“Mang vết thương không chảy máu bao giờ”, thơ Thúy Nga là những giọt buồn vắt ra từ nỗi đau của một người đàn bà cô đơn và luôn luôn khao khát... Mà không, hình như, đây không chỉ là thơ, mà còn là câu chuyện buồn về một cuộc kiếm tìm không dứt... của người thiếu phụ: Có những cuộc kiếm tìm không dứt Sợ thời gian hạn hữu vơi dần Không dấu vết đi vào cõi nhớ... Nếu theo triết thuyết: Đời người chỉ là một cuộc trở về, thì đây, người thiếu phụ đang đau đớn tìm lại chính mình: tìm về quá khứ, về với nỗi buồn xanh, với tiếng gọi tình xa xăm,với những giây phút thần tiên thuở xuân thì... Nhón chân em bước vào quá khứ Nhặt một nỗi buồn hiu hắt xanh... Càng kiếm tìm, người thiếu phụ càng rơi vào cõi hoang vắng, thất vọng và cô đơn: Ôi cuộc sống với nỗi đau quá thể Đã bao lần làm rạn vỡ trái tim ta!
Xưa, có một nhà hiền triết từng khuyên đồ đệ của mình: Thôi, con đừng kiếm tìm, hãy úp mặt vào đá! Úp mặt vào để nhận ra bản thể của chính mình. Thơ Thúy Nga là một cái tôi tự cảm. Một cái tôi biết lắng nghe những bí mật thầm kín của cõi lòng. Một cái tôi ứ đầy nỗi đau, dồn nén niềm khát khao để bật lên thành tiếng: “Có phải nhiều đêm em đã khóc- Cả trong mơ tiếng nấc cũng nghẹn ngào?” Kiếm tìm và khao khát. Khao khát rồi lại kiếm tìm... Nhưng, tàn cuộc, vẫn chỉ là một miền hoang tưởng, một gương mặt thiếu phụ buồn, úp mặt vào màn đêm hư vô: “Và em, sau những cuộc kiếm tìm- Có chút gì để nhớ?- Chân dung em- Lấp lánh nụ cười thiếu phụ- Giọt sương tan, đêm tàn!”
Cùng với nỗi đau kiếm tìm, thơ Thúy Nga mở ra một miền không gian êm dịu của khu vườn cổ tích, hạnh phúc ngày xuân, cơn mưa đầu hạ và tiếng khóc thiên thần... Thúy Nga là một người đàn bà biết yêu, biết sống, và biết chờ đợi... Đau đớn mà vẫn dịu dàng, thất vọng mà vẫn độ lượng: “Đôi khi em muốn quên- Để hóa thân thành đêm- Trùm lên anh- Màn đêm dịu êm...” Thơ hay là thơ biết gọi nỗi buồn thành tên. Thơ Thúy Nga biết đốt cháy nỗi buồn để thành niềm đau: niềm đau thơ, niềm đau thiếu phụ; biết thoát xác và thăng hoa thành một cái tôi kiêu hãnh: được sống đúng là mình, cho dù đau đớn: “Cho đến lúc em về với cỏ - Linh hồn em nương náu ở trang thơ”. Cảm ơn Thúy Nga, người thiếu phụ đã biết nói tiếng lòng của bao thiếu phụ... T.H.S
THUÝ NGA
Chờ chồng
Có đợi-chờ-khuya-em mới biết Rượu hồng chưa nhạt chẵn mươi năm Dằng dặc nỗi lo đêm sâu thẳm Hiên nhà in bóng, dáng em nghiêng. Bất chợt xô vào cơn gió lạ Đông đã về chưa, Thu sắp qua Ngoài ấy sương đêm dày, chắc lạnh Mà anh không đội mũ bao giờ Mong gió hiền ngoan, trăng vẫn đợi Tim em chỉ lối, dẫn anh về.
Cơn mưa đầu mùa
Em đi, mang hơi ấm đi theo Cái lạnh Huế len vào chăn chiếu
Căn bếp nhỏ chơ vơ lạnh lẽo Cơm bụi bên đường, nửa dĩa còn nguyên
Về đi em! Người con gái Huế Hè qua rồi trời đã sang Thu.
Em quay gót Bên thềm xưa lá rụng Cơn mưa đầu mùa Xối sạch vết hờn chưa?
(nguồn: TCSH số 212 - 10 - 2006)
|