tế Bá Lệ, một nhà thơ tại địa phương, cảm kích công tích quí báu của người đàn bà họ Trần, đã làm bài thơ được lưu truyền rộng rãi cho đến ngày nay:
Trần Thị Phu Nhân xã chúng ta        
Tiếng tăm vang dội khắp gần xa       
Cúng
nhường đất ruộng dân cày cấy
Xây đắp cầu
kiều khách lại qua
Khăn yếm
đoan trang ngời khí tiết
Phấn son tô điểm rạng sơn hà
Sắp phong ân tứ
phừng công đức     
Hương khói ngàn thu tưởng niệm Bà.
…”

Sông Hương chỉ xin có vài ý nhỏ:
Nguyên văn câu thứ 7 (in ở TCSH số 8 - 1994), không phải là chữ “phùng” mà là chữ “phừng”. Đây là một chữ rất quý, nó làm lan toả ân đức của Trần Thị Phu Nhân, xem như nhãn tự của bài thơ.
So với bản gốc, bản của nhà nghiên cứu Phan Thuận An có từ ngữ trong sáng hơn. Ví như nếu là cầu kỳ (xây đắp cầu kỳ), thì không rõ nghĩa bằng cầu kiều. Dân gian ta có câu:Muốn sang sông phải bắc cầu kiều/ Muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy”. Từ khoe khoang (trong Khăn yếm khoe khoang ngời khí tiết), nếu được thay bằng từ đoan trang (như trong bản sưu tầm được của Phan Thuận) thì sang trọng và tinh tế hơn.
Qua thời gian, việc nảy sinh dị bản của một tác phẩm cũng là thường tình. Ngay cả bài Văn tế Nghĩa sỹ Cần Giuộc của Nguyễn Đình Chiểu hay và nổi tiếng như thế cũng có dị bản. Nhưng việc đi tìm bản gốc và định danh tác giả của nó là rất quan trọng. Sông Hương xin cám ơn ông Nguyễn Văn Cừ đã cung cấp cho bạn đọc văn bản gốc của bài thơ “Cầu ngói”!
     S.H

(nguồn: TCSH số 236 - 10 - 2008)

 

Các bài mới
Các bài đã đăng