NGƯỜI ĐƯƠNG THỜI THƠ MỚI BÀN VỀ THƠ NGUYỄN ĐÌNH THƯ
NGUYỄN HỮU SƠN
Nhà thơ Nguyễn Đình Thư sinh ngày 1/10/1917 tại làng Phước Yên (nay thuộc xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế). Nơi đây trong khoảng mười năm (1626 - 1636) dưới thời chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên (1563 - 1635) từng được chọn làm dinh thự, thủ phủ nhà Nguyễn và còn có miếu thờ danh tướng Nguyễn Hữu Dật (1603-1681). Đây cũng là miền quê của những danh nhân nổi tiếng thế kỷ XX như Nguyễn Chí Thanh (1914 - 1967), Tố Hữu (1920 - 2002)… Nguyễn Đình Thư xuất thân từ một gia đình nghèo, được bà ngoại chăm nuôi suốt thời thơ trẻ nên được đặt tên là Thư, ngụ ý rằng đời ông cũng giống danh tướng Ngụy Thư đời Tấn khôn lớn cũng nhờ bên ngoại. Một thời Nguyễn Đình Thư học trường École primaire Queignec (mang tên một vị tướng người Pháp nguyên là giáo viên và tử trận trong Đại chiến thế giới lần thứ Nhất), được mở từ niên học 1919-1920, sau vào học trường Quốc Học Huế. Khi có bằng thành chung, ông được nhận vào làm thư ký ở Sở Kho bạc Huế. Sau Cách mạng tháng Tám 1945, ông tham gia chống Pháp rồi bị bắt, bị tra tấn và hy sinh anh dũng… Đương thời phong trào Thơ mới, chắc chắn Nguyễn Đình Thư từng gửi đăng thơ ở báo Ngày Nay và có tập Hương màu (chưa xuất bản) nhưng đã được các ông Thế Lữ, Lam Giang, Hoài Thanh - Hoài Chân đánh giá cao, cùng quan tâm nhắc nhớ, luận bình…
Trong mục Tin thơ trên báo Ngày Nay (số 82, ra ngày 24/10/1937), nhà thơ, nhà phê bình Thế Lữ uy danh nổi tiếng bấy giờ đã ghi nhận sắc thái trữ tình đậm đặc trong thơ Nguyễn Đình Thư đặt trong tương quan phong cách những Xuân Diệu, Thanh Tịnh, Hàn Mặc Tử, đồng thời cũng góp ý chân tình, thẳng thắn và chỉ rõ những điểm hạn chế:
“Huế là một chốn non nước mộng, chốn non nước tình: có lẽ vì thế mà nhà làm thơ ở đấy là những người đa tình với cảnh sắc, với hương thơm, với đủ các vẻ đẹp mong manh mà tâm linh rất dễ rung động của họ thường thu được và cảm thấy. Một Xuân Diệu, một Thanh Tịnh hay một Hàn Mặc Tử (mà tôi sẽ có dịp nói đến thi phẩm trong mục này) thường yêu đến say mê, yêu đến đau khổ những cánh hoa rơi, những hương gió thoảng bay, những nhan sắc xa xôi hay thực hiện (hiện thực - NHS chú). Họ thấy sự khoái lạc (và tả ra cho ta thấy), trong hết các cảm giác vui yêu hay chua xót của họ. Nhờ có các thi sĩ này sự ủy mị điên cuồng là một sự tốt đẹp cho cuộc đời, và những giọt lệ họ nhỏ thành lời thơ là những của châu báu.
Tôi nghĩ những điều vừa rồi vì đọc một bài thơ của một bạn trong Huế, và cũng vì thơ ấy có màu Xuân Diệu, một Xuân Diệu ngượng ngập vụng về hơn.
Tình yêu nồng nàn, sự thương nhớ, chờ mong, mừng rỡ cũng thấy đầm thấm trong bài Xuân sơ và bài Ngao ngán của ông Nguyễn Đình Thư. Ông tả buổi đầu xuân, hoa mai rụng đầy đất, hương mới nồng nàn trong bầu trời quang tạnh, cành lê đã trắng điểm năm bảy hoa...
Lá già đông sót rụng đôi tờ,
Nguồn thơm đầy ứ muôn đài kín,
Lũ bướm ong vàng bay ngẩn ngơ…
Giác quan phơi phới của thi sĩ rất tinh tường trước sự nẩy nở kín đáo của hoa, cây... Ông đoán thấy:
Nhựa nồng rạo rực trong cành lá,
Như những Thèm Thuồng trong thịt xương.
Ông bắt được:
Mùi hương mát rợn như da phấn
Và biết được:
Ngàn cây cảm khái nhún lay mình
Khi:
Thỉnh thoảng trăng cao tỏa bóng xanh.
Đó là những cái “đẹp” ghi trong những lời thơ có thể đẹp hơn nếu ông chịu lựa lọc. Ông không chịu tránh những tiếng lắp lại và những ý người khác đã dùng. Trong hai câu:
Mấy bữa gió mưa đà tạnh hẳn,
Xuân chừng đã tới, nước non ơi!
Chỉ đổi hai tiếng thích đáng hơn vào hai tiếng đà, đã biếng nhác là đỡ mềm yếu đi nhiều.
Và tiếng nắng nhắc lại ở hai câu:
Ấm áp vườn sau nắng uống sương,
Chim non say nắng hót trên tường.
Nghe không đẹp tai - và vừa ý - chút nào hết.
Khơi mạch thơ sâu kín có sẵn trong tâm hồn, tránh những ý của người khác, nhất là lối cảm xúc của người khác; đó là những điều ông Nguyễn Đình Thư nên theo”...
Khi bàn về lối thơ bình thanh (thanh bằng), Lam Giang trong sách Khảo luận luật thơ mới (Huế, 1940. In lần ba có chỉnh lý với nhan đề Khảo luận luật thơ, Sơn Quang xb, Sài Gòn, 1967) đã dẫn chứng thơ Nguyễn Đình Thư (đặt trong tương quan với thơ Xuân Diệu, Huy Phương, Nghiêm Tử Hàn, Anh Huy, Thanh Hữu):
“Sao lại chỉ có tiếng bình mới được dung nạp vào thơ? Tiếng bình êm diệu chăng? Phải có màu đen, màu xanh đậm mới nổi bật được sắc trắng. Phải có bóng tối mới làm cho ánh sáng quý giá vô ngần, hai cái tương phản làm cho giá trị của nhau được phân biệt, được tăng tiến thêm. Như vậy phải có trắc nặng mới làm nổi giá trị tiếng bình nhẹ.
Trong thơ lục bát Việt Nam thường thường tiếng bình chiếm ưu thế cho điệu thơ có vẻ thanh thoát nhẹ nhàng. Ví dụ:
SANG NGANG
Lòng tôi là chiếc thuyền lan,
Tình cô là khách sang ngang một chiều.
Thu nào rất đỗi cô liêu,
Bờ hun hút lạnh nắng hiu hiu buồn.
Qua rồi thôn cách bến sương,
Phất phơ áo nhạt mất đường lau không.
Vô tình nào biết trên sông,
Có người ngang lái còn trông dõi mình.
(Nguyễn Đình Thư)
Toàn bài có 8 câu, cả thảy có 56 chữ mà tiếng trắc chỉ 15 chữ, tỉ số tiếng trắc chỉ một phần bốn trong toàn số âm thanh”…
Xin nói thêm, so với trích dẫn của Lam Giang, bài thơ Sang ngang rút trong tập Hương màu của Nguyễn Đình Thư được Hoài Thanh - Hoài Chân tuyển in trong Thi nhân Việt Nam (Nguyễn Đức Phiên xb, Huế, 1942) có khác biệt vài chữ và khác cả lối ngắt nhịp, ngắt dòng:
Lòng tôi như chiếc thuyền lan,
Tình cô như khách sang ngang một chiều.
Thu nào quá đỗi cô liêu,
Bờ hun hút lạnh nắng hiu hiu buồn…
Qua rồi thôn cách bến sương,
Phất phơ áo nhạt mất đường lau không.
Vô tình đâu biết trên sông,
Có người ngang lái còn trông dõi mình.
Trong phần lời dẫn Một thời đại trong thi ca ở sách Thi nhân Việt Nam, Hoài Thanh - Hoài Chân đã xếp Nguyễn Đình Thư vào nhóm những nhà thơ đi theo xu hướng hiện đại và xa gần có tiếp nhận ảnh hưởng nguồn thơ Pháp:
“Ảnh hưởng Pháp trong thơ Việt đến Xuân Diệu là cực điểm. Qua năm 1938, Huy Cận ra đời, nó đã bắt đầu xuống, mặc dầu Huy Cận cũng chịu ảnh hưởng thơ Pháp gần đây, nhất là ảnh hưởng Verlaine.
Chung quanh đôi bạn Xuân Diệu - Huy Cận có vô số thi sĩ bàn nhì bàn ba: Tế Hanh, Huyền Kiêu, Đinh Hùng, Phan Khắc Khoan, Thu Hồng, Nguyễn Đình Thư, Xuân Tâm, Huy Tân, Huy Chức, Phan Thanh Phước, Nguyễn Đức Chính, Tường Đông... Đôi nhà thơ như Lan Sơn (trong tập Thơ của một đời), Thanh Tịnh, lúc nãy đã thấy một bên Thế Lữ, bây giờ lại kéo nhau về đây. Và Thế Lữ ngồi một mình trong dĩ vãng chừng thấy lẻ loi cũng về đây nốt”...
Thế nhưng trong một đoạn khác, với một cách cảm nhận khác, hai nhà phê bình lại nhấn mạnh sắc thái ca dao, lục bát và chất thơ đồng quê tình tứ của Nguyễn Đình Thư trong dòng thơ Việt:
“Trái lại, trong thơ Nguyễn Nhược Pháp chịu không thể thấy dấu tích một nhà thơ xưa nào. Không biết ai đã giúp Nguyễn Nhược Pháp tìm ra nụ cười kín đáo, hiền lành và có duyên ấy. Alfred de Musset chăng? Dầu sao đây rõ ràng là một nụ cười riêng của người Việt. Thế mà lạ, trong vườn thơ nó chỉ nở ra có một lần. Sau này Nguyễn Bính đi tìm tính chất Việt Nam lại trở về ca dao. Thơ Nguyễn Bính có cái vẻ mộc mạc của những câu hát đồng quê. Nguyễn Đình Thư cũng có chịu ít nhiều ảnh hưởng ca dao, lại chỉ mượn ở ca dao cái vẻ tình tứ. Cho nên Nguyễn Đình Thư gần Kiều hơn...
… Ngoài Lưu Trọng Lư, Phan Văn Dật, Nguyễn Nhược Pháp, Nguyễn Bính, Nguyễn Đình Thư, Vũ Hoàng Chương, trong dòng Việt cơ hồ không còn ai. Hoặc cũng có thể tìm thấy ở đây: Đông Hồ, Nguyễn Xuân Huy, Thúc Tề, Nguyễn Vỹ (trong bài Gửi Trương Tửu), T.T.Kh., Hằng Phương, Mộng Huyền, Trần Huyền Trân. Nhưng không lấy gì làm rõ lắm”...
Trong phần trực diện phác thảo chân dung Nguyễn Đình Thư trong bộ sách tổng thành Thi nhân Việt Nam, 1932 - 1941 nói trên, Hoài Thanh - Hoài Chân đã trân trọng tuyển tới 5 bài thơ (Đến chiều, Sang ngang, Tống biệt, Vương tình, Thiệt thà, tất cả đều rút trong tập Hương màu chưa xuất bản), xếp ngang Thái Can và thuộc hàng chiếu trên những người có 4 bài (Tế Hanh, Đoàn Văn Cừ, Anh Thơ, J. Leiba, Đông Hồ, Vũ Hoàng Chương), từ đó đi sâu phân tích, lý giải đặc điểm chất thơ Nguyễn Đình Thư:
“Khách yêu thơ gặp được một bài thơ hay là một cái thú. Nếu bài thơ lại chưa hề in lên mặt giấy cho hàng vạn người xem thì cái thú lại gấp hai. Thơ in ra rồi hình như có mất đi một tí gì, có lẽ là một tí hương trinh tiết.
Tôi đã được nếm cái thú thanh khiết ấy trong khi xem thơ Nguyễn Đình Thư.
Đây không phải là một nguồn thơ tân kỳ. Xem xong ta có thể nghĩ đến thơ người này, người khác. Mặc dầu, lần thứ nhất tôi đọc những vần thơ ấy, nó cứ lưu luyến hoài trong tâm trí như tiếng nói một người bạn tuy mới quen mà vẫn thân yêu từ bao giờ.
Thơ Nguyễn Đình Thư không nói chuyện gì lạ: một chút tình thoảng qua, một đêm trăng lạnh, vài con bướm vẽ vành, một buổi chia ly, nỗi lòng người bị tình phụ, đi lại chỉ những buồn thương, những vui sướng rất quen. Nhưng buồn ở đây là một mối buồn âm thầm, lặng lẽ, thấm thía vô cùng, cái buồn không nước mắt, cái buồn của điệu Nam Bình trên sông Hương. Lòng thi nhân như một nguồn sầu vô hạn rưới khắp cảnh vật, bao phủ cả vầng trăng khuya:
Không biết hôm nay trăng nhớ ai
Mà buồn đưa lạnh suốt đêm dài?
Trông chừng quạnh quẽ mênh mông quá
Như trải u hoài muôn dặm khơi.
Buồn cho đến những khi đáng vui, những khi yêu và được yêu, cũng buồn. Bài thơ thành ra lời của thi nhân thì thầm một mình; người xem hình như cũng cần phải ngâm rất nhỏ. Đọc to lên nghe sỗ sàng thế nào như nghe những bài ca Huế phổ vào cái âm nhạc ầm ĩ của đôi bàn máy hát.
Nhưng thi nhân dễ buồn thì cũng dễ vui. Một chút nắng mới báo tin xuân cũng đủ khiến người vui. Cái vui của Nguyễn Đình Thư có vẻ kín đáo, nhưng không miễn cưỡng, không gượng gạo. Người vui hồn nhiên, cái vui của cây cỏ.
Về điệu thơ thì có đến bốn năm lối. Riêng trong lối lục bát thỉnh thoảng ta lại gặp những câu phảng phất giọng Kiều hay giọng ca dao lẫn với một tí phong vị mới. Chẳng hạn như những câu:
Một thương là sự đã liều
Thì theo cho đến xế chiều chứ sao!
Sa buồn mây nối đồi thông,
Khói cao nghi ngút đôi vùng giang tân.
Có khi lại xen vào một hai tiếng riêng của đàng trong nghe cũng hay:
Cách vời trước biết bèo mây
Chung đôi xưa “nỏ” sum vầy làm chi.
Nhất là chữ “thương”, một chữ đầu miệng của người Huế, thi nhân dùng đến luôn và dùng khi nào cũng có duyên (trên kia ta đã thấy một lần):
Mấy bữa trông trời bớt nhớ thương,
Chim say nắng mới hót inh vườn.
Gió xao trăng động hương cành,
Trông ra mấy dặm liễu thành thương thương.
Mở lòng đón phong trào thơ mới, điều ấy đã đành, nhưng cũng chớ quên tìm đến nguồn thơ thiên nhiên của nòi giống. Nguyễn Đình Thư đã có ý ấy. Ít nhiều hồn xưa đã ngưng lại trong thơ Nguyễn Đình Thư”.
Đúng là Nguyễn Đình Thư đã “mở lòng đón phong trào thơ mới” và người đương thời đã mở lòng đón đọc Nguyễn Đình Thư. Ngay cả khi thơ ông mới chỉ in báo và tập Hương màu chưa được xuất bản, người đời vẫn đón nhận và đánh giá cao một giọng thơ trữ tình vừa có cấu tứ hiện đại vừa giữ được hơi hướng đồng quê tình tứ. Trong tầm nhìn của người đương thời, Nguyễn Đình Thư là thi nhân vừa truyền thống vừa hiện đại, biết đón gió bốn phương mà vẫn mãi là người con của xứ Huế và hiện thân của tình quê hương xứ sở Việt Nam.
Hà Nội, tháng 7/2012
N.H.S
(SH283/09-12)