Tiểu thuyết này đã bán được hàng triệu cuốn và được dịch ra 32 thứ tiếng. 500 trang của tiểu thuyết này cho phép người đọc khám phá cuộc sống của các nàng Geisha một cách thú vị từ việc làm sống lại nghệ thuật vũ đạo với việc sử dụng đàn Shamisen, một nhạc cụ có 3 dây, mà một maikô (người học nghề Geisha) phải biết chơi thành thạo. Nhà văn cũng giới thiệu những bí ẩn của y phục Kimônô, ngôn ngữ của những chiếc quạt dùng trong vũ điệu của những Geisha.
Từ việc tạo dựng bối cảnh sinh động đó, nhà văn đã tưởng tượng nên một câu chuyện hết sức hấp dẫn về số phận của một nàng Geisha đặc thù với mối tình đầu đầy bi kịch và sự ghen ghét của một Geisha đàn chị. Truyện kể từ vài năm trước cuộc chiến tranh thế giới lần thứ hai, một cô bé gái Nhật Bản đã bị người bố, một người đánh cá nghèo bán để làm việc ở Gion, trước tiên như người hầu gái rồi sau đó được học nghề trong một Okiya, ngôi nhà mà các geisha sống dưới sự giám hộ đỡ đầu của một Okâsan, mẹ tú bà đầy quyền lực, nhưng ngay cả khi geisha không phải là gái điếm mà là các nghệ nhân (gei có nghệ thuật trong tiếng Nhật) kiếm sống bằng cách giải khuây cho các quý ông giàu có để có thể nhận quà tặng quý giá từ các quý ông này. Làm thế nào cô bé gái kia đó trở thành một geisha Sayuri truyền thuyết, chiến thắng những âm mưu của nàng geisha ghen ghét thù địch Hatsumomo, và làm thế nào nàng cuối cùng đã tìm được người đàn ông duy nhất trên đời mà nàng đã yêu một cách say mê từ lúc còn bé?, người đọc sẽ biết điều đó trong tiểu thuyết hoặc qua những hình ảnh trong phim.
Phim do đạo diễn Rob Marshall thực hiện, với 3 nữ diễn viên Trung Quốc nổi tiếng. Đóng vai nàng geisha Sayuri là Chương Tử Di và Hatsumomo là Củng Lợi và Dương Tử Quỳnh trong vai nàng geisha đỡ đầu cho Sayuri. Có điều, theo nhà phê bình Nelly Kaplan, phim chưa hay như trong tiểu thuyết, có một số đoạn còn mù tối và buồn chán. Đĩa DVD về phim này đã có mặt ở Việt Nam
với phụ đề tiếng Việt khá cẩu thả.
2. Tiểu thuyết “Ly vỡ” (Verre cassé) của nhà văn Cônggô, Alain Mabanckou đã đoạt giải thưởng “Năm lục địa” của các quốc gia sử dụng tiếng Pháp, Hội đồng xét giải đã chọn lựa với đồng thuận cao trong 10 tác phẩm vào chung kết. Tiểu thuyết này vài ngày sau, đoạt 2 giải thưởng lớn của Pháp là giải Femina và giải Renaudot. Hội đồng xét giải quốc tế gồm 11 nhà văn nổi tiếng đã nêu bật “phẩm chất văn chương, ngôn ngữ thô bạo hung tợn, sự chế giễu và hài hước mà nhà văn đã liên kết với nhau để nói lên niềm hy vọng tồn tại trong một thế giới xám xịt đầy tràn những nhân vật hấp dẫn đáng mến. Alain Mabanckou đã nhận giải thưởng Năm lục địa vào tháng 10 năm rồi ở Lâu đài của những Viện Hàn Lâm ở Bỉ.
Alain Mabanckou vừa là nhà tiểu thuyết vừa là nhà thơ, sinh tại Công-gô năm 1966. Năm nay 40 tuổi. Sau khi học luật ở Đại học Paris - Dauphine, ông làm việc trong nhóm Suez -
Lyon về nước (ở Pháp) và dành thời gian còn lại cho sáng tác. Hiện nay, ông sống ở Mỹ, được mời như nhà văn lưu trú, và ông đã chấp nhận chức vị giáo sư văn học Francophone ở đại học Michigan -
Ann Arbor . Ông là tác giả của 5 tiểu thuyết, 6 tập thơ và nhiều tập truyện ngắn. Ông đã đoạt giải thưởng của Hội các nhà thơ Pháp 1995, giải thưởng lớn của văn học Châu Phi đen.
“Ly vỡ” đó là tên người kể chuyện, một khách hàng thường xuyên của một quán bar bình dân, hoạt động chính là sưu tập những chuyện kể về cuộc đời quay cuồng của nhiều nhân vật thường lui tới quán này. Những mảnh đời hòa lẫn niềm vui và nỗi đau, hy vọng và tuyệt vọng, hào phóng và những phản bội... ở đó sự hèn nhát gần kề một ý nghĩa cực kỳ tự do, cho phép khám phá một châu Phi ngày nay với những thực tại khổ đau, còn rất xa những hình ảnh lý tưởng hóa và những nhận thức “etdôtic” (hương vị phương xa), mặc dầu cách tiếp cận biếm họa một cách trìu mến.
Ông thổ lộ “Sau một thời gian dài ưa thích một cách viết hết sức cổ điển, tôi tự xóa mình để các nhân vật tự nói. “Ly vỡ” tôi nghe anh ta kể và những câu đến với tôi. Đủ cho tôi bắt chước tiết điệu chúng. Tôi là một nhà văn thủ công. Tôi tiến tới, tôi đi, tôi trở về, không có sẵn một đề cương, tôi có một âm nhạc, một giấc mộng để khởi bước, tôi cố quay chung quanh cho tới lúc những sự vật dần chính xác hóa. “Cũng như mọi cuốn sách khác của tôi, tôi viết trong sự phi trật tự, không lề thói kỹ cương... Nói chung, tôi luôn gợi nhớ thời thơ ấu, quá khứ của tôi, vũ trụ âm nhạc của tôi, vũ trụ Công-gô [...]. Cảm hứng là một giây lát hoài nhớ qua đi một cách lén lút và chấm dứt khi nó đặt anh trong trạng thái khó chịu và sau rốt thật hạnh phúc khi bắt đầu những từ ngữ chạy đến. Và lúc đó tôi viết trong chuyển động điên cuồng...”
3. “Thời mà chúng ta đã hát ca”, tiểu thuyết của nhà văn Mỹ Richard Power, 736 trang, tiểu thuyết này là biến thái mới dựa trên những mối tình đầu của nhà văn, đó là mối tình với vật lý lượng tử và các ca khúc, được đặt trong bối cảnh của một saga (trường thiên sử thi) và của vấn đề người Mỹ gốc Phi. Như nhiều nhân vật nhan nhãn trong tiểu thuyết đương đại, gia đình nhân vật Strom là gia đình lai ghép: mẹ chàng là một ca sĩ da đen, bố chàng là người Đức gốc Do Thái chuyên gia về thuyết tương đối, những người con trai của gia đình: một người có giọng hát têno và một người khác là một nhạc công dương cầm, đứa con gái là môn đồ của đảng Báo Đen.
Truyện kể bắt đầu vào năm 1939 vào lúc buổi hòa nhạc truyền thuyết của nữ ca sĩ da đen Marian Anderson ở Washington và kết thúc vào năm 1992 với vụ Rodney King. Tuy vậy, câu chuyện chẳng diễn tiến theo đường thẳng, bởi vì vấn đề cần chứng tỏ là thời gian như nòi giống không tồn tại. “Màu da cũng có thể biến đổi trong thời gian. Đó là một đường đi của một diễn trình đang chuyển động. Chúng ta tự chuyển đổi mọi sự theo một đường cong sẽ bẽ gãy như lượn sóng và chúng ta sẽ tái xây dựng mọi thứ”. Tiến tới hay lùi lại trong suốt thời gian năm thập niên, những chương như thế xếp từng nhóm một trong một khuôn khổ lần lượt khác nhau: tái xây dựng các biến cố lịch sử, những miêu tả trữ tình về không khí kỳ vĩ nhạc kịch, những khảo sát lý thuyết về sự cắt nghĩa, sự khám phá bên trong những xung đột liên chủng tộc như những xung đột ngự trị hai nốt, trắng và đen.
Sự kiến tạo tiểu thuyết cũng như cách viết bậc thầy cho đến sự trừu tượng hóa kỳ vĩ xứng đáng kiểu loại tiểu thuyết giao hưởng. Tiểu thuyết gây ấn tượng về nghệ thuật âm nhạc mà văn học phương Tây hẳn nhiên đã không thể không kể đến tính từ nhà văn Thomas Mann. Richard Powers là một loại nhà văn tài năng ở tuổi 48, ông đã viết 8 tiểu thuyết dày và tham vọng, trong đó tiểu thuyết đầu tiên là “Ba trại chủ đang đi dự vũ hội” gợi hứng từ bức ảnh nghệ thuật của nhà nhiếp ảnh Đức August Sander cùng tên, và tiểu thuyết vừa rồi là tiểu thuyết thứ tám của ông. 4. SỰ NGỰ TRỊ THẾ GIỚI, tiểu thuyết điều tra (Roman - enquête) của nhà văn Denis Robert, nhà xuất bản Julliard, 352 trang, 2005, được xem như quả bom nổ chống chủ nghĩa tư bản. Một tiểu thuyết có thể thay đổi thế giới không? Hay nói cách khác, một tiểu thuyết điều nghiên, về môi trường hỗn loạn của nền tài chính có thể chiến thắng được quy luật tư bản không? Đó là lời giới thiệu gây sốc của nhà phê bình Thomas Reguier. Nhà văn Denis Robert đã dựng lên hình tượng một nhân vật Yvan Klébert một nhà báo độc lập điều tra về cách quản lý mờ ám của tập đoàn Shark Company. Trong khi thâm nhập sâu vào xí nghiệp liên hợp tài chính, nhà báo Klébert đã công kích vào trung tâm thần kinh yếu điểm của nền tài chính quốc tế, ở đó thông tin tài chính cô đặc lại, cũng như ở đó tiết lộ bí mật của sự thật tư bản. Phanh phui trò gian xảo mưu mô trong kinh tế, nhà văn đã tấn công hệ thống tư bản trong tổng thể của nó, đặt nền tảng trên sự tàn bạo và mù quáng tự ý.
Xuất phát từ kinh nghiệm riêng của nhà báo, vụ bê bối của ngân hàng tài chính Luxembourg Clearstream 2002, tiểu thuyết của nhà văn Denis Robert làm nổi bật lên sâu sắc thêm sự tưởng tượng hư cấu khái quát từ vụ việc này.
5. Kỷ niệm 100 năm ngày sinh của nhà thơ lớn Francophone Léopold Sédar Senghor (1906 - 2001, Sénégal) với nhiều cuộc hội thảo, triển lãm trên toàn thế giới, đặc biệt là các quốc gia sử dụng tiếng Pháp. Ông là tác giả của các tuyển tập thơ Khúc hát bóng tối, Sự thù nghịch đen, Tuyển tập thơ mới da đen và magache bằng ngôn ngữ Pháp, Éthiopiques, Những bài thơ đêm, Thư mùa đông, Những khúc bi ca chủ yếu, và hàng trăm tiểu luận, bài báo. Tác phẩm thơ toàn tập của ông được nhà xuất bản Archivos ấn hành vào mùa thu 2006, được thực hiện bởi một nhóm nghiên cứu quốc tế dưới sự chỉ đạo khoa học của giáo sư Pierre Brunel (Đại học Paris VI - Sorbonne). Tác phẩm thơ này sẽ đặt ra hàng loạt các vấn đề chủ yếu: giữa thơ và tư tưởng chính luận, niềm tin và nhục cảm, thân phận đen và Francophonie, những ngôn ngữ Phi Châu - da đen (và những hình ảnh archétype - siêu mẫu) với phong cách Pháp, những giá trị truyền thống cha ông và sự tiên tri tương lai. Ông còn là một tài năng đa dạng, một con người can trường và một nhà tư tưởng thấu thị, nhà thơ và triết gia dấn thân, ông hiện thân cho những giá trị và lý tưởng kiến tạo nên Francophonie hiện đại, và chính ông là một trong những người sáng lập nên tổ chức quốc tế này. Ông từng là Tổng thống Sénégal trong 20 năm (1960 - 1980) và được bầu vào Viện Hàn Lâm Pháp năm 1983.
6. Vở kịch hiện đại Tuyết tháng tám (Bát nguyệt tuyết) của nhà văn Trung Quốc Cao Hành Kiện (giải Nobel 2000) vừa được dịch ra tiếng Việt. Đây là một vở kịch 3 màn, 8 cảnh (bản tiếng Anh, 2003, bản tiếng Trung 2005) đầy “hương vị thiền” bởi nhà văn lấy đề tài từ một nhân vật lịch sử - Lục tổ Huệ Năng (638 - 713), theo cách nhìn nhận và thể hiện của tác giả về Lục tổ Thiền Tây với cách viết hý kịch toàn năng và quan niệm diễn viên trung giới (gần quan niệm hiệu quả gián cách của B. Brecht) với bút pháp phóng khoáng như vẽ mây, uyên áo và ý nhị như bóng trăng trên mặt nước, nội lực hùng hậu và cao xa như gió cuốn, đây là một vở kịch hấp dẫn đầy chất suy tưởng đối với những ai yêu thiền. Vở kịch được dịch giả Nguyễn Nam chuyển sang tiếng Việt, đăng trên Tạp chí Văn học nước ngoài số 1 - 2006, với một cách dịch tài hoa và nghiêm cẩn và với một bài giới thiệu hết sức uyên bác và công phu về quan điểm kịch họ Cao của chính dịch giả. Vở kịch từng được dàn dựng uy tráng ở Đài Bắc với 50 diễn viên, dàn hợp xướng 50 người, dàn nhạc 90 nhạc công vào năm 2002. Hy vọng một ngày nào đó, một đoàn kịch Việt Nam
với sự tài trợ của các tổ chức Phật giáo quốc tế và quốc nội sẽ dựng vở kịch này ở nước ta.
7. Các tuyển tập thơ thế giới thế kỷ XX - gần hàng ngàn bài được dịch giả Diễm Châu chuyển sang tiếng Việt. Đây là công trình được dịch giả dồn tâm sức trên 20 năm để giới thiệu các nhà thơ tài danh mọi xứ sở. Không ít bài trong số đó được dịch tài hoa và xuất thần. Các tuyển thơ này được ấn hành ở Hải ngoại và một phần trên mạng. Hy vọng một ngày không xa, dịch giả Diễm Châu sẽ cho ấn hành trong nước để tạo chất kích thích góp phần giúp thơ ca Việt
đương đại tiến bước và hội nhập toàn cầu. Dịch giả Diễm Châu là một dịch giả nổi tiếng ở miền Nam
trước 1975.
8. Sinh tử xoay vần, tiểu thuyết mới của nhà văn Mạc Ngôn được xuất bản vào đầu năm 2006 ở Trung Quốc, lấy tư tưởng từ “lục đạo luân hồi” của Phật giáo làm ngọn nguồn gợi hứng. Tiểu thuyết kể lại lịch sử nông thôn trong 50 năm của Trung Quốc, từ 1950 đến 2000, xoay quanh mối quan hệ giữa người nông dân với đất. Nhân vật chính của tiểu thuyết là một kiếp người ngựa, người trâu, người lợn, người lừa, và một đời làm người, những cá tính làm nên các số phận trên nền bối cảnh đương thời. Mạc Ngôn là nhà văn Trung Quốc đương đại được bạn đọc Việt Nam ưa thích bởi tư tưởng táo bạo trong giải phẫu xã hội lịch sử hiện đại Trung Quốc, một xã hội - lịch sử có nhiều nét giống ta, và bởi bút pháp có nhiều cách tân. Bạn đọc Việt Nam đã làm quen với tác giả này qua nhiều các tiểu thuyết Báu vật của đời, Đàn hương hình, Cao lương đỏ, Cây tỏi nổi giận, Rừng xanh lá đỏ, Tửu quốc, Chuyện của cậu bé hay nói khoác... Hy vọng dịch phẩm tiếng Việt sẽ được các dịch giả chuyên dịch Mạc Ngôn và văn học Trung Quốc đương đại sẽ sớm cho ra mắt bạn đọc mến mộ nhà văn này. Bạn đọc có thể tìm hiểu ý đồ và tư tưởng của tác phẩm qua cuộc nói chuyện trò của Mạc Ngôn, do Nhuệ Anh dịch từ Sina.com 22/12/2005, đăng trên báo Văn nghệ số 15/4/2006.
9. Ở Hải ngoại, nhà thơ Việt Nam Thanh Tâm Tuyền vừa mới từ trần cách đây không lâu (22/3/2006 tại Hoa Kỳ, thọ 70 tuổi). Ông là một nhà thơ của miền Nam
trước 1975, có nhiều cách tân ngôn ngữ thơ. Thơ ông chịu ảnh hưởng của trào lưu siêu thực và triết lý hiện sinh. Ông là người sử dụng và tinh chế thơ tự do không vần một cách nhuần nhị tài tình. Nhiều tờ báo của cộng đồng Việt Kiều ở Pháp, Mỹ, , Úc... đã đăng các bài viết về sự nghiệp thơ văn của ông. Bạn đọc yêu ca khúc đã từng thuộc bài “Lệ đá xanh” do nhạc sĩ Cung Tiến phổ thơ của ông. Hy vọng “Tự điển văn học bộ mới” 2004 của các chủ biên Đỗ Đức Hiểu, Nguyễn Huệ Chi, Phùng Văn Tửu, Trần Hữu Tá... sẽ bổ sung tên tuổi và sự nghiệp thơ của Thanh Tâm Tuyền trong lần tái bản gần nhất, bởi tên tuổi ông không kém các nhà thơ Miền Nam: Bùi Giáng, Tô Thùy Yên.
10. Tuyển tập thơ 15 nhà thơ Mỹ thế kỷ XX, được các dịch giả Hoàng Ưng, Cù An Hưng, Phan Nhiên Hạo, Trịnh Lữ, chuyển ngữ và giới thiệu, Nhà xuất bản Hội nhà văn và Trung tâm văn hóa ngôn ngữ Đông Tây ấn hành vào cuối năm 2004. Đặc biệt in song ngữ Anh - Việt, dịch nghiêm túc và có nhiều bài dịch tốt và hay. Tuyển tập giúp bạn đọc Việt Nam làm quen với nền thơ ca hiện đại Mỹ với các phong cách thơ đa dạng với các đề tài phong phú của John Ashley, Robert Creely, Allen Ginsberg, Ezra Pound, William Carlos Williams... Ngoài ra, tuyển thơ còn có một bài giới thiệu những trào lưu và sự kiện nổi bật trong thơ Mỹ thế kỷ XX do nhà thơ Hoàng Hưng biên soạn tinh gọn và khá đầy đủ. Tuyển tập thơ dành cho các bạn yêu thơ, các nhà thơ và các SV khoa Ngữ văn, khoa Anh ngữ ở các ĐH Việt Nam
.
11. Tiểu thuyết best - seller “Tô - tem sói” (Lang đồ đằng) của nhà văn Trung Quốc Khương Tuất, NXB Trường Giang, 2004, được xem như bán rất chạy ở Trung Quốc với nhiều lần tái bản vào các năm 2004, 2005. Không chỉ thế, nó còn được dịch ra 10 ngôn ngữ nước ngoài. Tư tưởng chủ đạo của tiểu thuyết là đề cao văn hóa du mục qua biểu tượng to - tem sói. Đây là câu chuyện kể về cuộc sống dân du mục trên thảo nguyên Mông Cổ những năm 60, 70 của thế kỷ XX. Ly kỳ, hấp dẫn, và cảm động là những câu chuyện về sói, sói với người. Tiểu thuyết đã gây ra những cuộc tranh luận trong giới phê bình văn học - văn hóa ở Trung Quốc về hai nền văn hóa truyền thống Trung Quốc: văn hóa du mục và văn hóa nông nghiệp, đâu là cội rễ, bên nào trọng, bên nào khinh? Được biết một nhà xuất bản Việt Nam
, đang chuẩn bị gấp rút cho một bản dịch tiểu thuyết này. Hy vọng các bạn đọc sẽ được thưởng thức và suy gẫm về tiểu thuyết này trong cuối năm nay hoặc đầu năm sau. B.N
(nguồn: TCSH số 208 - 06 - 2006)
|