Tác giả-tác phẩm
Giấc mơ cây đàn và ngọn nến
09:57 | 04/11/2008
HOÀNG VŨ THUẬT(Đọc Hoạ mi năm ngoái - Thơ Trần Kim Hoa, NXB Văn học, 2006)


Trong tiến trình phát triển của văn học phải kể đến thế hệ xuất hiện sau chiến tranh, nhất là từ thời kỳ đổi mới 20 năm trở lại. Họ đến với thơ bằng hành trang đầy đủ về học vấn, bối cảnh xã hội cũng rộng mở thuận lợi hơn trước.
Trần Kim Hoa một trong số đại biểu ấy.
Chị đã có ba tập thơ: Nơi em về (1990), Quá khứ chân thành (1998), Lối tầm xuân (2003). Hoạ mi năm ngoái /tác phẩm thứ tư mới nhất, được viết từ cuối năm 2003 đến cuối năm 2005, hiện rõ gương mặt Trần Kim Hoa trong lữ trình thơ cùng thế hệ:
ta thấy rõ mình hơn mỗi tảng sáng
ta thấy rõ mình hơn mỗi chiều về
như thuỷ tiên trổ thêm rễ mới
                                                (Buổi chiều những năm 2000)
Đây là cái nhìn giao cảm của thế giới nội tâm, hiểu sự mong manh của con người trong thế giới rộng lớn đang chuyển hoá, lời cất lên có nước mắt/mắt nhìn đầy nước mắt.

Thế giới đời sống vốn sắp đặt theo quy luật riêng mà Trần Kim Hoa như người khách đến muộn. Con mắt chị nửa phần ngơ ngác, nửa phần thẫn thờ nhìn nó. Ngơ ngác vì cuộc đời này tiềm ẩn bao điều mới lạ, trong trẻo như những hạt thóc vàng mười rực sáng / trổ những lá mầm bé xíu; thẫn thờ vì cuộc đời cũng nghiệt ngã, chua chát: búi tóc ngày một lỏng / cái nhìn ngày một xa, không thể không dằn vặt, u hoài: đêm đêm trở mình nghe cây thở / nghe bậc cửa chạm vào bóng tối. Bởi vậy chị muốn khám phá thế giới, để được sống như đời sống/ lược thời gian chải tóc mỗi ngày, đó là sự dấn thân, sự chấp nhận của trái tim đa cảm.
Người nghệ sĩ chân chính bao giờ cũng thấy mình mang nợ với cuộc sống, con người, nợ từng chiếc bóng đổ xuống ngày thường, nợ phía cánh rừng nơi có những chiếc móng chân không mọc lại, nơi người đàn ông của ta một sớm ra đi gương mặt còn búng sữa mãi chẳng thấy trở về. Và, khát vọng thường trực trong họ, càng đa cảm càng khát vọng, đó cũng là nhân tố hối thúc sáng tạo:
miên man dấu tay người để lại
hơi thở người như mới hôm qua
thôi đừng gục mặt xuống những phím buồn chìm nghỉm
nốt cô đơn đừng nhấn nhá nữa mà

bao nhiêu thắc thỏm dồn về đây hết
dòng sáp nức nở sắp chảy, đắm đuối chảy
một ngọn sáng duy nhất
lắc lư như muốn tắt mà không tắt nổi

Sáng tạo có cốt cách là sáng tạo được bật lên từ bản ngã sống còn của nghệ thuật, bật lên từ những tố chất đích thực. Nói quá đi cốt cách giời bắt làm thi sĩ. Đấy là cách nói sang trọng, thực ra tố chất kia đều khởi nguồn từ sự nhào luyện không mệt mỏi của cảm xúc và tư duy. Mỗi khi nhà thơ ngụp lặn vào cõi thiêng ấy, thơ xuất hiện ngoài ý muốn, câu chữ có thần phép. Mô tả cây đàn và ngọn nến theo kiểu Trần Kim Hoa ở giờ khắc tận cùng đã làm nên thi pháp của chị, tuồng như không mới mà lại rất mới. Câu chữ cứ chảy đi tự nhiên, người đọc cảm nhận bằng lối cảm nhận riêng mình, nói theo lý luận mỹ học gọi là đồng sáng tạo; nói theo thiển ý của tôi, chị đã mê hoặc dẫn dắt người đọc bước vào ngôi - nhà - hư - ảo, ẩn náu bao điều kỳ diệu:
mờ nhoà những dáng nét
uốn cong những đường thẳng
bằng chút sức lực cuối cùng
không hiểu lấy từ đâu ra

và im lặng
và bóng đêm
không cho được nữa
không nhận được nữa
                                                (Cây đàn và ngọn nến)
Bài thơ kết thúc mà ý tưởng như dòng sông trôi mãi trong một không gian thời gian bí ẩn lạ lùng.

Hạnh phúc người đọc được dừng lại nhiều lần ở mỗi câu, mỗi đoạn thơ, dừng lại những chỗ chưa nhận biết, chưa thể hiểu. Đấy là điều đáng trọng, khi nhận ra, hiểu ra càng yêu mến kính trọng hơn. Không phải lúc nào cũng vội vàng gán cho thơ hiểm hóc, tắc tị, chẳng qua vì ta chưa tìm được cái chìa khoá vạn năng để vào được ngôi - nhà - hư - ảo thi nhân.
Ngôi - nhà - hư - ảo của Trần Kim Hoa bộn bề ý tưởng, mặc dầu tác giả của nó đã xếp sắp làm ba phần: Gạo trắng nước trong, Giấc mơ mặt trời, Mỗi sớm mây qua, ngụ ý chưng diện theo trình tự nhất định để độc giả khỏi lạc lối. Nhưng  độc giả cũng đủ kiểu, đủ dạng tuỳ sở thích và cái tạng thưởng thức chiêm ngưỡng nữa. Riêng tôi, ý tưởng tập trung nhất trong thơ Trần Kim Hoa được xoay quanh trục quay về một khái niệm SỐNG. SỐNG được nghệ thuật hoá làm nên dòng nhựa nguyên sinh nuôi cây thơ xanh tốt. Ở đấy ẩn náu trái tim thơ như sợi tơ đàn, gạch nối thanh âm giữa hôm qua và hôm nay, giữa hạnh phúc và cô đơn, giữa mơ và thực. Có lúc trái tim thơ yếu đuối tưởng chừng tan chảy: khép cánh miên miên buồn/tiếng hót màu hổ phách/có một lối về mảnh như sợi khói (Hoạ mi).

Nhưng cuộc sống luôn luôn chuyển động, không đứng yên.
Hôm qua: đêm đêm những mái tranh không ngủ/vọng thinh không những tiếng nói mơ hồ/nửa trời bên kia vầng dương thao thức/bời bời gió trổ lòng tôi (Hướng dương). Quá khứ vẫn trổ cành qua hiện tại: tháng chạp vườn sương lá dong xanh thắc thỏm/gừng biết cay con gái biết thì (Tháng chạp). Và nở hoa cho ngày mai: ngày mai con ta đến lớp cặp kính cận ngay ngắn trên sống mũi/vẻ trịnh trọng thơ ngây lạ lẫm/bao nhiêu ngày mai, bao nhiêu cánh cửa đóng chặt được mở ra (Tỉnh táo).
Cuộc sống như cơn lốc và con người sẽ vẫn cảm thấy cuốn theo nó, tắm cùng ánh sáng và bóng tối. Hạnh phúc như tia chớp vụt hiện: một đêm/ mây thật trắng/ mây lật những đường cày thơm phức/ lũ cua đồng líu ríu đợi người ngoan (Một đêm gió lạnh về). Con người tự vấn và không thể không nghi hoặc, mệt mỏi trong cái guồng quay không giới hạn: người đã sống thế nào/đã dằn vặt ra sao/con đường u tối đã phân định (Một sớm mai). Nhiều lúc nhà thơ cảm thấy sự cô đơn tuyệt đối, bao phủ lên chiếc bóng nhỏ nhoi giữa cõi nhân sinh: phút khóc một mình cay đắng chỉ mình hay/ những con chữ hiện lên đơn độc (Ba khổ thơ buồn). Và thất vọng như giọt lệ khô cùng ngày tháng: đêm, lại đêm/ vạn lý tình di thiên cổ/trường thành bất tận/xoá dấu em rồi (Tình yêu biết có còn chăng).

Có điều lạ trong khi hiện thực tồn tại như chiếc bóng phản chiếu, dưới con mắt nhà thơ cuộc sống lại đầy kỳ ảo. Mỗi bài thơ trong Hoạ mi năm ngoái như một giấc mơ. Một giấc mơ đã qua và một giấc mơ đang tới. P.Reverdy cho rằng: “Cuộc đời của nhà thơ là một giấc mơ bất tận - mơ hiện thực. Giấc mơ của nhà thơ là một giả thiết về cuộc sống, cũng như giả thiết của nhà bác học là một giấc mơ khoa học”. Giấc mơ, một trạng thái nằm ngoài hiện thực, có thể nói đối lập với hiện thực. Nhưng trong thơ biểu cảm giấc mơ lại đồng nhất với hiện thực, tạo ra thứ hiện thực huyền ảo. Chẳng hạn như khi nói đến sự trải nghiệm: bây giờ sao khó cất lời / nói khác điều mình nghĩ chỉ dối người/nghĩ khác điều mình có chỉ dối mình (Giá như); sự hoá thân: hình như có lúc em làm gì cũng sai / hình như nhiều khi em như người khác (Trong mơ). Và sự tái ngộ, trở về với chính mình: Ngọn gió rong chơi qua bao huyền sắc/đậu xuống ngẫm nghĩ nơi những ngón tay gầy xanh của em (Điệu thức tháng tư).

Giấc mơ đem tới người đọc cái cảm giác siêu hình, thoát ra khỏi hình thức ngôn từ, chỉ có thể nhận biết, sở hữu qua con đường xúc cảm tác động vào tâm trí. Với Trần Kim Hoa tình yêu cũng là giấc mơ:
rồi lại trở về nơi cất bước ra đi
rồi lại buồn vui đau khổ như chưa bao giờ như vậy
những giấc trinh nguyên
                                                (Mỗi sớm mây qua)
Giấc mơ con người rồi sẽ tan khi mặt trời lên. Nhưng giấc mơ thơ còn đấy, nó sống mãi trong tâm hồn người đọc, bởi sau những dòng chữ kia là tình cảm, thái độ người tạo ra nó.

Trần Kim Hoa không chủ ý lấy thủ pháp nghệ thuật làm cơ sở sáng tạo. Hình thức thơ chị là hình thức lẫy ra từ tâm trạng. Dẫu chị muốn biểu đạt thơ mình bằng lối giản dị, chân thật để người đọc dễ dàng tiếp nhận, nhưng sự sáng tạo vượt ngoài ý định chủ quan không theo một quy luật, một khuôn phép nào cả. Chính sự bừng thức của cảm xúc và tư duy lôi kéo ngôn ngữ, bắt ngôn ngữ đi theo lập trình khác, ngay cả chủ thể sáng tạo cũng không kiểm soát được nó. Mỗi bài thơ trong Hoạ mi năm ngoái là một sự vận động của điệu thức cá biệt, không hàm ngôn, nhưng không dễ nhận biết. Cái mới của thơ Trần Kim Hoa không lao vào cuộc tìm kiếm chữ nghĩa, tạo từ. Ở chị, ngôn ngữ được đặt đúng vị trí thì câu thơ cất cánh, có sức hấp dẫn. Do vậy dưới hình thức nào, câu chữ vẫn biến thành sức mạnh cảm hoá. Nói với mùa đông Ngậm ngùi, hai bài thơ thể lục bát dễ đọc nhất, vậy mà câu kết mỗi bài chữ nghĩa thì ở thế tĩnh mà tình cảm tư tưởng lại ở thế mở:
mặc lòng bóng nước mây trôi
mùa đông cùng với một người ra đi
và:
sông sâu bồi lở một mình
đồng trăng quạnh gió, sân đình ngói phơi...

Có cái gì xa thẳm, quạnh hiu. Cảnh vật thiên nhiên nhập vào hồn người, hay hồn người nhập vào cảnh vật thiên nhiên, thật khó phân định. Nhưng rõ ràng làm ta day dứt, bâng lâng như chính mình vừa chia xa một con người, để buột khỏi ảnh hình nào đó trong trời đất. Ngược lại ở các bài thơ kiểu văn xuôi, như Trái đất đang nóng lên, câu thơ chẳng mượt mềm chút nào: Người với người đang mỏng đi, cỏ cây cũng đang mỏng đi, mây trắng hơn và đất đai mỗi ngày mỗi bạc, lại day dứt ám ảnh ở chiều khác, làm ta giật mình bởi giữa thế giới văn minh hiện đại này đang hiện diện: Người không hình bóng.
Trái tim thơ Trần Kim Hoa đã nhiều khi yên lặng khóc trong lòng tay, nhưng không vì thế mà cam lòng chìm cùng số phận đa đoan con người:
trong bộn bề tôi trống rỗng tôi đằng đẵng trôi
chen vào giọng nói tôi, cái nhìn tôi, nhịp đập mông lung của tôi
nghèn nghẹn động mạch đỏ

như lúa chín vãi cánh đồng bão
nửa thứ hai của tôi, sinh đôi cùng tôi, cuộc đời ẩn khuất của tôi
gom tôi về, hong khô tôi, sàng sảy tôi, cất tôi trong chum kín
mặc tháng ba ngày tám
dứt khoát đưa tôi tới mùa màng
Vậy đấy, trong âm vang hoạ mi năm ngoái kia, nó còn mang sức mạnh vô hình của tiếng nói thăm thẳm từ một trái tim ương bướng vực con người đứng dậy.
Cửa biển Nhật Lệ, mùa bão
14-11-2006
                                                H.V.T

(nguồn: TCSH số 216 - 02 - 2007)

 

Các bài mới
Các bài đã đăng