Tác giả-tác phẩm
Những tư liệu mới nhất về sự thật mối tình Hàn Mạc Tử và Hoàng Thị Kim Cúc
09:51 | 25/10/2013

LTS: Tháng 9 vừa qua, tại Huế, người cháu ruột gọi Bà Hoàng Thị Kim Cúc bằng Cô là Hoàng Thị Quỳnh Hoa đã xuất bản và giới thiệu cuốn “LÁ TRÚC CHE NGANG - CHUYỆN TÌNH CỦA CÔ TÔI”. Cuốn sách đã trưng dẫn ra nhiều tư liệu trung thực về sự thật chuyện tình giữa Hàn Mặc tử và Hoàng Thị Kim Cúc mà lâu nay trên văn đàn có nhiều thêu dệt khác nhau.

Những tư liệu mới nhất về sự thật mối tình Hàn Mạc Tử và Hoàng Thị Kim Cúc
Ảnh: internet

Trước đây, Tạp chí Sông Hương đã công bố bài viết “Sự thật mối tình Kim Cúc - Hàn Mạc Tử” của tác giả Nguyễn Đình Niên trên Số Đặc Biệt Sông Hương tháng 12/2012, với nhiều tư liệu xác tín “Mối tình Kim Cúc - Hàn Mạc Tử không hẳn là mối tình đầu, như thi sĩ Quách Tấn đã bảo, cũng không hẳn là mối tình có kết thúc - Đó không phải là mối tình bị tan rã do bởi hoàn cảnh gia đình nên “hôn ước bất thành” hay bởi sự ngộ nhận giữa đôi người trong cuộc. Thi sĩ có ước hẹn gì cùng giai nhân đâu… Đó không phải là một mối tình câm, mà chính là mối duyên nở dần ra trong im lặng…”.
Để bạn đọc hiểu rõ hơn về sự thật của mối tình nổi tiếng này, được sự cho phép của tác giả Hoàng Thị Quỳnh Hoa, SH xin giới thiệu Phần I của cuốn sách nói trên.

 

Một trang phụ bản trong sách "Lá trúc che ngang- chuyện tình của cô tôi" - Ảnh: internet


HOÀNG THỊ QUỲNH HOA

Vài nét về cô tôi

Tôi giống Cô ở cái mặt vuông chữ điền, khuôn mặt được thi vị hóa trong một bài thơ của thi sĩ Hàn Mạc Tử. Em gái tôi, Hỷ Nguyên, thì giống Cô ở cái mũi cao và thẳng như đầm, còn em Hoàng Thị Bích Tâm thì có mái tóc quăn và dáng người thấp nhỏ như Cô. Bích Tâm, tên chơi là Nghệ mà nhiều người quen thân Cô vẫn gọi, là cô em con chú tôi mà cũng là con nuôi của Cô. Vâng, Cô tôi là Hoàng Thị Kim Cúc, nguyên giáo sư Nữ Công Gia Chánh trường Nữ Trung Học Đồng Khánh, Huế và sau này là “Chị Cả” của tất cả các anh chị em gia đình Phật tử từ ba miền đất nước. Nhưng nếu Cô không nhận được bài thơ Ở Đây Thôn Vỹ Giạ thi sĩ Hàn Mạc Tử gởi tặng năm 1939 thì chắc chắn, ngoài anh chị em Gia Đình Phật Tử và nữ sinh Đồng Khánh, chẳng ai biết đến Cô. Nay thì tên cô đã đi vào văn học Việt Nam vì tên Cô gắn liền với tên tuổi Hàn Mạc Tử.

Những huyền thoại

Tiếc thay, những người viết về Hàn Mạc Tử và mối tình đầu của nhà thơ, từ xưa đến bây giờ, dường như không ai biết rõ mối giao tình giữa thi sĩ và “nàng thơ” thứ nhất của ông, nên những bài viết của họ có tính cách tiểu thuyết hơn là truyện ký. Những người xem như bạn thân của thi sĩ như nhà cầm bút Trần Thanh Mại(1), và nhiều người khác.

Lời mời ra chơi thôn Vỹ

Bài thơ Ở đây thôn Vỹ Giạ Hàn Mạc Tử chép gởi tặng Cô năm 1939 - về sau được xếp vào tập thơ Đau Thương - có lẽ là bài được nói đến nhiều nhất trong mấy trăm bài thơ của thi sĩ. Năm 1939 là năm bệnh của ông phát nặng, thơ của ông sáng, hiền lành, lời lẽ rất nhẹ nhàng, bóng bẩy, chứ không buồn thảm, u uất…”(2). Vỹ Dạ là địa danh của thôn Vỹ, Hàn Mạc Tử viết Vỹ Giạ, sau này được viết lại là Vỹ Dạ Câu mở đầu của bài thơ, “Sao anh không về chơi thôn Vỹ? nghe như một câu hỏi bình thường đã làm nhiều nhà bình văn, bình thơ cho rằng đó là lời Cô mời thi sĩ ra thăm thôn Vỹ. Quách Tấn, trong thư gởi Cô (23/3/1971), đã dùng câu thứ nhất của bài thơ như đầu đề bài thơ. Ông viết, “Xin chị cho biết thêm chi tiết này: Cô gái Vỹ Dạ trong bài ‘Sao anh không về chơi thôn Vỹ’ có phải là chị chăng? Và có phải do chị gởi tặng Tử một phiến ảnh chụp bên khóm trúc với lời mời về thăm thôn Vỹ chăng?” Và mặc dầu Cô đã trả lời: “Thưa ông, bức ảnh đó chỉ là bức ảnh phong cảnh, chụp cảnh hoàng hôn mua ở phố. Trong ảnh không có cô gái nào khác ngoài cô chèo đò. Cô gái mà ông hỏi đó là do sức tưởng tượng của thi nhân…”. Cuối thư, Cô lập lại: “Ngoài trừ bức ảnh phong cảnh đó và bài thơ Ở đây thôn Vỹ Dạ thì Tử và tôi không có thư từ gì cho nhau nữa cả.” (15/4/1971). Như vậy là từ năm 1971, Quách Tấn đã biết sự thật mà 17 năm sau, trong cuốn hồi ký, ông vẫn viết “Khi Tử đau nằm ở Quy Nhơn, Hoàng Cúc có gởi vào tặng Tử một phiến ảnh ‘cô gái Huế’ với lời mời ‘ra chơi Vỹ Dạ’. Tạ lòng tri kỷ, Tử gởi tặng lại một bài thơ nhan đề là Đây thôn Vỹ Dạ ”(3). “Sao anh không về chơi thôn Vỹ” là câu thứ nhất của bài thơ thi sĩ cảm hứng viết ra, không dính dáng gì đến Cô cả.

Chế Lan Viên cũng cho rằng “Sao anh không về chơi thôn Vỹ” là đầu đề của bài thơ khi ông viết bài báo cho tờ Sông Hương (số 15, ngày 25/5/1987) nói rằng bài thơ với đầu đề ấy nằm trong tập Nắng Xuân. Cô biên thư cho Chế Lan Viên (10/9/87) đính chính vụ này. Cô viết: “Tiện đây cũng xin thưa Anh rõ là bài thơ ‘Sao anh không về chơi Thôn Vỹ’ nhan đề của nó là Ở đây thôn Vỹ Dạ và bài ấy không có mặt trong tập Nắng Xuân…”. Nhiều người khác thì chỉ nói ngắn gọn “bài thơ thôn Vỹ” là ai cũng biết đó là bài thơ Ở đây Thôn Vỹ Giạ của Hàn Mạc Tử làm tặng Cô.
 

Ảnh: internet


Bức ảnh mặc áo lụa trắng đứng sau khóm trúc

Cả Quách Tấn lẫn Nguyễn Bá Tín đều cho rằng Cô gởi tặng Hàn phiến ảnh của mình, mặc áo trắng đứng sau khóm trúc ở sau vườn nhà nơi thôn Vỹ. Vì vậy, thi sĩ đã có câu “Lá trúc che ngang mặt chữ điền” và “Áo em trắng quá nhìn không ra”. Tôi không hiểu tại sao hai ông này viết như vậy? Hay họ đã quên chi tiết này chăng vì khi cuốn hồi ký của Quách Tấn do Quê Mẹ xuất bản năm 1988 thì cũng đã mười bảy năm qua từ khi Quách Tấn đọc thư của Cô đề ngày 15 tháng 4 năm 1971. Cô viết rõ bức ảnh Cô gởi cho Hàn không phải là ảnh Cô mà là “một bức ảnh phong cảnh vừa bằng cái carte postale [Cô ghi carte visite nhưng carte visite thì nhỏ quá, chắc cô ghi nhầm]. Trong ảnh có mây, có nước, có chiếc đò ngang với cô gái chèo đò, có mấy khóm tre, có cả ánh trăng hay ánh mặt trời chiếu xuống mặt nước, với lời thăm hỏi sức khỏe Tử viết sau tấm ảnh mà không ký tên, rồi gởi nhờ Ngâm trao lại.

Trong cuốn hồi ký Hàn Mạc Tử, anh tôi của Nguyễn Bá Tín xuất bản năm 1991, hai năm sau khi Cô qua đời, ông khẳng định: “Cho tới khi anh đau nặng rồi 1939, chị Cúc còn cho anh một phiến ảnh cỡ 6 x 9: chị Cúc mặc áo dài lụa trắng như những cô gái Huế thời bấy giờ đứng trong vòm cây xanh mát, Anh làm ngay bài Đây thôn Vỹ Dạ (tr. 66-67)”. Trong cuốn Hàn Mạc Tử trong riêng tư, ông Tín vẫn quả quyết rằng bức ảnh Cô gởi cho Hàn năm 1939 là ảnh Cô. Ông viết: “Chính bức ảnh 6/9 này đã giúp Hàn sáng tác bài thơ tuyệt vời Đây thôn Vỹ Dạ. Hình bóng chị Cúc xuất hiện trong phiến ảnh nhỏ này đã làm sống lại mối tình đầu, thương nhớ lại trở về…” (tr 118). Ở trang 123, ông Tín lại nhấn mạnh: “Cuối năm 1939, nhận được bức ảnh chị, anh càng thương nhớ chị. Trong bài thơ Đừng cho lòng bay xa, anh ước ao gặp được hồn phách chị trong vùng trời xa lạ thần tiên như cõi Niết Bàn anh đã trông thấy những lúc du hành xuất thần.” Nếu Cô được đọc những dòng này chắc Cô sẽ sửng sốt, không hiểu tại sao “cậu Tín” lại bóp méo sự thật như vậy! Thư Cô viết cho “Cậu mợ Tín” ngày 16/10/1987 mà Võ Đình Cường đã trích nguyên văn nhiều đoạn rất dài nói rõ đầu đuôi câu chuyện rằng Cô chẳng hay biết gì về mối tình si của Hàn Mạc Tử cho đến mấy năm sau, khi đọc được mấy dòng tâm sự của Hàn viết cho bạn. Cô viết: “Vào đầu năm 1936, sau khi ông trợ Cát là cậu tôi, ghé nhà chơi, lúc ra về bỏ quên bức thư của Tử gởi cho cậu mà nội dung chỉ nói về chuyện tâm tình của Tử. Tử có tới gặp tôi hai lần. Lần đầu chỉ nói bâng quơ vài câu rồi chào về. Lần thứ hai, Tử mạnh dạn trong d áng điệu rụt rè, lắp bắp mấy lời tỏ tình, rồi đưa tặng tôi tập thơ Bâng Khuâng với mảnh giấy nhỏ có mấy hàng chữ. Tôi bàng hoàng rồi cũng rụt rè từ chối, không nhận sách, không nhận thơ…

… Gần cuối năm 1936, khi Tử về dự Hội chợ Huế, mang theo một xấp tập
Gái Quê vừa in xong, có gặp tôi cùng đi với anh em trong hội chợ. Tử đưa tặng anh em tôi mỗi người một tập, có đề chữ tặng, không tặng tôi mà chỉ yên lặng nhìn! Mấy hôm sau, Ngâm cho biết Tử có về nhà tôi ở Vỹ Dạ mà lại đứng ngoài ngõ nhìn vô. Rồi từ ngày đó chúng tôi không gặp nhau lại, không thư từ thăm viếng, hứa hẹn, mỗi người mỗi ngả…”. Mấy năm qua, khi Hàn Mạc Tử bệnh nặng, và theo lời Hoàng Tùng Ngâm đề nghị, Cô gởi mấy lời thăm hỏi sức khỏe sau một tấm ảnh phong cảnh Huế, không phải bức ảnh Cô mặc áo lụa trắng đứng sau khóm trúc!(4)

Không xứng mặt đông sàng

Câu chuyện “không xứng mặt đông sàng” là do Quách Tấn dàn dựng. Bài của ông đăng trong báo Văn số 73, trang 93 ra ngày 7/1/67 nói về thân thế thi sĩ Hàn Mạc Tử, Quách Tấn đưa ra câu chuyện ông nội tôi không chấp nhận Tử vì chê thi sĩ không xứng mặt đông sàng. Bài này viết từ năm 1967 nhưng Cô không biết cho đến khi giáo sư Nguyễn Đình Niên đem báo Văn từ Nha Trang về Huế năm 1971 và đưa cho Cô xem. Lúc đầu Cô muốn giữ im lặng cho qua nhưng khi đoàn Dạ Lý Hương đưa lên sân khấu câu chuyện Hàn Mạc Tử, diễn đoạn Tử nhờ người đến cầu hôn, bị ông bà thân nhà gái từ chối, hắt hủi vì lẽ Tử không xứng mặt đông sàng, mà diễn viên trong vai ông nội và bà nội tôi thì đanh đá chua ngoa lắm. Cô không xem nhưng nghe những người xem rồi nói lại làm Cô xốn xang lắm. Cô liền viết thư cho Quách Tấn (15/1/1971) phiền trách ông đã viết nhiều điều quá sai sự thật. Trong bức thư thứ hai gởi Quách Tấn (15/3/1971), Cô viết: “Thầy tôi đổi vào Quy Nhơn tháng 2, 1932, làm việc ở sở Địa Chánh, đến tháng 8/1936 thì về hưu. Như vậy HMT không phải là tùy thuộc Thầy tôi. Vì theo ông cho biết thì Tử làm ở sở Đạc Điền. Hai sở này không liên hệ gì nhau cả. Suốt thời gian ở Quy Nhơn, Thầy tôi không hề gặp, hoặc biết mặt hay nghe tên tuổi Tử… thì làm gì có chuyện Thầy tôi nói Tử không xứng mặt đông sàng!”
 

Bút tích bức thư của Quách Tấn


Bức thư trả lời của Quách Tấn (23/3/1971) hứa sẽ sửa lại những điểm sai. Ông viết: “Nhận được thư và tài liệu chị gởi cho, tôi rất mừng. Xin cảm ơn chị và sẽ theo tài liệu này sửa lại đoạn văn kia.” Vậy là từ năm 1971 Quách Tấn hứa sẽ sửa lại những điều ông viết sai mà, 17 năm sau, trong cuốn hồi ký Đôi nét về Hàn Mạc Tử, ông vẫn viết: “Tử muốn đưa tình yêu vụng lén đến cuộc hôn nhân. Nhưng hôn sự bất thành! Bất thành không phải vì Tử gặp cảnh rủi ro của chàng Kim Trọng. Bất thành vì vấp phải trường hợp của Tản Đà khi nhờ người dạm hỏi Đỗ thị. Nghĩa là thân sinh của Hoàng Cúc - lúc bấy giờ làm tham tá sở Đạc Điền mà Tử là tùy thuộc - chê Tử không xứng mặt đông sàng.”(5)

Trong cuốn Hàn Mạc Tử trong riêng tư, Nguyễn Bá Tín cũng có nhắc lại huyền thoại này. Ông viết: “Trong một dịp về Huế ghé thăm chị Cúc nhắc lại những câu chuyện ông Tấn viết về chị trong đôi nét về Hàn Mạc Tử, chị nói: Ông Tấn kể chuyện anh Trí đi Sài Gòn lập chí để xem người ta còn khinh anh nữa không. Người ta đây ông Tấn ám chỉ tôi. Vì tôi đã chê anh Trí không xứng môn đăng hộ đối.

Chị Cúc nói: Giữa anh Trí và tôi chưa hề có lời trao đổi chê khen, dù là gián tiếp, chưa hề có thái độ thân sơ, khinh trọng. Vậy ông Tấn dựa vào đâu mà xét đoán tôi quá tầm thường như vậy. Dòng họ tôi sống theo Nho phong Phật giáo có bao giờ mặc áo khỏi đầu. Anh Trí cũng biết vậy. Anh Trí viết trong bài Ở đây thôn Vỹ Dạ cũng đã thông cảm ý đó Gió theo lối gió mây đường Mây.

Chị Cúc cũng thổ lộ:Nếu nói về chuyện môn đăng thì thật là quá khinh bạc đối với gia đình Hàn Mạc Tử. “Ông cụ tôi, chị nói (cụ Hoàng Phùng, thân sinh chị), đã từng là bạn đồng liêu với cụ Tham (cha tôi) khi hai người còn làm việc tại Tòa sứ Hội An năm 1901. Tôi đọc gia phả cụ tôi có ghi năm đó bàn giao công việc đối với cụ Tham Nguyễn Văn Toản khi cụ chuyển ngành qua Thương Chánh. Nói như ông Tấn thì thật sai lầm làm cho tôi hổ thẹn.”

Thật đúng như nhà văn Phật tử Võ Đình Cường phàn nàn, “Những người có liên hệ mật thiết với Hàn Mạc Tử mà chị [Cúc] đã cho biết sự thật, và yêu cầu họ đính chính, thì họ đã không làm, hay làm ngược lại, gây thêm hỏa mù trong một khung cảnh đã có nhiều ‘sương khói’ làm ‘mờ nhân ảnh’.” Võ Đình Cường phiền trách Quách Tấn và Nguyễn Bá Tín cố ý viết sai sự thật để câu chuyện thêm ly kỳ(6).

Những ngày yêu thương cuồng nhiệt

Bài Ba mối tình của HMT do Kiêm Đạt viết trong tờ Phụ Nữ Diễn Đàn ở Nam California (1985) làm Cô rất buồn bực. Bài viết rất lộn xộn, thứ tự ngày tháng sai lạc, tình tiết sự việc sai lạc. Thông tin về cả “ba người tình” đều không đúng. Ngay cả mấy vần thơ của Hàn Mạc Tử mà ông trích dẫn cũng có nhiều chỗ sai! Ông còn cho rằng bài thơ Thôn Vỹ là Hàn ghi lại “một mối tình tinh khiết tuyệt trần” với Thương Thương vì theo ông thì nhà Thương Thương ở Vỹ Dạ! Về phần Cô thì Kiêm Đạt rêu rao rằng Hoàng Thị Kim Cúc đã có “những ngày yêu thương vô cùng cuồng nhiệt” với thi sĩ. Kiêm Đạt kết luận như vậy vì ông cho rằng những vần thơ sau đây là do Cô làm và gởi cho thi sĩ trong những ngày yêu đương ấy và đã được đăng trong tờ báo Sông Hương:

Người đã cho ta kỷ niệm đầu
Và nghìn cay đắng, gởi về sau,
Không gian mờ mịt, thời gian tím
Ai biết chăng ai, nỗi thảm sầu.
Những bức thư tình đượm nét hương
Của tình đẹp đó, đến muôn phương
Tan rồi, những bước không hò hẹn
Đã bước cùng nhau một nẻo đường.


Cô bực bội buồn phiền, đã thảo một bức thư gởi ông Tổng Biên tập Tạp chí Sông Hương, nhưng sau đó Cô đổi ý, chỉ nhờ một bằng hữu của Cô có bút danh là Thế Hữu viết cho Kiêm Đạt và tờ Phụ Nữ Diễn Đàn (tháng 12, 1985) nói rõ rằng tám câu thơ trên là của một thi sĩ vô danh đã bắt chước và nhại theo thơ Huy Cận. Thế Hữu viết, “…Sự thật thì 8 câu thơ trên là mấy câu của một thi sĩ vô danh nào đó đã bắt chước tập thơ Huy Cận (bắt chước và nhại theo Huy Cận, tác giả tập ‘Lửa Thiêng’) thế thôi. Ông Kiêm Đạt không nhớ 2 câu thơ cuối của bài thơ ông trích ở trên là 2 câu thơ nằm trong tập Lửa Thiêng, in lần đầu năm 1940 hay sao?

Tôi sẽ cho in toàn bài của Kiêm Đạt vào phần phụ lục để sau này không còn ai theo tài liệu của ông khi viết về mối tình của Cô như một tác giả, theo như tôi được biết, hiện đang sống ở nước ngoài, lấy bút hiệu là Vương Tiểu Muội trong bài Hương Nồng Trong Áo Em. Vương Tiểu Muội là cựu nữ sinh Đồng Khánh. Cô không ngờ cô giáo dạy nữ công gia chánh của mình thời trung học là nhân vật trong “cuộc tình thiên thu của nhà thơ Hàn Mạc Tử”, cho nên cô “ngẩn ngơ” khi đọc bài Ba Mối Tình của Kiêm Đạt. Cô cảm thấy hứng thú bèn viết nên bài Hương Nồng Trong Áo Em “để tưởng nhớ cô giáo C.” có suy nghĩ rằng: “…người đàn bà đơn sơ, thầm lặng, đôn hậu ấy đã suốt đời cưu mang trong tấm hình hài thon nhỏ của mình mối tình cao như núi, rộng như trùng khơi, bao la như không gian, thăm thẳm như thời gian.” Rồi cô trích bốn câu thơ đầu trong bài viết của Kiêm Đạt:

Người đã cho ta kỷ niệm đầu
Và nghìn cay đắng, gởi về sau,
Không gian mờ mịt thời gian tím
Ai biết chăng ai, nỗi thảm sầu


và đề dưới là của H. T. Kim Cúc. Tôi được đọc bài này trong tập hồ sơ của Cô và thấy cuối trang đề TSH 99. Có lẽ là tờ Tiếng Sông Hương trang 99. Bài này dài 3 trang, từ 99 đến 101.

Năm 1985, ông xã tôi từ tiểu bang California đem về Maryland tờ Phụ Nữ Diễn Đàn có bài của Kiêm Đạt. Ba tôi gởi bài báo về Huế. Sau đó Cô gởi cho tôi bút tích của Hàn Mạc Tử [bản copy] gồm bài thơ Ở Đây Thôn Vỹ Giạ cùng mấy dòng cảm ơn, thăm hỏi mà các sách báo đã đăng đầy đủ. Cô nhắn tôi viết cho tờ báo trên, nói lên những chỗ sai lầm. Cô viết lý do Cô gởi tài liệu cho tôi là “để em biết sự thật và tùy em muốn viết bài đính chính thì tùy tiện còn O không muốn hệ lụy đến chuyện thế gian nữa.” Cô gởi cho tôi bài tự truyện nhan đề Thi sĩ Hàn Mạc Tử với người gái quê “gọi là kỷ niệm cái ngày thi sĩ qua đời”. Câu chuyện được phóng tác theo những lời tâm tình của thi sĩ gởi cho một người bạn...

Hồi ấy tôi cũng bận rộn và nhát gan nữa nên cứ lần khân, vẫn hy vọng một ngày nào đó có dịp về thăm lại thôn Vỹ và nghe Cô tâm sự. Thời gian lớn lên bên Cô, chúng tôi cũng hay hỏi Cô có “cảm” thi sĩ Hàn Mạc Tử không thì Cô chỉ tủm tỉm cười mà không nói năng chi. Chúng tôi trêu, “Chắc o cũng có thích hí?” thì Cô cũng chỉ cười mỉm rồi bỏ đi.

Năm 2000, khi tôi về Huế, em Hoàng Phước Thiện, thủ tự từ đường ở Vỹ Dạ, cho tôi mấy cuốn sách khảo cứu về Hàn Mạc Tử do các tác giả tặng gia đình. Tôi đem sách về nhà đọc, lòng dặn lòng một ngày nào đó sẽ ngồi xuống và viết về những điểm mà tôi nhận thấy những nhà cầm bút đã không phản ảnh đúng câu chuyện Cô tôi kể. Không hiểu sao tôi vẫn cứ hẹn rày hẹn mai cho đến năm 2009, bỗng dưng tôi quyết định xuống nhà ở Vỹ Dạ và yêu cầu em Thiện mang hết tư liệu của Cô cho tôi xem.
 

Bút tích của Hoàng Thị Kim Cúc


Những bức thư để lại

Thật bất ngờ khi thấy những bức thư Cô viết cho nhiều người: Quách Tấn, Võ Long Tê, Chế Lan Viên, Nguyễn Bá Tín, Tuấn Khanh - con gái của bà Như Lễ [chị của HMT] - và cả thư gởi cho ba tôi nữa, tôi thấy có ghi hai chữ “để lại”. Thì ra Cô đã viết hai bản, một gửi đi và một bản lưu. Tôi không hiểu lý do tại sao Cô thấy cần phải lưu lại một bản? Cô biết sau này sẽ có người cố tình không nói đúng những lời Cô tâm sự về mối tình đầu của thi sĩ? Cô biết có ngày những bức thư ấy sẽ nói lên những sự thật mà Cô không thể nói được? Không ai biết Cô đã có suy nghĩ gì khi làm quyết định lưu lại mấy tờ thư kia! Một bất ngờ nữa và thật cảm động khi tôi được đọc những bức thư chú tôi [Hoàng Tế Ngộ] viết cho Cô, thư của cô Ngọc Anh là em gái Cô, thư chú Ngâm [Hoàng Tùng Ngâm, em thúc bá] viết vào những năm Hàn Mạc Tử mới qua đời. Tôi thấy ngậm ngùi thương Cô vô hạn. Tôi có cảm tưởng như Cô đang thì thầm, trò chuyện, phân bua với tôi!

Giáo sư Nguyễn Đình Niên & Giáo sư Võ Long Tê

Hè năm ấy tôi đem về Mỹ tất cả những tư liệu về Cô và Hàn và những trang ghi chép những phần không thể copy được, nhưng rồi cũng trân trọng cất kỹ! Năm 2010 tôi lại có dịp về thăm Huế và tìm gặp giáo sư Nguyễn Đình Niên, người đầu tiên được Cô kể lể câu chuyện “Hàn Mạc Tử + Kim Cúc” năm 1971 để ông hoàn thành luận án cao học của ông về Hàn Mạc Tử. Khi nghe tôi nói ngày trước Cô muốn tôi viết về thời gian Hàn Mạc Tử tìm cách quen biết Cô, anh Niên thúc giục tôi nên viết, bởi vì theo anh Niên thì khoảng ba năm trước khi Cô từ trần, Cô muốn anh Niên viết lại chuyện “Hàn Mạc Tử + Kim Cúc” do tài liệu Cô cung cấp nhưng anh đã không làm được. Anh Niên ân hận tâm sự: “Thời điểm đó tôi còn đi dạy, và quá bận vì tôi đang dịch bộ kinh Lăng Già từ chữ Hán ra chữ Việt, nên tôi thưa với Cô là ‘hãy thong thả’, lý do chính là vì tôi nghĩ Cô còn thọ rất nhiều năm nữa. Sau đó, thì ông Tê nhờ người em ruột của vợ ông (Trần Xuân Lộc), đi với tôi xuống nhà Cô, năn nỉ mượn tài liệu. [Vợ ông Tê là học trò cũ của Cô, bà Trần Thị Như Quỳnh]. Tôi nghĩ tôi đã không viết được, thì nên để ông Tê viết, nên tôi đã hết sức nói vô cho ông Tê để Cô cung cấp tài liệu cho ông Tê.
 


Chắc Cô thấy cũng đã đến lúc cần phổ biến sự thật, vì đã 15 năm sau khi trao đổi thư từ với Cô, Quách Tấn vẫn không đính chính những điểm sai lầm trong bài viết của ông, nên năm 1986, Cô bằng lòng đưa những tư liệu về Hàn Mạc Tử cho ông Tê. Anh Niên rất buồn là cho đến ngày Cô mất, cuốn sách của ông Tê vẫn chưa ra đời, mặc dù trong thơ gởi anh Niên đề ngày 17, tháng 3, năm 1988, ông Tê tuyên bố: “Sách tôi đang viết đang ngon trớn, trong năm nay sẽ trao cho cô Kim Cúc và anh xem trước.” Trong bức thư tâm sự với ba tôi (11/5/1988), Cô cũng có nhắc đến cuốn sách ông Tê viết sắp xong và hy vọng sẽ biếu ba tôi một cuốn. Tài liệu ông Tê mượn với lời hứa danh dự sẽ hoàn trả, nhưng cho đến nay chúng tôi không biết giáo sư Võ Long Tê đang ở phương trời nào. Trước ngày Cô lâm nạn, Cô có thư cho tôi nhờ hỏi xem ông Tê định cư ở đâu để đòi tài liệu lại cho Cô, những tài liệu Cô đưa cho ông từ năm 1986 mà Cô rất trân quý. Cô nói với tôi Cô không có gì quý báu để lại cho em Bích Tâm làm của hồi môn, chỉ có những tài liệu về thi sĩ Hàn Mạc Tử chú Ngâm trao cho Cô sau khi thi sĩ qua đời là quý giá.

Tài liệu gởi cho Võ Long Tê

Cô ghi tài liệu gởi lần đầu gồm:

- Tập Nắng Xuân.
- Thủ bút bài “Ở Đây Thôn Vỹ Giạ”.
- Giấy về lễ chu niên của thi sĩ HMT của nhà văn Trần Thanh Mại.
- Cái carte [visite] của HMT.
- Bài báo kỷ niệm lễ đại tường của HMT.
- Bài tùy bút nói về HMT với người gái quê.
- Bức ảnh 6/9 [khi cô 19 tuổi lúc HMT gặp cô. Ông Tê muốn cho ảnh này vào sách].
- Tờ giải thích mấy điểm Võ Long Tê hỏi.

Mấy lần sau, Cô gởi thêm:

- Những bài thơ Đường của Hàn Mạc Tử chép do Hoàng Tùng Ngâm đem về, Cô ghi từ bài 1 đến bài 34.
- Bức thư Hàn Mạc Tử viết cho người cậu bà con [ông Trợ Cát] năm 1932.
- Bức thư Hoàng Tùng Ngâm viết báo tin Hàn Mạc Tử từ trần.
- Mấy bài thơ Cô làm hồi xưa, năm 1930, 31 xướng họa chơi với các em Cô. Ông Tê muốn xem những bài ấy để tìm hiểu tâm trạng của cô hồi còn nhỏ, lời ông Tê.
- Cái ảnh của Hoàng Tùng Ngâm gởi tặng.
- 4 mảnh thư của H. T. Ngâm gởi cô có liên quan đến HMT.
- 18 bài thơ của HMT lúc mới làm xong “Ngâm đem về cho coi, tôi chép lại để anh thấy nét chữ của tôi hồi đó. Cũng có thể trong mấy bài thơ trên sau này có bị sửa đổi nhiều chữ như trong tuyển tập HMT của Chế Lan Viên.”
- Hai bài của Hoàng Vân Nghi (em Hoàng Tùng Ngâm).
- Bài của Kiêm Đạt do ông anh ở Mỹ gởi về.
- Và “mới đây anh Niên đã gởi tất cả các bản chính vào anh chị luôn, tôi không giữ lại bài nào.” (thơ gởi cho Võ Long Tê ngày 10 tháng 9 1987).

Sau khi gởi hết tài liệu đi rồi, Cô thấy hụt hẫng thế nào ấy nên đã than thở với ông Tê (thư đề ngày 10/9/87), “thật tình tôi cũng không hiểu vì sao từ bao nhiêu năm nay vẫn tâm nguyện giữ kỹ mối tình thầm lặng của nhà thơ, nhất là không muốn phô trương trên mặt báo. Vì lẽ đó, tôi đã cương quyết không trả lời với bất cứ ai đến hỏi trong thời gian qua, thế mà không hiểu vì sao nay lại có thể trao tất cả nỗi niềm riêng tư của mình cho anh Niên và anh chị, tự nhiên cảm thấy mình bị chịu thiệt mất rồi.” Đọc mấy dòng này, tôi thấy bùi ngùi thương Cô xót xa. Không hiểu vì sao giáo sư Võ Long Tê không hề liên lạc với Cô nữa sau khi nhận đủ những tư liệu cần thiết cho công việc biên khảo của ông. Bức thư ông viết cho Cô đề ngày 30 tháng Sáu, 1988 cám ơn đã nhận đủ tất cả tài liệu là lần cuối cùng ông liên lạc với Cô. Gia đình họ Hoàng chúng tôi tha thiết yêu cầu gia đình giáo sư Võ Long Tê hoàn trả tất cả những gì giáo sư mượn của Cô ngày trước để Cô được mỉm cười an vui ở một cảnh giới nào đó.
 

Bút tích bức thư của Võ Long Tê


Tư liệu được phổ biến

Tôi có thể đoán được lý do tại sao bỗng dưng Cô lại chịu buông bỏ lời nguyền xưa, ân cần trao hết tài liệu cho nhà khảo cứu Võ Long Tê năm 1986, 1987, và 1988. Lý do ấy được Cô trình bày trong bức thư gởi cho ba tôi: “Em nghĩ các tư liệu đó là của văn học nước nhà, không phải của riêng em, với lại gặp dịp có người đứng đắn, giỏi, ông [VLT] viết rồi dịch qua tiếng Pháp, nên em cho ông mượn các tư liệu em có, để ông dựa theo đó mà viết cho chính xác, cũng là một cách gián tiếp cải chính những sai lầm mà lâu nay nhiều người đã viết”.

Đối với bài viết của Kiêm Đạt, Cô bực tức hơn cả lúc đọc tập Văn có bài của Quách Tấn nói về thân thế thi sĩ Hàn Mạc Tử có nhiều đoạn quá sai sự thật, nhất là khi đoàn cải lương dựng màn hát dựa theo những dữ kiện sai lạc ấy, cho nên khi ông Nguyễn Đình Niên - giáo sư dạy văn ở Trường Đồng Khánh - xin Cô tài liệu để viết luận án cao học về Hàn Mạc Tử thì Cô bằng lòng ngay, vì Cô sợ ông Niên sẽ dùng tài liệu sai lạc của Quách Tấn (thư cô viết cho QT ngày 15/1/1971). Cô còn hỏi Quách Tấn nếu cần tài liệu để viết lại bài khác cho đúng sự thật hơn thì Cô sẽ sẵn sàng. Cô viết: “Lâu nay nhiều người muốn gặp tôi hỏi về HMT, song tôi đều từ chối, vì nghĩ rằng đó là một câu chuyện riêng tư, không muốn ai biết, nhưng nay mọi người đều biết, và biết sai, sẽ không lợi cho lịch sử sau này và cũng không hay cho thân thế thi sĩ, nên buộc lòng tôi phải lên tiếng.

Trong thư gởi Tuấn Khanh (1/10/87), học trò cũ của Cô và cháu gọi HMT bằng cậu, Cô viết, “…cô đã trả lời những câu thầy Niên hỏi. Thầy hỏi rất dè dặt và viết cũng rất kín đáo. Thầy Niên là người đầu tiên mà cô tiếp xúc để nói về H.M.T sau bao nhiêu năm âm thầm giữ kín. Năm kia thầy Niên này nỉ cô có tài liệu gì gởi cho thầy Võ Long Tê [thầy cũ của giáo sư Niên], thầy Tê đang viết về HMT. Thầy Tê là người đứng đắn, học rộng biết nhiều. Nghĩ vì ngày nay nhiều người biết câu chuyện tình của cậu [HMT] mà biết sai lạc, nên cô mới đưa tài liệu cho thầy Tê, để sau này họ khỏi phỏng đoán này nọ, rồi xuyên tạc mãi đi xa sự thật.

Cô càng thấy cần thiết phải đính chính sau khi thấy Chế Lan Viên viết nhiều chi tiết sai lạc về Cô trong bài “Ông Nghị Gật“ đăng ở tờ Sông Hương số 15, ngày 25 tháng 5 năm 1987. Lúc đầu Cô cũng định lặng lẽ cho qua nhưng khi thấy Chế Lan Viên viết rằng bài thơ Ở đây thôn Vỹ Giạ được đăng trong tập Nắng Xuân thì Cô tự tay viết cho Chế Lan Viên (10/9/1987) phiền trách ông đã không tìm cách kiểm chứng dữ kiện trước khi cho đăng báo. Tập Nắng Xuân do Hàn Mạc Tử tự xuất bản năm 1937; bài thơ Thôn Vỹ được làm năm 1939 không thể có mặt trong tập Nắng Xuân được. Cô bực mình vì Chế Lan Viên đã dành lấy tập Nắng Xuân - bản Hàn Mạc Tử tặng Cô - trên tay Vân Khanh, cháu của Hàn Mạc Tử, rồi đưa bài Ông Nghị Gật từ tập Nắng Xuân đăng trong tờ báo Sông Hương với những lời bàn của ông về Cô làm Cô phiền lòng lắm.

Theo thư gởi cho ba tôi ngày 11/5/1988, thì Cô muốn chờ sách của ông Tê in xong sẽ gởi “tặng anh để anh ngạc nhiên, bất ngờ thì hay, song nay nghĩ lại, em cần để anh và chị em biết trước, mặc dù biết đại khái, để khi có sách xem biết thêm chi tiết thì càng hay, chứ nay không nói trước với anh chị em trong nhà thì em sai quá…. Đúng ba tháng sau, ngày 11/8/1988, Cô bị tai nạn giao thông rồi hôn mê luôn. Có thể vì linh cảm được điều này chăng nên Cô thấy cần kể lể với ông anh rồi còn căn dặn: “Anh xem xong đưa mấy cháu xem cho vui. Nếu có thể được, anh đánh máy cho em vài bản về đoạn em kể câu chuyện tình của HMT em gởi cho mấy chị em ở đây coi... Khá Anh [Hoàng Tế Ngộ], Khá Em [Hoàng Hoan Nghinh]), hay Em Nhỏ [Hoàng Thị Ngọc Anh] thì có biết chuyện, song cũng biết lờ mờ, vì em cũng không nói chi hết, mấy em ở trong nhà cũng chỉ biết qua sách báo... Trong gia đình, anh là người đầu tiên mà em kể câu chuyện tâm tình của em. Với người ngoài thì em có nói với ông đang viết về HMT [Võ Long Tê] có liên quan đến em mà thôi.

Nhân vật Hoàng Tùng Ngâm

Tôi đọc đi đọc lại những bức thư người thân của Cô gởi sau ngày Hàn Mạc Tử qua đời mà ngậm ngùi thương cảm. Tôi nghĩ là tôi có thể hiểu được tâm tình của Cô, hiểu được tại sao Cô vẫn một mực kêu “oan” là mình không hề đáp lại mối tình si của thi sĩ, cho nên Quách Tấn đành phải kết luận mối tình đầu của thi sĩ là mối tình đơn phương. Thưa, cô tôi là một người có một “tâm hồn ủy mỵ” - lời Cô nói về mình trong bài Một năm qua (xem phần III) - là một con người ướt át, đa sầu đa cảm. Tôi còn nhớ sau 1954, khi nghe hát bài ‘Hướng về Hà Nội’, mặc dầu chưa hề biết Hà thành, Cô xúc động lặng lẽ rơi nước mắt. Không lẽ nào Cô không có chút động lòng khi nhà thơ trẻ đón đường e thẹn làm quen. Hàn Mạc Tử đón đường hai lần, và hai lần Cô hấp tấp bỏ đi không dám đứng lại chuyện trò, mặc dầu chàng trai trẻ kia đâu phải là người xa lạ. Cô đã biết thi sĩ qua người em thúc bá Hoàng Tùng Ngâm. Chú Ngâm là người bạn thơ rất thân với Hàn Mạc Tử. Chú cũng làm việc ở Quy Nhơn và ở cùng nhà với ông nội tôi nhưng chú cho làm một túp ‘lều tranh’ riêng của chú sát vách nhà lớn ở trên đường Khải Định, cách nhà Hàn Mạc Tử mấy căn thì phải. Chú muốn ở riêng biệt như vậy để bạn bè chú được tự do lui tới mà Hàn Mạc Tử là vị khách thường xuyên của cái lều tranh đó. Thi sĩ có làm tám câu thơ vịnh ‘Lều tranh ông Hoàng’ - là ông Hoàng Tùng Ngâm, không dính dáng gì đến lầu ông Hoàng ở Phan Thiết - tặng bạn, dán ở trước cửa lều mà Cô chỉ nhớ hai câu đầu:

Một lều trăng gió ngó lôi thôi
Mái lủng tường xiêu cũng sướng rồi…


Chú Ngâm là người báo tin cho Cô biết Hàn Mạc Tử đau nặng và xin Cô gởi thư thăm hỏi người xưa. Cô rất thương cảm nhưng cũng chỉ viết đôi dòng hỏi thăm sức khỏe sau một tấm ảnh phong cảnh mua ở hiệu chụp hình Tăng Vinh, Huế, mà cũng chỉ gởi nhờ chú Ngâm trao lại. Em lấy chồng, bài thơ ở trang cuối của tập Gái Quê, thi sĩ đề “tặng Thanh Trai họ Hoàng”. Thanh Trai là biệt hiệu của Hoàng Tùng Ngâm.

H.T.Q.H
(SH296/10-13)

.....................................................
(1) Phần phụ lục trong cuốn hồi ký của Quách Tấn do Quê Mẹ xuất bản 1988, bà Như Lễ, chị ruột Hàn Mạc Tử, phiền trách ông Trần Thanh Mại đã đưa ra những điểm sai sự thật về gia đình thi sĩ trong cuốn sách của ông. Lời bà Như Lễ: “Trần Thanh Mại nói về trường hợp sanh Hàn Mạc Tử một cách hết sức xuyên tạc! Ông nói rằng bà thân chúng tôi đã uống rượu lậu của ông thân chúng tôi bắt được, và say sưa lướt khướt. Do đó sanh ra Tử thiếu tháng. Cho nên Tử sanh ra chỉ bằng con nhái chàng nằm lỏng lẻo trong bàn tay một người lớn.” (tr. 156).
(2) Võ Đình Cường, Huyền thoại về người tình đầu tiên của Hàn Mạc Tử và bài thơ Đây Thôn Vỹ Dạ, tr 45 trong Tập Thành Đạo, PL 2535 (số 22 tháng 1/1992).
(3) Quách Tấn, Đôi nét về Hàn Mạc Tử, tr 65, Nxb. Quê Mẹ, 1988.
(4) (6) Võ Đình Cường, Mấy tư liệu chính xác về Mối tình giữa Hàn Mạc Tử và Hoàng Thị Kim Cúc trong Tập văn Phật đản P.L. 2536 của Ban Văn Hóa Trung Ương Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam số 23 tháng 5, 1992.
(5) Quách Tấn, Đôi nét về Hàn Mạc Tử, tr 64.
 



 

Các bài mới
Các bài đã đăng