TRẦN HỮU LỤC
Những trang văn đầu tiên của Trần Duy Phiên phản ánh cách nghĩ, cách sống và cách chọn lựa của một thanh niên trước thời cuộc và đất nước. Khi đang còn theo học tại trường đại học Sư phạm và đại học Văn khoa Huế, Trần Duy Phiên đã là một cây bút trẻ và còn là một sinh viên năng động.
Là một trong những người tích cực, anh cùng Trần Đình Vỹ hình thành đặc san Hướng Đi (1963), chủ trương đặc san Đỉnh Triều (1965), thành lập một vài tổ chức văn nghệ tiến bộ thời đó như hội Hồng Sơn, phòng Sinh hoạt Văn học - Nghệ thuật đại học Sư phạm Huế. Cuối năm 1966, hội Hồng Sơn có dự định xuất bản một nguyệt san văn học lấy tên là Việt và chọn Trần Duy Phiên làm chủ nhiệm kiêm chủ bút (đã lập hồ sơ xin nhưng chờ mãi không thấy chính quyền thời đó cấp phép).
Tháng 9 năm 1967, tốt nghiệp Trần Duy Phiên đi dạy học ở Kontum. Tháng 8 năm 1968, Trần Duy Phiên về Huế cùng với Tần Hoài Dạ Vũ hình thành tạp chí Việt, xuất bản dưới dạng bất hợp pháp (tòa soạn bí mật đặt ở lầu 3 thư viện đại học, in ronéo ở trường Mỹ Thuật). Qua đến năm 1969, do một số khó khăn khách quan, Việt dời vào Sài Gòn, ủy nhiệm Trần Hữu Lục phụ trách chung và Việt được Đối Diện - một tạp chí có uy tín hàng đầu lúc bấy giờ, giao đảm nhận toàn bộ phần văn học - nghệ thuật (cho đến năm 1975). Trong quãng thời gian ấy, Trần Duy Phiên là một trong số những cây bút chủ lực văn xuôi của Việt.
Một chặng đường biết bao gian nan và thử thách, Việt gần như là nhóm văn học nghệ thuật đối kháng duy nhất tồn tại lâu dài đến mười năm (1965 - 1975) giữa lòng đô thị miền Nam. Trần Duy Phiên đã định hình văn phong qua truyện dài Đốt lửa sau mây (đăng được bốn kỳ trên tạp chí Việt) và sau đó một số truyện ngắn trên tạp chí Đối Diện. Tôi viết văn cùng thời với Trần Duy Phiên và đã từng cùng nhau chia sẻ ngọt bùi của người cầm bút trong thời tao loạn. Đọc lại một số truyện ngắn của anh, tôi bắt gặp tuổi thơ và thời trai trẻ của mình. Anh viết về những em học trò khắc khoải trong ngôi trường miền núi đìu hiu, về tuổi thơ bị săn đuổi trên chính quê hương nhưng vẫn không nguôi hướng đến ngày mai (Nắng đẹp sân trường, Thư học trò…). Giai đoạn kế tiếp, truyện ngắn của Trần Duy Phiên là bản cáo trạng về băng hoại của xã hội, về thân phận nghèo hèn, về nỗi thất vọng, oán hờn và cả nỗi khát khao thầm lặng của những con người bị tước đoạt quyền sống trong các trại tạm cư và các khu rác ngoại thành (Tư Giò, Sáu Dền, Mặt đất quê ngoại…), nhưng vẫn còn nuôi hy vọng vào mai sau (Trốn, Chim tha lửa…). Trước năm 1975, Trần Duy Phiên đã có vài ba chục truyện ngắn đăng trên các tạp chí: Việt, Đối Diện, Trình Bầy, Ý Thức và đã được các báo Việt ngữ yêu nước in lại ở Canada, Nhật Bản.
Từ cuối năm 1971, tạp chí Đối Diện lần lượt ấn hành nhiều tác phẩm chọn lọc như: Cách một dòng sông (tập truyện - Trần Hữu Lục), Rừng dậy men mùa (thơ - Đông Trình), Trước khi mặt trời mọc (tập truyện - Trần Duy Phiên), Cho cây rừng còn xanh lá (bút ký - Nguyễn Ngọc Lan), Bọt biển và sóng mgầm (bút ký - Lý Chánh Trung)… Ngày đó, Trần Duy Phiên đã tạo ấn tượng với một văn phong sắc cạnh, mạnh mẽ và lôi cuốn. Trong bài tựa Tuyển tập truyện ngắn Việt (Nxb Trẻ -1997), tiến sĩ - nhà văn Huỳnh Như Phương có nhận xét: “Bên cạnh một Trần Hữu Lục trữ tình, Trần Duy Phiên là nhà văn có ngòi bút sắc cạnh và bạo liệt khi miêu tả cái ác và thể hiện sự thảm khốc của chiến tranh”. Tính cách ấy được rõ nét hơn qua Trước khi mặt trời mọc (Đối Diện xuất bản năm 1972, bìa của Đinh Cường), truyện có nội dung dữ dội và bút pháp lạnh lùng (Tư Giò và Sáu Dền). Nếu Chim tha lửa - một vẻ đẹp lãng mạn trong phong trào đấu tranh của đô thị miền Nam, thì cái kết cục tàn nhẫn của Qua đồng Văn Xá lại dội vào tim ta một nỗi đau tê điếng uất nghẹn”.
Sau năm 1975, Trần Duy Phiên nghỉ dạy học và nghỉ viết khoảng mười năm. Anh bươn chải qua nhiều nghề tạp nham để kiếm sống. Tới hồi khoảng 1984 - 1985, anh cầm bút trở lại và sáng tác khá sung sức. Những truyện ngắn của Trần Duy Phiên lần lượt xuất hiện trên các tạp chí: Thanh Niên, Sông Hương, Đất Quảng, Nha Trang, Gia Lai - Kon Tum, Cửa Việt, Thế Giới Sách, Non Nước, Nhớ Huế, TB, Văn Nghệ (Hội Nhà văn Việt Nam)… - Trong đó, một số được các tạp chí ở Pháp - Mỹ - Trung Quốc - Canada… đăng lại, một số truyện hay được tuyển chọn in chung trong nhiều tuyển tập: Tiếng hát những người đi tới (Nxb Trẻ-1993), Truyện ngắn Việt Nam chọn lọc (Nxb Văn Học - 1996), Tuyển tập truyện ngắn Việt, Nhìn lại một chặng đường văn học (Nxb Tp. Hồ Chí Minh - 2000), Tuyển tập xa xứ (Nxb Trẻ - 2001), Sông Hương - Văn (1983 - 2003 - Nxb Văn hóa Thông tin - 2003), và một số được chọn đọc trên các đài phát thanh Việt Nam, VOA.
Ngoài truyện dài Đốt lửa sau mây đã được in mấy kỳ trên tạp chí Việt (cho đến nay toàn tập vẫn chưa được xuất bản), Trần Duy Phiên đã lần lượt ấn hành năm tập truyện ngắn và một cuốn tiểu thuyết.
Qua hàng chục năm lặn lội nơi rừng sâu núi thẳm, Trần Duy Phiên có những cảm thức độc đáo về rừng và người bản địa. Anh đã hoàn thành cuốn tiểu thuyết thật dữ dội. Với Trăm năm còn lại, Trần Duy Phiên đã dẫn dắt người đọc vào tận cùng bên trong thế giới chứa đầy bạo liệt của rừng và tham vọng của con người bắt rừng làm nô lệ. Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường trong bài tựa của cuốn tiểu thuyết này đã viết: “Tất cả cái thế giới nhỏ bé và khủng khiếp của Trăm năm còn lại được Trần Duy Phiên thuật lại bằng một giọng chuẩn với thi pháp tiểu thuyết, sắc bén, điềm tĩnh và nhiều khi đến tàn nhẫn, buộc người ta phải thức tỉnh. Những hoàn cảnh, tính cách, thủ đoạn và số phận của hơn chục nhân vật cứ đan cài, xô đẩy lẫn nhau, tạo nên một không gian dồn nén và bạo liệt mà tôi nghĩ chưa từng xẩy ra trong văn học của chúng ta viết về Rừng - Rừng như chính bản thân nó”.
Mỗi nhà văn có riêng một quê hương sáng tác. Với Trần Duy Phiên, anh có đến hai quê hương như thế. Trong các truyện của anh, dấu ấn của hai quê hương đó khá rõ nét và đã trở thành nền văn hóa của tác phẩm, đấy là Cố đô Huế và miền tây tam biên Kontum. Không thể nhầm vào đâu được, hàng loạt truyện của anh mang thần thái cố đô (Những mảnh vỡ của một vì sao chợt tắt, Ngược dòng phù hoa, Chim tha lửa, Pháo thủ thành Trấn Hải, Có ai dám mở mắt ra không? Ngàn năm bia miệng, Những số phận tình yêu di truyền, Con đường xa lạ trước mắt…). Ở đây thấp thoáng bóng dáng sông Hương, núi Ngự, cầu Trường Tiền, đường Lê Lợi và những tà áo trắng… Thì cũng không thể nhầm vào đâu được, hàng loạt truyện của anh mang dấu ấn đặc thù hoang dã (Trăm năm còn lại, Kiến và người, Của em, Mối và người, Nửa đêm về sáng, Bahnar, Ngõ đạo miền hoang dã, Anh hùng thảo dã…). Ở đây thấp thoáng dòng Dakbla, núi Chưhpao, lễ hội sắc tộc, sinh hoạt buôn làng và những váy khố thổ cẩm sắc nét hoa văn.
Tôi gọi hai nơi ấy - hai mặt đất ấy, hai không gian ấy, là hai quê hương của một con người Trần Duy Phiên. Và thật kỳ lạ, hai quê hương sáng tác dị biệt như mặt biển với đầu non lại ở chung một ngòi bút. Và thật lý thú, trong quê hương nào Trần Duy Phiên cũng chu đáo, chăm chút, chân thật, tỉnh táo, sắc sảo, tự nhiên, tươi tắn, ngộ nghĩnh, sống động và hóm hỉnh. Tất cả cho ta thấy một thực thể nhân sinh bao gồm nội lực thâm hậu và công phu khó nhọc của nhà văn đã đạt độ chín muồi của tuổi đời, tuổi nghề, tuổi phố và cả tuổi rừng.
Trần Duy Phiên là một người viết văn thành danh rất sớm, đã khổ luyện giữa phố phường và cả giữa chốn rừng xanh, đã đạt độ chín muồi trong sáng tác. Bây giờ đọc Ngõ đạo miền hoang dã, bắt gặp Ngựa doang, Charles David - Vua Sédang, Anh hùng thảo dã… tôi nghĩ vua Lửa, vua Nước ở Tây Nguyên chẳng còn ngai vị, vương quyền nhưng không ai muốn xóa bỏ. Trần Duy Phiên cũng thế, hơn bốn mươi năm sống ở Kontum, đến nay chức quyền không ngoài hai chữ thường dân nhưng người ta khó mà quên được anh.
Đó là thành quả của một Trần Duy Phiên mãi âm thầm, bền bỉ với chọn lựa của mình như thuở mới bắt đầu. Vẫn biết văn chương đang rớt giá, nhưng Trần Duy Phiên thật sự cảm thấy hạnh phúc mỗi khi hoàn tất một tác phẩm. Là bạn học, bạn văn và bạn đọc, tôi vẫn tham lam kỳ vọng ở Trần Duy Phiên nhiều hơn nữa, trong đó những gì bất hạnh đã viết đang còn trong bóng tối và những gì hy vọng sẽ viết đến hơi thở cuối cùng. Tham lam đòi hỏi nhưng tôi tin, vì chính anh trong cảm đề Trăm năm còn lại đã tâm nguyện: “Tôi và núi. Núi và mây. Mây và gió. Gió và cây. Trăm năm còn lại chút này. Rừng ơi!”.
T.H.L
(SH283/09-12)