Tác giả-tác phẩm
H/ậu-ại hiện đại trong văn học Việt Nam - công viên những lối đi hai ngã rẽ
15:35 | 29/03/2013

LGT: Cho đến nay văn học Hậu hiện đại ở Việt Nam vẫn đang là một hấp lực đối với người sáng tạo lẫn phê bình, nhất là giới viết trẻ. Sông Hương đã từng có một chuyên đề sớm nhất về vấn đề này vào số tháng 7/2011.

H/ậu-ại hiện đại trong văn học Việt Nam - công viên những lối đi hai ngã rẽ
Ảnh: internet

Vừa qua tại Hà Nội, ngày 15 tháng 1 năm 2013, Trường Đại học Sư Phạm I đã tổ chức thành công Hội thảo Văn học hậu hiện đại - lý thuyết và thực tiễn. Nhà phê bình trẻ Phan Tuấn Anh, hiện đang làm nghiên cứu sinh về “Nghệ thuật hậu hiện đại trong tiểu thuyết G.G.Marquez” tham dự sự kiện đặc biệt này đã có một bài viết tổng quan về cuộc Hội thảo. Xin giới thiệu đến bạn đọc.
SH



PHAN TUẤN ANH


H/ậu-ại hiện đại trong văn học Việt Nam - công viên những lối đi hai ngã rẽ

“Kẻ thực thi công việc bạo tàn nên nghĩ rằng công việc ấy đã được thực thi rồi, nên hãy quy phục một tương lai vốn không thể xóa bỏ như quá khứ…”.
                                                (Jorge Luis Borges)



Văn học hậu hiện đại ở Việt Nam là một câu chuyện cũ mà mới, nói như Salvador Dali đó là “sự dai dẳng của ký ức”, còn nói theo ngôn ngữ cụ cố Hồng trong Số đỏ (Vũ Trọng Phụng) là dạng “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”. Nhưng dẫu có nói đi nói lại, nói đến khổ sở, câu chuyện vẫn hầu như còn để ngỏ. Hiếm thấy có một hệ hình lý thuyết văn học nào được tiếp nhận vào Việt Nam lại trải qua nhiều khúc quanh và sự hoài nghi đến thế. Đến mức mà, cho đến ngày nay, khi “sự ngây thơ” trong tình yêu đã bị đánh mất như cách ví von nổi tiếng của Eco trong Lời tái bút cho tên của đóa hồng trong hàng loạt tác phẩm văn học hậu hiện đại Việt Nam, thì vẫn chưa có một sự khẳng định hoặc phủ định thực sự nào thuyết phục và thỏa đáng. Còn nhớ, chủ nghĩa hậu hiện đại trong văn học Việt Nam đã có một tiến trình tiếp nhận lâu dài, chứ không phải một hiện tượng đột biến gen nhất thời hay một mode hippy trong văn chương mang tính thời thượng.

Từ sau khi đất nước thống nhất, cho đến năm 1991, bài dịch đầu tiên về hậu hiện đại có tên Vài suy nghĩ về cái gọi là tiểu thuyết hậu hiện đại (A. Blach) được công bố, đăng tải trên tạp chí Văn học (tháng 5 năm 1991). Năm 1992, tạp chí Văn học và ngôn ngữ học đăng tải bài viết Những cuộc tranh luận về chủ nghĩa Hiện đại và chủ nghĩa Hậu hiện đại trên báo định kì viết bằng tiếng Tây Ban Nha. Tạp chí Thông tin khoa học xã hội (số 2 năm 1995) cũng có bài nghiên cứu về chủ nghĩa hậu hiện đại với tựa đề Sự suy tàn của phong trào tiền phong: nghệ thuật hậu hiện đại. Năm 1997, bài dịch về chủ nghĩa hậu hiện đại có tựa đề Về chủ nghĩa hậu hiện đại của tác giả John Verhaar (Lộc Phương Thuỷ dịch), đã được công bố trên tạp chí Nghiên cứu văn học (số 5). Năm 1999, trong ấn phẩm Văn hoá nghệ thuật thế kỉ XX do Nguyễn Nam và Lưu Huy Khánh biên soạn, các tác giả đã đưa khuynh hướng nghệ thuật “Hậu hiện đại” trở thành một trong một trăm hiện tượng văn hóa nghệ thuật nổi bật của thế kỉ XX. Chỉ từ năm 2000 trở đi, hơn bốn mươi năm kể từ ngày “hậu hiện đại” trở thành một trào lưu ở phương Tây, vấn đề “hậu hiện đại” mới được thường xuyên mang ra bàn luận trong đời sống học thuật nước nhà. Trong tạp chí Nhà văn (số 8, năm 2000) Phương Lựu công bố bài viết Tìm hiểu chủ nghĩa hậu hiện đại. Cũng trong năm này, giới nghiên cứu văn học Việt Nam đã đón nhận thêm một bài viết có giá trị được dịch ra tiếng Việt với tựa đề Lý thuyết văn chương hậu hiện đại của Niall Lucy, đăng tải trên tạp chí Thơ, một tạp chí bằng tiếng Việt xuất bản ở nước ngoài. Bài viết của Niall Lucy đã giải quyết một số vấn đề khá cơ bản của văn học hậu hiện đại. Tháng 9 năm 2001, trên tạp chí Văn học, Nguyễn Văn Dân công bố bài nghiên cứu Chủ nghĩa hậu hiện đại hay là hiện tượng chồng chéo khái niệm. Đây là bài viết có tính quy mô hơn cả, sau này được sửa chữa để đăng tải trên tạp chí Văn học nước ngoài (số 3 năm 2002 và tiếp tục hoàn thiện trong nhiều khoảng thời gian khác nhau, nhưng lại là một bài viết đã nỗ lực… chứng minh hậu hiện đại là một khái niệm rỗng, và mọi biểu hiện nghệ thuật của nó, thực chất đã có trong văn học hiện đại.

Từ sau năm 2000 trở đi, có thể nói hậu hiện đại đã trở thành một khuynh hướng phổ biến trong nghiên cứu văn học Việt Nam, và dần tạo nên một trào lưu trong sáng tác. Có thể kể tên hàng loạt cuốn sách lý luận, triết học và phê bình chuyên về hậu hiện đại được dịch hoặc được các nhà nghiên cứu trong nước viết nên như: Chủ nghĩa hậu hiện đại (Trần Quang Thái - 2006), Nhập môn chủ nghĩa hậu hiện đại (R.Appignanesi và… - 2006), Hoàn cảnh hậu hiện đại (Jean Francois Lyotard - 2008), Hiện đại hóa và hậu hiện đại hóa (R.Inglehart - 2008), Lý thuyết văn học hậu hiện đại (Phương Lựu - 2011), Chủ nghĩa hậu hiện đại và các vấn đề nhận thức luận (Trần Quang Thái - 2011), Văn học hậu hiện đại lý thuyết và tiếp nhận (Lê Huy Bắc – 2012), Thi pháp chủ nghĩa hậu hiện đại (Liviu Petrescu - 2013)… Trên phương diện sáng tác, chỉ tính riêng những nhà văn trong nước, có thể kể đến Thơ Việt, từ hiện đại đến hậu hiện đại Chuyện 40 năm mới kể và 18 bài thơ tân hình thức của Inrasara, Vũ điệu không vần của Khế Iêm, Chưa đủ để gọi là khoảnh khắc của Lê Minh Phong, Người ăn gió và quả chuông bay đi của Nhật Chiêu… mà đặc biệt là Ma net 3339 [những mảnh hồn trần] của Đặng Thân. Tuy nhiên, tất cả những hoạt động khoa học và sáng tạo này luôn nằm ở “ngoại biên” đời sống văn học, hoặc ít nhiều, trong những chừng mực nào đó, vẫn vấp phải “dị nghị luận” như cách nói của Đặng Thân. Thứ nhất, chưa có giải thưởng chính thức và hàn lâm nào trao cho những công trình, tác phẩm kể trên. Thứ hai, những tác phẩm hậu hiện đại “chính danh và toàn phần” (chứ không phải chỉ “yếu tố”) vẫn chưa có tác phẩm nào được đưa vào giảng dạy trong nhà trường phổ thông. Theo Lê Huy Bắc truyện ngắn Cụ già với đôi cánh khổng lồ (G.G.Marquez) từng được daỵ thử nghiệm nhưng rồi cũng bị loại ra. Có thể, có một số truyện ngắn khác như Chiếc thuyền ngoài xa (Nguyễn Minh Châu), Đàn ghita của Lorca (Thanh Thảo), Hồn Trương Ba, da hàng thịt (Lưu Quang Vũ)… đã được đưa vào sách giáo khoa, và theo Lê Huy Bắc đó là tác phẩm hậu hiện đại, tuy nhiên, chúng tôi vẫn còn nhiều băn khoăn về nhận định này. So sánh các tác phẩm nói trên với những tác phẩm như Hồn Trương Ba, da hàng thịt, Cánh đồng bất tận, Nỗi buồn chiến tranh, Chiếc thuyền ngoài xa… với các tác phẩm của Phạm Thị Hoài, Nguyễn Huy Thiệp ta đã thấy một khoảng cách thẩm mỹ lớn, chứ chưa xét đến trong sự đối sánh với những tác phẩm của Đặng Thân. Hiện nay, vẫn chỉ có khoa Ngữ văn Đại học Khoa học Huế có giảng dạy môn Văn học hậu hiện đại cho bậc cử nhân. Bên cạnh Đại học Khoa học Huế, một số cơ sở đào tạo khác như Đại học Sư phạm Hà Nội có giảng dạy bộ môn này cho bậc cao học, còn lại đa phần vẫn còn ngần ngại. Thứ ba, cho đến thời điểm chúng tôi viết tiểu luận này, theo sự hiểu biết nông cạn và luồng thông tin còn hạn chế của mình, thì mới chỉ có một hội thảo khoa học chuyên sâu về văn học hậu hiện đại được tổ chức trong một trường đại học, đó là Hội thảo Văn học hậu hiện đại - Lý thuyết và tiếp nhận do khoa Ngữ văn Đại học Khoa học Huế tổ chức năm 2011. Một sự tổng kết và ghi nhận dù kịp thời, nhưng xét tổng quan trong tiến trình tiếp nhận chủ nghĩa hậu hiện đại ở Việt Nam thì vẫn còn quá trễ nải, ít ỏi qua gần hai mươi năm tiếp nhận một hệ hình lý thuyết trên toàn quốc. Thứ tư, nhiều tranh luận, hồ nghi và phê phán chủ nghĩa hậu hiện đại được tổ chức cho đến nay vẫn còn tồn tại. Trong nhiều tiểu luận khác nhau, chúng tôi đã từng chỉ ra nội dung của những tranh luận, bất đồng này trong nghiên cứu văn học Việt Nam. Có thể kể đến một số nội dung chính như sau:

- Tranh luận - đối thoại hoặc bất đồng về thời điểm xuất hiện của chủ nghĩa hậu hiện đại trên thế giới và đặc biệt là sự tồn tại của văn học hậu hiện đại ở Việt Nam.

- Tranh luận - đối thoại hoặc bất đồng về bản sắc văn học hậu hiện đại ở Việt Nam: màu sắc bản địa hay diện mạo quốc tế, có nền tảng từ thực trạng nội tại hay lối sính thuật ngữ đua đòi theo bên ngoài?

- Tranh luận - đối thoại hoặc bất đồng về giá trị của văn học hậu hiện đại: nhân văn, dân chủ, mang tinh thần thời đại hay phá hoại, nộm chữ, vô tăm tích?

- Tranh luận - đối thoại hoặc bất đồng về các thuộc tính và thủ pháp của chủ nghĩa hậu hiện đại trong văn học, về nội hàm thuật ngữ hậu hiện đại.

- Tranh luận - đối thoại hoặc bất đồng về việc phân định ngoại diên của chủ nghĩa hiện đại và hậu hiện đại trên các phương diện quan niệm thẩm mỹ, thủ pháp nghệ thuật, phạm vi các tác gia, tác phẩm và trào lưu văn học.

Trong hoàn cảnh còn nhiều hoài nghi và vấn đề bỏ ngỏ đó, một hội thảo khoa học cấp quốc gia về chủ nghĩa hậu hiện đại là rất đáng chú ý, có vị trí quan trọng trong tiến trình tiếp nhận văn học hậu hiện đại ở Việt Nam. Ngày 15 tháng 1 năm 2013 tại Hà Nội, trường Đại học Sư Phạm I đã tổ chức thành công Hội thảo Văn học hậu hiện đại - lý thuyết và thực tiễn, chúng tôi đã may mắn có mặt tham gia chính sự kiện đặc biệt này. Sở dĩ chúng tôi nhận định đây là sự kiện đặc biệt là bởi ba lí do. Thứ nhất, dù là hội thảo chuyên đề thứ hai về văn học hậu hiện đại (sau Hội thảo do khoa Ngữ văn Đại học Khoa học tổ chức năm 2011), nhưng lại là hội thảo đầu tiên tại thủ đô - trung tâm của khoa học xã hội nhân văn nước ta, do một đại học lớn tiến hành và đó lại là một trường luôn nỗ lực thực hiện lời dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh rằng: “Làm thế nào để Nhà trường này chẳng những là trường sư phạm mà còn là trường mô phạm của cả nước”. Tức là, một tiếng nói phát đi từ thủ đô, trong một trung tâm có truyền thống nghiên cứu văn học hàn lâm và điển phạm uy tín, đương nhiên tiếng nói đó sẽ có trọng lượng. Thứ hai, dù có thể chưa quy tụ đầy đủ những gương mặt nghiên cứu hậu hiện đại tiêu biểu, nhất là những nhà nghiên cứu của miền Trung và đặc biệt là miền Nam, nhưng đây cũng là hội thảo nhận được sự quan tâm có mặt của đông đảo nhất (về chủ đề hậu hiện đại) của các nhà khoa học có uy tín như: GS.TS. Trần Đình Sử, PGS. TS. Đỗ Lai Thúy, GS.Nguyễn Đình Chú, PGS. TS. Nguyễn Văn Dân, PGS. TS. Hồ Thế Hà, PGS. TS. Bửu Nam, nhà phê bình Trần Thiện Khanh, nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Thành, nhà văn Đặng Thân, nhà thơ Bảo Sinh… chưa kể sự chủ trì của PGS. TS. La Khắc Hòa (Lã Nguyên), PGS. TS. Lê Huy Bắc, PGS. TS. Đỗ Hải Phong. Thứ ba, đây là hội thảo thuộc loại hiếm hoi có kỷ yếu được xuất bản trang trọng thành sách ngay trong ngày diễn ra (Nxb Đại học Sư phạm Hà Nội). Đọc qua cuốn sách với tựa đề Văn học hậu hiện đại - lý thuyết và thực tiễn, chúng ta có thể thấy kỷ yếu gồm 29 báo cáo khoa học được cấu trúc thành ba phần: 1/ Những bài viết tổng quan lý thuyết về văn học hậu hiện đại (5 báo cáo). 2/ Những bài viết nghiên cứu về văn học hậu hiện đại Việt Nam (8 báo cáo). 3/ Những bài viết nghiên cứu về văn học hậu hiện đại nước ngoài (16 báo cáo). Điểm đáng chú ý trong những báo cáo và tác giả tham gia hội thảo, đó là hầu hết những tác giả đều dưới 40 tuổi, chỉ có chưa đến mười người là trên độ tuổi này. Như vậy, chủ nghĩa hậu hiện đại rõ ràng đang tạo ra được cảm hứng mới và lối đi mới cho lý luận - phê bình trẻ. Đây cũng chính là lực lượng nòng cốt cho nghiên cứu văn học nước nhà trong tương lai ngắn sắp đến. Tuy nhiên, chúng ta cũng có thể ngạc nhiên là nhiều nhà khoa học “lão thành”, “trưởng lão” lại là những người cấp tiến, tiên phong nhất cho việc tiếp nhận và giới thiệu chủ nghĩa hậu hiện đại ở Việt Nam (như GS.TSKH. Phương Lựu, GS.TS. Trần Đình Sử, PGS.TS. La Khắc Hòa…), hoặc ít ra cũng luôn quan tâm và có thái độ khuyến khích (GS. Nguyễn Đình Chú, GS. Phùng Văn Tửu…). Trong đó, nhiều bài viết quan trọng của các nhà nghiên cứu có uy tín đã được giới thiệu như Văn xuôi hậu hiện đại Việt Nam: quốc tế và bản địa, cách tân và truyền thống (PGS.TS. La Khắc Hòa), Biểu tượng ông bố chết trong tiểu thuyết của D.Barthelme (GS. Phùng Văn Tửu), Về một vài khái niệm của chủ nghĩa hậu hiện đại (PGS.TS. Lê Nguyên Cẩn), Trò chơi ngôn ngữ trong tư duy hậu hiện đại (PGS.TS. Lê Huy Bắc)…

Theo phát biểu đề dẫn của PGS.TS. Lê Huy Bắc với tựa đề Hậu hiện đại như một siêu ngôn ngữ, chúng ta có thể thấy tình hình nghiên cứu văn học hậu hiện đại ở nước ta đang có nhiều chuyển biến và thành tựu không thể phủ nhận. Đến nay, đã có hơn 10 luận án tiến sĩ về văn học hậu hiện đại (đã hoàn thành và đang thực hiện), hơn 100 luận văn thạc sĩ. Theo Lê Huy Bắc, nếu phê bình thi pháp học xác lập tiếng nói chủ âm của mình trong nghiên cứu văn học nước nhà vào cuối thập niên 80 thế kỉ trước, đến cuối thập niên 90 thì phê bình tự sự học thực hiện “dòng riêng giữa nguồn chung” với phê bình thi pháp. Từ cuối thập niên 90 đến đầu thế kỷ XXI, có thể nhận thấy quyền uy của phê bình Phân tâm học, sau đó là phê bình thần thoại học, giải thích học, cấu trúc học… Tuy nhiên, trong khoảng mười năm trở lại đây, là thời kì phê bình hậu hiện đại xác lập vị trí quan trọng của mình, cho dù thân phận của nền phê bình này chủ yếu vẫn nằm ở ngoại biên. Ngày nay, thực sự hiếm có một công trình luận án, sách chuyên khảo nghiên cứu văn học đương đại, hay một hội thảo chuyên đề về nghiên cứu văn học nào không ít nhiều phải “chạm đến” hậu hiện đại. Những thuật ngữ của văn học hậu hiện đại như: giễu nhại, mảnh vỡ, liên văn bản, đại tự sự, mê lộ, trò chơi, huyền ảo, giải cấu trúc, đa trị… nhiều lúc trở thành một mode thời thượng trong nghiên cứu. Nhiều người sử dụng nó mà không ý thức được những thuật ngữ ấy thuộc về hệ hình lý thuyết nào. Hoặc cho dù ít nhiều hoài nghi, bất tín hoặc phản đối hậu hiện đại, thì một số người do vô thức, hoặc không có cách lựa chọn nào khác, cũng buộc phải đụng đến và sử dụng đến những thuật ngữ nói trên. Do đó, việc rút ra những luận điểm mới trong các báo cáo, ghi nhận những ý kiến thảo luận có ý nghĩa, cũng như bày tỏ quan điểm cá nhân của chúng tôi về những điểm nói trên trong hội thảo chính là nhiệm vụ của bài viết này, chứ không phải lối làm việc đưa tin, điểm báo có tính chất tường thuật, ghi chép về một sự kiện.

Trước tiên, về ba báo cáo trình bày tại hội thảo của TS. Nguyễn Tịnh Thy, PGS.TS. Hồ Thế Hà và PGS.TS. La Khắc Hòa (Lã Nguyên), chúng tôi nhận định đây là những tiếng nói có tính chất xướng âm cho hội thảo. TS. Nguyễn Tịnh Thy trong bài Phê bình sinh thái - nhìn từ lý thuyết giải cấu trúc đã phân tích phê bình sinh thái từ góc độ giải cấu trúc, nhằm làm rõ tâm thức hậu hiện đại của trường phái phê bình văn học đặc biệt này. Với những phân tích về tính lệch tâm, tản quyền, cái chết của chủ thể, lật đổ và tái thiết, tính đối thoại, Nguyễn Tịnh Thy đã phác thảo “bản tính” hậu hiện đại của phê bình sinh thái cả trên góc độ quan niệm về ngôn ngữ, cấu trúc văn bản, hình thức tự sự, triết học nhân sinh, nguyên tắc tư tưởng phản lý tính. PGS.TS. Hồ Thế Hà với báo cáo Cảm thức hậu hiện đại trong thơ Lê Hữu Khóa đã tiến hành phê bình hậu hiện đại đối với một trường hợp nhà thơ Việt Nam ở hải ngoại có thân phận đặc biệt. PGS. TS. Hồ Thế Hà một mặt chỉ ra tính bất định, khó khăn trong việc nhận định về thơ, nhất là thơ hậu hiện đại, để từ đó nói lên quan niệm của mình về thể loại đặc biệt này trong đời sống văn học đương đại. Qua đó, Hồ Thế Hà đã tiến hành phân tích một trường hợp nhà thơ hậu hiện đại đích thực và có nhiều cống hiến trong sự cách tân thi ca từ một thân phận riêng và cảm hứng riêng. Quan điểm chính của nhà nghiên cứu này về thơ hậu hiện đại nằm ở luận điểm: “thơ theo khuynh hướng nào không quan trọng, tùy nhu cầu của thời đại và nhu cầu của chính quy luật thi ca, nhưng thơ phải hay, đó mới là mục đích của quá trình thể nghiệm sáng tạo trong thơ”. Nhìn chung, nhà nghiên cứu Hồ Thế Hà lấy tiêu chí “giá trị”, và đi kèm với nó, là sự thừa nhận của người đọc, làm mục đích cho những cách tân văn học. Tuy nhiên, trong tham luận của mình, nhà nghiên cứu Lã Nguyên (La Khắc Hòa) lại có một luận điểm rất mới, mang tính đối thoại và tranh luận rất cao. Lã Nguyên cho rằng khi tiếp xúc với văn học hậu hiện đại mà đặt ra vấn đề tìm ra cái hay là rất khó, mà chỉ nên chú ý đến những phạm trù “cách tân” là chính. Hiện nay, nhiều nhà nghiên cứu văn học trên thế giới, khi tiến hành phân tích những tác gia và tác phẩm, luôn từ chối đưa ra nhận định tác phẩm đó có hay hay không, mà chỉ tập trung vào việc chỉ ra những đặc trưng thi pháp và những cách tân nghệ thuật. Nhìn chung, quan điểm của Lã Nguyên là lấy tiêu chí “cách tân” làm mục đích của quá trình sáng tạo nghệ thuật, còn quá trình thẩm định giá trị “hay” hay “dở” là sự cảm thụ cá nhân của người đọc.

Từ những báo cáo trình bày ngắn gọn nhưng có tính chất gợi mở, đặt vấn đề trên, phần quan trọng và cũng sôi nổi nhất của hội thảo là những thảo luận, phát biểu ý kiến của các nhà khoa học xen giữa phần trình bày của những báo cáo viên. Nhìn chung, có ba loại quan điểm cơ bản của các đại biểu, khách mời được trình bày tại hội thảo. Thứ nhất, đó là những quan điểm hoàn toàn ủng hộ văn học hậu hiện đại ở Việt Nam, tin tưởng một cách sâu sắc về sự thực hữu tồn tại của nền văn học này trong đời sống văn học Việt Nam đương đại. Và đồng thời, phía ý kiến này cũng cho rằng sự tồn tại ấy có nguồn gốc, tiền đề một cách vững chãi xuất phát từ nội tại đời sống kinh tế, chính trị, tư tưởng của nước ta. Đặng Thân là nhà văn đầu tiên phát biểu ý kiến, anh cho rằng những trào lưu văn học ở nước ta, hầu hết đã là “tiền chiến” (từ dùng của nhà nghiên cứu Từ Chi), tức gần như đã cạn kiệt sức sáng tạo và cách tân. Vì vậy, sự ra đời của văn học hậu hiện đại là một tất yếu nhằm đổi mới văn học Việt Nam, và chúng ta không nên có thói quen kì thị cái mới. Bởi vì, “một nền văn chương lớn là nền văn chương không chống lại ai cả”. Quan điểm này cũng được Lã Nguyên tán thành, xem văn học hậu hiện đại là “quyền được mới”. Tuy nhiên, Đặng Thân cũng lưu ý rằng sau hậu hiện đại là hàng loạt những trào lưu văn học mới, có tính cách tân mạnh mẽ hơn, thậm chí mang tính phủ định sâu sắc với chính hậu hiện đại. Cho nên, trong quá trình sáng tạo và nghiên cứu, không nên tuyệt đối hóa và mất đi quan điểm phản biện, tỉnh táo đối với chính hậu hiện đại. Nhà nghiên cứu Bửu Nam còn cho rằng, hậu hiện đại ngày nay đã xuyên thấm mọi lĩnh vực, tuy nhiên khi nghiên cứu vấn đề này ở Việt Nam, cần lưu ý sự tương thông như thế nào giữa trong nước và quốc tế, mối quan hệ, lằn ranh giữa hiện đại và hậu hiện đại. Quan trọng hơn, khi nghiên cứu văn học hậu hiện đại ở Việt Nam, cần chỉ ra đặc trưng mang bản sắc dân tộc của nó. Nhà thơ Bảo Sinh, từ góc độ nghệ sĩ và cảm quan hậu hiện đại xuất phát từ “văn hóa trào tiếu dân gian” đã đưa ra cảm nhận về văn học hậu hiện đại trong ông. Tính dân chủ, chấp nhận nhiều lý thuyết, nhiều chân lý, nhiều tiểu tự sự trong thời đại chúng ta hiện nay là đặc trưng lớn nhất. Tất nhiên, Bảo Sinh không phát ngôn hàn lâm như thế, mà nhà thơ cho rằng, cái gì cũng có cái “đạo” của nó, vợ chồng có đạo vợ chồng, cha con có đạo cha con, bồ bịch cũng có “đạo bồ bịch”… Miễn là, chúng ta phải hiểu biết chính cái “đạo” đó, chúng ta “chấp nhận” cái mới, nhưng phải hiểu biết nó. Phát biểu của nhà nghiên cứu Lã Nguyên cuối hội thảo xứng đáng là tiếng nói quả quyết, tự tin, có tính thuyết phục nhất và ít nhiều mang tính “khiêu khích” đã khẳng định cho sự tồn tại của văn học hậu hiện đại ở Việt Nam. Lã Nguyên cho rằng, cách đây hơn mười năm, ông đã chỉ ra những yếu tố của hậu hiện đại trong đời sống văn học Việt Nam. Qua trường hợp của Phạm Thị Hoài, Nguyễn Huy Thiệp, nhà nghiên cứu này đã phát hiện ra tâm thức “hoài nghi đại tự sự” (không có vua, động rừng) và trạng huống “bất tín nhận thức” (vô nghĩa, vô hồn, thảm bại) của họ. Tuy nhiên, phải đến sự xuất hiện của Đặng Thân, thì bước ngoặt quyết đoán của sự ra đời văn học hậu hiện đại ở Việt Nam mới được khẳng định. Trong văn chương Đặng Thân, Lã Nguyên tìm thấy tính trò diễn của nghệ thuật được phục hưng. Bộ ba tác giả - nhân vật - người đọc được giao tiếp trực tiếp với nhau và biến thành một “tam vị nhất thể”. Ngôn ngữ nghệ thuật của nhà văn này luôn có tính chất lai tạp, mô phỏng văn học mạng, cảm thức phúng dụ tràn ngập trong tác phẩm. Sự kết hợp giữa “óc” và “mông”, tức giữa lý trí và tình cảm được kết hợp hài hòa trong cảm quan thẩm mỹ. Sự giễu nhại toàn trị là cảm hứng chung, trong đó, ngôn ngữ luôn được trình bày theo lối đa thanh, phức điệu, với nghĩa mở rộng, liên hội (connotation).

Thứ hai, đó là những quan điểm chấp nhận chủ nghĩa hậu hiện đại ở Việt Nam, nhưng đồng thời còn nhiều băn khoăn, hoài nghi và chưa thực sự tin tưởng trên một số phương diện nào đó. Nhà nghiên cứu Đặng Văn Thành, từ góc độ nghiên cứu nghệ thuật cho rằng, mỹ thuật ở Việt Nam vẫn đi sau văn học trong quá trình đổi mới sang hậu hiện đại, nhưng nghệ thuật sắp đặt, trình diễn thì lại rất phát triển, có vai trò tiên phong. Hậu hiện đại là luôn luôn đổi mới. Tuy nhiên, nhà nghiên cứu này cũng lưu ý nước ta còn chưa đủ điều kiện và hoàn cảnh hậu hiện đại, nhiều sáng tác còn mang tính a dua, rỗng nghĩa, nhiều ngộ nhận về hậu hiện đại vẫn còn tồn tại. GS Nguyễn Đình Chú tự nhận “không hiểu lắm về hậu hiện đại”, tuy nhiên cũng rất vui mừng với những cách tân mới mẻ đương đại. Giáo sư cho rằng thời hiện đại là sự phát hiện, đề cao cái tôi, còn thời hậu hiện đại là sự nổi lên một cách quyết liệt, bề thế của cái tôi, tuy nhiên, cũng cần lưu ý sự cực đoan của quá trình này. Nhà nghiên cứu Hồ Thế Hà thì lo lắng cho một số khuynh hướng cực đoan trong thơ hậu hiện đại sẽ: “trở thành vô tăm tích và sớm muộn gì cũng bị mất hút trong quên lãng của thời gian”. Một nhà nghiên cứu nữ thuộc Đại học Mỹ thuật cũng cho rằng nghệ thuật hậu hiện đại ở Việt Nam thiếu sự giao lưu với quốc tế, giữa các loại hình nghệ thuật khác nhau cũng chưa có sự tương tác, cộng hưởng.

Thứ ba, đó là những quan điểm còn hoài nghi vào sự tồn tại xác thực của chủ nghĩa hậu hiện đại, cũng như sự tương hợp, thích nghi của trào lưu này trong văn học Việt Nam. Chúng tôi gọi đây là khuynh hướng quan niệm hậu hiện đại chỉ là sự “hại hiện đại”, tức phá hỏng thuật ngữ hiện đại và có tính chất rỗng nghĩa. Chính sự tồn tại của khuynh hướng quan niệm này bên cạnh hai khuynh hướng kể trên, nên chúng tôi mới lựa chọn một từ mang tính “lai ghép” cho title bài viết là “H/ậu - ại hiện đại”. PGS. TS. Nguyễn Văn Dân là tiếng nói mạnh mẽ nhất (nhưng có lẽ không duy nhất) đại diện cho quan điểm này. Ông cho rằng không thể tìm thấy bất cứ đặc trưng nghệ thuật nào của hậu hiện đại mà chưa từng xuất hiện trong trào lưu hiện đại. Trào lưu nghệ thuật hiện đại (các trào lưu nghệ thuật tiền phong chủ nghĩa) đã từng chủ trương phản lý tính, giải đại tự sự, giải tôi, phân mảnh, giễu nhại, hoài nghi... một cách mạnh mẽ đến cực đoan chứ không phải chờ đến hậu hiện đại. Và nếu như, tất cả những đặc trưng nghệ thuật đó đã từng có từ trước, tại sao lại phải ngụy tạo thêm một thuật ngữ? Cho nên, cái gì của Cesar cứ phải trả lại cho Cesar, cứ chính danh mà thừa nhận… Ngoài ra, Nguyễn Văn Dân còn lưu ý học thuyết của Lyotard là trên lĩnh vực triết học, chứ không phải luận về văn học nghệ thuật.

Nhìn chung, cả ba khuynh hướng quan niệm trên về văn học hậu hiện đại đều dựa trên những cơ sở cả về mặt thực tiễn và lý thuyết khá vững chắc, thuyết phục. Tuy nhiên, tiếng nói khẳng định sau cùng của Ban tổ chức hội thảo, dù từ chối xác quyết như là một quyết định luận, bởi hậu hiện đại luôn từ chối đưa ra “đại tự sự”, nhưng cũng đã bày tỏ thái độ thừa nhận sự tồn tại tất yếu của văn học hậu hiện đại ở Việt Nam. Theo Lê Huy Bắc, sự tồn tại song hành giữa hiện đại và hậu hiện đại là một thực trạng trong đời sống nghệ thuật thế giới. Tuy nhiên, giữa hậu hiện đại và hiện đại mặc dù kỹ thuật viết có thể giống nhau, nhưng tư tưởng lại khác nhau. Nếu hiện đại luôn nỗ lực xác lập các diễn ngôn trung tâm, những đại tự sự, thì hậu hiện đại luôn từ chối kiến tạo đại tự sự, và luôn nỗ lực tự mình giải trung tâm chính mình. Lã Nguyên lại xác quyết tin vào bản sắc và yếu tố nội sinh của văn học hậu hiện đại Việt Nam. Ông cho rằng văn học Việt Nam đứng ở vị thế tiền hiện đại nhằm phê phán tinh thần duy lý của thời hiện đại. Đặc tính hậu hiện đại ở Việt Nam, do đó, ít nhiều mang màu sắc tiền hiện đại. Sự phê phán đại tự sự ở Việt Nam theo Lã Nguyên là sự phê phán tính thành tích, thói quan liêu, bao cấp… trong xã hội. Cuối cùng, văn học hậu hiện đại Việt Nam được bám rễ sâu vào những vỉa tầng của nền văn hóa dân gian, mà cụ thể là kiểu tổ chức văn bản kiểu đồng dao, câu đố.

Trong truyện ngắn Công viên những lối đi hai ngã rẽ của nhà văn Mỹ Latin thiên tài J.L. Borges, tác giả mượn lời một hồi kí chiến tranh, để kể về công trình vĩ đại là một mê lộ của cụ Thôi Bân. Mê lộ đó là một tiểu thuyết còn vĩ đại hơn cả Hồng Lâu Mộng, nhưng đồng thời nó cũng là một mê lộ trong thực tại có khả năng “làm cho tất cả mọi người đàn ông bị lạc trong đó…”. Một mê lộ có khả năng và độ lớn đủ để “ôm cả các hành tinh”. Một mê lộ không chỉ trong không gian và còn trong cả thời gian, bao trọn cả quá khứ lẫn tương lai. Ý nghĩa và sự thực hữu mê lộ ấy của cụ Thôi Bân làm chúng tôi liên tưởng đến ý nghĩa của sự tồn tại và giá trị của văn học hậu hiện đại ở Việt Nam. Nếu chúng ta cứ nhăm nhăm đi tìm và xác minh văn học hậu hiện đại ở Việt Nam bằng những bằng chứng máy móc, duy lý, thực chứng… thì sẽ không bao giờ thấy. Bởi vì, mọi đặc trưng nghệ thuật (giễu nhại, liên văn bản, hỗn độn, nhục thể, phản lý tính…) dường như đã có ngay từ trong… văn học dân gian chứ chưa cần kể đến thơ Thiền, thơ Hồ Xuân Hương hay gần hơn là Bùi Giáng. Nhưng chúng ta đừng quên mất cái mê lộ của cụ Thôi Bân không chỉ tồn tại bên ngoài, mà thực hữu ngay trong mỗi con người chúng ta, tức trong tư tưởng và cảm quan về thế giới. Quan trọng hơn, cái mê lộ hậu hiện đại ấy, nếu như ai không thừa nhận, hoặc không xác tín, cũng không sao cả. Bởi vì, nói như tâm sự của cụ Thôi Bân: “Tôi để lại công viên những lối đi rẽ hai ngã của mình cho vài hậu thế (chứ không phải cho tất cả)”. Hậu hiện đại chấp nhận những sự khác biệt, phê phán và thậm chí cả sự phủ định chính nó. Nói như Đặng Thân trong cuộc trà dư tửu hậu với chúng tôi sau đó, chính những ai phản đối quyết liệt hậu hiện đại nhất mới là những người hậu hiện đại, bởi vì họ mang tư tưởng phản tư sâu sắc. Từ đó, chúng tôi lại hết sức đồng cảm với Borges rằng: “Trong tất thẩy mọi sáng tạo, cứ mỗi bận phải đối mặt với những thay đổi khác nhau, người ta chọn một và bỏ đi những cái khác. Trong sáng tác văn chương rất rối rắm này Thôi Bân đã chọn - một cách đồng thời cùng một lúc - tất cả. Và như vậy, ông đã sáng tạo ra những tương lai khác nhau, những thời gian khác nhau mà chúng đồng thời sinh sôi, đồng thời rẽ hai ngã”. Hậu hiện đại có thể không phải là trào lưu duy nhất, mang những giá trị nghệ thuật đặc trưng nhất cho thời đại và dân tộc, cũng có thể nó không phải là tương lai của văn học Việt Nam. Không sao cả. Bởi vì nó là một mê lộ. Nhưng giá trị của nó không phải nằm ở lối ra, cách đi, sự tìm kiếm trung tâm của mê lộ, mà chính là sự tồn tại của những lối đi hai ngã rẽ. Tức là, văn học hậu hiện đại luôn đảm bảo và chấp nhận quyền lựa chọn, thừa nhận ngang với quyền phi lựa chọn và phủ định chính nó. Nó là một mê lộ đang lớn dần lên nhằm bao trọn thế giới của chúng ta, nhưng vì là một mê lộ, nên ngoài việc chối từ xác lập những “đại lộ”, trong lòng nó còn chấp nhận những lối đi rẽ hai ngã (cả hậu hiện đại và hiện đại; cả “hại” hiện đại và hậu hiện đại; cả cách tân và truyền thống; cả quốc tế và bản địa; cả kế thừa và phủ định; cả dựng xây và đả phá…). Hiểu được như thế, “Từ khoảnh khắc ấy ta cảm thấy ở quanh mình và ở trong chính con người tăm tối của mình một sự bừng nở vô hình và thiêng liêng. Không phải là sự bừng nở của những đội quân chia tách và song hành, mà là một nỗi xao xuyến dễ hiểu nhất, thân thiết nhất và rằng bằng một hình thức nào đó chúng hiện hình” (Borges).

P.T.A
(SH289/03-13)






 

Các bài mới
Các bài đã đăng