Tác giả-tác phẩm
Đối thoại với tác giả trẻ Nguyễn Quang Lập
14:18 | 05/12/2013

Bỗng dưng trời chuyển mát, như thế một mùa thu hiếm hoi nào bất ngờ đột nhập vào giữa những ngày hè chói chang của Huế. Chiếc xe đạp già nua, bướng bỉnh của tôi xem ra có vẻ nhạy cảm với thời tiết nên đã chịu khó tăng tốc, giúp tôi kịp đến tòa soạn Tạp chí Sông Hương đúng giờ hẹn. Cuộc tọa đàm thân mật với tác giả trẻ Nguyễn Quang Lập.

Đối thoại với tác giả trẻ Nguyễn Quang Lập
Nhà văn Nguyễn Quang Lập - Ảnh: internet

Trong phòng tiếp khách, các anh Tô Nhuận Vỹ, Tổng biên tập, Thái Ngọc San, Thư ký tòa soạn, và nhà văn Nguyễn Quang Lập đã có mặt. Tôi là người đến sau cùng của buổi trao đổi “thân tình và thẳng thắn” hôm nay.

- “Một giờ trước lúc rạng sáng”(1) ra đời là một thành công đáng mừng.

- Vừa pha trà, anh Tô Nhuận Vỹ vừa đưa chúng tôi vào chuyện.

- Bằng những sáng tác của mình, thời gian qua, Nguyễn Quang Lập phần nào tiêu biểu cho đội ngũ những người viết văn trẻ hiện nay. Khác với giai đoạn đầu, trong vòng năm năm trở lại đây, đội ngũ này đã đóng góp những sắc thái mới cho văn học Bình Trị Thiên nói riêng và cả nước nói chung. Họ rất năng động trong việc phát hiện đề tài, mạnh bạo trong tư duy và tự tin trong làm việc. Điều đáng buồn là những bài phê bình về tác phẩm của họ phần lớn rơi vào tình trạng “đực cái bất phân”, khuyết điểm nói không tới nơi, ưu điểm cũng không khẳng định được sắc thái. Ưu và khuyết trong sáng tạo nghệ thuật là điều hết sức bình thường, nhưng viết “bình bình, thường thường” về ưu và khuyết như đã từng có trong bao năm qua là điều rất không bình thường. Phủ dụ không ra phủ dụ, nhắc nhở không ra nhắc nhở, đó là sự trì trệ trong phê bình văn học hiện nay. Thái độ lập lờ, không đi đến tận cùng chính kiến đã khiến không ít tờ báo không phát huy được hiệu quả mà ngược lại đã biến chuyển mục “ý kiến bạn đọc” thành đồ trang sức cho một thứ trò chơi dân chủ, thành cái mộc che đỡ cho các ban biên tập sợ “Gió máy cuộc đời”, kiểu phê bình như vậy không giúp cho tác giả phát hiện ra cái mạnh đích thực và chưa đích thực của mình, thậm chí đẩy họ vào tình trạng hoang mang. Nếu tôi không nhầm thì chính Nguyễn Quang Lập cũng có lúc có những dấu hiệu dao động về cái “mạnh” trong sáng tác của mình.

- Đến giờ G rồi phải không? - Nguyễn Quang Lập vừa cười vừa tiếp lời anh Vỹ. - Điều đó tôi cũng thấy được qua một số bài phê bình các truyện ngắn của tôi. Có khi họ phát hiện ra những vấn đề mà chính chủ nhân của những tác phẩm ấy cũng phải sửng sốt. Tôi không ngần ngại tự khen mình “giỏi quá” nếu trong lúc sáng tác, tôi nghĩ ra được những điều mà họ gán cho tác phẩm của tôi. Ngược lại, cũng có những bài phê bình rập khuôn theo một mô hình có sẵn, có khen, có chê nhưng người được phê bình không thể rút ra được một “bài học” nào cả. Tôi thường trực tiếp nghe ý kiến của bạn bè hơn là ý kiến của các nhà phê bình đăng trên báo.

- Giữa người phê bình và người sáng tác đúng là đang tồn tại một khoảng cách như thế - tôi nói. - Nhưng có lẽ cũng không nên loại trừ khả năng nhiều khi ý nghĩa khách quan của bản thân hình tượng nghệ thuật vượt ra ngoài ý đồ sáng tạo của tác giả.

Hình như đã bắt đầu “nóng máy” anh Thái Ngọc San sôi nổi hẳn lên:

- Người sáng tác bao giờ cũng phải lắng tai để nghe, nghe để tự bản thân mình phải vượt lên. Tiếc rằng không khí phê bình hiện nay ít có khả năng hỗ trợ cho các tác giả nhìn thấy đúng chân dung của mình. Điều tôi quan tâm hàng đầu là làm thế nào để có thể hình thành được những tác giả có bản sắc. Không thể chờ đợi một cách thụ động, các tờ báo và các nhà phê bình có phần trách nhiệm không nhỏ trong việc hình thành cái bản sắc ấy. Về trường hợp của Nguyễn Quang Lập, tôi không ngần ngại khi khẳng định rằng đang có những tín hiệu báo trước sự xuất hiện của một bản sắc từ truyện ngắn đầu tay Người lính hay nói trạng đăng trên Sông Hương, và sau đó là Tiếng lục lạc. Cả hai truyện này đều đầy chất lạc quan, yêu đời. Không lạc quan không thể nào biết được nỗi đau như ở Tiếng lục lạc. Cả hai truyện đều hoàn chỉnh về bố cục lẫn “chất truyện” của nó. Và như vậy, một con đường riêng của Nguyễn Quang Lập đã được vạch ra. Người ta đã tốn không ít nước bọt và giấy mực để thẩm định tư cách truyện ngắn. Đó không phải là một việc làm vô ích mà cần phải được tiếp tục. Theo tôi, truyện ngắn của chúng ta hiện nay đang gặp khó khăn, nếu không muốn nói là bế tắc. Truyện ngắn bây giờ đang rất cũ.

- Nếu không kể một vài truyện yếu (chẳng hạn như Một giờ trước lúc rạng sáng) thì hầu hết truyện ngắn của Nguyễn Quang Lập đều trên trung bình hoặc khá. - Anh Tô Nhuận Vỹ tiếp - Cái yếu của Nguyễn Quang Lập tập trung vào những đề tài mà chính tác giả chưa thực sự tường tận về con người và cuộc sống trong phạm vi của đề tài đó. Nhiều truyện của Nguyễn Quang Lập gây được không khí tranh luận. Đó là một dấu hiệu tốt. Nguyễn Quang Lập tỏ ra thông minh, sắc sảo, bén nhạy trong việc phát hiện ra những vấn đề có kịch tính cao. "Tính vấn đề" cũng bộc lộ một cách mạnh mẽ trong một số sáng tác của Nguyễn Quang Lập. Nó thể hiện một trình độ tư duy cao hơn lớp nhà văn vào nghề từ những năm cuối 60 - đầu 70 như thế hệ chúng tôi. Không riêng gì Nguyễn Quang Lập, ý đồ “lập ngôn” thông qua những chủ đề tư tưởng lớn thể hiện khá rõ trong tác phẩm của nhiều anh chị em trẻ những năm gần đây. Nhưng ở một chừng mực nào đó, Nguyễn Quang Lập tỏ ra xông xáo hơn, kiên trì để đi đến “cái tận cùng” của vấn đề được đặt ra. Điều đó tôi nhận thức được sau khi đọc “Đò ơi” và “Cây sến lửa” tôi thích hai truyện ngắn này. (Nhân tiện nói luôn một cư xử thật đáng buồn của tờ báo, chỉ đăng truyện Cây sến lửa: Nguyên truyện có tên là cây chò lửa. Tờ báo đó chữa lại là cây sến vì nói rằng, trong Lăng Bác có cây chò, sợ phạm húy. Chuyện có thật đấy, tôi không hề bịa). Đã một thời gian dài văn học và đời sống xã hội của chúng ta thường chú ý đến cái chung mà bỏ qua cái riêng. Chú ý cái tập thể mà quên đi cá thể, đề cao cộng đồng mà lãng quên cái dị biệt.

Quan niệm thẩm mỹ đó đã chi phối mạnh mẽ suốt một quãng đời sáng tạo của thế hệ chúng tôi. Nhiều khi ngồi nghĩ lại tôi không khỏi rùng mình.

Nhận xét của anh Tô Nhuận Vỹ làm tôi liên tưởng đến con đường đi của văn học Xô Viết đương đại. Không riêng gì ở Liên Xô mà hầu như văn học các nước xã hội chủ nghĩa ngày nay có xu hướng loại bỏ ra khỏi những nỗ lực sáng tạo của mình cái nhiệm vụ “trưng bày hàng mẫu". Nó tỏ ra dứt khoát trong việc phơi bày tất cả sự thật về cuộc sống và con người, giúp con người tự khám phá ra sức mạnh của chính mình để có thề đi tiếp trên con đường hoàn thiện nhân cách.

Ngừng một lát, anh Vỹ tiếp:

- Trong truyện Cây sến lửa, nếu theo quan niệm thông thường thì có thể kết thúc ngay sau khi nhân vật của Nguyễn Quang Lập giết xong người bạn phản trắc, nhưng Nguyễn Quang Lập đã không dừng lại ở đó. Sau khi giết Ba-đoong, CuMôn thấy cả nửa cuộc đời mình đã chết theo cái chết của người bạn. Bi kịch của CuMôn là ở chỗ phải giết bạn mà vẫn rất thương bạn: “Không giết mi, mi hại nhiều lũ làng nữa, phải giết thôi. Nhưng mi là bạn tau. Tau thương lắm. Tau không muốn mi chết”. Và từ những giọt nước mắt khóc bạn của CuMôn đã mọc lên một cây Sến, đúng hơn là một nhân cách. Đó mới là con người-nhân-loại. Nếu ra đời cách đây 10 - 15 năm, chắc chắn Bùi Việt Pháo trong truyện ngắn Đò ơi sẽ được xếp vào loại nhân vật tiêu cực, bởi người ta không dễ chấp nhận những khuyết điểm như vậy trong cuộc sống của một người anh hùng. Tôi cho rằng sự ray rứt của Bùi Việt Pháo suốt quãng đời còn lại của nhân vật ấy còn anh hùng hơn những năm tháng ông ta vật lộn với bom đạn. Đây là một kiểu anh hùng hoàn chỉnh. Tính cách của nhân vật anh hùng được bộ lộ trọn vẹn hơn qua quá trình tự đấu tranh với bản thân. Trong tình hình của chúng ta hiện nay, những tác phẩm như Cây sến lửa, Đò ơi, cần phải được khẳng định. Cái mạnh nhất của Nguyễn Quang Lập là đi đến tận cùng của cái riêng để đạt được một cái chung, nhưng hình như Nguyễn Quang Lập chưa thấy hết chỗ mạnh của mình, đôi khi anh lại quay về với những công thức rạch ròi, dễ dãi trong cách xây dựng nhân vật. Dù kiểu người như Cu Chơn trong Chuyện sót lại ở thung lũng Chớp ri có thực trong cuộc đời thì nó vẫn không thật và có truyện khoa học viễn tưởng lại cứ thật như chính cuộc đời. Dù là cái cao cả hay cái thấp hèn, khi được đẩy đến tận cùng đều có những dấu hiệu kỳ dị. Người đọc rất dễ bị “dị ứng” trước một đối tượng thẩm mỹ như vậy. Chuyện sót lại ở thung lũng Chớp ri có không ít người thích. Nhưng tôi thì rất băn khoăn, có thể nói là không thích. Một đứa bé nung nấu suốt ngày, suốt đêm, cả trong giấc mơ, cả trong trò chơi và cư xử quyết tâm diệt Mỹ, ước mong đi bộ đội đến viết cả khẩu hiệu lên ba lô, “đập” lại cả người lớn, bỏ trốn để đi về phía tiền tuyến (em trên dưới mười tuổi), tôi đọc cứ vô hồi bắt nhớ lại truyện một đứa bé cũng trên dưới mười tuổi, trong hàng loạt sách báo tuyên truyền một thời ở Trung Quốc, lạc trong bão tuyết cùng hàng ngàn con cừu, đã nhớ lời dạy của Mao Chủ tịch nên phát thông minh và thêm sức mạnh, đã tìm được cách sống và đưa được cả đàn cừu về cho công xã. Riêng tôi, tôi cho rằng Chuyện sót lại ở thung lũng Chớp ri chứng tỏ Nguyễn Quang Lập hoang mang trong việc khẳng định cái mạnh của mình. Rất có thể tác giả không nhất trí, nhưng tôi cho rằng một gợi ý như vậy là cần thiết đối với Nguyễn Quang Lập.

Khác với anh Tô Nhuận Vỹ, tôi là một trong những người thích Chuyện sót lại ở thung lũng Chớp ri. Có thể không có trong ý đồ sáng tạo của tác giả, nhưng điều tôi quan tâm ở truyện ngắn này là vấn đề chọn lựa những giá trị trong cuộc sống, từ góc độ có thể góp phần khẳng định thêm chỗ mạnh của Nguyễn Quang Lập. Thương sẵn sàng đem cả cuộc đời mình để lau khô vết máu trên cuộc đời của người khác, muốn sống hoàn toàn cho hạnh phúc của Chơn, nhưng không thể chạy trốn nỗi cô đơn và những nhu cầu bình thường trong cuộc sống của con người. Có thể mức độ bi kịch ở đây không đậm đặc như trong Đò ơi, Cây sến lửa, nhưng rõ ràng nhân vật Thương đã được giải phóng ra khỏi những công thức giả tạo. Kiểu tính cách như CuMôn trong Cây sến lửa, Bùi Việt Pháo trong Đò ơi, và ở một chừng mực nào đó là Thương trong Chuyện sót lại ở thung lũng Chớp ri đã mang lại cho người đọc những cảm nhận sinh động về chiều sâu tâm lý của những chiến công anh hùng, của những hành vi cao cả. Nhân vật không bị lược quy vào những sơ đồ có sẵn mà gần gũi với người đọc, giúp người đọc dễ phát hiện ra chính bản thân mình.

Dường như để củng cố những chỗ thống nhất và chưa thống nhất trong ý kiến của chúng tôi, Nguyễn Quang Lập trình bày cặn kẽ hơn cái “duyên nợ văn chương” của anh:

- Tôi làm thơ trước khi viết văn. Thơ tôi được đăng và cũng có lần được giải thưởng nhưng tôi vẫn có cảm giác rằng thơ không giúp tôi giải quyết được những nhu cầu nội tâm. Về sau, tôi nghĩ rằng đó là một cảm giác giả tạo. Tôi là người ít đọc, nhưng kể từ 1982, khi tôi có ý đồ chuyển sang viết truyện ngắn, tôi đã phải đọc rất nhiều, chủ yếu là truyện ngắn trên văn nghệ và văn nghệ quân đội nhưng phần lớn truyện nào cũng như truyện nào, rất ít truyện mang lại cho tôi những khoái cảm thẩm mỹ tối đa. Tôi quay lại với những truyện ngắn của Nam Cao, Nguyễn Công Hoan. Nam Cao thì khỏi nói, còn hình như Nguyễn Công Hoan tôi không thích. Mãi đến năm 1984 tôi mới viết Người lính hay nói trạng, và đó là truyện ngắn đầu tay của tôi. Tôi viết truyện này một cách ngẫu nhiên. Nhân đọc những bài viết về chuyện trạng của anh Phùng Quán và Võ Xuân Trang, đặc biệt là chuyện trạng Vĩnh Hoàng, tôi liên tưởng đến những chuyện trạng được lưu hành rộng rãi trong cuộc sống của người lính và tôi cứ viết tự nhiên như vậy. Sau khi

Người lính hay nói trạng xuất hiện trên Sông Hương, anh Nguyễn Khoa Điềm khuyên tôi: “Cậu nên đi vào truyện hơn thơ”. Có thể nói, nhận xét của anh Điềm đã hình thành trong tôi niềm tin đầu tiên, sau đó tôi viết Tiếng lục lạc và cảm thấy mình đã có một sự tiến bộ nhất định.

Anh Vỹ có đề cập đến “Ý thức lập ngôn” trong một số truyện của tôi, thực ra tôi chưa bao giờ có ý định viết truyện để răn dạy người đời. Tôi viết truyện vì bị thôi thúc bởi những nhu cầu nội tâm. Có thể thành công hay thất bại, nhưng rõ ràng nỗi đau của tôi là có thật, không giả vờ. Tôi thường bị ám ảnh bởi nhân vật, và tôi viết ra khi nhân vật đã hình thành rõ nét trong tôi. Tôi ít tả hình dáng mà thích triển khai chiều sâu nội tâm của nhân vật. Tôi rất tâm đắc một câu nói của Bửu Chỉ: “Sáng tác đối thoại với cuộc sống”. Truyện ngắn là gì? - là một số phận luôn luôn hiện lên như một dấu hỏi đáng để người đời quan tâm.

Trừ Người lính hay nói trạng, những truyện tiếp theo tôi viết rất có ý thức. Còn Một giờ trước lúc rạng sángBông cỏ mặt trời là một “ngoại lệ”, nghĩ một đường, viết một nẻo. Hai truyện ấy tôi viết về miền Nam và đều đổ cả hai. Đúng là mỗi người phải tạo cho mình một vùng đất riêng.

Tôi rất tán thành ý kiến nhận xét của anh Vỹ về truyện Cây sến lửa, nhưng đó không phải là truyện hay nhất của tôi. Thực ra ở đó, tôi đã cố ép các tình huống để chứng minh cho một chân lý. Tôi cũng có những suy nghĩ không giống anh Vỹ về Chuyện sót lại ở thung lũng Chớp ri. Có thể tôi không thực hiện được ý đồ của mình, nhưng thông qua truyện ngắn ấy, tôi muốn đề cập đến vấn đề đức tin. Cu Chơn đã có những đòi hỏi cực đoan vì nó không thể đảo ngược những tiêu chuẩn giá trị đã bám rễ rất sâu trong nhận thức của nó. Chính vì vậy sự ra đi của nó là để đáp ứng một nhu cầu giải thoát. Có một cá tính mạnh mẽ, nhưng Chơn không phải là người anh hùng. Niềm tin của Chơn là một niềm tin rất nguy hiểm, đó là “ngu tin”, bởi vì cuộc sống cứ phải trôi theo đúng quy luật của nó.

Anh Thái Ngọc San:

- Khi quan tâm tới một tác giả nào đó, tôi vẫn có thói quen xem trong tác phẩm họ chọn cái gì giữa vô số những chất liệu của cuộc sống, và sau đó là những phương tiện nghệ thuật mà nhà văn đã sử dụng để xử lý đề tài đã được chọn lựa. Trong truyện ngắn, tôi quan tâm đến hai vấn đề: bố cục và tính cách. Anh xây dựng một mẫu người mà người đọc không thể chấp nhận được sẽ bị lố bịch ngay tức khắc. Điều đáng mừng là Nguyễn Quang Lập tạo được thế mạnh trong thiết kế bố cục và khắc họa tính cách. Tất nhiên vẫn có những truyện chưa thuyết phục được tôi, chẳng hạn Tiếng kèn Trom-pet và đặc biệt là Một giờ trước lúc rạng sáng. Điều đáng tiếc là truyện kém nhất lại được trao cái “vinh dự” đại diện cho cả tập truyện. Cu Chơn trong Chuyện sót lại ở thung lũng Chớp ri cũng là một sự quá đà của Nguyễn Quang Lập. Người vẽ chân dung giỏi có thể bằng những nét rất tiết kiệm mà vẫn bộc lộ được tính cách của nhân vật. Giữa ý đồ của tác giả và hiệu quả khách quan của bản thân tác phẩm thường tồn tại một khoảng cách khắc nghiệt nếu ngòi bút của tác giả tỏ ra thiếu bản lĩnh.

Tôi nhìn đồng hồ. Đã 17 giờ kém 5.

Dù còn những ý kiến khác nhau, giữa chúng tôi vẫn có sự thống nhất trước những vấn đề sinh tử của văn nghệ nói chung và tác phẩm của Nguyễn Quang Lập nói riêng.

- Điều quý nhất là chúng ta đã trao đổi với nhau hết sức thẳng thắn, với tư cách “chủ nhà” anh Vỹ kết luận. Ở Bình Trị Thiên, lực lượng cầm bút của chúng ta đông, nhưng số có sắc thái không nhiều, về truyện ngắn có thể kể đến Nguyễn Quang Lập, Thái Ngọc San, ký có Hoàng Phủ Ngọc Tường, Nguyễn Quang Hà, thơ có Nguyễn Khoa Điềm, Lâm Thị Mỹ Dạ và ở một chừng mực nào đó, có thể kể thêm Phạm Tấn Hầu... Cái còn lại với đời chính là bản sắc. Cái khó nhất cần phải vươn tới của bất kỳ một nhà văn nào cũng chính là bản sắc. Có lẽ cũng nên nhấn mạnh một lần nữa với Nguyễn Quang Lập rằng anh đã mở ra cho mình con đường để đi đến một bản sắc, và chỉ nên đi một hướng...

Chúng tôi chia tay nhau. Nguyễn Quang Lập tranh thủ “đáp lễ” anh Vỹ bằng một ý kiến khá độc đáo: “Tiểu thuyết là một trận bóng đá, nhưng truyện ngắn là một phát “sút” 11 mét”.

Huế, 2-6-87
TRẦN THỨC ghi


---------------
(1) Tập truyện ngắn của Nguyễn Quang Lập, Nhà xuất bản Thuận Hóa xuất bản 1987.








 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng