TRẦN NGHI HOÀNG
“mảnh|mảnh|mảnh”, chỉ nhìn tập thơ, chưa cần đọc gì hết, đã thấy là một tác phẩm nghệ thuật tạo hình với bố cục táo bạo và vững vàng. Không offset bảy màu, không chữ nổi giấy tráng glassy, chỉ đơn giản hai màu đen và trắng. Đơn giản, nhưng rất công phu với khuôn khổ 12,5 x 26.
Tập thơ như dài ra, mở một con đường. Trên con đường đó, những ký tự ngôn ngữ Kinh, Kh’mer, K’ Ho, Lô Lô, và chữ Nôm được họa sĩ Nguyễn Trung Hiếu cho hòa quyện, kết tập vào nhau tạo thành một khối hình mà vừa nhìn qua, nó gợi cho tôi một ngôi nhà sàn mái nhọn với chân cột bên phải là một dấu hỏi ngược như đánh đố vào hư vô. Ngôi nhà lơ lửng trên nền không gian trắng. Trong ngôi nhà mái nhọn đó, năm ký tự ngôn ngữ (có thể còn là vô số ký tự ngôn ngữ khác chưa được trú cư vào?) quẫy lộn và vui chơi cùng nhau.
Chơi vui dường như là bản chất nghệ thuật của Lê Anh Hoài. Hay nói cách khác, chơi vui là phong cách nghệ thuật Lê Anh Hoài. Hoài chơi vui nghệ thuật hết sức nghiêm túc. Từ những performing art như “Tôi là cột điện”, “Đổng cu”… cho đến tập truyện “Tẩy sạch vết yêu”… Và bây giờ là tập thơ “mảnh|mảnh|mảnh”. Hoài không “gồng mình” để “chơi lạ”, “chơi nổi”, mà là “chơi vui”. Tất cả những cuộc “chơi vui” nghệ thuật của Hoài đều hết sức nghiêm túc như tôi đã nói, vì tôi có thể cảm nhận được nó đã khởi đi và thành tựu từ những trầm tư, suy nghiệm, tìm tòi vào nghệ thuật của cá nhân anh.
Hãy mở vào từng trang của tập thơ. 16 bài thơ bằng năm ký tự ngôn ngữ được trân trọng trình bày xen lẫn với những thư pháp năm ký tự ngôn ngữ. Mỗi một trang trong tập thơ, dù ở ngôn ngữ nào, cũng cho thấy sự nâng niu của những người thực hiện nó. Từ điều này cho tôi ý nghĩ là Lê Anh Hoài cố tình cho người đọc “thấy” được sự “đồng tác giả” của tập thơ… Tác giả Lê Anh Hoài, những dịch giả Lò Giàng Páo, K’ thế, Thạch Đờ Ni, Nguyễn Quang Thắng, Nguyễn Trung Hiếu. Mỗi người là tác giả của một phần trong công trình chung “mảnh|mảnh|mảnh”. Và bây giờ, đến lượt người đọc, mỗi người đọc cũng có thể tham gia làm tác giả, nếu bạn muốn… bước vào “cái BAY” hạnh phúc của Lê Anh Hoài. Dù chính tự tác giả đã cảnh báo:
khát khao
bước
ngoài giới hạn
ngoảnh lại nhìn
đám đông ném đá
(Người bị ném đá, trang 14)
Ngoảnh lại nhìn, nhưng rồi sẽ tiếp tục “đi” thôi. Đá sẽ ném vào sau lưng người đã bỏ đi. Thái độ này có được bởi ý thức rõ ràng về biến tấu của thời gian và không gian đã được chiêm nghiệm:
hình ảnh em lung linh sẽ
nhòa dần trong men rượu
loang loang, tam sao thất
bản, nét quý giá nhòa đi trong dòng người tấp nập
đèn đỏ ngã tư,
bán mua đầy chợ
Đó là lúc tôi của ngày hôm
nay chết!
(“Tôi của ngày hôm nay chết”, trang 36)
Ý thức về sự tồn tại của sự vật và mọi thứ chỉ trong sát na hiện tiền. Và ngay cả cái sát na hiện tiền biết đâu “ý thức” đó cũng đã bị khúc xạ và nhiễu tượng qua một chiều không gian hay thời gian nào chưa quen biết?
Chẳng có gì phải nói
vì tất cả đã thấu hết rồi
............
Lời chỉ là những gì sau này chúng ta sẽ nói
sau khi chúng ta qua kiếp nạn này
(“Lời”, trang 41)
Không có gì phải nói nữa, thì có ra dấu được không? Vì chờ cho qua kiếp nạn này thì chờ đến bao giờ? Câu hỏi này không nhất thiết phải trả lời. Vì “lời” đã mất tích thì lấy chi mà trả!
Chúng mình đã khát khao ánh sáng/ và đã cùng nhau nhảy vọt lên bờ/ nắng thiêu chúng ta đến tan thành nước
........
ta chảy tan rồi ta chết mất thôi/ làn nước lạnh u buồn/ ta chết chìm trong làn nước tối
..........
tan chảy lung linh giọt mình nguyên chất/ tan chảy thành hơi tan vào cõi mất/ tan chảy tan chảy tan chảy tan chảy
............
(“Cá”, trang 67)
Tan chảy cũng là một “cách chết”. Có thể đây là một cách chết thơ mộng cần có hai người để thực hiện trong một ngày nắng trên bờ và mưa dưới nước…
người diễn trên thập tự
mang khuôn mặt nhựa pê đê cười mỉm
dàn thánh ca ngây ngất cần sa
(như trên. “Em trôi trên ngã tư giáng sinh”, trang 73)
Ngây ngất cần sa hay sự ngất ngây cần thiết? Sa đọa hay sa xuống rớt xuống! Marijuana hay Maria linh hồn tôi ớn lạnh. Không có chi lo lắng! Sự cứu rỗi tức thì liền ngay đó:
tiếng chuông thất thanh xếp đặt
Liền ngay sau tên gọi của những bánh mì và coca và:
cha tôi nằm co trên chiếc giường khô liệt/ mấy giáng sinh/ Chúa đâu? trong mắt cha tôi chỉ thấy/ bầu trời đen thẳm
dòng người tắc tị ngã tư, hình như em/ đang trôi trên đầu bọn chúng/ chợt thấy cương/ ôi mắt em trong như mẹ mari.
mari nào? Làm sao biết được! Em đã trôi đi, mọi người cùng trôi… Cuộc sống và cuộc chết cùng trôi đi… Tôi trôi qua mọi người và mọi người trôi qua tôi…
Thỉnh thoảng tôi gặp một trong số họ, những
người lưu - mảnh - tôi
Tôi nhận ra họ cũng là những mảnh mảnh mảnh
mà tôi thu lượm được
(“mảnh|mảnh|mảnh, trang 86)
Nhưng rồi trong một phút giây bần thần, câu hỏi chờn vờn hiện ra:
Những gì trong đầu tôi liệu có phải là thật?
Câu hỏi mở ra trùng trùng những câu hỏi khác: Liệu những hiện hữu trước mắt tôi có phải là thật? Liệu thế này…? Liệu thế kia…? Liệu sự thật có phải là sự thật? Bỗng nhiên cuộc vui chơi trở thành trầm trọng. Bởi vì, ngay trong trò chơi trốn tìm…
ta trốn nhau và cùng nhau trốn đám đông
ta trốn chính mình lạc mất chính mình
(“Trò chơi”, trang 92)
Trò chơi không còn là trò chơi nữa. Lắm lúc nó thành bi kịch. Bi kịch ập xuống khi “đức Chúa bã trà lipton gục/ đầu trên thánh giá khuấy ly/ bằng nhựa/ tòa giáo đường bảng/ menu/ đống diêm cương cứng nụ/ xòe chết gục trong quan/ tài giấy ăn trắng lốp. (“Loang loáng”, trang 105). Bi kịch cũng là trò chơi của thảm kịch; khi những ngụp lặn đã hụt hơi, ngay cả trong tình yêu cũng là tình huống. Lê Anh Hoài luôn tinh quái dù trong tình huống nào chăng nữa:
một giấc mơ vườn cây giữa sa mạc
những con đường nhựa
một giấc mơ nụ hôn
giữa tiếng rú gầm của những động cơ
..........
tôi - em bội thực nhau
........
(“Nhu cầu”, trang 125)
Bi kịch nằm ngay trong hạnh phúc. Và lắm khi thảm kịch mang mặt nạ của hạnh phúc. Con người trong thơ Lê Anh Hoài vui chơi, nhưng là cuộc chơi vui trong ma sát của chính mỗi tự thân, của mỗi “chính mình”. Rốt cùng, chỉ còn lại đêm tối - chốn dung thân, nơi ẩn náu muôn đời…
chỉ có đêm mới biết/ chúng mình điên/ đến mức nào/ chỉ có chúng mình/ mới biết đêm đen tối/ và tuyệt vời/ xin đừng gọi, đừng gọi/ anh và em sẽ tỉnh lại/ và rơi xuống/ và chết vì sự chắc chắn/ của mặt đường. (“Mộng du”, trang 130)
Mặt đường là mặt đời. Dù tình ái có thăng hoa đưa bốc chúng ta bay lên khỏi cuộc đời, khỏi mặt đường nhựa & bê tông… thì thực ra chỉ là một cuộc “mộng du, chiêm bao tỉnh thức”… Điều nguy hiểm là khi có ai gọi “anh và em” tỉnh dậy… Sự tình sẽ ô hô ai tai…
Lê Anh Hoài không so vai vuốt tóc, không nặng nề triết lí trong thơ. Hoài chơi vui như từng chơi vui những cuộc… khác của anh. Nhưng từ sự thông minh và qua những trải nghiệm sống của mình, cùng những suy tư và quan sát xã hội quanh anh, đã cho thơ Lê Anh Hoài hồn nhiên có những “mảnh” ý tưởng sâu sắc về con người và cuộc sống.
T.N.H
(SH286/12-12)