Tác giả-tác phẩm
Cảm nhận cuốn sách "Thư gởi con" của Thái Kim Lan
09:09 | 16/08/2012

TRẦN VĂN KHÊ

Tôi quen biết Thái Kim Lan cũng đã gần 40 năm nay, một thời gian dài thấm đẫm nhiều kỷ niệm ở đủ mọi phương diện: công việc, thưởng thức nghệ thuật và cả… chuyện đời.

Cảm nhận cuốn sách "Thư gởi con" của Thái Kim Lan

Từ năm 1972, khi tôi và con gái Thủy Ngọc được mời sang trình diễn trong buổi nói chuyện về Âm nhạc truyền thống Việt Nam tại Muenchen (Đức) do Thái Kim Lan tổ chức, tôi đã thấy được một người trẻ tuổi mà có tác phong tổ chức rất chu đáo, tuy sống nơi hải ngoại mà tinh thần lúc nào cũng hướng về đất nước. Sau này, tôi lại bắt gặp được trong người phụ nữ Huế ấy những khả năng đa dạng: vừa tài giỏi trong nghiên cứu giảng dạy triết học, vừa có cách viết nghiên cứu về Phật giáo giản dị và đầy thiền vị, lại có một văn phong thi vị và trong sáng.

Mãi về sau khi có dịp gặp lại Kim Lan tại Sài Gòn và cầm trên tay cuốn sách Thư gửi con do Kim Lan viết, tôi còn phát hiện rằng Kim Lan là một người Mẹ có một phương pháp thai giáo và một tình thương rất đặc biệt với người con của mình.

Sống tại nước Đức là một nước châu Âu tiên tiến, Kim Lan cũng là người đã thấm nhuần văn hóa Đức. Tuy nhiên, trong lúc thai giáo và nuôi dưỡng con, Kim Lan vẫn giữ hoàn toàn thái độ của một người Mẹ Việt Nam. Như khi vợ chồng Kim Lan làm nôi cho đứa nhỏ thì cố tìm cho được cái nôi làm bằng tre y như ở làng quê Việt Nam để con nằm, phối hợp với một cái màn màu đỏ sậm như bên trong tử cung bà Mẹ theo ý kiến của giáo sư Stellman, để cho thai nhi khỏi bị lạ lẫm trong một môi trường hoàn toàn mới lạ khi rời khỏi bụng mẹ. Trong lúc mang thai, Kim Lan thường nói chuyện với thai nhi bằng tiếng Việt. Từ lúc lọt lòng, đứa bé đã được mẹ ru bằng những câu hát ru của xứ Huế: “Ru em em thét cho muồi, để mẹ đi chợ mua vôi ăn trầu…”. Khác với những người phụ nữ châu Âu thường cho con bú sữa bò, Kim Lan cho con bú sữa Mẹ, chịu khó đến lúc nó “đã thèm” mới thôi. Nhờ vậy mà đứa bé không bao giờ bị đói và đòi ngậm núm vú cao su. Ban đêm Kim Lan lại để cho con ngủ chung với Mẹ, lúc nào vừa đói thì sẵn có vú Mẹ một bên nên đứa bé ít có khi nào khóc đêm. Điều này làm cho bạn bè người Đức của Thái Kim Lan rất ngạc nhiên vì “sự hiện diện êm đềm” của đứa trẻ trong nhà, không có tiếng khóc la đòi bú.

Trong khi mang thai, Kim Lan vẫn tiếp tục ngồi thiền và niệm Phật. Và sau này khi bà ngoại từ Việt Nam sang Đức thăm cháu, có nhiều lúc Kim Lan đang ru con bằng những câu hát ru dân tộc, thì cùng lúc đó bà ngoại cũng tụng kinh thường nhật. Tiếng kinh tiếng mõ nhịp nhàng, đều đặn, đưa đứa trẻ vào giấc ngủ bình yên. Do vậy, đứa bé được nuôi nấng trong không khí ngập tràn đạo vị của đạo Phật giáo.

Kim Lan nuôi dưỡng con không chỉ với bản năng và tình thương của người Mẹ - vì người Mẹ nào mà chẳng thương con? Mà Kim Lan có ý thức rằng mình phải làm gì và nên làm gì cho đứa con bé bỏng của mình. Nhờ vậy, Kim Lan đã nhận thấy Chữ tình là chữ khởi đầu trong sự nuôi con!. Ngoài ra, Kim Lan còn nhận thấy rằng có 3 điều quan trọng mà người Mẹ nên ghi nhớ để nuôi con khôn lớn: ngôn ngữ và tiếng nói của người Mẹ rất quan trọng trong lúc nói chuyện với con, cùng với sự biểu lộ sắc diện (hay nét mặt) của người Mẹ cũng góp phần nuôi dưỡng tâm hồn trẻ thơ. Đồng thời, chúng ta cũng không nên quên tạo cho trẻ có một môi trường sống tươi đẹp để đứa trẻ có được sự phát triển tốt hơn.

Trong toàn thể quyển sách này toát ra một hương vị của tình thương rất đậm đà, toàn diện. Chúng ta có thể lắng nghe tình thương ấy qua những lời thì thầm trong những bức thơ người Mẹ gởi cho đứa con yêu dấu của mình, có thể thấy được tình thương ngày càng lớn rộng qua những tiện nghi cuộc sống Mẹ dành cho con mà vẫn mang những nét Việt Nam rõ ràng, có thể cảm nhận được tình thương gắn kết giữa hai Mẹ con thông qua những câu chuyện Mẹ kể con nghe về quê hương xứ sở… Tình thương đó thể hiện ra bằng sự chịu khó đi xa để tìm được loại sữa tốt cho đứa con, một món ăn phù hợp với sức khỏe của nó, bằng sự chăm sóc hàng ngày sức khỏe của bé và hơn hết là bằng những bức thơ viết riêng cho con mỗi lần phải xa con để đi làm việc, hay về thăm quê hương liên tục trong 10 năm. Tình thương đó còn được thể hiện trong lúc đứa con từ là một bé con đến khi trở thành một người thiếu nữ, một sinh viên xuất sắc trong trường đại học, được học bổng đi học tại Trung Quốc. Hai Mẹ con tuy hai mà một. Mẹ thương con nồng nàn bao nhiêu thì đứa con đáp lại bằng một tình thương không kém.

Đọc qua các bài tùy bút, thấy hai mẹ con rất gần nhau trong tình cảm nhưng cũng biết hy sinh cho nhau. Khi biết con đi học ở nước Trung Quốc xa xôi, mặc dầu trong lòng Kim Lan rất lo nhưng vẫn sẵn sàng để con đi. Rồi khi biết Mẹ đi về Huế để ăn Tết, mặc dầu đứa con rất thèm có Mẹ ở nhà để cùng đón xuân mà vẫn can đảm khuyên Mẹ đi về ăn tết với bà con ở quê hương, sẵn lòng lái xe đưa Mẹ ra phi trường. Người Mẹ ra đi vì mấy chục năm không ăn tết tại Huế, rất thèm hưởng được phong vị ngày Tết Huế. Đến khi trễ máy bay một lần phải quay về, mấy ngày sau lại đòi đi thì con cũng sẵn sàng đưa Mẹ ra phi trường, nhưng thấy Mẹ do dự, nửa muốn đi mà nửa muốn ở lại thì con phải “gắt” Mẹ: “Tại sao mẹ lại không biết mình muốn gì?”. Đến khi nhận thấy mình có hơi vô lý, Kim Lan hỏi con: “Con có biết bây giờ con muốn gì không?” thì đứa con khóc òa lên mà nói thật lòng mình: “Con không muốn xa Mẹ đâu”. Nghe con nói như thế, mặc dầu lòng thiết tha muốn về ăn Tết tại Huế, Kim Lan cũng chấp nhận ở lại Munchen. Nhiều cơ hội trong đời sống làm cho Kim Lan mặc dầu biết Mai Lan là con của mình, tình thương yêu đậm đà giữa hai Mẹ con làm cho Mẹ và con tuy hai mà một, nhưng cũng phải chấp nhận rằng con của mình rồi đây sẽ có một cuộc đời riêng và Mẹ và con tuy một mà hai.

Đọc cuốn sách này, tôi cảm thấy bàng bạc xung quanh là “hơi người ấm áp” mà Thái Kim Lan đang truyền đến từng độc giả như cô đã viết trong Thư gửi con:

“…‘Hơi người’, hai chữ ấy thật ấm áp. Hơi người ở đây là tình người trong sự tin cẩn, trong sự chung nhau gìn giữ, nuôi nấng đời sống con người thật lành mạnh tinh tấn mà không phung phí, không xa hoa. Tình ấy dính liền với từng hương thơm, từng hơi ấm kết tụ từ dòng sữa mẹ, từ cử chỉ chăm nom trìu mến thận trọng của người xung quanh…”.

Tôi là người thiếu Mẹ từ thuở nhỏ, vừa mồ côi cả hình hài người Mẹ lẫn tình thương bao la êm đềm mà bất cứ đứa trẻ nào cũng khát khao, đọc Thư gửi con thấy cái đẹp đầy tình người và “hơi người ấm áp” như vậy, tôi cảm thấy thèm có được tình Mẹ nhưng điều đó bây giờ không còn được nữa và cũng sẽ không bao giờ được. Đọc từng lá thơ, tôi cứ tưởng tượng rằng mình là đứa con bé bỏng đang được hưởng tình yêu thương đầm ấm từ bà Mẹ, được Mẹ thì thầm cho nghe những lời âu yếm dịu dàng. Đã từng làm Cha Mẹ, có đôi khi tôi lại có cảm giác mình đang là một bà Mẹ muốn trao trọn cả tình thương cho con mình, muốn che chở và bảo vệ sinh linh bé bỏng này suốt cả cuộc đời. 

Có thể nói đây là một cuốn sách rất quý cho ai muốn tìm hiểu vấn đề thai giáo, vì kinh nghiệm của Kim Lan trong việc thai giáo và nuôi dưỡng con của mình đã tạo ra một con người tuy sanh tại nước Đức mà vẫn giữ được ngôn ngữ tinh thần của Việt Nam từ kiến thức đến khả năng ứng xử trong nhiều tình huống và đã trở nên một người Việt Nam được người Đức coi trọng và cộng đồng người Việt dành nhiều tình cảm mến thương.

Có hai điều mà đa số người Việt còn nghĩ sai lầm nhưng Kim Lan đã không rơi vào đó:

- Thứ nhất: không phải cho nghe nhạc Beethoven thì trẻ con mới thông minh hơn khi nghe nhạc Việt. Kim Lan ở tại nước Đức là quê hương của Beethoven, thì tại Đức có bao nhiêu là nhạc của Beethoven bán đầy thị trường, Kim Lan không cho con mình nghe loại nhạc cổ điển đó mà lại cho đứa trẻ tiếp xúc ngay từ đầu với những câu hát ru Việt Nam, tuy vậy đứa con đâu phải vì thế mà kém thông minh hơn những đứa trẻ khác nghe nhạc Beethoven.

- Thứ nhì: nhiều gia đình Việt Nam ở hải ngoại nghĩ rằng khi mình ở nước ngoài thì phải cho con học giỏi tiếng nước ngoài trước khi cho nó học tiếng Việt. Kim Lan thì từ lúc con còn trong bụng mẹ đến khi khôn lớn đều được mẹ nói tiếng Việt cho nghe. Kim Lan đã tạo cho con trở nên một người Việt thuần thành, tuy sanh ra tại nước ngoài nhưng thông thạo tiếng mẹ đẻ không thua gì người Việt sanh tại quê hương, lại thông hiểu được văn hóa quê hương một cách rất đậm màu Việt Nam mà nhất là đậm chất Huế của Bà và Mẹ.

Nhớ lại trước đây, khi Kim Lan giới thiệu Mai Lan - đứa con gái đầu tiên của mình cho tôi, tôi đã rất ngạc nhiên khi nghe nói cô bé này sinh ra và lớn lên tại nước Đức mà từ cách chào hỏi đến khi trò chuyện với tôi, cháu luôn sử dụng tiếng Việt đặc sệt giọng Huế rất thuần thục để trả lời. Tôi đã sống ở hải ngoại mấy chục năm, đã gặp rất nhiều gia đình người Việt, đại đa số những đứa trẻ sanh ra tại các nước Âu Mỹ hoặc không biết nói tiếng Việt, hoặc có cách phát âm lơ lớ như người nước ngoài học tiếng Việt. Khi gặp Mai Lan, cháu đã cho tôi cái nhìn hoàn toàn khác.

Bây giờ thì tôi đã biết sở dĩ con gái của Thái Kim Lan có được thói quen tốt đó là do sự giáo dục của người Mẹ ngay từ thuở nhỏ trong một gia đình rất coi trọng văn hóa Việt Nam.

Quyển sách Thư gửi con này nếu đọc từ đầu chí cuối thì giống hệt như những dòng tự truyện được viết ra từ trái tim và… cái bụng của một người Mẹ tuyệt vời. Quyển sách lại có một giá trị đặc biệt cho những chuyên gia, những hội nhóm có liên quan về thai giáo và nuôi dưỡng trẻ em tham khảo. Thư gửi con còn là một quyển sách bổ ích cho những ai muốn tìm hiểu về ảnh hưởng của đạo Phật trong khi nuôi dưỡng đứa con. Nhưng trước hết, đây là một áng văn rất đẹp, vừa có chất tự sự với một ngôn từ đầy thi vị, vừa bao hàm những triết lý sâu sắc mà vẫn khiến người đọc cảm thấy nhẹ nhàng. Triết lý ở đây trong Thư gửi con là triết lý sống, triết lý thực tế của cuộc đời chứ không còn là những suy tư riêng của các triết gia nữa. Chúng ta có thể đọc quyển sách này như đang đọc một quyển tiểu thuyết hay, đa dạng ở nhiều vấn đề, bổ ích cho cuộc đời vì có những thí dụ cụ thể, và có ích cho những bà Mẹ trong xã hội muốn tìm cách nuôi dưỡng con từ lúc còn là thai nhi cho đến khi trưởng thành.

Riêng tôi cũng cảm ơn Kim Lan vì đã cho tôi có được những phút giây “phiêu lưu” cùng Kim Lan đi vào thế giới của hai mẹ con, thấy được những khía cạnh rất ngọt ngào, dễ thương trong tình con, tình Mẹ, đặc biệt hơn là làm cho tôi có cảm giác muốn quay trở về tuổi thơ khi còn Mẹ bên đời, để được nghe lời Mẹ ru và vòng tay Mẹ thiết tha nồng ấm thương yêu…

Bình Thạnh, chiều hè tháng 06/2012
T.V.K
(SH282/08-12)







 

Các bài mới
Các bài đã đăng