Tôi chưa được đọc Đông Hà nhiều. Vậy nên gặp chị, tôi cứ nghĩ về một miền quê cồn cào những nhọc nhằn giản dị như đất Quảng Bình ai cũng phải gọi Quê ta ơi!. Cảm giác sai bắt nguồn từ một cách thức lẫn lầm. 16 bài thơ trong tổng số 42 bài thơ của Mưa Kim Cương là thơ lục bát. Thời nay, thỉnh thoảng mới được đọc vài câu lục bát. 16 bài trong một hạt kim cương nhỏ bé quả là thật nhiều. Hồi còn là học sinh phổ thông, tôi được thầy giáo dạy rằng, thơ lục bát khó làm bởi nó rất... dễ làm! Tôi nghe mà không hiểu. Thầy giảng giải, vì ai cũng biết, vì ai cũng có trong đầu mình một vài “núi thơ” lục bát, nên làm cho hay, cho khác là khó vô cùng. Đại để, điều nhiều người biết sẽ là điều không có dễ bao giờ!
Ba giờ sáng giật mình thức dậy. Ánh mắt mỏi khờ say tỉnh của tôi bắt gặp giọt-đá-mưa thẫm buồn đang thao thức. Không chắc những dòng thơ ấy đã khó ngủ biết bao lần? Mười năm dưng dửng chiêm bao (Hồng nhan); Trĩu tim gánh mối tình đầu sang sông (Trĩu cành vông vang); Tôi giờ cười nụ không công; Đò ngang không bãi chở lòng không neo (Gió hồng); Kìa em, hoa nở dặt dìu; Và đêm đã nhớ đìu hiu sang ngày (Đêm cùng hoa huệ tây)... Những câu thơ như những ánh sao, chi chít nhớ và bồn chồn mong đợi để cho đêm, cô quạnh hơn nỗi diết da; để Này tôi một chút thật thà; Buôn ngơ bán dại chảy qua tay người (Cõi riêng). Giật mình, tôi như bừng tỉnh bởi cách nói của Hoàng Phủ Ngọc Tường: Đó chắc là bông hoa sẽ nở một mình suốt đời cô... Vẻ chi một đoá yêu đào mà văn chương ký thác nhiều nỗi tình buồn thế nhỉ! (Tựa). Nỗi buồn trong những câu lục bát của Đông Hà, như tác giả nói, Tôi quắt quay giữa cơn đày người trao (Lời nhân gian); nhưng sao tôi vẫn thấy không vương chút nặng nề. Những tiếng thở dài, buông chịu là những cơn mưa có thật suốt đêm dài. Nhưng cuộc đời, có những câu thơ cho ta biết thế nào là nỗi đau của những khúc hát được ngân lên từ tiếng rạn vỡ của trái tim. Dẫu có hát khác xưa, khóc khác xưa như Olga Bergol nói đi nữa, vẫn là những bông hoa nở thật đẹp, dịu dàng như những cánh hoa Xuyến Chi, băng qua mọi nhọc nhằn, mưa nắng để làm ngọt mát lòng người.
Huế và Mưa có lẽ là đề tài muôn thuở như câu chuyện về tình yêu. Lời của bài hát Love Stoty khẳng định “Chuyện về tình yêu ngọt ngào còn già hơn cả biển cả” (The sweet love story that is older than the sea...); nhưng tôi dám đoán chắc mưa Huế-cái yếu tố địa-văn hoá làm nên nét riêng của văn hoá Huế còn “già” hơn cả tình yêu nữa. Nếu không có mưa Huế chắc hẳn sẽ không có những lời ca về mưa bất tử trong nhạc Trịnh. Cái đáng trân trọng nhất của Đông Hà là ở chỗ, quê chị ở Quảng Bình nhưng chị hiểu mưa Huế và nói về mưa còn sắc và sâu hơn cả người Huế nữa. Có thể nào ngoài ấy nhiều mưa và “nước mắt” lắm với Lệ Thuỷ, Nhật Lệ; nên chị biết cách để Ta thong thả nhặt mưa xâu thành chuỗi; Chuỗi mưa hôm nào hoá kỷ-niệm-kim-cương? Đọc thơ mưa của Đông Hà, tôi mới ngẫm ra một điều nho nhỏ: Tà áo dài như là sự khái quát hoá đủ đầy của văn hoá Việt, nhưng có lẽ không ở đâu, không có bao giờ có vẻ đẹp nên thơ đến thế như một chiều nhẹ mưa của Huế. Bạn hãy thử cùng tôi ngắm những tà áo dài bồng bềnh trôi như những làn sóng nhỏ trên những dòng-sông-đường-phố, sẽ biết rõ điều này. Nhất là, một tà áo dài mỏng mảnh trong mỏng mảnh sợi mưa, nhẹ nghiêng nghiêng bay theo cánh dù mỏng manh như gió, như khát tìm sự nương đỡ, chở che; khắc khiu trái tim ai đang dõi mắt kiếm tìm...
Phan Đăng-một học giả uyên thâm luôn cho tôi những bài học về sự sâu sắc, bất ngờ; nói với tôi rằng Dân gian công lực thâm hậu lắm. Từ xưa, các bậc tiền nhân hiền triết đã định nghĩa thật đúng và thật hay về miền đất Huế, “Tứ thời giai hạ tiết, nhất vũ biến thành đông” (Cả bốn mùa đều là mùa Hạ nhưng chỉ cần một cơn mưa thôi, Huế đã bước sang mùa Đông rồi đấy). Mưa Huế có thể Chở nắng vàng, mưa trắng - kiếp phù du (Mưa Kim Cương); để Nghe mưa ướp lạnh tiếng cười; Nghe lanh canh vỡ chín mười nỗi đau (Nghe mưa). Thiên nhiên Huế là thiên nhiên của những tiếng đàn mưa trẫm ướt trong trái tim người. Chính vì thế, Huế mưa mình cũng mong thành như mưa (Gió Kinh thành); Mưa quấn chân đê ngập ngừng trong câu hát (Câu hát thuyền xuân); bắt con người phải Tong tả ra về sũng giữa cơn mưa (Một cõi chiêm bao).
Đông Hà không phải khóc mà dường như thơ chị sống thật với những cơn mưa. Có khi ngay cả trời không mưa ta vẫn nhìn thấy chúng: Huế không mưa sao thấy trắng lưng trời (Gởi người rời Huế); Mẹ ngậm ngùi ủ nắng đem trao (Hai mươi mùa hoa cải); Ta đưa tiễn nắng lưng trời (Khúc Thái Thị); Mắt bất động xoáy vào đời giông bão (Những người đàn bà làm thơ)... Mưa cứ đan vào đời, đan vào thơ chị thành niềm vui và thành cả lơ lửng những đám mây của nỗi buồn như cách diễn đạt của Hoàng Vũ Thuật: Gặp cơn mưa hôm trời đắm đuối; Em sợ mưa làm vỡ em ra (Em mong anh về); Nếu nỗi buồn là mưa rơi; Em nhặt nỗi buồn xâu thành hai chuỗi (Nỗi buồn).
Đọc Mưa Kim Cương sẽ “bắt” được những hạt mưa bình dị lóng lánh trong từng phút giây khắc khoải của cuộc đời. Ngày cuối năm, tôi đọc những hạt mưa mà như nghe thấy rất rõ tiếng thì thầm của mùa Xuân giăng nhẹ ảo huyền trong từng tiếng thơ rơi. Dù Đông Hà có lúc nghĩ phải Nhờ mưa đan hộ câu đùa tặng nhau (Thơ xưa) đi nữa, thì chắc hẳn những tâm tình khác lạ của một trong những người đàn bà làm thơ vẫn cho ta hơi thở mới day dứt và đẹp sắc không ngờ: Hỏi trời xin một thở than Hỏi em, nhận một cánh tàn của hoa (Cõi riêng) Đông Hà khiêm hạ đó thôi. Một khi chị đã phải “đi” để Tôi về xé giọt phù sa, Ươm vào hạt giống chở qua mắt người (Nghe mưa), thì thơ chị không thể không là một hạt mưa, góp cho đời, góp cho thơ trở thành Mưa luân vũ trên đoá hồng sớm mai (Một tấm lòng). T.V.H
(nguồn: TCSH số 205 - 03 - 2006)
|