TRẦN THÙY MAI
(Đọc Đi tìm ngọn núi thiêng của Nguyễn Văn Dũng, Nxb Thuận Hóa, Huế, 2012)
Ngày trước nhà văn Nguyễn Tuân đã có lần ước rằng sau khi ông chết, xin đem bộ da của ông làm chiếc va li để ông có thể tiếp tục du hành khắp đó đây. Những chuyến đi xem ra có sức hút mạnh mẽ vô cùng với những tâm hồn lãng tử. Có lẽ, điều ấy xuất phát từ cái khát khao muôn thuở của con người từ thời nguyên thủy, khát khao muốn đi tìm những vùng đất mới để mở rộng biên giới của cuộc sống.
Trong vòng hơn mười năm nay, nhà văn Nguyễn Văn Dũng đã nổi tiếng là một nhà du hành. Năm 2006, với cuốn du ký “Linh sơn mây trắng”, anh đã kể với chúng ta thật nhiều chuyến đi thú vị. Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường khi giới thiệu cuốn sách này đã so sánh bút lực của tác giả với tinh thần dũng cảm và cao nhã của hoa anh đào. Đấy là vì Nguyễn Văn Dũng không phải một người đi du lịch khơi khơi. Anh đi, nhìn, chiêm nghiệm với cái tâm rộng mở và đầy sức mạnh của một môn đồ võ sĩ đạo.
Nhà văn Nguyễn Văn Dũng phát biểu cảm nghĩ tại buổi giới thiệu tác phẩm “Đi tìm ngọn núi thiêng” |
Đi tìm ngọn núi thiêng là cuốn sách thứ hai anh viết về những chuyến ngao du. Đọc mới thấy đáng nể, vì té ra nhà du hành này không bỏ sót một châu lục nào không đặt chân đến. Chuyện trong năm châu bốn biển từ những chuyến đi này càng lúc càng chất đầy trong tâm trí của anh, rồi qua ngòi bút và trang giấy anh lại chia sẻ với mọi người. Cho nên ta mới có được cái thú ngồi nhà mà vẫn nhìn thấy bao điều hay chuyện lạ ở những nơi anh phải gieo neo tìm đến.
Nói là gieo neo, vì không phải chuyến đi nào cũng lên xe xuống ngựa, cũng thông qua phương tiện văn minh tân tiến. Có chuyến anh đi thăm những đền đài tráng lệ như cung điện Buckingham lạnh lẽo (Anh quốc) hay lâu đài Konopiste đầy bí mật (Czech). Nhưng cũng có chuyến đi gian khổ (Đường về Tuyết Sơn) thậm chí suýt toi mạng (Đi tìm ngọn núi thiêng). Anh kể với chúng ta về phiên chợ ở Manaus, nơi mà quý bà Việt Nam nếu được thấy một lần có lẽ sẽ vô cùng kinh ngạc: Cả chợ chỉ có đàn ông, không có một phụ nữ nào. “…Ở Brasil, người chồng là trụ cột của gia đình: xông pha, kiếm tiền, quản lý mọi thu nhập; còn người vợ, thì chỉ chăm chút việc nhà, nuôi dạy con cái, chờ chồng, và làm đẹp”. Không có anh làm sao ta biết được ngay giữa công viên Parc de l’Artillerie ở Toronto (Canada) có bức tượng bán thân của Nguyễn Trãi. “…Đó là bức tượng bán thân đặt trên một bệ đá cao, bên cạnh vô số bức tượng của các danh nhân thế giới. Tôi sững sờ và xúc động tưởng như lâu ngày gặp lại người thân. Tự hào thay khi một phần lịch sử dân tộc mình đang có mặt nơi vùng đất xa xôi lạnh giá này. Nhưng sao khuôn mặt cụ có vẻ cau có và đau đời thế!” Nhiều khi, tác giả cố làm dịu bớt đi những xót xa của “những điều trông thấy” bằng chút dí dỏm hài hước: “…Tại Hiếu lăng của Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương có đến 38 cung phi bị tuẫn táng, còn Trường lăng của con trai ông thì ít hơn, chỉ 16 thôi. Không biết dưới âm phủ, các ngài có bị tòa án quốc tế cáo buộc tội ác chống lại loài người!”
Cái phong thái võ sĩ đạo, hay cũng có thể là phong thái của người thấm nhuần đạo Phật bộc lộ ra ở chỗ: Dù trong chốn văn minh phồn hoa hay nơi núi cao vực sâu hoang dã, tác giả cũng đều giữ cho mình một tâm hồn thanh thản, thư thái, luôn mở cửa tâm thức để đón chờ những điều mới lạ. Đôi khi trọng tâm của thiên du ký không nói về những chuyện ly kỳ nơi đất khách quê người, mà lại chính là những rung cảm bùi ngùi khi tìm lại một linh hồn xưa nơi thành phố lạ. Như là lúc gặp lại thủ bút của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trong một đêm thành phố Québec, những dòng chữ chưa phai đề tặng sinh nhật người con gái áo vàng, một mối tình đã từng là nguồn cảm hứng cho ca khúc Hoa vàng mấy độ…
Đọc những dòng du ký của anh tôi chợt nhớ đến câu nói của Jawaharial Nehru: “Chúng ta sống trong một thế giới tuyệt vời, đầy vẻ đẹp, đầy sự thu hút và những điều bất ngờ. Chỉ cần ta biết mở to đôi mắt, những cuộc phiêu lưu sẽ mở ra bất tận.” Nhà du hành, nếu không từ những chất liệu của ngoại cảnh mà đưa ra ý tưởng của chính mình, sẽ chẳng khác nào con chim không có cánh. Đi tìm ngọn núi thiêng ghi lại đường bay của những ý tưởng có cánh, xuất phát từ niềm đam mê khám phá thế giới và khả năng soi chiếu ngoại vật để tìm lại chính tâm hồn mình. Không phải ngẫu nhiên mà tác giả sắp đặt cho cuốn sách khởi đầu với một tuần tu tập trên Tuyết Sơn (Népal) và đóng lại với chuyến hành hương lên đỉnh núi Kailash (Tây Tạng). Là một người phương Đông, anh luôn xem những chuyến đi lớn nhất là những hành trình đi ngược vào thế giới tâm linh sâu thẳm. Nếu biển là hình ảnh của sự ra đi, thì núi gần với các thiền giả vì đấy là hình tượng của sự quay về.
“Một điểm đến không chỉ là một địa điểm. Đấy là một cách nhìn khác đi về sự vật” (Henry Miller). Khi ta thấy thế giới dường như rộng hơn, sâu hơn, khi muôn màu muôn vẻ của cuộc đời hiện ra trên từng đoạn đường, rất khác nhau nhưng vẫn không ngoài quy luật chung của sự sống thiêng liêng - thì đấy cũng là lúc ta đã chứng ngộ một điều gì đấy rất kỳ diệu. Phải chăng có thể nói đấy là chân lý của một Đạo - Đạo của những người thích lãng du?
Huế, 25 tháng 7/2012
T.T.M
(SH284/10-12)