Tác giả-tác phẩm
Cần phải có người “dọn sân”
10:51 | 11/12/2008
NGUYỄN ĐÔNG HIẾUTrong cuộc đời làm xuất bản của mình, Phùng Quán là một nhà văn đã để lại cho tôi những ấn tượng mạnh mẽ, sâu sắc, khó quên.
Cần phải có người “dọn sân”

Hồi đó tôi đang là biên tập viên của Nhà xuất bản Thuận Hoá. Năm 1987, nhà xuất bản đưa vào kế hoạch xuất bản 3 tập “Tuổi thơ dữ dội” của Phùng Quán. Nếu sau mấy chục năm bị “gác bút” phải mượn tên viết văn chui kiếm sống, lần đầu tiên được xuất hiện trở lại “danh chánh ngôn thuận” trên mặt báo với tên thật Phùng Quán là bài thơ “Trường ca cây cà” đăng ở báo Quảng Nam - Đà Nẵng chủ nhật (số 7 ngày 15.2.1987) thì bộ tiểu thuyết 3 tập “Tuổi thơ dữ dội” chính là cuốn sách đầu tiên đưa anh trở lại văn đàn.
Thực ra, Nhà xuất bản Thuận Hoá đã in tập 1 “Tuổi thơ dữ dội” của Phùng Quán từ năm 1983 nhưng với tên sách là “Buổi đầu thử thách” và tên tác giả là Đào Phương. Nhưng mãi tới năm 1986, sau khi “đổi mới” chúng tôi mới biết được sự thật này vì người đưa bản thảo “Buổi đầu thử thách” đến Nhà xuất bản Thuận Hoá hồi đó không phải là Phùng Quán.

Ba tập bản thảo “Tuổi thơ dữ dội” do biên tập viên Hoàng Thị Duyên được phân công đứng tên biên tập. Tuy vậy, khi đó tất cả biên tập viên trong nhà xuất bản đều được truyền tay nhau đọc. Tôi còn nhớ bản thảo được Phùng Quán viết tay trên giấy giang, có kẻ dòng bằng bút chì rất rõ ràng. Chữ Phùng Quán nghiêng nghiêng, viết chân phương và rất rõ nét. Không rõ hiện nay Nhà xuất bản Thuận Hoá còn lưu giữ đầy đủ bản thảo viết tay đó không. Còn nhớ có lần tôi hỏi anh Lê Dần, giám đốc Nxb Thuận Hoá tiếp sau thời anh Vương Hồng thì anh cho biết hình như sau trận lụt 1999 đã cho thanh lý cả rồi, cầu mong không có bản thảo “Tuổi thơ dữ dội” trong số ấy. Còn nếu đúng vậy thì thật đáng tiếc và xót xa.

Thời gian bản thảo nằm ở Nxb Thuận Hoá chờ đưa in, Phùng Quán từ Hà Nội vào Huế, chúng tôi dược tiếp xúc và nghe anh đọc thơ nhiều lần. Sau này ra Hà Nội học, thỉnh thoảng tôi vẫn ghé nhà anh và được nghe anh đọc thơ. Một điều ở Phùng Quán luôn gây cho tôi ấn tượng mạnh, đó là giọng đọc thơ của anh. Khi có chút rượu, có người ngồi nghe và đề nghị, là thơ Phùng Quán bắt đầu tuôn chảy. Càng đọc anh càng say sưa, y như người “nhập đồng” vậy. Phải nói đó là biệt tài của Phùng Quán. Tôi chưa từng thấy ai có được những cảm xúc như vậy. Dù đã nghe anh đọc nhiều lần một bài thơ nào đó nhưng khi nghe anh đọc lại tôi vẫn như thấy được nghe lần đầu.

Thơ Phùng Quán phải do chính anh đọc mới thấy được “máu thịt” anh gửi gắm trong đó. Mỗi bài thơ trước khi đọc, anh đều có đôi lời “khai từ” về xuất xứ ra đời và những kỷ niệm gắn liền với nó. Với giọng Huế pha Bắc nhỏ nhẹ, trầm ấm nhưng khi đọc thơ, Phùng Quán như trút hết ruột gan vào đó và giọng thơ trở nên hào hùng, da diết. Nghe Phùng Quán đọc thơ biết bao người đã phải rơi nước mắt, nhất là các cô gái trẻ. Viết đến đây, làm tôi lại nhớ đến những giọt nước mắt trên khuôn mặt thánh thiện của cô bé Thanh Trà, con gái một nhà báo đồng hương Huế ở Hà Nội mỗi khi nghe “bác Quán đọc thơ”.

Vì đã trải qua những năm tháng lận đận “cá trộm – rượu chịu – văn chui”, Phùng Quán rất ý thức với công việc xuất bản. Chính anh đã nhiều lần khuyên nhủ tôi khi tôi có ý định chuyển sang công việc khác. Anh ví von công việc xuất bản như là người “dọn sân cho cầu thủ đá”. Cầu thủ hay phải có sân đá, không có sân đá thì làm sao biết được những cầu thủ hay mà tôn vinh họ. Mới đây, (12 – 2005) gặp nhà văn Trần Thuỳ Mai, một đồng nghiệp cũ ở Nxb Thuận Hoá, tôi lại được nghe Trần Thuỳ Mai lại nhắc một ý của Phùng Quán khi so sánh nghề văn với nghệ sỹ xiếc đi trên dây. Mỗi người, mỗi nghề là bạn Phùng Quán chắc đều nhận được những lời khuyên chí tình...

Phùng Quán là người sống rất tình nghĩa và giản dị. Còn nhớ năm 1993, khi tôi chuyển vào Sài Gòn ở trong một con hẻm nhỏ đường Lý Chính Thắng – Quận 3, vì mới chân ước chân ráo vào Sài Gòn, nơi ăn chốn ở còn vô cùng nhếch nhác nên chẳng muốn ai biết. Ấy vậy mà Phùng Quán khi đó đang ở nhà KTS Nguyễn Trọng Huấn với Hoàng Phủ Ngọc Tường trong một cuộc “Hành phương nam”, vô tình qua một người bạn biết được địa chỉ của gia đình tôi đã lặn lội ghé thăm, ký tặng tôi và vợ con những bài báo do anh viết được photocopy lại. Tình cảm và hành động đó của anh lâu lâu vợ tôi còn nhắc.

Hôm nay, đọc xong bản thảo những bài báo, bút ký của
anh do nhà thơ Ngô Minh tập hợp để in thành cuốn sách “Ba phút sự thật”, khiến cho tôi không khỏi bàng hoàng, xúc động. Các bài báo anh viết tôi đã đọc rải rác đây đó. Nhưng lần đầu tiên tập hợp lại cùng với một số di cảo của anh do chị Vũ Bội Trâm  (vợ anh) cung cấp, đặc biệt là những trang viết thêm cuối đời dở dang của anh về phong trào Truyền bá chữ quốc ngữ, về vai trò của cụ Hoàng Xuân Hãn trong việc vần vè hoá các mẫu tự cho bà con nông dân dễ tiếp thu... Càng làm cho tôi thương anh, hiểu nhiều về anh hơn. Lâu nay bạn đọc mới chỉ biết đến thơ, tiểu thuyết của anh. Bây giờ qua tuyển tập các bài ký trong tập “Ba phút sự thật  này, tôi tin rằng mọi người sẽ phát hiện ra một Phùng Quán khác: mới mẻ – lạ lẫm – tài hoa và đặc biệt có thể nói tính CHÂN – THIỆN – MỸ đã được hội tụ đầy đủ nhất trong tuyển tập bút ký “Ba phút sự thật”  này. Nhiều bài viết của anh còn nóng hổi tính thời sự như bài Nhà thơ với tệ tham nhũng viết về câu chuyện của nhà thơ Đoàn Phú Tứ với Trần Dụ Châu, một tên tham nhũng khét tiếng thời chống Pháp. Giờ sáng vô cơ quan giở báo ra thấy thông tin về vụ PMU 8 tràn ngập trên các báo, đọc lại anh càng thấy kính phục. Với linh cảm một nghệ sỹ, và tấm lòng yêu tổ quốc, yêu nhân dân và chế độ, cách đây nửa thế kỷ anh đã viết “Chống tham ô lãng phí”  và cảnh báo hiểm họa của nó. Với vũ khí thơ, anh đã “đánh vỗ mặt thóái dối trá, đạo đức giả, tệ quan liêu tham nhũng, tuy ngày đó chỉ mới manh nha, nhưng tôi đã dự cảm sẽ là hiểm họa khôn lường đang rình phục nhân dân tôi, Đảng tôi; có nguy cơ làm băng hoại những gì thiêng liêng cao quý mà cả triệu người suốt thế kỷ qua không tiếc máu xương để tạo dựng, bảo vệ...” (Khai từ – Trăng Hoàng Cung).

Anh Phùng Quán ơi! Được làm người “dọn sân” cho anh là một hạnh phúc và vinh hạnh của em. Em tin rằng nhất định bạn đọc sẽ trao cho anh “chiếc giày vàng” đấy, anh Phùng Quán ạ!
             Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh tháng 5 – 2006
                                       N.Đ.H

(nguồn: TCSH số 209 - 07 - 2006)

 

Các bài mới
Các bài đã đăng